Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

SỰ PHI LÝ PHÍA SAU NHỮNG “BỘ CÁNH TỰ DO TÔN GIÁO”

  

          Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi việc thực hiện tự do tôn giáo là một biểu hiện cụ thể của vấn đề nhân quyền. Thế nhưng bất chấp điều đó, các thế lực thù địch vẫn thường xuyên bịa đặt, vu cáo về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là nhằm “bẻ lái” luật pháp về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam theo các tiêu chuẩn phương Tây.  

Theo số liệu từ Ban Tôn giáo Chính phủ, nếu như năm 1985, số lượng tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam vào khoảng 14 triệu, thì đến năm 2021 đã tăng lên hơn 26,5 triệu. Không chỉ phát triển mạnh mẽ về số lượng, các tổ chức tôn giáo, tín đồ, chức sắc ở Việt Nam đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng tích cực đối với đời sống, sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng thông qua các hoạt động thiện nguyện và đồng hành với các hoạt động của đất nước. Điển hình là trong giai đoạn đại dịch COVID-19 phức tạp, ở thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 690 tăng ni, phật tử tình nguyện tham gia các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân tại các Bệnh viện dã chiến trên địa bàn. Tại tỉnh Phú Yên, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, Ban Tôn giáo tỉnh đã chủ trương thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch và có sự hỗ trợ về nhu yếu phẩm, thuốc men cho người dân, qua đó đã tạo ra “nguồn vắc-xin ý thức” trong cộng đồng tôn giáo ở địa bàn Phú Yên, góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống dịch của cả nước.

Ảnh minh họa

Những con số và ví dụ nói trên một mặt phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác khẳng định Việt Nam không phân biệt giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo hay không; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài, dù là tôn giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận.

Những năm qua, do cách nhìn thiếu thiện chí nên một số cá nhân, tổ chức núp dưới danh nghĩa “người bảo vệ” tự do tôn giáo và nhân quyền thế giới vẫn tung ra những thông tin thiếu khách quan, những nhận định sai trái về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Điển hình là gần đây, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) công bố báo cáo về tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2021, trong nội dung báo cáo về Việt Nam, USCIRF đưa ra nhận xét với giọng điệu đầy kẻ cả rằng điều kiện tự do tôn giáo của Việt Nam trong năm 2021 không có gì khác biệt so với năm 2020. Và thông qua việc đả kích tình hình bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, USCIRF thậm chí còn đòi sửa đổi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam.

Quan điểm của Đảng ta về tôn giáo là rõ ràng, nhất quán, đảm bảo quyền tự do, dân chủ. Trong khi đó, hiện nay có một số cá nhân, tổ chức chống đối trong và ngoài nước vẫn cho rằng ở Việt Nam người dân không có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Từ đó, chúng dùng nhiều thủ đoạn để kích động đồng bào có đạo gây rối, chống phá cách mạng, nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” vô cùng thâm độc của chúng. Đó là những luận điệu sai lầm, xuyên tạc chính sách và tình hình tôn giáo của nước ta cũng như xuyên tạc tình hình tôn giáo và các hoạt động tôn giáo ở nước ta hiện nay mà chúng ta cần kiên quyết bác bỏ.

N.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét