Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

NGUYỄN ÁNH THỐNG NHẤT ĐẠI VIỆT ?

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: “Sau khi lên ngôi, thành lập vương triều Nguyễn năm 1802, nhà Nguyễn đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước – sự nghiệp mà nhà Tây Sơn và người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã mở ra nhưng chưa hoàn thiện.
Vua Gia Long lên ngôi đã góp phần hoàn thiện vào sự nghiệp thống nhất đất nước”.
Ông Cường còn nhắc lại: “GS.NGND Phan Huy Lê sau này khẳng định rằng trong quá trình đất nước ta bị chia cắt trong một thời kỳ hàng trăm năm, phong trào Tây Sơn đã tạo tiền đề cơ bản bằng việc đánh đổ nhà Nguyễn, đánh đổ chúa Trịnh, tạo điều kiện cho việc thống nhất đất nước. Còn nhà Nguyễn hoàn thiện sự thống nhất đất nước, như thế mới đầy đủ”
“Nguyễn Huệ trồng cây. Gia Long hái quả”
Người viết bài này tình cờ đọc được bài viết về Nguyễn Ánh của PGS.TS Trần Cao Sơn và nhận thấy có một số quan điểm của PGS.TS Trần Cao Sơn là rất xác đáng về Nguyễn Ánh. PGS.TS Trần Cao Sơn sinh năm 1952 tại Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông từng là Tiến sĩ tại Viện Phương Đông học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và là nhà nghiên cứu chuyên ngành Lịch sử quan hệ quốc tế. Ông hiện công tác tại Viện Xã hội học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Tuong-dai-anh-hung-dan-toc-Quang-Trung---Nguyen-Hue-o-Hue
Tượng đài Anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ ở Huế

Trong bài “Nguyễn Ánh – một ẩn số của lịch sử Gia Long và triều Nguyễn – một thực thể vương quyền Đại Việt” (Tạp chí Sông Hương, cập nhật lúc 16 giờ 7, ngày 2-6-2009), PGS.TS Trần Cao Sơn đã nhận định rất đúng rằng: “Cái khác biệt cơ bản và trọng tội của Nguyễn Ánh… Nguyễn Huệ muốn đập tan các thế lực cát cứ để đưa giang sơn về một mối. Nguyễn Ánh lo bảo vệ cho chế độ chúa Nguyễn Đàng Trong của mình”.
PGS.TS Trần Cao Sơn cũng nhận xét rất đúng rằng: “Nguyễn Huệ trồng cây. Gia Long hái quả”, trong khi hiện nay có ý kiến Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh ai là người có công thống nhất đất nước. Và PGS.TS Trần Cao Sơn cũng nuối tiếc: “Đáng tiếc cho phong trào Tây Sơn và cũng là cho cả dân tộc, Nguyễn Huệ đã ra đi đột ngột…”.
Thực tế là các chúa Nguyễn, các đời trước của Nguyễn Ánh, trong vòng 100 năm đều không thể thắng được các chúa Trịnh. Kể cả trong vòng 45 năm đầu tiên (từ năm 1627 đến 1672), hai dòng họ Trịnh – Nguyễn đánh nhau 7 lần với những trận chiến ác liệt, có khi kéo dài năm này qua năm khác nhưng bất phân thắng bại. Cuộc chiến tranh đã làm hao tổn sức người, sức của dân, triệt phá đồng ruộng, xóm làng. Nhưng Tây Sơn chỉ trong vòng từ năm 1771, lúc bắt đầu khởi nghĩa đến năm 1789, lúc đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh đã chấm dứt được tình trạng Đàng Trong, Đàng Ngoài, lần lượt diệt tập đoàn phong kiến chúa Nguyễn, chúa Trịnh; đánh đuổi tên vua bán nước Lê Chiêu Thống, đánh tan quân xâm lược Xiêm La, Mãn Thanh. Làm được điều này, Tây Sơn khiến cho người Xiêm “sợ quân Tây Sơn như sợ cọp” còn Càn Long của nhà Mãn Thanh (Trung Quốc) thì buộc phải giao hảo với Đại Việt, không dám cất quân trả thù.
Sau khi đánh bại quân Thanh vào năm 1789, Quang Trung – Nguyễn Huệ trở thành nhà lãnh đạo tối cao của triều Tây Sơn và là vị Hoàng đế duy nhất cai trị tại Việt Nam vì Nguyễn Nhạc đã bỏ đế hiệu, Lê Chiêu Thống đã chạy sang Trung Quốc, còn Nguyễn Ánh khi đó địa bàn còn nhỏ hẹp và chưa xưng đế. Vua Quang Trung còn có được uy tín lớn sau chiến công chống quân Thanh, được nhà Thanh công nhận là vị vua chính thống của Việt Nam (thay thế địa vị của nhà Hậu Lê), lại dẹp bỏ được mâu thuẫn trong nội bộ nhà Tây Sơn và nắm quyền lãnh đạo thống nhất (vua anh Nguyễn Nhạc đã bỏ đế hiệu, tự giáng xuống làm vương để tỏ ý quy phục sự lãnh đạo của Quang Trung).
Năm 1792, nhà Tây Sơn dự định phát động chiến dịch rất lớn, huy động hơn 30 vạn quân thủy bộ, chia làm 3 đường: Nguyễn Nhạc theo đường bộ từ Phú Yên vào đánh Gia Định. Quân bộ của vua Quang Trung từ Phú Xuân đi thẳng qua lãnh thổ Vạn Tượng tới Nam Vang (Chân Lạp), từ đó cùng quân Chân Lạp kéo về Gia Định, bao bọc đường chạy của Nguyễn Ánh không cho sang Xiêm. Quân thủy của vua Quang Trung sẽ tiến vào đón lõng tận Hà Tiên đổ bộ lên đất liền để ngăn Nguyễn Ánh chạy ra biển. Sự chỉ đạo tối cao chiến dịch trên của Nguyễn Huệ với tư cách là hoàng đế nhà Tây Sơn chứng tỏ lúc đó Nguyễn Huệ – vua Quang Trung đã thống nhất được đất nước chứ không phải là Nguyễn Ánh.
Nhưng cái chết đột ngột của vua Quang Trung vào ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792) khi ông đang trên đường chuẩn bị dẫn đại quân đánh Nguyễn Ánh khiến cho kế hoạch trên bị đình lại. Nếu còn vua Quang Trung thì không có chuyện Nguyễn Ánh có thể diệt nhà Tây Sơn và lập ra nhà Nguyễn vào năm 1802.
Bởi vậy, quan điểm cho rằng: Nguyễn Ánh thống nhất đất nước là không đúng. Mà Nguyễn Ánh, đại diện cho giai cấp phong kiến, đã tước đoạt đi thành quả vĩ đại của phong trào Tây Sơn cũng như các cải cách tiến bộ của vua Quang Trung.
Nguyen-Anh-cau-vien-Phap-de-danh-Tay-Son-mang-mot-moi-hoa-cho-nuoc-Viet-sau-nay-hien-thuc-do-dien-ra-duoi-thoi-Tu-Duc
Nguyễn Ánh cầu viện Pháp để đánh Tây Sơn, mang một mối họa cho nước Việt sau này, 
hiện thực đó diễn ra dưới thời Tự Đức – Tranh minh họa.

Đánh giá Nguyễn Ánh phải dựa trên truyền thống của dân tộc ta. Vậy truyền thống của dân tộc ta là gì? Đó là lòng yêu nước nồng nàn và lịch sử được viết bằng công cuộc dựng nước gắn liền với giữ nước với biết bao cuộc chống ngoại xâm oanh liệt. Soi vào đó, chúng ta sẽ thấy ngay Nguyễn Ánh là một nhân vật lịch sử như thế nào!
Và trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” (1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về Nguyễn Ánh như sau:
“Gia Long lại dấy can qua,
Bị Tây Sơn đuổi, chạy ra nước ngoài.
Tự mình đã chẳng có tài,
Nhờ Tây qua cứu, tính bài giải vây.
Nay ta mất nước thế này,
Cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà,
Khác gì cõng rắn cắn gà,
Rước voi dầy mả, thiệt là ngu si”

Sự thực là Nguyễn Ánh tuy đã thấy được hậu quả việc cầu viện ngoại bang của Trần Ích Tắc (bị gọi là “Ả Trần”), Trần Thiêm Bình (bị xử lăng trì) nhưng vẫn cầu viện Xiêm. Sau khi chiếm được một phần đất Gia Định, quân Xiêm đã tìm mọi cách cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ, giết hại dân chúng. Trong bức thư gởi cho giáo sĩ người Pháp J. Liot, Nguyễn Ánh đã viết rằng: “Bọn lính Xiêm chạy theo cái cuồng vọng của chúng: Cướp bóc, hãm hiếp đàn bà con gái, vơ vét của cải, giết hại bất kỳ già trẻ”. Khi quân Xiêm bị Quang Trung đánh tan tại trận Rạch Gầm – Xoài Mút diễn ra vào đêm 19 rạng 20-1-1785 thì Nguyễn Ánh vẫn tiếp tục nương nhờ Xiêm để sinh tồn và được vua Xiêm cho “tạm trú” tại khu vực Samsen và Bangpho (Bangkok). Trong thời gian này, Nguyễn Ánh lại cầu viện Giám mục Bá Đa Lộc để nước Pháp giúp đỡ. Khoảng năm 1787, thực dân Bồ Đào Nha từ Macao sang Xiêm gặp và đặt vấn đề giúp Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh cũng sai sứ đi.
Đến ngày 28-11-1787, sau khi giao con trai là Hoàng tử Cảnh cho Giám mục Bá Đa Lộc làm “con tin” cho Pháp, tại cung điện Versailles, Thượng thư Bộ Ngoại giao Pháp là Armand Marc, Bá tước de Montmorin, thay mặt vua Pháp ký với đại diện của Nguyễn Ánh là Giám mục Bá Đa Lộc bản hiệp ước “Tương trợ tấn công và phòng thủ” (thường gọi là Hiệp ước Versailles). Hiệp ước này gồm có 10 khoản, nội dung chính là về việc vua Pháp cam kết cung cấp cho Nguyễn Ánh 4 chiếc tàu chiến loại frégaté cùng 1.200 bộ binh, 200 pháo binh và 250 lính Cafres (lính da đen châu Phi) và các phương tiện trang bị vũ khí tương ứng; ngược lại, Nguyễn Ánh chấp thuận nhường cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn cho Pháp, cho phép người Pháp được quyền tự do buôn bán và kiểm soát thương mại của người nước ngoài ở Việt Nam, cung cấp lương thực và quân nhu thiết yếu cho Pháp khi Pháp có chiến tranh với một nước khác ở khu vực Viễn Đông. Nhưng sau đó, Nguyễn Ánh không biết rằng nước Pháp tự thân nó cũng đang bùng nổ cách mạng, lật đổ vương triều Louis vào năm 1789. Do vậy, chỉ có Giám mục Bá Đa Lộc tự mình giúp đỡ Nguyễn Ánh nhưng sau này nước Pháp lại vin vào Hiệp ước Versailles để có cớ xâm lược nước ta, bắt triều đình Huế ký những hiệp ước dâng nước ta cho chúng.
Triều Nguyễn là một triều đại không được lòng dân
Do đó, khi giành được vương quyền, cai trị đất nước, nhà Nguyễn gặp phải sự chống đối của các lực lượng xã hội. Theo sử sách, thời Gia Long có 90 cuộc khởi nghĩa, thời Minh Mạng số lượng cuộc khởi nghĩa 250 vụ lớn nhỏ, thời Thiệu Trị có 50 cuộc khởi nghĩa. Đặc biệt, 36 năm trị vì của Tự Đức là thời kỳ đất nước trải qua nhiều biến động lớn. Trong nước, dân đói kém, mất mùa, các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nơi. Riêng ở Bắc kỳ có tới 40 cuộc nổi dậy của nông dân. Quân Chầy Vôi phản đối việc xây lăng Tự Đức tốn kém gấp 10 lần lăng Gia Long đã nổi loạn ngay tại kinh thành. Ngoài ra, còn có cả giặc Khách từ Trung Quốc tràn qua cướp phá và nguy cơ mất nước về tay thực dân Pháp.
Thử hỏi: Nếu Nguyễn Ánh có công lao thống nhất đất nước, chấm dứt hàng trăm năm cục diện Nam Triều – Bắc Triều, Đàng Trong – Đàng Ngoài và các đời vua nhà Nguyễn đem lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân thì tại sao là có số lượng cuộc khởi nghĩa nhiều như vậy?
Trong khi đó, sau khi lên ngôi, vua Quang Trung đã ban “Chiếu khuyến nông”. Năm 1789, vua Quang Trung bãi bỏ thuế điền cho nhân dân từ sông Gianh ra Bắc, động viên các tầng lớp nhân dân lao động phấn khởi sản xuất. Do đó, chỉ trong vòng 3 năm sau, nông nghiệp được phục hồi. Năm 1791, sử sách chép: “mùa màng trở lại phong đăng, năm phần mười trong nước khôi phục được cảnh thái bình”.
Để thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa thuận lợi, vua Quang Trung cho đúc tiền đồng mới (Quang Trung thông bảo và Quang Trung đại bảo). Đối với nước ngoài, Quang Trung chủ trương mở rộng trao đổi buôn bán, đấu tranh buộc nhà Thanh phải mở cửa biên giới để buôn bán với nước ta. Đối với thuyền buôn của các nước tư bản phương Tây, vua Quang Trung tỏ ra rộng rãi, mong muốn họ tăng cường quan hệ ngoại thương với nước ta, nhờ vậy tình hình thương nghiệp (nội thương và ngoại thương) nước ta thời vua Quang Trung được phục hưng và phát triển. Mô tả Thăng Long bấy giờ, nhà nho Nguyễn Huy Lượng sống dưới thời Tây Sơn viết: “Lò Thạch khối khói tuôn nghi ngút, thoi oanh nọ ghẹo hai phường dệt gấm, lửa đom đóm nhen năm xã gây lò”, và “rập rình cuối bãi đuôi nheo, thuyền thương khách hãy nhen buồm bươm bướm” (Phú Tụng Tây Hồ). Nền ngoại thương nước ta thời Quang Trung khác hẳn với ngoại thương thời vua Lê chúa Trịnh, chúa Nguyễn trước đó. Nó xuất phát từ yêu cầu nội tại của nền kinh tế và đời sống của nhân dân, từ yêu cầu đẩy mạnh nền kinh tế hàng hóa. Tư tưởng “thông thương” tiến bộ của vua Quang Trung đã thể hiện nhãn quan kinh tế rộng mở phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại, đó là mở cửa ải, thông thương buôn bán, khiến cho các hàng hóa không ngừng chuyển động để làm lợi cho dân chúng.
Sau khi đánh bại quân Thanh xâm lược (1789), vương triều Quang Trung đã ra sức xây dựng một chính quyền phong kiến mới tiến bộ với ý thức quản lý đất nước trên một phạm vi rộng lớn dưới một chính quyền trung ương tập trung mạnh. Xuất phát từ nhận thức của vua Quang Trung “Trẫm là kẻ áo vải đất Tây Sơn, không có một tấc đất, tự nghĩ mình tài đức không theo kịp cổ nhân mà đất đai rộng lớn như thế, nghĩ đến việc cai quản, lo sợ như cầm dây cương mục mà dong sáu ngựa”, nên trong công cuộc xây dựng chính quyền mới, vua Quang Trung rất chú trọng “cầu hiền tài”. Đối với những nho sĩ, trí thức, kể cả quan lại trong chính quyền cũ có tài năng, trí tuệ, có nhiệt tình xây dựng đất nước, vua Quang Trung đều cố gắng thuyết phục và sử dụng họ vào bộ máy nhà nước mới, đặt họ ở những chức vụ cao tương xứng với tài năng của họ. Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp… là những học giả tiêu biểu trong số nho sĩ này. Để đáp ứng nhu cầu xây dựng chính quyền mới và đào tạo quan lại mới, bên cạnh phương thức “tiến cử”, “cầu hiền tài” vua Quang Trung đã ban hành chính sách “khuyến học”, mở rộng chế độ học tập, thi cử. Trường học được mở rộng đến các làng xã, cho phép các địa phương sử dụng một số đền chùa không cần thiết làm trường học. Về nội dung, bỏ lối học từ chương khuôn sáo, cải tiến dần theo hướng thiết thực, bắt các nho sinh, sinh đồ ở các triều đại trước phải thi lại. Người nào xếp loại ưu thì mới được công nhận cho đỗ, hạng liệt phải về học lại, còn hạng sinh đồ 8 quan do bỏ tiền ra mua trước đó (thời Lê – Trịnh) đều bị đuổi về chịu lao dịch như dân chúng.
Một triều đại tiến bộ như Quang Trung do đó rất hợp lòng nhân dân và được nhân dân tưởng nhớ!
Huế, ngày 27-9-2017
Nguyễn Văn Toàn
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 470

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét