Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Cảnh giác với những chiêu trò xuyên tạc hình ảnh lực lượng vũ trang

Thời gian qua, trên một vài trang mạng xã hội xuất hiện một số thông tin, hình ảnh phản cảm được gán ghép cho là của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam trong chiến tranh giải phóng và trong hòa bình.


Cần khẳng định ngay rằng đó là sự ngụy tạo trắng trợn của kẻ xấu nhằm xuyên tạc truyền thống tốt đẹp của lực lượng vũ trang Việt Nam, chia rẽ tình đoàn kết máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ LLVT với nhân dân.

Một trong những âm mưu, thủ đoạn nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch là “phi chính trị hóa” LLVT, làm cho LLVT xa rời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mất dần phương hướng chính trị, không xác định được mục tiêu chiến đấu, mục tiêu bảo vệ... Khi mà LLVT không còn là chỗ dựa thì ắt sẽ dẫn đến Đảng, chính quyền không còn được bảo vệ, mất vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành đất nước và chế độ sẽ sụp đổ.
Ảnh minh họa. 
Toan tính của họ là thế và trên thực tế chúng ta không thể phủ nhận những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đã đạt được những kết quả nhất định. Bài học xương máu của Liên Xô và một số nước XHCN ở Đông Âu đã cho thấy rõ điều đó. Quân đội Liên Xô-một đội quân hùng mạnh nhất thế giới, với bề dày hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn trước những đòn thâm hiểm của mưu đồ “phi chính trị hóa”.

Đối với cách mạng Việt Nam và LLVT Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Đặc biệt sau khi chúng ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tư tưởng “chiến thắng không cần chiến tranh” đã được chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ráo riết thực hiện. "Phi chính trị hóa" LLVT nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng luôn là một trong những mục tiêu nhất quán, xuyên suốt của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Để thực hiện “phi chính trị hóa” LLVT, thời gian qua, các thế lực thù địch đã không từ bất cứ một thủ đoạn nào... Thế nhưng, có thể nói những đòn thâm hiểm, những thủ đoạn tinh vi mà các thế lực thù địch áp dụng nhằm “phi chính trị hóa” LLVT nói chung và quân đội nói riêng đã bị vô hiệu hóa!

Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã khẳng định luôn là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Quân đội nhân dân Việt Nam thực sự là một quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngày nay, trong điều kiện, hoàn cảnh mới, LLVT nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng tiếp tục được giáo dục, rèn luyện, huấn luyện, đầu tư vũ khí trang bị phát triển theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vững mạnh về chính trị, lấy đó làm cơ sở, nền tảng để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu. Do được xây dựng vững mạnh về mọi mặt nên Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, LLVT nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, Quân đội ta đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống;... Những thành quả, những chiến công mà Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã đạt được chứng tỏ những chiêu trò hòng “phi chính trị hóa” LLVT của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã bị vô hiệu hóa!

Thế nhưng các thế lực thù địch không dễ từ bỏ âm mưu chống phá Việt Nam. Khi mà “phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân và Công an nhân dân không thực hiện được, chúng lại giở chiêu bài nói xấu, bôi nhọ hình ảnh, hạ thấp uy tín. Để thực hiện chiêu trò này, một mặt chúng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo những truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, bôi nhọ hình ảnh, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Mặt khác, chúng tán phát tài liệu, tung tin đồn nhảm, gán ghép, ngụy tạo hình ảnh để vu cáo, nói xấu cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân...

Cần phải nói rõ rằng hành vi lợi dụng các diễn đàn, mạng xã hội để tung ra những thông tin, hình ảnh nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, uy tín Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là một loại tội phạm không gian ảo hết sức nguy hiểm, vi phạm pháp luật Việt Nam. Mục đích của chiêu trò này không gì khác là nhằm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Quân đội và Công an; chia rẽ khối đại đoàn kết, tạo sự hoài nghi, ngờ vực trong xã hội, đặc biệt là chia rẽ mối quan hệ đoàn kết giữa Quân đội nhân dân và Công an với nhân dân... Cùng với đó, xuyên tạc truyền thống cũng là cách để họ đánh vào tư tưởng hòng làm giảm sút tinh thần, sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân... Những chiêu trò ấy xét cho đến cùng đều nhằm phục vụ cho mưu đồ "phi chính trị hóa" LLVT nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng mà các thế lực thù địch đang tiến hành.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần phải cảnh giác, tẩy chay những thông tin độc hại, không tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền những thông tin ảo. Nếu ai đó nhẹ dạ tin vào những tài liệu, hình ảnh ngụy tạo ấy là đã mắc mưu kẻ xấu, trúng kế của các thế lực thù địch. Để vô hiệu hóa chiêu trò này, mỗi chúng ta cần nâng cao khả năng đề kháng, không mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác, cần hết sức tỉnh táo để nhận rõ tính ngụy tạo, xuyên tạc của những tài liệu, hình ảnh đó... Cách tốt nhất để giúp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh táo, “miễn dịch” và nhận diện rõ sự thâm hiểm đằng sau những chiêu trò ấy là phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, trang bị cho mọi người những kiến thức cần thiết. Nhận diện rõ, có kiến thức cũng là cách giúp chúng ta luôn chủ động, nhạy bén, tích cực tham gia đấu tranh, vạch trần tính chất phản khoa học, vô căn cứ trong những âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm, ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch. Cùng với đó thông qua công tác dân vận cần tạo môi trường thuận lợi để phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất người Công an cách mạng ngày càng tỏa sáng trong điều kiện mới. Thông qua những nghĩa cử, việc làm tốt đẹp, đem lại hiệu quả thiết thực để tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân vào Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

KIM NGỌC

“Thủ đoạn ấy chúng tôi chả lạ gì”

Cuối tuần, tôi tạt qua nhà bác Vi (phố Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội) để hỏi thăm sức khỏe vì nghe tin bác bị ốm. Bác Vi vốn là một cựu chiến binh, lại ưa chuyện thời sự, nên hợp với tạng tôi.


Vừa nhìn thấy mặt tôi, bác Vi đã vồn vã: “Gớm chú bận gì mà cấm nhìn thấy mặt mũi mấy tuần nay. Tôi đang có chuyện muốn hỏi chú đây. Chẳng là dạo này tôi thấy trên mạng có mấy tay hay viết bài xuyên tạc về tình hình bầu cử, họ quy chụp, cho rằng Đảng ta còn thiếu dân chủ, rồi họ lợi dụng việc cá chết ở ven biển miền Trung quy tội cho cấp ủy, chính quyền địa phương, cho Đảng, cho Nhà nước là không quan tâm đến môi trường sống của nhân dân. Ôi dà, nói thật với chú, tôi đọc mà thấy bức xúc lắm. Bởi bao nhiêu cái tốt, cái hay, cái cố gắng như Chính phủ ta cùng các bộ, ngành đã ra sức làm rõ nguyên nhân cá chết, thực hiện các giải pháp hỗ trợ ngư dân ổn định cuộc sống, các giải pháp khôi phục môi trường biển... thì họ không nói. Họ cứ moi móc các sự việc, kết nối với nhau, rồi suy luận này nọ, làm cho xã hội như có vẻ toàn chuyện tiêu cực. Kiểu viết lách như thế thật thiếu công bằng...”. Chờ bác Vi xả bớt cơn giận, tôi nhẹ nhàng:

- Được rồi, bác cứ từ từ tiếp nhận và phân tích thông tin. Theo em được biết thì hiện nay có một số đối tượng đang ráo riết thực hiện các hoạt động để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Mục đích của họ là làm cho xã hội rối loạn lên, để thừa cơ thực hiện các mưu đồ cá nhân về chính trị. Những đối tượng ấy hoạt động theo đợt, nghĩa là cứ mỗi khi đất nước có các sự kiện chính trị lớn thì họ lại ra sức thổi phồng các khuyết điểm trong các chính sách của Đảng, Nhà nước. Nếu không tìm được khuyết điểm thì họ cố gắng ngụy tạo thông tin, để từ đó có cớ chống phá. Những con người luôn bám vào cái phao “đấu tranh cho dân chủ” nhưng những hành động họ làm thì chẳng khác gì phản cách mạng. Nói đơn giản là thế này: Đấu tranh cho dân chủ nghĩa là anh phải làm mọi việc cho nền dân chủ ngày càng được cải thiện, đời sống kinh tế và quyền lợi chính trị của nhân dân ngày càng được tốt lên. Còn hành động như họ vừa rồi, nghĩa là kêu gọi biểu tình, kêu gọi nhân dân “tẩy chay bầu cử”, thể hiện quan điểm dựa vào nước này chống lại nước khác..., tất cả những hành động ấy đều đi ngược lại với quan điểm của Đảng, ngược lại với lợi ích của dân tộc và nguyện vọng của nhân dân ta. Thế nên bác cứ yên chí, chiêu trò của mấy tay đó không dễ làm cho bà con ta tin đâu.

- Chú nói thế tôi cũng hiểu ra nhiều và chúng tôi cũng chả lạ gì các thủ đoạn của mấy kẻ chống đối, nhưng trong bụng vẫn tức mấy cái tay đó lắm. Bởi ai chả hiểu rằng đất nước mà không yên ổn thì người dân sẽ rất khổ. Bao nhiêu năm mình chịu ách nô lệ, nên đã thấm thía điều đó lắm rồi. Mấy cái tay này cố tình làm lòng dân rối loạn, xã hội ly tán là có tội với dân.

TRẦN THÔN (ghi)

Những "thần tượng" không phải là tấm gương!

Phải nói rằng, sự phát triển của công nghiệp giải trí (showbiz) ở Việt Nam trong các năm qua đã góp phần đào tạo, giới thiệu một số nghệ sĩ mới, triển vọng. Nhưng thực tế lại đang đặt ra câu hỏi: Một số người có thật sự là "thần tượng của giới trẻ" hay không, khi họ xuất hiện trên mạng xã hội với phát ngôn, hành động rất ít tính văn hóa, hoặc vô tình (cố tình?) lôi kéo một số người trẻ tuổi vào các cuộc tranh luận vô bổ, xấu xí, dị hợm,...?
Cách đây ít ngày, bộ phim tiểu sử của một "người đẹp" bỗng dưng trở thành chủ đề được cộng đồng mạng khá quan tâm. Điều ngạc nhiên là hầu hết tranh luận không xuất phát từ chất lượng nội dung, nghệ thuật của bộ phim mà chỉ xoáy sâu vào góc khuất đời tư vốn nhiều scandal, cùng các tin đồn không mấy hay ho của cô gái trẻ và người quản lý. Ngạc nhiên hơn là trên facebook lại xuất hiện một số thông tin "bếp núc" đậm màu sắc "vỉa hè" với thứ ngôn từ thô tục, xuất phát từ một số người vốn có chút tiếng tăm trong lĩnh vực giải trí. Mâu thuẫn giữa "những người nổi tiếng" lên đến đỉnh điểm khi ông bầu của người đẹp lên tiếng đe dọa "đối phương" qua phát ngôn không thể hình dung đó là ngôn từ của một người làm nghệ thuật: "hôm nay xin phép cho mình chửi con chim lợn la liếm này. Không hiểu sao chuyện gì của nhà mình nó cũng nhảy vào được, lúc thì nó cắn, nó liếm, nó ngửi và nó sủa ... Anh cảnh cáo từ giờ trở đi một lần nữa mà bịa chuyện, đặt điều anh và Venus trong các câu chuyện mua vui thì đừng nói anh hiền nhé nhà báo dởm"!
Đây không phải là lần đầu tiên, trên facebook cá nhân của "ông trùm người mẫu" xuất hiện những câu chữ xấu xí, nhục mạ kẻ khác. Còn nhớ, anh ta cùng cô người mẫu từng có vô số phát ngôn chanh chua, đá thúng đụng nia về một số diễn viên, nghệ sĩ cho tới chính gia đình mình. Chưa hết, thi thoảng, anh ta lại ngợi ca "gà nòi" của mình lên tới tận mây xanh, với những so sánh ngông cuồng, tự mãn. Một nam ca sĩ thành danh khác, mỗi khi anh ta bức xúc, căng thẳng, bực bội thì chuyện chửi tục trên facebook đã trở thành thứ "ngôn từ tự nhiên". Bắt đầu sự nghiệp từ năm 1995, thế nhưng hầu như chỉ sau scandal tình ái, xúc phạm nghệ sĩ đàn anh, vi phạm luật giao thông, sử dụng nắm đấm giải quyết mâu thuẫn cá nhân, văng tục mỗi khi đuối lý thì anh ta mới được nhiều người biết đến qua một số kênh thông tin đại chúng. Dẫu vậy, phát ngôn thiếu kiềm chế của mấy ngôi sao này vẫn chưa thấm vào đâu so với một vài bạn trẻ tự nhận là rapper (ráp-pờ), đại diện cộng đồng rap underground (nhạc phi thương mại) ở Việt Nam. Coi Diss track (ca khúc có nội dung xúc phạm, sỉ nhục người khác) là đỉnh cao của nhạc rap, là phương tiện giao tiếp thông thường của các "rapper thế giới ngầm", nhiều người trong số họ rất thoải mái mạ lỵ người khác dưới danh nghĩa "sáng tạo nghệ thuật"!
Câu chuyện khác cũng trở thành chủ đề "nóng" trên nhiều facebook cá nhân gần đây là sự kiện một diễn viên hài nam phạm tội tại Mỹ. Trên facebook của một số "ngôi sao" la liệt những lời bình luận, như: "quả này tiêu rồi", "tù Mỹ rất nhiều anh Mỹ đen to con vạm vỡ, cùng sở thích quấy rối, nhưng trong đó thì vai đảo ngược", "haha facebook anh đang sốt để F5 (làm mới trang) luôn",... Giới showbiz cũng là một bộ phận xã hội, có người tốt, kẻ xấu, một nghệ sĩ phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam là điều không mong muốn, nhưng cũng không phải là hiện tượng đến mức nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu không hề quen biết diễn viên hài này lại phải đưa ra lời lẽ nặng nề, đem hành vi phạm pháp ra làm trò tiêu khiển. Hiện, xem trang cá nhân của nhiều người được coi là "ngôi sao trong showbiz", có cảm giác công việc chính của họ là bàn tán, phán xét, chê bai, nói xấu người khác, hoặc quảng cáo, giới thiệu bản thân cùng một số mặt hàng, sản phẩm đã chọn họ làm đại diện. Trong đó, kỳ cục nhất có lẽ là người thiết kế thời trang vốn nổi tiếng ngoa ngoắt lại dính nghi án vừa ăn cắp, vừa la làng khi lỡ "nổ" quá đà về mấy bộ trang phục của mình. Gần đây, anh lại tiếp tục ồn ào trên facebook với tuyên bố: "Tui sắp nổi cơn điên đó!!!! Cứ cẩn thận, khôn ngoan thì im đi nha, ngu ngu nói thêm nữa là tan tành mây khói, Showbiz dậy sóng đó!!!". Không biết, phát ngôn này có phải để anh ta tạo tiếng vang cho bộ sưu tập sắp tới sau những scandal "ăn cắp" vừa qua?
Có thể nói, thái độ thiếu chuyên nghiệp giữa các "ngôi sao", phát ngôn thiếu cân nhắc, sinh hoạt thiếu hòa đồng, bất lịch sự, thường xuyên nói xấu, ám chỉ việc làm, quá khứ của đồng nghiệp,... đã góp phần tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng. Và sự kiện "thánh Cô Cô bóc", còn gọi là "tập đoàn thánh bóc", chuyên khai thác, thêm thắt, bịa đặt, bôi xấu danh dự đời tư các "ngôi sao" trong làng giải trí gần một năm về trước gây hoang mang dư luận dường như lại không làm nhiều "người nổi tiếng" tỉnh ngộ. Xét đến cùng nếu thiếu tỉnh táo, họ sẽ vừa là nạn nhân nhưng cũng vô tình trở thành đồng phạm của kẻ bịa đặt. Nếu hành xử, phát ngôn tế nhị, hợp lẽ trong cuộc sống hằng ngày cũng như trên không gian mạng xã hội, có lẽ chuyện lùm xùm của các "ngôi sao" đã không xảy ra với mật độ dày đến như vậy.
Không thể phủ nhận sự hình thành, phát triển của công nghiệp giải trí đã góp phần làm phong phú nghệ thuật Việt Nam, vì từ đó xuất hiện một số nghệ sĩ được hâm mộ, một số chủ thể sáng tạo nghệ thuật bước đầu tỏ ra có tài năng; nhưng cũng phải nhấn mạnh công nghiệp giải trí cũng là nguyên nhân nảy sinh một số biểu hiện thiếu văn hóa trong sinh hoạt xã hội. Có thể cắt nghĩa từ một số nguyên nhân: Độ tuổi của người mới tham gia công nghiệp giải trí ngày một rút ngắn, trong khi đó một số cuộc thi, chương trình giải trí lại được các nhà đài mua bản quyền từ nước ngoài về Việt Nam thực hiện ngày càng phong phú. Như vậy cơ hội trở thành ngôi sao khá dễ dàng, cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt đã khiến một số người phải "ép chín tài năng", "trưởng thành sớm" trong phong cách biểu diễn, tìm mọi cách để lôi kéo sự chú ý của khán giả trong khi lại bỏ bê sự học hành, rèn luyện đạo đức. Có thể nói, vốn liếng tự học của một số "ngôi sao" hết sức hạn chế. Không phải ngẫu nhiên một số tờ báo, trang tin điện tử lại công bố bảng điểm học tập, khả năng giao tiếp tiếng nước ngoài của một số "ngôi sao"! Ít chú ý học hành nhưng lại sớm coi mình là nghệ sĩ, một số "ngôi sao" coi ăn chơi, hưởng thụ, di chuyển bằng phương tiện sang trọng, trang phục, ví cầm tay phải là đồ "xịn" nhập ngoại, sống trong các căn hộ, biệt thự đắt tiền,... là hình ảnh họ muốn phô bày trước người hâm mộ. Nếu không phô bày bằng cách đó thì một số người lại lấy scandal làm tiêu điểm thu hút sự chú ý của người hâm mộ, cho nên thi thoảng gây "sốc" bằng phát ngôn thiếu cẩn trọng, nếu không nói bừa bãi. Từ những hạn chế không được điều chỉnh đó, mà có người đi đến chỗ ảo tưởng, tự thấy mình như "trung tâm, cái rốn của vũ trụ", để đòi hỏi đặc quyền như cặp đôi diễn viên nọ bức xúc vì ban tổ chức mời ra khỏi hàng ghế do không có giấy mời; nữ ca sĩ kia buồn vì không được bộ phận an ninh sân bay ưu tiên; nam ca sĩ gặp "buổi chiều tồi tệ" vì cảnh sát trật tự thẳng tay xử lý hành chính khi anh vi phạm giao thông; nữ người mẫu say rượu, văng tục, chống đối người thi hành công vụ,... Chưa kể hiện tượng dùng mọi chiêu trò để làm người nổi tiếng mà gần đây nhất là "hot boy xăm trổ", ca sĩ vô danh Lil Shady (Lin Sa-đi) có trang facebook với hơn ba triệu người theo dõi và mức giá mỗi đường link quảng cáo thông tin nhảm nhí là sáu triệu đồng!
Như các công việc xã hội khác, công nghiệp giải trí hình thành và phát triển nhằm phục vụ nhu cầu thư giãn, giải trí của bộ phận công chúng. Xét đến cùng thì "ngôi sao, thần tượng, người nổi tiếng" chỉ là người có chút tài năng, làm công ăn lương như mọi nghề nghiệp xã hội khác. Khổ luyện trên sàn tập, trình diễn trên sân khấu lớn, phải di chuyển liên tục,... là điều đáng quý, cần thiết với nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng thành công của mọi cá nhân thường lại phải trải qua khó khăn, thăng trầm, đòi hỏi luôn nỗ lực làm mới mình. Sớm mang trong mình lối sống ích kỷ, tự cao tự đại, chạy theo cái tôi cực đoan,... dường như một số người tự thấy mình đứng cao hơn mọi người, phán xét mọi vấn đề xã hội trong khi tri thức hạn chế, thiếu trải nghiệm cuộc sống. Khi bị trách móc, họ biện hộ bằng lý lẽ đại loại: "sống theo bản năng", "thật thà có sao nói vậy", "bị gài", "bị mắc bẫy"... Là người mới bước vào nghề biểu diễn còn có thể đưa ra lời xin lỗi ngây ngô như vậy, nhưng với "ngôi sao giải trí" đã bước qua tuổi trưởng thành thì khó chấp nhận. Rốt cuộc không sớm thì muộn, nghệ sĩ sẽ chỉ nhận lấy sự chê cười mà thôi.
Nhưng đáng tiếc, bất chấp các hình ảnh, hành động, phát ngôn xấu xí của họ, các "ngôi sao" như vậy vẫn xuất hiện trên hệ thống truyền thông, được mặc định như là "thần tượng" trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng; được xem là đại diện giới trẻ, được gọi là "ông hoàng, bà chúa, có quyền lực trong showbiz". Dường như để thu hút công chúng và tăng lợi nhuận, một số địa chỉ lại "ăn theo sự nổi tiếng" của một số "ngôi sao" mời cả ca sĩ tai tiếng vốn có "tiền án đạo nhạc", ca sĩ chạy show hơn là tham gia hoạt động vì lợi ích cộng đồng, thậm chí mời cả người mẫu mà tên tuổi gắn với "lộ hàng", giải thưởng tự phong, phẫu thuật thẩm mỹ, "chém gió" trên mạng,...? Công nghiệp giải trí là lĩnh vực năng động có vai trò, tác động nhất định tới nghệ thuật đại chúng, nhưng mấy năm qua, nhắc tới showbiz lại chỉ thấy nổi lên một số mặt trái, scandal vô bổ, ít văn hóa với những "nghệ sĩ, ngôi sao" ít tài nhiều tật. Hình ảnh méo mó, cuộc sống giàu sang của người "nổi tiếng" truyền tải trên một số tờ báo, trang điện tử hoàn toàn có thể tác động, và gây ảnh hưởng xấu tới nhận thức chung của giới trẻ. Khi khởi nghiệp, làm giàu chính đáng đang trở thành một nhu cầu lành mạnh của thế hệ trẻ, thì việc quảng bá một số "thần tượng" như vậy có thể khiến có bạn trẻ ôm mộng hão huyền, tìm mọi cách để trở thành "thần tượng", idol, siêu mẫu... có phải là việc nên khuyến khích, cổ vũ?
MINH ANH

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Nhiệt huyết cần đi đôi với tỉnh táo

Trong lúc Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương đang nỗ lực cao độ để xử lý khắc phục sự cố môi trường nghiêm trọng ở các tỉnh ven biển miền Trung, những ngày qua, một số đối tượng xấu lại cố tình lôi kéo người dân, tìm cách “lái” sự việc sang hướng gắn với động cơ chính trị, từ đó mà kích động các cuộc tụ tập, tuần hành.

Những chuyện “bất thường”
Liên tiếp các ngày nghỉ cuối tuần gần đây, các đối tượng xấu “phát động” những chương trình được gọi là “xuống đường vì môi trường”, “chọn cá không chọn thép”. Trên nhiều trang mạng xã hội, những người này tung ra những chương trình đầy lời dụ dẫn ma mị, lừa phỉnh người dân, hô hào một cuộc “tổng biểu tình”, “xuống đường bảo vệ môi trường biển Việt Nam, bảo vệ sự sống cho chính chúng ta và gia đình”… Những âm mưu, luận điệu ấy không dừng ở chuyện môi trường mà còn dần “bẻ lái” sang nhằm vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 cùng một số sự kiện khác. Họ hô hào, kích động tuần hành gắn với phản đối, tẩy chay bầu cử. Đây đó, còn có cả những “khuyến nghị” đòi môi trường sạch, “bầu cử minh bạch” bằng các tâm thư gửi ra nước ngoài, thỉnh cầu các nguyên thủ, nghị sĩ nước ngoài…
Ảnh minh họa/ TTXVN 
Việt Nam là một quốc gia biển, mỗi ngày có hơn 2 triệu người dân làm ăn trên biển. Trước sự cố môi trường nghiêm trọng lần đầu xảy ra, lẽ đương nhiên những người dân yêu nước, yêu lao động, yêu môi trường phải bày tỏ sự lo lắng, bất an. Sự bức xúc, nghi ngờ, thái độ phản ứng gay gắt trước dấu hiệu sai phạm trong xả thải công nghiệp cũng là chính đáng. Thế nên, không phải không có những người suy nghĩ giản đơn rằng việc tuần hành, xuống đường vì môi trường là điều nên làm.
Song nếu nhìn rộng hơn, nghĩ sâu hơn thì những gì mới diễn ra không đơn giản như vậy. Trước hết hãy xem những người kêu gọi xuống đường nói gì, làm gì? Nếu vì môi trường thực sự thì tại sao phải đưa ra những khẩu hiệu như: “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”, “dân cần chính quyền sạch”, “Hãy hành động trước khi mất nước”...Trắng trợn hơn, họ đổ lỗi câu chuyện môi trường là do thể chế, do sự lãnh đạo của Đảng; bịa đặt chính quyền “im lặng” trước hiểm họa, bao che lợi ích nước ngoài. Câu chuyện cá chết đã được lái sang vấn đề chính trị một cách đầy thâm hiểm mà mục đích không có gì khác là nhằm gây hoang mang, chia rẽ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Những cuộc tụ tập dưới khẩu hiệu “vì môi trường” đã bị nhuốm màu bởi những mưu đồ đen tối.
Hãy cảnh giác
Nhân đây, cũng phải nhắc lại sự việc mới là Công an tỉnh Hà Tĩnh và Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện, đấu tranh, khai thác 2 đối tượng có hành vi thu thập thông tin, hình ảnh để tán phát trên internet nhằm kích động người dân tuần hành. Trong đó, đối tượng Trương Minh Tam, trú tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội khai nhận, đã tham gia phong trào "Con đường Việt Nam", thường thu thập thông tin các vụ việc "nhạy cảm" về chính trị để tán phát trên facebook "Con đường Việt Nam". Thực hiện chỉ đạo của số kẻ cầm đầu phong trào "Con đường Việt Nam", chiều 26-4-2016, Trương Minh Tam vào khu công nghiệp Formosa, Hà Tĩnh quay phim, chụp hình, phỏng vấn làm phóng sự, tán phát lên các trang mạng xấu để kích động người dân tụ tập, tuần hành. Tam còn khai thường xuyên được "Con đường Việt Nam" hỗ trợ, trả lương để hoạt động. Ngoài Tam, đối tượng Chu Mạnh Sơn trú ở Yên Thành, Nghệ An khi bị tạm giữ cũng khai nhận, Sơn được nhiều cá nhân, tổ chức phản động trong ngoài nước liên hệ, trong đó tổ chức phản động "Việt Tân" tại Mỹ lôi kéo; là thành viên nhóm "Việt Tân tương trợ" trên mạng xã hội facebook. Ngày 30-4-2016, Chu Mạnh Sơn cùng một số đối tượng đón xe khách vào Quảng Bình thu thập thông tin, hình ảnh quần chúng nhân dân tụ tập gửi cho các đối tượng để tán phát trên các trang mạng phản động nhằm xuyên tạc, gây kích động. 
Đây không phải là lần đầu tiên âm mưu, thủ đoạn kích động tuần hành, tụ tập để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch bị phát hiện. Một báo cáo của cơ quan an ninh (Bộ Công an) cho biết: Từ năm 2005 đến nay, một số tổ chức NGO có liên quan trực tiếp tới dân chủ và “hoạt động lật đổ” như Quỹ Dân chủ quốc gia (NED), Viện Dân chủ quốc gia (IRI), Trung tâm đoàn kết lao động quốc tế Mỹ (ACILS), Viện quốc tế Đảng cộng hòa… đã vào Việt Nam nhằm “dựng lên các nhóm chính trị, tổ chức dân sự, các phong trào nhằm tạo dựng lực lượng chính trị trước các cuộc bầu cử, chuẩn bị cho việc xuống đường, biểu tình, tổng đình công… gây sức ép với Đảng và Chính phủ, tiến tới thay đổi chế độ XHCN ở Việt Nam”. 
Theo cơ quan chức năng, tổ chức phản động Việt Tân và các tổ chức phản động khác từng đưa lực lượng từ Việt Nam sang Thái Lan, Ma-lai-xi-a huấn luyện về phương thức lật đổ theo kiểu “cách mạng màu”, “đấu tranh bất bạo động”. Ngay tại TP Hồ Chí Minh, chúng từng mở 4 khóa huấn luyện cho hàng chục trí thức, sinh viên, hình thành các nhóm và chi bộ “Việt Tân” từ trước năm 2012. Trong đó, Hội dân oan chuyên móc nối, lôi kéo những người khiếu kiện, phát triển lực lượng ở các khu công nghiệp lớn. Các thế lực phản động cũng đã tổ chức nhiều đợt thu thập chữ ký vào thỉnh nguyện thư với qui mô lớn gửi chính quyền Mỹ. Từ sau Đại hội XI của Đảng, cơ quan công an đã thu được nhiều bằng chứng xác thực về âm mưu của Việt Tân và các tổ chức phản động lợi dụng các cuộc biểu tình “phản đối Trung Quốc” để tập dượt “cách mạng sắc màu” ở Việt Nam.
Thực tế đó cho thấy mỗi người dân cần cảnh giác, không nên chủ quan, vô hình trung tiếp tay cho những âm mưu đen tối ấy.
Những bài học chưa cũ
Nhân việc các trang mạng đang liên tục kích động “tổng biểu tình vì môi trường”, thiết nghĩ cần nhắc lại những gì đã diễn ra vào tháng 5-2014, sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Thời điểm đó, lợi dụng sự bức xúc, lòng yêu nước của đồng bào cả nước, các tổ chức phản động đã lôi kéo người dân tụ tập, gây ra các cuộc tuần hành ở nhiều tỉnh, thành. Không dừng ở lại đó, dưới sự kích động của chúng, các cuộc tuần hành dần chuyển sang quá khích, đập phá tài sản, máy móc của các doanh nghiệp, thậm chí xảy ra nạn trộm cắp, hôi của. Đã xảy ra chết người, bị thương nhiều người, hàng trăm doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hoạt động của một số doanh nghiệp bị gián đoạn, hàng nghìn lao động Việt Nam bị mất việc làm. Số tiền bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp rất lớn, chỉ riêng hãng bảo hiểm PVI đã phải chi trả đến hàng triệu USD. Sự việc còn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, làm giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam. Phải bằng nỗ lực, sự chủ động, tích cực của Đảng, Nhà nước ta trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp thiệt hại, tình hình mới ổn định trở lại. Các nhà đầu tư, các cơ quan ngoại giao và đại diện nhiều nước, vùng lãnh thổ: Hoa Kỳ, Singapore, Đài Loan… đã đánh giá cao cách xử lý tích cực, hiệu quả của Việt Nam.
Sự việc còn để lại nhiều bài học cay đắng đối với không ít người do chủ quan, đơn giản hoặc mù quáng nghe lời kẻ xấu kích động mà “nhúng chàm”. Như ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, 10 thanh niên trẻ, tuổi từ 17 đến 29 khi bị kích động đã gây rối, đập phá tài sản tại KCX Linh Trung II; thậm chí dùng gạch, đá, bom xăng ném và dùng xe mô-tô đâm các chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ bị thương. Các đối tượng này đã bị xử phạt tù giam. Hay như tại Hà Tĩnh, sáng ngày 13-5-2014, các đối tượng Bùi Ngọc Cường (là công nhân nhà máy xử lý nước sạch thuộc Dự án Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng) đã bàn bạc với Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Thương và Bùi Ngọc Oanh đi tuần hành. Các đối tượng này đã in băng rôn, khẩu hiệu, dùng loa kích động đám đông tham gia tụ tập, gây rối trên công trường Formosa. Mặc dù các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng đã giải thích, ngăn cản và yêu cầu giải tán, nhưng các đối tượng vẫn không chấp hành, tiếp tục gây mất trật tự trị an, làm ách tắc giao thông trong nhiều giờ liền tại khu vực nói trên và còn có hành vi chống người thi hành công vụ. Sự việc đã khiến 3 công nhân nước ngoài thiệt mạng, hàng chục công nhân khác bị thương; nhiều vụ hôi của, trộm cắp xảy ra và nhiều công trình, nhà cửa, tài sản khác bị phá hủy. Sau đó, các đối tượng đã bị tòa án tuyên phạt 2 tội Gây rối trật tự công cộng và Chống người thi hành công vụ theo điều 245 và điều 275 Bộ luật hình sự. Nhiều đối tượng đã phải trải qua những ngày đầy ăn năn, hối hận trong nhà giam. Đó là những câu chuyện đau lòng không thể lãng quên.
Trước những âm mưu, thủ đoạn lôi kéo người dân tụ tập, tuần hành hiện nay, chúng ta cần phải tỉnh táo, cảnh giác, đề cao trách nhiệm công dân, không tham gia, ủng hộ những lời kêu gọi, tiếp tay cho kẻ xấu, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để kẻ xấu lợi dụng làm phức tạp tình hình nhằm phá hoại cuộc bầu cử hoặc gây ra các sự cố gây rối, phá hoại như cách đây 2 năm.
Tin rằng, kết quả các cuộc điều tra, xác minh sự cố môi trường hiện đang được triển khai khẩn trương sẽ sớm được công bố cùng những giải pháp khắc phục triệt để, xử lý nghiêm minh. Điều quan trọng lúc này là sự chung tay của cả cộng đồng, cùng chính quyền tháo gỡ khó khăn, giúp ngư dân ổn định sản xuất; đồng thuận để giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của mỗi người dân Việt Nam.
Thay cho lời kết, chúng tôi xin được trích một đoạn trong bài viết của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, được viết ngay sau khi xảy ra những vụ tuần hành, tụ tập gây rối vào tháng 5-2014: “Sức mạnh dân tộc bị suy yếu chỉ có lợi cho những người muốn thấy một nước Việt Nam yếu và chia rẽ. Đó là chưa kể một số kẻ mưu toan "đục nước béo cò", lợi dụng nhiệt huyết của các tầng lớp nhân dân để phục vụ cho những tính toán riêng của họ. Nói tóm lại, tình hình càng phức tạp chúng ta càng cần phải vận dụng nhuần nhuyễn những truyền thống, những bài học lớn đã thu lượm được trong suốt chiều dài lịch sử từ ngày Nhà nước Việt Nam mới ra đời đến nay. Dũng khí cần song hành với mưu lược, nhiệt huyết cần đi đôi với sự tỉnh táo, có trái tim nóng chưa đủ, mà cần có cái đầu lạnh”.
NGUYÊN MINH
Theo QĐND

“Hiện tượng lạ” do vô tình, cố ý hay vì thiếu thông tin? (Tiếp theo và hết) (*)

Đúng lúc sự việc nói trên đang “nóng” trên một số tờ báo, trang mạng thì sự kiện một tác giả người Mỹ gốc Việt nhận giải Pulitzer năm 2016 tiếp tục trở thành đề tài được quan tâm. Liên quan cuốn sách này, theo facebook của dịch giả Phạm Viêm Phương thì: “tháng 5-2015, Ban Tu thư ĐHHS được yêu cầu thẩm định tác phẩm này (lúc đó vừa xuất bản và có tiếng vang trên báo chí Mỹ),… bản thẩm định khiến Ban Tu thư quyết định không mua bản quyền cuốn để dịch” (ĐHHS - Đại học Hoa Sen?).
Và ngày 21-4, trả lời phỏng vấn VOA, tác giả cuốn sách cho biết: “đã có hợp đồng với một nhà xuất bản ở Việt Nam và họ đang trong quá trình dịch cuốn tiểu thuyết… Cuốn tiểu thuyết có những điều gây bực mình đối với mọi người - người Mỹ, người Nam Việt Nam, những người cộng sản, đảng cộng sản, những người Việt Nam đã chiến thắng. Nếu những đoạn tiềm tàng gây khó chịu cho chính phủ, đảng cộng sản mà bị kiểm duyệt sẽ làm cho cuốn tiểu thuyết trở nên vô dụng. Vì vậy, có điều khoản trong hợp đồng nói rằng nếu bản dịch bị kiểm duyệt, tôi sẽ nhận lại bản dịch”. Nếu đúng vậy, để có thể in và phát hành liệu rồi đây ai đó có sử dụng thủ pháp nhập nhèm như đổi tên sách “Trại súc vật” thành “Chuyện ở nông trại”, “Nền dân chủ Mỹ” thành “Nền dân trị Mỹ”,… hoặc cố tình vi phạm pháp luật bằng cách phát hành trước khi hết thời hạn nộp lưu chiểu, để cơ quan chức năng chấn chỉnh, đình chỉ phát hành, thì làm ầm lên là sách bị cấm?
Phải nói rằng gần đây, việc đưa tin, bình luận một số sự kiện, giới thiệu, trao giải thưởng,… cho một số cá nhân vốn thiếu thiện chí, thậm chí là thù địch với Việt Nam, đã xuất hiện một cách bất thường trên báo chí, hoặc do một vài tổ chức nhân danh khoa học thực hiện. Như đã có trang mạng ca ngợi J. Steinbeck (J.Sten-bếc) - giải Nobel văn học, trong khi đây là người từng rủa xả cách mạng Việt Nam, ca ngợi lính Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam. Trước đó, năm 2010, Trịnh Hội được trao giải “diễn viên chính xuất sắc nhất” tại Giải Cánh diều, cho dù người này đã bị trục xuất, cấm nhập cảnh. Sau khi Trịnh Hội nhận giải, một blogger nổi tiếng đã viết: “Trịnh Hội khá được trọng vọng săn đón ở trong nước. Rất nhanh sau đó, Trịnh Hội bị phát giác tham gia đảng Việt tân, một tổ chức bị liệt vào hàng khủng bố do từng dùng vũ trang xâm nhập quy mô lớn vào Việt Nam. Tất cả các nhân vật liên quan đến đảng này đều automatic miễn vô. Không những thế, Trịnh Hội còn chủ xướng thành lập VOICE, quy tụ giới văn nghệ sĩ trí thức, có lẽ để phản biện cái gì đó. Sau khi bị cấm nhập Việt Nam, Trịnh Hội qua Cam-pu-chia tiếp tục gây dựng phong trào”. Năm 2015, S.Alexievich (S.A-lếch-xi-ê-vích) nhận giải Nobel văn học và lập tức báo chí tràn ngập thông tin, thậm chí tại Hà Nội, Đà Nẵng còn tổ chức để một nhà văn nói chuyện về S. Alexievich. So sánh sự xăng xái có phần thái quá với ý kiến vạch rõ xu hướng chống cộng của tác giả này (như ngày 31-10-2015 trang nguoi-viet.com nhận xét: “riêng với bà Alexievich, giải Nobel văn chương cho thấy rõ tính cách chính trị. Bà là người chống chế độ độc tài cộng sản”) và trong diễn từ tại lễ trao giải, S. Alexievich không cần giấu giếm quan điểm “chống cộng” của bà, thì có nên nghi ngờ mục đích của nhà văn nọ? Cũng cần lưu ý, ngay sau khi giải Nobel năm 2015 được trao, vì phẫn nộ mà nữ nhà văn Thụy Sĩ H. Richard-Favre (H. Ri-xác-Fa-rơ) gửi thư ngỏ đến S. Alexievich, trong thư có đoạn: “Tất cả chúng ta phải lựa chọn đề tài để viết. Bà đã có sự lựa chọn của mình, và có được một lượng độc giả ngưỡng mộ vì lựa chọn đó. Nhưng bà - người đã lấy nền tảng các sáng tác của mình là đấu tranh với sự dối trá, thì sao lại có thể tuyên bố là 86 % người Nga vui mừng vì cái chết của những người dân ở Donbass? Thưa bà, khi tuyên bố như vậy, bà đã không đơn giản là dối trá, bà không đơn giản là sai lầm, mà bà đang tỏ ra khinh miệt thực tế”!
Trường hợp khác không thể không nhắc đến là việc một số tờ báo trong nước ca ngợi A. Solzhenitsyn (A. Sôn-den-nít-sin) - Nobel văn học năm 1970, là: “một trong những nhà văn lớn, nổi tiếng có nhiều đóng góp cho nền văn học Nga trên nhiều phương diện, một người suốt đời tận tụy và kiên trì đấu tranh cho sự chiến thắng của nghệ thuật, của sự thật đối với cái xấu, cái ác”, “ông còn là một nhà thơ, nhà viết kịch xuất sắc, hoạt động xã hội tích cực”… Tuy nhiên, có lẽ người viết và tòa soạn đã bỏ qua các uẩn khúc đằng sau nhân vật này? Sang phương Tây cư trú, dù chỉ nhận nhuận bút ít ỏi từ số sách bán được, nhưng Solzhenitsyn lại có một đời sống vật chất trên cả sang trọng, dù ngoài viết văn ra, ông không làm thêm việc gì khác? Với Solzhenitsyn, không thể không nhắc tới sự kiện tháng 5-1974, ông ta đã tuyên bố: “Tôi sẽ đến Hoa Kỳ, sẽ nói chuyện tại Thượng viện, tôi sẽ nói chuyện với Tổng thống, tôi muốn tiêu diệt Fulbright và các thượng nghị sĩ khác có ý định tìm đường đi tới thỏa hiệp với những người cộng sản. Tôi cần phải làm sao để người Mỹ gia tăng áp lực tại Việt Nam” (inance.ru, ngày 11-10-2015). Và ngay sau ngày 30-4-1975, ông ta dự báo bừa bãi: “Nhìn thảm họa đáng sợ ở Việt Nam từ xa, tôi có thể nói với các ngài rằng, 1 triệu người sẽ bị tiêu diệt, và khoảng 4-5 triệu người sẽ bị đi đày trong các trại tập trung”! Rõ ràng không thể vì “hào quang” của giải Nobel mà bỏ qua một số phát ngôn rất đáng phê phán của Solzhenitsyn về Việt Nam, để từ đó ca ngợi, đánh giá thiếu khách quan khiến độc giả nhầm lẫn. Tới gần đây, một quỹ văn hóa tại Việt Nam lại trao giải cho sử gia người Mỹ K.Taylor (K.Tay-lo) với lời cảm ơn “vì tình yêu chân chính, nỗ lực trằn trọc của ông cho khoa học lịch sử Việt Nam, cho Việt Nam”! Trong khi trên thực tế, các kết quả nghiên cứu của K.Taylor là chia cắt Việt Nam một cách siêu hình thành các vùng miền rồi kết luận các vùng miền này thường xuyên mâu thuẫn, xung đột; biến các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của người Việt thành nội chiến, phủ nhận các cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, giải phóng dân tộc ở Việt Nam; cho rằng Việt Nam không có lịch sử, văn hóa thống nhất, và liên tục. Tương tự, là giải thưởng nghiên cứu mà quỹ văn hóa nói trên trao cho “những công trình nghiên cứu độc đáo trong một số lĩnh vực lịch sử và văn hóa Việt Nam” của tác giả nọ, mà đọc các công trình đó thì thấy đúng là rất “độc đáo”, đại loại: Ngô Đình Diệm là “Việt gian không bán nước, mà chống Cộng!”, “Trớ trêu là chính thực dân Pháp đã canh tân Việt Nam với quy mô và tốc độ gấp 5, gấp 10 mơ ước của cụ Nguyễn Trường Tộ”, “ta giành được chính quyền là nhờ nắm được thời cơ (Nhật diệt Pháp, rồi đầu hàng phe Đồng Minh) chứ không phải ta đã gây dựng được bạo lực đủ đè bẹp Pháp và Nhật”…!
Từ ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chính sách hòa hợp dân tộc, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, mở cửa hợp tác với các nước trên thế giới. Tổ quốc đã đón nhiều người Việt từ nước ngoài về thăm quê hương, làm ăn và sinh sống. Đó là cơ sở để tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác, Thuận, Nguyễn Đức Tùng,… xuất bản trong nước; là cơ sở để một số nghệ sĩ từ hải ngoại như Tuấn Ngọc, Tuấn Anh, Vũ Khanh, Thu Phương, Quang Lê, Bằng Kiều, Chế Linh,... về nước biểu diễn; các đạo diễn Hồ Quang Minh, Victor Vũ, Charlie Nguyễn,… về Việt Nam làm phim. Sau khi đã chứng kiến, tiếp xúc những điều tốt đẹp trên quê hương, có người từng thù địch với Việt Nam đã nói chân thành: “Một số người Việt ở Mỹ cho rằng còn lâu Việt Nam mới dân chủ như ở Mỹ, nhưng theo ý tôi, họ đã sai lầm vì điều đó không phù hợp với tình hình hiện tại ở Việt Nam” (Nguyễn Cao Kỳ), “Tôi nghĩ đã đến lúc thôi đối đầu mà cùng nhau đối thoại. Yêu nước là phải cùng nhau làm giàu cho đất nước” (Nguyễn Ngọc Lập)… Về khoa học xã hội và nhân văn, các quan hệ, giao lưu, trao đổi, học hỏi… cũng được mở rộng hơn trước rất nhiều. Đó là tiền đề quan trọng để chúng ta đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, tiếp thu tri thức từ nhân loại, nâng cao năng lực khám phá, sáng tạo của người làm khoa học,… Tuy vậy, hòa hợp dân tộc không có nghĩa là khi đưa tin về sự vụ của người Việt ở nước ngoài lại giới thiệu và để mấy người không từ thủ đoạn nào chống phá Việt Nam được phát ngôn trên báo chí Việt Nam; hợp tác quốc tế không phải để “tôn vinh”, “cảm ơn” mấy nhà nghiên cứu đã xuyên tạc, bóp méo lịch sử Việt Nam; tiếp thu thành tựu văn hóa, văn học nhân loại không phải để ca ngợi, quảng bá mấy nhân vật có “thành tích chống cộng” được phương Tây o bế và trao giải thưởng; càng không phải để xuất bản mấy cuốn sách chứa đựng các nội dung ngược lại với bản chất xã hội, với tiến trình phát triển đất nước…
Những năm qua, báo chí và xuất bản ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, khoa học xã hội và nhân văn cũng đã đạt một số thành tựu mới. Đáng tiếc phải nói là gần đây, loại “hiện tượng lạ” như bài viết này đề cập lại xuất hiện ngày càng nhiều, và đó là điều rất không bình thường. Có thể giải thích “hiện tượng lạ” này từ các lý do khác nhau: Vì áp lực trong cạnh tranh thông tin, để thu hút người đọc và cả thói chụp giật, vô trách nhiệm, chạy theo lợi nhuận,… nên một số tờ báo, trang mạng và nhà xuất bản đã không kiểm chứng, hoặc dễ dãi không kiểm chứng thông tin trước khi công bố trên báo chí, không cẩn trọng xem xét, khảo sát kỹ về tác giả, tác phẩm trước khi xuất bản? Vì một số người lợi dụng sự dễ dãi, hiểu biết còn hạn chế của một số tờ báo, trang mạng, lợi dụng khoa học để truyền bá, quảng bá loại thông tin, tác giả, tác phẩm có quan điểm phiến diện, thù nghịch?... Dù vô tình, cố ý, hay do thiếu thông tin thì vẫn phải cảnh báo, ngăn chặn. Bởi, nếu không cảnh báo, ngăn chặn, “hiện tượng lạ” này có thể làm công chúng nhiễu loạn nhận thức, không phân biệt đâu là người tốt, đâu là kẻ xấu, đâu là nghiên cứu khoa học đích thực, đâu là nghiên cứu chỉ nhằm xúc phạm, hạ thấp uy tín của dân tộc Việt Nam…
PHẠM NGUYỄN
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 10-5-2016.

Bảo vệ môi trường biển bắt đầu từ những việc làm nhỏ

Từ sự vô ý thức của con người khi xả rác bừa bãi mà gần đây nhiều khu vực ven biển có nguy cơ trở thành bãi rác khổng lồ. Và từ thực trạng của hiện tượng, có thể nói thay vì đưa ra lời hô hào, trách cứ hoặc đổ trách nhiệm, việc bảo vệ môi trường biển của mỗi người nên bắt đầu từ các việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, như “bỏ rác đúng nơi quy định”!
Hình ảnh rác thải ngổn ngang trên bãi biển Cồn Vành (Thái Bình), Quất Lâm (Nam Định), Đồ Sơn (Hải Phòng)… đăng tải trên mạng in-tơ-nét sau kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua đã được nhiều độc giả chia sẻ, đồng thời bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ: “Người nhặt thì ít mà khách ý thức kém thì không xuể, thùng rác cách chục mét nhưng chân không muốn bước, tay không muốn cầm thì thử hỏi sao rác không ngập? Ý thức thế này hỏi ở đâu ra môi trường nước sạch”, “người nào đi biển cũng mang theo cả đống đồ ăn rồi về chả thấy đồ đâu, hóa ra gửi hết ở biển rồi”; “Phải nói ý thức quá kém, cứ bảo tôi không thích nước bị ô nhiễm, muốn du lịch ở những nơi sạch, biển đẹp”… Không thể không buồn lòng khi chứng kiến các bãi biển vốn trong lành, thơ mộng, nơi hầu như ai cũng muốn tìm đến để nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc vất vả bỗng chốc trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu. Thậm chí có điểm du lịch đã bị khách du lịch tẩy chay vì quá bẩn! Tình trạng này đã thật sự khiến chúng ta phải suy nghĩ. Tại sao ý thức giữ vệ sinh nơi công cộng ngày càng bị vi phạm nghiêm trọng như vậy? Tại sao hằng ngày rất nhiều người bày tỏ tình yêu biển, kêu gọi phải bảo vệ biển nhưng khi ra đến biển lại vô tư xả rác? Rác bị quăng ra vô tội vạ, vậy ai sẽ là người dọn dẹp đống rác khổng lồ ấy? Hậu quả nhãn tiền là chính con người lại phải bì bõm bơi lội chung với vỏ chai, túi ni-lông, rác thải sinh hoạt, thùng xốp, bìa cốt-tông,… do chính mình vừa ném ra. Dù ai cũng biết biển không phải là nơi chứa rác, thế nhưng hằng ngày biển vẫn đang phải “gồng mình” hứng chịu vô vàn loại rác thải do con người trút bỏ từ sự vô ý thức, bất chấp nhiều biển báo nhắc nhở giữ vệ sinh chung, cấm vứt rác nơi công cộng... Khi biển không thể tiêu hủy được rác, sóng biển không đủ sức mang rác đi nơi khác thì bãi biển đã phải trở thành bãi chứa rác “bất đắc dĩ”. Điều này đã và đang đặt ra nguy cơ lớn về tình trạng ô nhiễm môi trường biển, mà một trong các nguyên nhân là hành vi tùy tiện của chính con người. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, mỗi năm đã có khoảng 1,5 triệu động vật trên biển chết vì ngộ độc do ăn phải rác nhựa, bên cạnh đó mối nguy hại từ các “đảo rác” hình thành trên các đại dương hay còn được biết đến như “lục địa thứ bảy” do rác thải đã tích tụ dưới đáy biển quá lớn, không thể phân hủy. Hành vi xả rác do đó có thể coi là một tác nhân “đầu độc biển”.
Việt Nam có gần 30 tỉnh, thành phố giáp biển. Bên những bãi biển chủ yếu thu hút khách du lịch, thì việc một số làng chài ven biển đã và đang thải rác sinh hoạt ra biển cũng là vấn đề cần đặt ra và phải giải quyết. Như ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), theo phản ánh của báo chí, tình trạng ô nhiễm môi trường biển đã đến mức báo động vì rác sinh hoạt đã không được thu gom xử lý một cách khoa học, mà chủ yếu xả thẳng ra biển và hậu quả là một số loài sinh vật quý hiếm, có giá trị cao như san hô đen, hải sâm, tôm hùm,… gần như bị tuyệt diệt, thảm thực vật dưới đáy biển hầu như biến mất. Hoặc tại cảng Sa Kỳ, bờ đập Quỳnh Lưu, Bình Châu, Nghĩa An (Quảng Ngãi) tình trạng rác thải sinh hoạt, chất thải rắn, chất tẩy rửa,… bị xả tràn lan, người dân vứt rác xuống biển vì không có nơi để tập kết và xử lý. Xã Ðức Trạch (Quảng Bình), dù có tới hơn 7.080 nhân khẩu nhưng đến nay địa phương này vẫn chưa có bãi tập kết rác, và vô hình trung bãi biển thành nơi chứa rác! Rác không được xử lý làm ô nhiễm môi trường cho nên tại một vài địa phương ở vùng ven biển đã bùng phát dịch sốt xuất huyết…
"Khách du lịch ném rác ra bãi biển, ngư dân bỏ ngư cụ hỏng trên biển, người dân làng chài xả rác ngay trước cửa nhà… Chúng ta đang trả lại biển những thứ như vậy sau khi lấy đi những tài nguyên, hải sản của biển. Hãy đừng vội nói những điều to lớn kiểu như ý thức, giáo dục, văn hóa, chính quyền… ở đâu. Thay vì nói, chúng ta hãy hành động. Ngay bây giờ, hãy dọn sạch những gì đang biến những bãi biển tuyệt đẹp của chúng ta thành bãi rác. Hãy trả lại sự trong sạch và yên bình cho biển” - đó là thông điệp của chiến dịch Hãy làm sạch biển vừa được VTV24 phát động. Và chỉ sau một ngày công bố, chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng, cùng sự chung tay của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung tâm tình nguyện quốc gia, sự tham gia của hơn 4.000 đoàn viên, thanh niên, và tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Giám đốc Trung tâm tình nguyện quốc gia Vũ Minh Lý chia sẻ: “Tôi thấy đây là một chiến dịch thật sự mang nhiều ý nghĩa! Vừa bảo vệ môi trường biển, vừa tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Những hoạt động thiết thực như vậy luôn là môi trường rất sinh động để các bạn trẻ được trải nghiệm vốn sống, hiểu và kịp thời chia sẻ khó khăn với quê hương, đất nước và bà con ngư dân”. Được biết khi chiến dịch được phát động tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, hàng nghìn đoàn viên, thanh niên đã rất nỗ lực vừa cùng chính quyền, nhân dân địa phương bắt tay vào dọn dẹp bãi biển, vừa tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ biển tới mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời tìm cách hỗ trợ ngư dân đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Chiến dịch Hãy làm sạch biển dù chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, được thực hiện tại bốn tỉnh, thành phố, nhưng thật sự đã truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác.
Thời gian qua, tại một số địa phương, việc bảo vệ môi trường biển được coi như một trong các ưu tiên hàng đầu, với sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng. Gần đây nhất, có thể coi quyết tâm làm sạch biển Vũng Tàu của chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là điển hình rất cần khuyến khích, biểu dương, học tập, nhân rộng. Tại đây, bên cạnh việc ban hành nghị quyết quán triệt tới các cấp, các ngành về việc làm sạch bãi biển vốn nhiều năm mang tai tiếng về sự ô nhiễm bởi rác thải, lãnh đạo địa phương đã trực tiếp đến tận bãi tắm để thuyết phục vận động du khách không ăn nhậu, không xả rác. Các động thái mềm mỏng nhưng kiên quyết, có tính cầu thị này đã nhận được sự đồng tình của các du khách. Vì vậy, dù vào dịp nghỉ lễ, bãi biển Vũng Tàu tập trung rất đông du khách song bãi tắm hầu như không xuất hiện rác. Trên phạm vi toàn quốc, không chỉ các cấp chính quyền quyết tâm vào cuộc để giữ gìn vệ sinh môi trường biển, mà ngày càng có nhiều cá nhân, tập thể tình nguyện tham gia vào công việc ý nghĩa này. Có thể kể đến các phong trào: Làm sạch môi trường - Vì tương lai xanh của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Hà Tĩnh) ở khu vực bãi biển Thiên Cầm; cuộc ra quân của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Tiền Hải làm sạch bãi biển Cồn Vành; phong trào Vì văn hóa du lịch Cửa Lò của Đội Thanh niên xung kích thị xã Cửa Lò (Nghệ An); sự vào cuộc nhiệt tình của Hội Phụ nữ xã Hải Tiến (Thanh Hóa) làm sạch biển Hải Tiến… Cách đây không lâu, việc hai ngư dân ở đảo Bé - huyện đảo Lý Sơn, là ông Trần Tia (40 tuổi) và Đặng Nhơn (53 tuổi) ngày nào cũng ra bãi Sau gom rác để giữ bãi biển sạch; hay tấm gương của lão nông 62 tuổi tên Mùi ở Bình Định tự nguyện ngày hai lần vào sáng sớm và chiều tối nhặt rác làm sạch bãi biển Đề Gi “vì thấy rác nhiều quá mà không ai dọn dẹp, dẫn đến ô nhiễm môi trường biển; nhặt rác vì muốn trước tiên con cháu, người thân mình tránh giẫm phải gai, mảnh chai, mảnh chén mỗi khi đi tắm biển…” được thông tin trên báo chí khiến nhiều người xúc động, tự thấy phải chung tay. Không cần “đao to búa lớn”, việc nhặt rác của các cá nhân trước hết là để bảo vệ chính mình và người thân của mình, đồng thời bảo vệ cộng đồng - điều đó giúp lý giải vì sao hành động dù rất nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn với xã hội.
Biển đóng vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa đối với các quốc gia có biển. Bảo vệ biển cũng là bảo vệ lợi ích quốc gia. Kinh tế biển đang giữ vai trò mũi nhọn trong Chiến lược biển Việt Nam từ nay đến năm 2020. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được kết quả khi chúng ta bảo vệ tốt môi trường biển. Ô nhiễm môi trường biển có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trước hết là ở chính con người, và cần bắt đầu từ những việc làm nhỏ như không xả rác bừa bãi. Đứng trước thảm họa ô nhiễm biển bởi rác thải, thời gian qua trên một số diễn đàn, nhiều bạn đọc đã bày tỏ mong mỏi: “Nếu chúng ta chưa làm được điều gì lớn lao cho miền trung thì chỉ cần làm một việc nhỏ thôi, một việc ai cũng có thể làm được là đừng vứt rác ra biển”; “Phải lan tỏa ra thanh niên 63 tỉnh, thành phố”. Có độc giả đề xuất: “Thực ra dọn sạch rác bãi biển không quá khó. Một mặt, cần có quy định và phạt nặng ai vi phạm để triệt tiêu nguồn rác từ gốc; mặt khác, cần có đội ngũ dọn bãi biển như quét đường phố. Kinh phí yêu cầu nhà hàng, khách sạn đóng góp vì bãi biển sạch, khách sẽ đông, nhà hàng, khách sạn thu nhiều lợi nhuận. Và quan trọng nhất chính quyền phải xem giữ gìn, duy trì và tổ chức quản lý sao cho bãi biển sạch là trách nhiệm của mình”.
Bảo vệ biển là bảo vệ môi trường sống trong hiện tại và cả tương lai. Do đó phong trào làm sạch biển cần tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng, cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền địa phương, của mọi tổ chức, cá nhân. Tính văn hóa của mỗi cộng đồng thể hiện trong nhiều lĩnh vực hoạt động, thái độ trong việc xử lý rác thải cũng là một tiêu chí đánh giá quan trọng để đánh giá tính văn hóa. Khi nào mỗi cá nhân không chỉ giới hạn sự sạch sẽ trong phạm vi gia đình, mà còn tự ý thức về việc giữ sạch môi trường nơi công cộng, thấy xấu hổ vì đã xả rác không đúng nơi quy định, xác định được trách nhiệm trước các vấn đề cần giải quyết của xã hội, thì khi đó nền tảng phát triển xã hội mới thật sự bền vững.
THÀNH NAM

“Giải thưởng” tiếp tay cho cái xấu và xuyên tạc Việt Nam

Ngày 21-4 từ Hàn Quốc, cái gọi là “giải thưởng nhân quyền Gwangju” năm 2016 đã được trao cho Nguyễn Đan Quế. Lập tức sự kiện này được các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam ra sức cổ súy, khuyếch đại rùm beng. Vậy Nguyễn Đan Quế là ai, có “thành tích” gì mà lại được trao “giải thưởng”?
Ngày 26-10-1979, Tổng thống Park Chung-hee (Pắc Chung Hy) ở Hàn Quốc bị ám sát. Sự kiện này đã chấm dứt chế độ Park Chung-hee song lại đưa Hàn Quốc vào tình trạng bất ổn, nhất là sau cuộc đảo chính quân sự do tướng Chun Doo-hwan (Chun Đô Hoan) đứng đầu và lệnh thiết quân luật. Bối cảnh đó đẩy tới nhiều hành động của người Hàn Quốc để giải tỏa bức xúc vốn tích lũy từ thời Park Chung-hee; sự kiện xảy ra tại Gwangju (Quang Du) tháng 5-1980 với việc sử dụng bạo lực của chính quyền Hàn Quốc khi đó đối với người biểu tình, dẫn tới cái chết của hàng trăm dân chúng, binh lính, cảnh sát. Đến nay, từ các cách tiếp cận khác nhau mà sự kiện xảy ở Gwangju năm 1980 lại có tên gọi khác nhau, như: “sự cố 18-5”, “nổi dậy 18-5”. Để kỷ niệm, năm 2000, Quỹ tưởng niệm ngày 18-5 (May 18 Memorial Foundation - thành lập năm 1994 tại Hàn Quốc) lập một giải thưởng đặt tên là “giải thưởng nhân quyền Gwangju” dành cho “cá nhân, tập thể hay định chế tại Hàn Quốc hoặc nước ngoài, đã có đóng góp vào việc xúc tiến nhân quyền, dân chủ, hòa bình”. Ngày 21-4 mới đây, căn cứ vào thứ “thành tích” kỳ quặc gọi là “hành trình đi tìm tự do cho dân tộc và sự trừng phạt phải gánh chịu đã tạo cảm hứng cho con người toàn thế giới lên tiếng… thay mặt những người thấp cổ bé họng chỉ trích chính sách phân biệt đối xử về chăm sóc y tế của chế độ chỉ dành ưu tiên cho đảng viên cộng sản thay vì dành cho người nghèo” (!) “giải thưởng nhân quyền Gwangju” năm 2016 được trao cho Nguyễn Đan Quế - một người Việt Nam. Vậy, Nguyễn Đan Quế là ai?
Không cần tìm trong hồ sơ của cơ quan chức năng, chỉ cần vào internet sẽ dễ dàng biết được lai lịch, quá trình hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam, chống phá chế độ của Nguyễn Đan Quế đã diễn ra như thế nào, vì mấy kẻ “cùng hội cùng thuyền” với ông ta không e ngại quảng bá các “thành tích” của người này. Nguyễn Đan Quế sinh năm 1942, tại Hà Nội, năm 1954 di cư vào nam, tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1966. Sau đó làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, rồi tu nghiệp tại Bỉ, Pháp, Anh. Năm 1978, Nguyễn Đan Quế và một số người lập cái gọi là “mặt trận dân tộc tiến bộ” cho nên đã bị bắt giam và năm 1988 được phóng thích. Năm 1990, Nguyễn Đan Quế lập ra cái gọi là “cao trào nhân bản”, đồng thời công bố “lời kêu gọi của cao trào nhân bản” đòi nhân quyền, đa nguyên chính trị, tuyển cử tự do. Vì thế ông ta bị bắt giữ với tội danh “âm mưu nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, và nhận bản án 20 năm tù, 5 năm quản thúc. Năm 1998, nhờ chính sách khoan hồng của Nhà nước, Nguyễn Đan Quế đã được ra tù trước thời hạn. Dù được Nhà nước khoan dung song bản chất con người Nguyễn Đan Quế vẫn không thay đổi. Năm 1999, ông ta công bố cái gọi là “thông cáo đòi dân chủ hóa đất nước”; năm 2003, ông ta gửi văn bản chỉ trích Nhà nước Việt Nam tới Chính phủ Hoa Kỳ. Năm 2004, Nguyễn Đan Quế tiếp tục nhận bản án 30 tháng tù với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”, đến năm 2005 được Nhà nước Việt Nam đặc xá. Năm 2011, khám xét khẩn cấp nhà riêng của Nguyễn Đan Quế, cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện trong máy tính của ông ta lưu trữ hơn 60.000 đầu tài liệu kích động, kêu gọi chống phá Nhà nước cùng “lời kêu gọi toàn dân xuống đường” biểu tình lật đổ chế độ. Nguyễn Đan Quế thừa nhận tài liệu do ông ta soạn thảo, đã phát tán cho một số tổ chức, cá nhân phản động ở trong nước, ngoài nước. Đến năm 2013, Nguyễn Đan Quế tiếp tục làm đầu trò để lập ra cái gọi “mạng lưới các blogger Việt”, “hiệp hội nhân quyền phụ nữ Việt Nam”; và năm 2014 là người chủ mưu để cho ra đời cái gọi là “hiệp hội các cựu tù nhân lương tâm”…
Như vậy, sau mấy chục năm hoạt động chống phá Nhà nước, chống phá chế độ, Nguyễn Đan Quế đã bị bắt giam và tuyên án ba lần. Đó chính là lý do để các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam ban phát cho ông ta nhãn hiệu lừa mỵ như “nhà dân chủ, nhà bất đồng chính kiến, nhà đối lập hàng đầu”. Đó cũng là lý do để mỗi khi cần tiếng nói “to mồm” trước vấn đề, sự kiện nào đó ở Việt Nam, RFA, BBC, RFI, VOA,… lại tìm đến Nguyễn Đan Quế, tạo cơ hội để ông ta phát ngôn ngông cuồng, tùy tiện như đòi “cô lập Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam để đánh đổ một đảng với chủ nghĩa lỗi thời, công nhận quyền tư hữu, phối hợp trong - ngoài”. Thậm chí, dù dân chúng Việt Nam không biết ông ta là ai, ngày 3-3-2011, có người còn vẽ vời trên BBC viễn cảnh khôi hài: “Nếu như hình ảnh bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng bước ra đường vào một thời khắc nào đó, bị công an xô đẩy và rơi vào ống kính truyền thông thì có thể nói cách mạng hoa nhài được chính thức bắt đầu”! Đáng chú ý, anh trai Nguyễn Đan Quế là Nguyễn Quốc Quân - một người Mỹ gốc Việt có thái độ, hành động chống cộng nổi tiếng tại Hoa Kỳ. Nguyễn Quốc Quân cầm đầu “tập hợp vì nền dân chủ”, đặc biệt sau khi Nguyễn Đan Quế cho ra đời “cao trào nhân bản” thì ở Hoa Kỳ, Nguyễn Quốc Quân cũng vội vàng lập “tổ chức quốc tế yểm trợ cao trào nhân bản” nhằm hậu thuẫn cho em trai và do chính Nguyễn Quốc Quân làm… “chủ tịch”! Năm 2004, kỷ niệm một năm Nguyễn Đan Quế bị bắt, Nguyễn Quốc Quân đã đăng bài trên National Review Online - một tạp chí chính trị có khuynh hướng bảo thủ ở Hoa Kỳ, trong đó mượn lời T. Wiesel (T. Uy-sen) để ca ngợi em trai là “Sakharov của Việt Nam”! (Sa-kha-rốp - người được giới sử dụng dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây để chống phá Liên Xô trước đây gọi là “nhà bất đồng chính kiến”).
Qua các hành vi của Nguyễn Đan Quế, cần khẳng định từ năm 1975 đến nay, ngoài việc chống phá Nhà nước, chống phá chế độ một cách có hệ thống, người này chưa làm bất cứ việc gì hữu ích với xã hội Việt Nam. Ông ta vi phạm pháp luật cho nên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đó là việc bình thường ở mọi quốc gia khi cần tổ chức, quản lý, bảo đảm ổn định xã hội, ngay tại Hàn Quốc cũng vậy. Cho nên cái gọi “hành trình đi tìm tự do cho dân tộc” của Nguyễn Đan Quế mà tổ chức trao giải rêu rao thực chất là gán ghép bừa bãi, vì “hành trình” đó hoàn toàn không có giá trị đối với dân tộc Việt Nam. Để kiểm chứng, người ở Quỹ tưởng niệm ngày 18-5 hãy khảo sát trên internet xem những thứ “thông báo, kêu gọi” của Nguyễn Đan Quế có được mấy trăm người hưởng ứng, trong khi dân số Việt Nam là hơn 90 triệu người? Còn cái gọi “chính sách phân biệt đối xử về chăm sóc y tế” họ đưa ra, thực chất là xuyên tạc một trong rất nhiều việc làm quan trọng mà Nhà nước Việt Nam đã tiến hành nhằm bảo đảm nhân quyền trong xã hội. Về y tế, đến nay ở Việt Nam một hệ thống y tế rộng khắp từ trung ương đến làng xã, thôn bản đã được triển khai giúp khám, chữa bệnh cho toàn dân, không có bất cứ phân biệt đối xử nào. Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, người sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dưới 16 tuổi và từ 16 tuổi đến 22 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi không có lương hưu,… Đó là kết quả từ chính sách ưu việt, nỗ lực rất lớn của Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Nhưng người có trách nhiệm ở Quỹ tưởng niệm ngày 18-5 không biết sự thật đó, và Nguyễn Đan Quế phải thấy xấu hổ khi được “vinh danh” như vậy.
Dù bao biện thế nào thì hành vi của Nguyễn Đan Quế vẫn không tương xứng với những gì người Hàn Quốc cố gắng đạt tới sau thời Park Chung-hee. Nói cách khác ở Gwangju, người Hàn Quốc hành động để xây dựng xã hội, còn Nguyễn Đan Quế lại sử dụng nhân quyền làm chiêu bài để chống phá, xúi giục chống phá Nhà nước, gây mất ổn định xã hội. Hoàn toàn không có uy tín, xăng xái đóng vai “người hùng” qua mấy “kêu gọi, tuyên bố” trên internet, suy cho cùng Nguyễn Đan Quế đã và đang là “con rối” trong tay các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam. Bởi vậy, liệu có thể coi việc trao “giải thưởng nhân quyền Gwangju” cho Nguyễn Đan Quế là làm tổn thương những người Hàn Quốc đã ngã xuống ở Gwangju? Qua việc trao “giải thưởng” cho ông ta, người có trách nhiệm ở Quỹ tưởng niệm ngày 18-5 của Hàn Quốc có biết họ đã đánh đồng người tốt với kẻ xấu; tiếp tay cho người đã vi phạm pháp luật Việt Nam một cách hệ thống và nhiều lần phải nhận án tù; đồng thời xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Vào lúc quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có những bước phát triển tốt đẹp, phù hợp lợi ích của nhân dân hai nước, nếu thật sự quan tâm đến Việt Nam, người tổ chức “giải thưởng nhân quyền Gwangju” cần làm những việc có ý nghĩa để củng cố quan hệ hữu nghị, có thái độ văn minh để không xuyên tạc, không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, không trao “giải thưởng” cho người như Nguyễn Đan Quế. Dù Việt Nam chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai thì trước khi đề cập tới dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, người của Quỹ tưởng niệm ngày 18-5 cần nghĩ tới các tội ác mà binh lính Hàn Quốc gây ra ở Việt Nam; họ cần biết về sự kiện ngày 26-2 GS Roh Hwa Wook, Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập Quỹ hòa bình Hàn - Việt, đã tới Bình An (Bình Định) để cúi đầu, quỳ lạy gửi lời xin lỗi đến nạn nhân, thân nhân gia đình nạn nhân đã bị binh lính Hàn Quốc thảm sát; gần hơn là ngày 27-4 vừa qua, Quỹ hòa bình Hàn - Việt thông báo ra mắt bức tượng Pieta Việt Nam tại Seoul, kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc có thái độ trách nhiệm với vấn đề chiến tranh Việt Nam… Thiết nghĩ, khi những người Hàn Quốc có lương tri đã hành động rất đúng mực như vậy, thì người trao “giải thưởng” cho Nguyễn Đan Quế cũng nên tự vấn để xem xét, đánh giá lại việc làm của họ.
VŨ HỢP LÂN

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Đừng làm tình hình thêm rối

Đó là ý kiến của thạc sĩ Đoàn Trần Vĩnh Khánh, giảng viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, khi trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ.
Ông Khánh nói:
“Trước tiên việc người dân bức xúc trước tình trạng cá chết, môi trường biển bị tác động xấu, ô nhiễm... là điều chính đáng. Người dân đã quan tâm nhiều hơn đến môi trường sống, đến các vấn đề lớn của xã hội.
Người dân đã thực sự quan tâm nhiều hơn tới cộng đồng, đồng thời trình độ cũng như nhận thức về môi trường của người dân có bước tiến bộ.
Tuy nhiên, việc tụ tập đông người như vừa qua thực sự không đem lại kết quả đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách hiện tại, chưa kể tới việc gây ra sự xáo trộn và bất ổn trong một cách không cần thiết.
Việc xuống đường đông người của người dân vô tình làm cho các thế lực xấu có cơ hội lợi dụng để gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống thường nhật và sự phát triển bình thường của xã hội”.
* Với tư cách là trí thức của TP.HCM, ông nhìn nhận như thế nào về nguyên nhân cá chết ở các tỉnh miền Trung?
- Về góc độ khoa học, việc cá chết có thể do nhiều nguyên nhân cho nên chúng ta cần thận trọng xem xét trên nhiều góc độ, nhiều khía cạnh khác nhau.
Trên thế giới, một số nước đã gặp phải hiện tượng như thế này nhưng có nơi là do môi trường nước ô nhiễm, có nơi lại là do nguyên nhân khác.
Để tìm ra nguyên nhân chính xác cần thời gian, thậm chí vài tháng đến vài năm, có những vụ việc đến giờ chưa giải thích được.
Với tình hình như vậy, tụ tập đông người không giúp cho môi trường tốt hơn, không giúp cho tiến độ công việc nhanh hơn mà còn làm cho tình hình thêm rối. Tốt nhất là phải hành động thiết thực như tiết kiệm năng lượng hằng ngày, làm sạch môi trường sinh sống.
* Theo ông, người dân có thể thể hiện quan điểm, chính kiến của mình một cách hiệu quả thông qua những kênh nào?
- Người dân có thể phản ảnh qua báo chí, các cơ quan truyền thông để đề đạt nguyện vọng, yêu cầu giải quyết những vấn đề gây bức xúc. Tuy nhiên, báo chí cần đăng tải thông tin khách quan, chính xác, đầy đủ và kịp thời hơn về các vấn đề quan trọng, phản ánh trung thực tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân.
Đưa tin tức đầy đủ, toàn diện các mặt của các sự kiện, sự việc đang diễn ra, ví dụ như các thiệt hại do tụ tập đông người gây ra, công việc của Nhà nước trong việc tìm hiểu nguyên nhân cá chết...
Các vị đại biểu của nhân dân, đại diện cho người dân như đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội cũng là một kênh tốt để người dân phản ảnh. Họ có tiếng nói mạnh mẽ trong việc tác động, đốc thúc chính quyền đưa ra câu trả lời chính xác về nguyên nhân gây cá chết.
Các vị đại biểu là đại diện của dân cần thường xuyên hơn trong việc chuyển tải nguyện vọng và những bức xúc của người dân đến các cấp chính quyền.
* Tiến sĩ Nguyễn Lâm Duy (giảng viên Trường ĐH 
Sư phạm TP.HCM):
Người dân cần biết chính xác nguyên nhân cá chết
Theo tôi, hậu quả của sự việc cá chết ảnh hưởng đến một khu vực duyên hải rất rộng cho thấy mức độ nghiêm trọng của nó. Cho nên nhu cầu được biết chính xác và nhanh chóng nguyên nhân của hiện tượng bất thường này không phải chỉ riêng người dân các tỉnh trực tiếp bị ảnh hưởng, mà còn là mong muốn của tất cả người dân Việt Nam.
Trong khi các tổ chức khoa học và cơ quan chức năng đang tích cực tìm ra nguyên nhân hiện tượng, việc tụ tập đông người yêu cầu chính quyền trả lời về nguyên nhân hải sản bị chết bất thường của một số người dân hoàn toàn không giúp cho việc tìm ra nguyên nhân cá chết.
Thay vào đó, họ có thể tham gia cùng với chính quyền địa phương tìm hiểu nguyên nhân hoặc điều tra độc lập bằng tất cả phương tiện và khả năng mình. Như vậy, kết luận cuối cùng về nguyên nhân của sự cố môi trường này sẽ nhanh hơn và toàn diện hơn.
* Ông Nguyễn Túc 
(ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam):
Cần tỉnh táo 
nhìn nhận vấn đề
Những ngày gần đây do tình hình cá chết ở khu vực miền Trung không rõ nguyên nhân khiến nhiều người dân bức xúc. Lợi dụng tình hình đó, nhiều tổ chức, cá nhân kích động nhân dân tham gia tụ tập đông người gây mất trật tự an ninh xã hội.
Quan tâm của người dân đến các sự kiện của đất nước là tốt nhưng khi quan tâm phải rất bình tĩnh, nhìn nhận ở tất cả các mặt. Trong mọi trường hợp, sự nóng vội đều không giải quyết được việc gì.
Về việc người dân tham gia xuống đường, theo quan điểm của tôi, chúng ta phải bình tĩnh suy xét, nếu chỉ nhìn phiến diện thì cái gì nhìn phiến diện cũng dẫn đến hiệu quả không ổn. Như cơ quan công an một số địa phương đã thông tin, nhiều người dân bị kích động, xúi giục, thậm chí là mua chuộc để tham gia tụ tập đông người.
Một số tổ chức, phần tử xấu muốn nhân kỳ bầu cử Quốc hội và Tổng thống Hoa Kỳ Obama đến thăm Việt Nam để tổ chức xuống đường gây mất an ninh trật tự. Tôi thấy rằng việc xuống đường ở thời điểm này là không nên vì nó gây bất lợi cho hình ảnh đất nước.
Việc làm của một số người không chỉ ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử mà còn làm xáo trộn đến đời sống của người dân khác. Nếu xảy ra mất an ninh trật tự thì chính những người tham gia xuống đường cũng bị ảnh hưởng.
Tổng giám mục Tổng giáo phận TP.HCM Phaolô Bùi Văn Đọc:
Chia sẻ, giúp đỡ thiết thực
Trong thông báo về tình trạng cá chết bất thường tại miền Trung gửi cho giáo dân TP.HCM ngày 30-4-2016 do tổng giám mục Tổng giáo phận TP.HCM Phaolô Bùi Văn Đọc ký có nêu: Trong những ngày qua, trước tình trạng cá chết bất thường kéo dài, hàng trăm nghìn hộ dân ven biển miền Trung đang gặp nhiều khó khăn trong đời sống và gánh chịu nhiều hệ lụy. Về phía Nhà nước và những cơ quan trách nhiệm vẫn chưa tìm ra rõ ràng nguyên nhân của sự kiện này.
“Là những người Công giáo, chúng ta cũng ước muốn chia sẻ với bà con đồng bào miền Trung, đồng thời cũng lo lắng khi suy nghĩ về tương lai môi trường sống trên quê hương Việt Nam”.
Thông báo cũng đề nghị “quý cha và anh chị em giáo dân khi diễn tả những lo lắng và bức xúc của mình tránh những hành động quá khích, dẫn tới xung đột, ảnh hưởng tới sản xuất, giao thông, vi phạm pháp luật.
Một cách cụ thể, chúng ta cầu nguyện một cách đặc biệt cho tất cả bà con miền Trung đang gặp cảnh khó khăn này và có được những hành vi chia sẻ, giúp đỡ thiết thực...”.
NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ