Ông Khánh nói:
“Trước tiên việc người dân bức xúc trước tình trạng cá chết, môi trường biển bị tác động xấu, ô nhiễm... là điều chính đáng. Người dân đã quan tâm nhiều hơn đến môi trường sống, đến các vấn đề lớn của xã hội.
Người dân đã thực sự quan tâm nhiều hơn tới cộng đồng, đồng thời trình độ cũng như nhận thức về môi trường của người dân có bước tiến bộ.
Tuy nhiên, việc tụ tập đông người như vừa qua thực sự không đem lại kết quả đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách hiện tại, chưa kể tới việc gây ra sự xáo trộn và bất ổn trong một cách không cần thiết.
Việc xuống đường đông người của người dân vô tình làm cho các thế lực xấu có cơ hội lợi dụng để gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống thường nhật và sự phát triển bình thường của xã hội”.
* Với tư cách là trí thức của TP.HCM, ông nhìn nhận như thế nào về nguyên nhân cá chết ở các tỉnh miền Trung?
- Về góc độ khoa học, việc cá chết có thể do nhiều nguyên nhân cho nên chúng ta cần thận trọng xem xét trên nhiều góc độ, nhiều khía cạnh khác nhau.
Trên thế giới, một số nước đã gặp phải hiện tượng như thế này nhưng có nơi là do môi trường nước ô nhiễm, có nơi lại là do nguyên nhân khác.
Để tìm ra nguyên nhân chính xác cần thời gian, thậm chí vài tháng đến vài năm, có những vụ việc đến giờ chưa giải thích được.
Với tình hình như vậy, tụ tập đông người không giúp cho môi trường tốt hơn, không giúp cho tiến độ công việc nhanh hơn mà còn làm cho tình hình thêm rối. Tốt nhất là phải hành động thiết thực như tiết kiệm năng lượng hằng ngày, làm sạch môi trường sinh sống.
* Theo ông, người dân có thể thể hiện quan điểm, chính kiến của mình một cách hiệu quả thông qua những kênh nào?
- Người dân có thể phản ảnh qua báo chí, các cơ quan truyền thông để đề đạt nguyện vọng, yêu cầu giải quyết những vấn đề gây bức xúc. Tuy nhiên, báo chí cần đăng tải thông tin khách quan, chính xác, đầy đủ và kịp thời hơn về các vấn đề quan trọng, phản ánh trung thực tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân.
Đưa tin tức đầy đủ, toàn diện các mặt của các sự kiện, sự việc đang diễn ra, ví dụ như các thiệt hại do tụ tập đông người gây ra, công việc của Nhà nước trong việc tìm hiểu nguyên nhân cá chết...
Các vị đại biểu của nhân dân, đại diện cho người dân như đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội cũng là một kênh tốt để người dân phản ảnh. Họ có tiếng nói mạnh mẽ trong việc tác động, đốc thúc chính quyền đưa ra câu trả lời chính xác về nguyên nhân gây cá chết.
Các vị đại biểu là đại diện của dân cần thường xuyên hơn trong việc chuyển tải nguyện vọng và những bức xúc của người dân đến các cấp chính quyền.
* Tiến sĩ Nguyễn Lâm Duy (giảng viên Trường ĐH
Sư phạm TP.HCM):
Người dân cần biết chính xác nguyên nhân cá chết
Theo tôi, hậu quả của sự việc cá chết ảnh hưởng đến một khu vực duyên hải rất rộng cho thấy mức độ nghiêm trọng của nó. Cho nên nhu cầu được biết chính xác và nhanh chóng nguyên nhân của hiện tượng bất thường này không phải chỉ riêng người dân các tỉnh trực tiếp bị ảnh hưởng, mà còn là mong muốn của tất cả người dân Việt Nam.
Trong khi các tổ chức khoa học và cơ quan chức năng đang tích cực tìm ra nguyên nhân hiện tượng, việc tụ tập đông người yêu cầu chính quyền trả lời về nguyên nhân hải sản bị chết bất thường của một số người dân hoàn toàn không giúp cho việc tìm ra nguyên nhân cá chết.
Thay vào đó, họ có thể tham gia cùng với chính quyền địa phương tìm hiểu nguyên nhân hoặc điều tra độc lập bằng tất cả phương tiện và khả năng mình. Như vậy, kết luận cuối cùng về nguyên nhân của sự cố môi trường này sẽ nhanh hơn và toàn diện hơn.
* Ông Nguyễn Túc
(ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam):
Cần tỉnh táo
nhìn nhận vấn đề
Những ngày gần đây do tình hình cá chết ở khu vực miền Trung không rõ nguyên nhân khiến nhiều người dân bức xúc. Lợi dụng tình hình đó, nhiều tổ chức, cá nhân kích động nhân dân tham gia tụ tập đông người gây mất trật tự an ninh xã hội.
Quan tâm của người dân đến các sự kiện của đất nước là tốt nhưng khi quan tâm phải rất bình tĩnh, nhìn nhận ở tất cả các mặt. Trong mọi trường hợp, sự nóng vội đều không giải quyết được việc gì.
Về việc người dân tham gia xuống đường, theo quan điểm của tôi, chúng ta phải bình tĩnh suy xét, nếu chỉ nhìn phiến diện thì cái gì nhìn phiến diện cũng dẫn đến hiệu quả không ổn. Như cơ quan công an một số địa phương đã thông tin, nhiều người dân bị kích động, xúi giục, thậm chí là mua chuộc để tham gia tụ tập đông người.
Một số tổ chức, phần tử xấu muốn nhân kỳ bầu cử Quốc hội và Tổng thống Hoa Kỳ Obama đến thăm Việt Nam để tổ chức xuống đường gây mất an ninh trật tự. Tôi thấy rằng việc xuống đường ở thời điểm này là không nên vì nó gây bất lợi cho hình ảnh đất nước.
Việc làm của một số người không chỉ ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử mà còn làm xáo trộn đến đời sống của người dân khác. Nếu xảy ra mất an ninh trật tự thì chính những người tham gia xuống đường cũng bị ảnh hưởng.
* Tổng giám mục Tổng giáo phận TP.HCM Phaolô Bùi Văn Đọc:
Chia sẻ, giúp đỡ thiết thực
Trong thông báo về tình trạng cá chết bất thường tại miền Trung gửi cho giáo dân TP.HCM ngày 30-4-2016 do tổng giám mục Tổng giáo phận TP.HCM Phaolô Bùi Văn Đọc ký có nêu: Trong những ngày qua, trước tình trạng cá chết bất thường kéo dài, hàng trăm nghìn hộ dân ven biển miền Trung đang gặp nhiều khó khăn trong đời sống và gánh chịu nhiều hệ lụy. Về phía Nhà nước và những cơ quan trách nhiệm vẫn chưa tìm ra rõ ràng nguyên nhân của sự kiện này.
“Là những người Công giáo, chúng ta cũng ước muốn chia sẻ với bà con đồng bào miền Trung, đồng thời cũng lo lắng khi suy nghĩ về tương lai môi trường sống trên quê hương Việt Nam”.
Thông báo cũng đề nghị “quý cha và anh chị em giáo dân khi diễn tả những lo lắng và bức xúc của mình tránh những hành động quá khích, dẫn tới xung đột, ảnh hưởng tới sản xuất, giao thông, vi phạm pháp luật.
Một cách cụ thể, chúng ta cầu nguyện một cách đặc biệt cho tất cả bà con miền Trung đang gặp cảnh khó khăn này và có được những hành vi chia sẻ, giúp đỡ thiết thực...”.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét