Hiện nay, bên cạnh các vấn đề, vụ việc nhạy cảm liên quan đến
các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội mà các thế lực thù địch đã
và đang thường xuyên lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ danh
dự, hạ thấp uy tín của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta,
việc lợi dụng các vụ án mạng có nguyên nhân từ mâu thuẫn giữa các
thành viên trong gia đình là một trong những vấn đề mới hiện đang
được các thế lực thù địch quan tâm, lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu Đảng
và Nhà nước ta trong công tác giáo dục về tư tưởng, văn hóa, truyền
thống, chúng quy chụp bản chất con người Việt Nam ta hiện nay không có
tình người, tình thân gia đình.
Thực tế trong thời gian qua, ở một vài địa phương trên
cả nước, trong đó có tỉnh Phú Yên, đã xảy ra một số vụ án mạng mà
đối tượng gây án và nạn nhân là những người trong cùng một gia đình,
nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự chia sẻ, thấu hiểu giữa vợ
chồng trong cuộc sống hàng ngày dẫn đến dễ nảy sinh, bộc phát mâu
thuẫn khi xảy ra vẫn đề không vừa ý; việc không rõ ràng, mập mờ
trong các mối quan hệ dẫn đến ghen tuông làm nảy sinh mâu thuẫn.
Mặt khác, do sự lệch lạc, sai lầm trong
nhận thức, lối sống ích kỷ của một bộ phận thanh thiếu niên, dẫn đến
cảm xúc, tình cảm gia đình nhất thời bị lấn át, từ đó gây nên những
bất hòa, mâu thuẫn với người thân trong gia đình; hay là mâu thuẫn giữa anh chị em trong gia đình mà nguyên
nhân chủ yếu thường liên quan đến các quyền lợi kinh tế, mâu thuẫn
nảy sinh, bộc phát trong sinh hoạt hàng ngày,.. Điển hình một số vụ
việc xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên như:
- Vụ Trần Văn Bềnh, sinh năm 1966, giết vợ là Từ
Thị Cúc, sinh năm 1968, xảy ra ngày 09/2/2022 tại thôn Đồng Hội, xã
Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, nguyên nhân là đi nhậu về
bị vợ cằn nhằn.
- Vụ con giết mẹ xảy ra ngày 12/10/2020 tại khu phố Phú Hiệp 3,
phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên: Đối tượng Nguyễn Lâm, sinh năm 2002
cùng với bạn đã sát hại chính mẹ ruột của mình là bà Trần Thị
Thu Liều, sinh năm 1966, chỉ để cướp tài sản tiêu sài.
- Vụ
anh em ruột sát hại nhau xảy ra ngày
09/01/2022 tại xã Suối Cối 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên: Đối
tượng La Thanh Nghĩa, sinh năm 1981 do mâu thuẫn trong quá trình ăn nhậu
đã giết em ruột ngay trên bàn nhậu là La Mo Trung, sinh năm 1987.
- Hay vụ việc
xảy ra mới đây cũng trên địa bàn huyện Đồng Xuân, vào ngày 19/9/2022,
tại thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh của huyện này, đối tượng Huỳnh Văn
Hậu, sinh năm 1985, đã sát hại vợ là Võ Thị Lợi, sinh năm 1991, sau
đó tự sát nhưng không thành, nguyên nhân xác định là do ghen tuông.
Nhìn qua một vài vụ việc để chúng ta thấy rằng, hầu hết các
vụ việc xảy ra, các cá nhân trong cuộc nhất thời đã đánh mất đi sự
tỉnh táo, bình tỉnh cần có để giải quyết vấn đề một cách nhẹ
nhàng, ôn hòa, việc thiếu kiểm soát, kiềm chế trong hành động đã gây
ra những hậu quả đáng tiếc cho chính người thân trong gia đình của
mình. Và, hầu như các vụ việc trên đều gây nên bức xúc, phẫn nộ lớn
trong dư luận xã hội, bị xã hội lên án gay gắt và người gây ra hậu quả
đều phải “trả giá đắt” cho chính hành vi của mình trước pháp luật.
Một cách khách quan, có thể xem đây là mầm móng của một vấn
nạn cần phải được báo động, lên án; đó là sự khơi mào cho một mầm
móng của sự xuống cấp, suy thoái trong lối sống, đạo đức, cảm xúc
của con người, nhất là về cảm xúc tình thân gia đình. Tuy nhiên,
chúng ta cần nhìn nhận thực tế rằng, những vụ việc mang tính tiêu
cực trên đây, đó là những vụ việc hi hữu, xảy ra mang tính bộc phát
và chỉ tồn tại ở một bộ phận nhỏ cá nhân. Đó không phải là sự suy
thoái, xuống cấp mang tính bản chất của một cộng đồng, một xã hội
như lời tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch đang dành
cho người Việt Nam ta. Mà, bản chất của người Việt Nam chúng ta từ
bao đời nay, luôn đặt gia đình là nền tảng đầu tiên và cao nhất trong
việc giúp mỗi con người hình thành nhân cách, phát triển và trưởng
thành. Trong đó, tình cảm gia đình là yếu tố giúp gia đình hòa
thuận, hạnh phúc; là mối quan hệ khăng khít, gắn kết giữa các thành
viên trong gia đình với nhau, biểu hiện thông qua lời nói và hành
động, cách ứng xử của từng thành viên. Đó là tình yêu thương vợ
chồng dành cho nhau, ông bà, cha mẹ dành cho cháu con, là lòng hiếu
thảo của con cháu với bề trên, là sự hòa thuận keo sơn của anh chị
em.
Để kịp thời ngăn chặn mầm móng suy thoái
đó, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi cá nhân trong việc
tự nhận thức, xây dựng cho chính mình lối sống tích cực, biết chọn
lọc, loại bỏ các yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng, tác động, lôi
kéo mình trong các mối quan hệ hàng ngày. Cùng với đó là sự gắn
kết, chia sẻ, quan tâm, yêu thương nhau giữa các thành viên trong chính
gia đình của mình. Điều này sẽ tạo nên một môi trường tốt giúp cho
mỗi người hình thành một nhân cách tốt, phát triển toàn diện cả về
tinh thần và thể chất. Bên cạnh đó, những người trụ cột, có tiếng
nói, vị trí quan trọng trong gia đình phải gương mẫu, thể hiện rõ vai
trò tích cực của mình kịp thời hòa giải, xử lý dù là những mâu
thuẫn nhỏ nhất giữa các thành viên trong gia đình, không để mâu thuẫn
đó kéo dài.
Đối với các cơ quan, báo đài, bên cạnh hoạt động đưa
tin, viết bài về các vụ việc trên thì phải đồng thời vừa thể hiện tốt
vai trò thông tin, tuyên truyền, giáo dục về các vấn đề truyền thống,
văn hóa, pháp luật liên quan đến vấn đề gia đình, vừa lên án mạnh mẽ
các vụ việc, hành vi phi đạo đức. Đặc biệt, cần nhấn mạnh hậu quả
nhận lại của những hành vi phi đạo đức đó để răn đe, làm bài học
cảnh tỉnh, giáo dục cho toàn xã hội. Đồng thời, các cơ quan truyền
thông, báo chí phải thể hiện mạnh mẽ vai trò và sức mạnh của mình
trong việc phản tuyên truyền đối với các luận điệu xuyên tạc, chống
phá của các thế lực thù địch đối với các vấn đề KT-CT&XH của
Việt Nam nói chung và vấn đề văn hóa, tư tưởng, truyền thống nói
riêng.
Xác định được tầm quan trọng của gia đình
trong việc phát triển xã hội, xây dựng và phát triển đất nước, tại Đại
hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu: Xây dựng gia đình no
ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đặc biệt, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư
đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Chỉ thị đã khẳng
định xây dựng gia đình hạnh phúc là vấn đề hết sức hệ trọng của
dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động
lực của sự phát triển bền vững đất nước. Để các Nghị quyết và
Chỉ thị trên được thực hiện đạt hiệu quả, một trong những vấn đề
cốt lõi nhất thuộc về ý thức của mỗi công dân phải biết quý trọng,
nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống, xây dựng
gia đình của chính mình ngày càng gắn kết, hạnh phúc. Làm được
điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã đóng góp một phần công
sức của mình vào công cuộc phòng, chống lại các thế lực thù địch,
góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa
ngày một vững mạnh, trường tồn./.