Thứ Hai, 8 tháng 5, 2023

SỰ CẦN THIẾT PHẢI TÁCH LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ THÀNH HAI LUẬT MỚI: LUẬT ĐƯỜNG BỘ VÀ LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, là sự cụ thể hóa Hiến pháp để giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới và cụ thể hoá nội dung văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đó là: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật”; xây dựng hệ thống pháp luật, thể chế pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ôn định, với tư duy mới, phù hợp với thực tiễn; bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tạo chuyển biến rõ nét về trật tự, an toàn xã hội...

Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức rất cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông. Theo thống kê từ năm 2009 đến tháng 01/2023, toàn quốc đã xảy ra hơn 379 nghìn vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 124 nghìn người, bị thương hơn 367 nghìn người (chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông), gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Trung bình hàng năm có gần 09 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tình hình trên cho thấy, an ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã được sửa đổi, điều chỉnh một quy định so với Luật Giao thông đường bộ năm 2001 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, bao quát, chưa sát với thực tiễn tình hình giao thông tại Việt Nam như: Không quy định đầy đủ, cụ thể các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giải quyết tai nạn giao thông, tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề an ninh trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông. Mặt khác, phương tiện giao thông ở nước ta tăng nhanh, chủ yếu là các phương tiện cá nhân, toàn quốc đã đăng ký quản lý 5.897.657 xe ô tô (gấp hơn 6,9 lần so với từ năm 2008 trở về trước), 72.437.859 xe mô tô, xe gắn máy (gấp 2,9 lần so với từ năm 2008 trở về trước).

Có thể nói Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa có các chính sách, biện pháp, quy định cụ thể về phát triển phương tiện để bảo đảm đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, nâng cao quy chuẩn, chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ và bảo vệ môi trường, chưa đáp ứng tình hình mới.

Từ những lý do trên cho thấy, nếu tiếp tục kết cấu trong một luật như hiện nay thì không giải quyết được tận gốc các tồn tại nêu trên, sẽ có quá nhiều điều luật, khó quy định đầy đủ, rõ ràng, cụ thể các chính sách, không phù hợp về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và tên gọi của luật.

Theo nội dung dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phạm vi, đối tượng, điều chỉnh và mục tiêu của Luật là bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông, duy trì, bảo đảm trạng thái trật tự, kỷ cương, nền nếp tham gia giao thông. Dự thảo Luật Đường bộ có nội dung phạm vi, đối tượng điều chỉnh và mục tiêu của Luật là đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng (bao gồm an toàn chất lượng đường sá, an toàn kỹ thuật phương tiện) và kinh doanh vận tải đường bộ.

Vì vậy, việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xây dựng và ban hành 02 Luật là đòi hỏi tất yếu khách quan, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam theo hướng chuyên sâu trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy, nâng tầm cả 02 lĩnh vực là trật tự, an toàn giao thông và phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực được phân công; phù hợp với kinh nghiệm lập pháp quốc tế và quá trình hội nhập quốc tế của đất nước..

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét