Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

ĐỪNG NGHĨ MẠNG XÃ HỘI LÀ ẢO MÀ CÓ THỂ TỰ DO ĐĂNG TẢI THÔNG TIN SAI SỰ THẬT

  

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, việc sử dụng mạng xã hội làm phương tiện kết nối đã và đang trở thành xu thế tất yếu. Tuy nhiên, ngoài những giá trị thực mang lại cho người sử dụng từ mạng xã hội thì còn có một bộ phận lợi dụng tính năng ưu việt của mạng xã hội để thực hiện các hành vi đăng tải, chia sẻ, bình luận có nội dung chưa được kiểm chứng, sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm mất uy tín cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Trên thực tế, có nhiều người lầm tưởng rằng mạng xã hội là “ảo”, tuy nhiên chế tài xử phạt là thật. Thời gian qua các cơ quan chức năng đã xử phạt rất nhiều trường hợp sử dụng tài khoản mạng xã hội đăng tải, chia sẻ, bình luận nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm các tổ chức, cá nhân.

Vậy, hành vi đăng tải, chia sẻ, bình luận có nội dung chưa được kiểm chứng, sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm mất uy tín cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể bị xử lý như thế nào?

Một là, xử phạt vi phạm hành chính: Đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức “Cảnh cáo”. Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên, bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức “Phạt tiền”, mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với cá nhân và 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức (Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ). Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn phải có trách nhiệm cải chính thông tin công khai trên mạng xã hội tương ứng.

Hai là, xử lý hình sự: Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi và đối tượng thực hiện hành vi từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc về tội “vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Để sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, đúng pháp luật, người sử dụng mạng xã hội cần:

- Trang bị đầy đủ cho bản thân những kiến thức về pháp luật về sử dụng mạng xã hội, có hiểu biết đầy đủ các tính năng của ứng dụng mạng xã hội mà mình đang sử dụng. Không sử dụng các từ ngữ mang tính chửi bới, thô tục, xúc phạm, lăng mạ danh dự, nhân phẩm của người khác.

- Không nên sử dụng mạng xã hội để giải quyết các mâu thuẫn, quan hệ xã hội trong cuộc sống mà hãy đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết như: Công an, Tòa án dân sự, Tổ hòa giải tại nơi cư trú,… để được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

- Trước khi đăng tải một bài viết lên mạng xã hội nên thẩm định thông tin nội dung dự định sẽ đăng thông qua các nguồn tin chính thống từ các nguồn tin  đáng tin cậy để tránh trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật.

- Khi phát hiện các trường hợp đăng tải bài viết có nội dung vi phạm các hành vi trên, kịp thời báo cho cơ quan chức năng gần nhất để được xử lý theo đúng quy định của pháp luật./.

(An Thạch)

 

 

 

 

                                                   

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét