Đúng lúc sự việc nói trên đang “nóng” trên một số tờ báo, trang mạng thì sự kiện một tác giả người Mỹ gốc Việt nhận giải Pulitzer năm 2016 tiếp tục trở thành đề tài được quan tâm. Liên quan cuốn sách này, theo facebook của dịch giả Phạm Viêm Phương thì: “tháng 5-2015, Ban Tu thư ĐHHS được yêu cầu thẩm định tác phẩm này (lúc đó vừa xuất bản và có tiếng vang trên báo chí Mỹ),… bản thẩm định khiến Ban Tu thư quyết định không mua bản quyền cuốn để dịch” (ĐHHS - Đại học Hoa Sen?).
|
Và ngày 21-4, trả lời phỏng vấn VOA, tác giả cuốn sách cho biết: “đã có hợp đồng với một nhà xuất bản ở Việt Nam và họ đang trong quá trình dịch cuốn tiểu thuyết… Cuốn tiểu thuyết có những điều gây bực mình đối với mọi người - người Mỹ, người Nam Việt Nam, những người cộng sản, đảng cộng sản, những người Việt Nam đã chiến thắng. Nếu những đoạn tiềm tàng gây khó chịu cho chính phủ, đảng cộng sản mà bị kiểm duyệt sẽ làm cho cuốn tiểu thuyết trở nên vô dụng. Vì vậy, có điều khoản trong hợp đồng nói rằng nếu bản dịch bị kiểm duyệt, tôi sẽ nhận lại bản dịch”. Nếu đúng vậy, để có thể in và phát hành liệu rồi đây ai đó có sử dụng thủ pháp nhập nhèm như đổi tên sách “Trại súc vật” thành “Chuyện ở nông trại”, “Nền dân chủ Mỹ” thành “Nền dân trị Mỹ”,… hoặc cố tình vi phạm pháp luật bằng cách phát hành trước khi hết thời hạn nộp lưu chiểu, để cơ quan chức năng chấn chỉnh, đình chỉ phát hành, thì làm ầm lên là sách bị cấm?
Phải nói rằng gần đây, việc đưa tin, bình luận một số sự kiện, giới thiệu, trao giải thưởng,… cho một số cá nhân vốn thiếu thiện chí, thậm chí là thù địch với Việt Nam, đã xuất hiện một cách bất thường trên báo chí, hoặc do một vài tổ chức nhân danh khoa học thực hiện. Như đã có trang mạng ca ngợi J. Steinbeck (J.Sten-bếc) - giải Nobel văn học, trong khi đây là người từng rủa xả cách mạng Việt Nam, ca ngợi lính Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam. Trước đó, năm 2010, Trịnh Hội được trao giải “diễn viên chính xuất sắc nhất” tại Giải Cánh diều, cho dù người này đã bị trục xuất, cấm nhập cảnh. Sau khi Trịnh Hội nhận giải, một blogger nổi tiếng đã viết: “Trịnh Hội khá được trọng vọng săn đón ở trong nước. Rất nhanh sau đó, Trịnh Hội bị phát giác tham gia đảng Việt tân, một tổ chức bị liệt vào hàng khủng bố do từng dùng vũ trang xâm nhập quy mô lớn vào Việt Nam. Tất cả các nhân vật liên quan đến đảng này đều automatic miễn vô. Không những thế, Trịnh Hội còn chủ xướng thành lập VOICE, quy tụ giới văn nghệ sĩ trí thức, có lẽ để phản biện cái gì đó. Sau khi bị cấm nhập Việt Nam, Trịnh Hội qua Cam-pu-chia tiếp tục gây dựng phong trào”. Năm 2015, S.Alexievich (S.A-lếch-xi-ê-vích) nhận giải Nobel văn học và lập tức báo chí tràn ngập thông tin, thậm chí tại Hà Nội, Đà Nẵng còn tổ chức để một nhà văn nói chuyện về S. Alexievich. So sánh sự xăng xái có phần thái quá với ý kiến vạch rõ xu hướng chống cộng của tác giả này (như ngày 31-10-2015 trang nguoi-viet.com nhận xét: “riêng với bà Alexievich, giải Nobel văn chương cho thấy rõ tính cách chính trị. Bà là người chống chế độ độc tài cộng sản”) và trong diễn từ tại lễ trao giải, S. Alexievich không cần giấu giếm quan điểm “chống cộng” của bà, thì có nên nghi ngờ mục đích của nhà văn nọ? Cũng cần lưu ý, ngay sau khi giải Nobel năm 2015 được trao, vì phẫn nộ mà nữ nhà văn Thụy Sĩ H. Richard-Favre (H. Ri-xác-Fa-rơ) gửi thư ngỏ đến S. Alexievich, trong thư có đoạn: “Tất cả chúng ta phải lựa chọn đề tài để viết. Bà đã có sự lựa chọn của mình, và có được một lượng độc giả ngưỡng mộ vì lựa chọn đó. Nhưng bà - người đã lấy nền tảng các sáng tác của mình là đấu tranh với sự dối trá, thì sao lại có thể tuyên bố là 86 % người Nga vui mừng vì cái chết của những người dân ở Donbass? Thưa bà, khi tuyên bố như vậy, bà đã không đơn giản là dối trá, bà không đơn giản là sai lầm, mà bà đang tỏ ra khinh miệt thực tế”!
Trường hợp khác không thể không nhắc đến là việc một số tờ báo trong nước ca ngợi A. Solzhenitsyn (A. Sôn-den-nít-sin) - Nobel văn học năm 1970, là: “một trong những nhà văn lớn, nổi tiếng có nhiều đóng góp cho nền văn học Nga trên nhiều phương diện, một người suốt đời tận tụy và kiên trì đấu tranh cho sự chiến thắng của nghệ thuật, của sự thật đối với cái xấu, cái ác”, “ông còn là một nhà thơ, nhà viết kịch xuất sắc, hoạt động xã hội tích cực”… Tuy nhiên, có lẽ người viết và tòa soạn đã bỏ qua các uẩn khúc đằng sau nhân vật này? Sang phương Tây cư trú, dù chỉ nhận nhuận bút ít ỏi từ số sách bán được, nhưng Solzhenitsyn lại có một đời sống vật chất trên cả sang trọng, dù ngoài viết văn ra, ông không làm thêm việc gì khác? Với Solzhenitsyn, không thể không nhắc tới sự kiện tháng 5-1974, ông ta đã tuyên bố: “Tôi sẽ đến Hoa Kỳ, sẽ nói chuyện tại Thượng viện, tôi sẽ nói chuyện với Tổng thống, tôi muốn tiêu diệt Fulbright và các thượng nghị sĩ khác có ý định tìm đường đi tới thỏa hiệp với những người cộng sản. Tôi cần phải làm sao để người Mỹ gia tăng áp lực tại Việt Nam” (inance.ru, ngày 11-10-2015). Và ngay sau ngày 30-4-1975, ông ta dự báo bừa bãi: “Nhìn thảm họa đáng sợ ở Việt Nam từ xa, tôi có thể nói với các ngài rằng, 1 triệu người sẽ bị tiêu diệt, và khoảng 4-5 triệu người sẽ bị đi đày trong các trại tập trung”! Rõ ràng không thể vì “hào quang” của giải Nobel mà bỏ qua một số phát ngôn rất đáng phê phán của Solzhenitsyn về Việt Nam, để từ đó ca ngợi, đánh giá thiếu khách quan khiến độc giả nhầm lẫn. Tới gần đây, một quỹ văn hóa tại Việt Nam lại trao giải cho sử gia người Mỹ K.Taylor (K.Tay-lo) với lời cảm ơn “vì tình yêu chân chính, nỗ lực trằn trọc của ông cho khoa học lịch sử Việt Nam, cho Việt Nam”! Trong khi trên thực tế, các kết quả nghiên cứu của K.Taylor là chia cắt Việt Nam một cách siêu hình thành các vùng miền rồi kết luận các vùng miền này thường xuyên mâu thuẫn, xung đột; biến các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của người Việt thành nội chiến, phủ nhận các cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, giải phóng dân tộc ở Việt Nam; cho rằng Việt Nam không có lịch sử, văn hóa thống nhất, và liên tục. Tương tự, là giải thưởng nghiên cứu mà quỹ văn hóa nói trên trao cho “những công trình nghiên cứu độc đáo trong một số lĩnh vực lịch sử và văn hóa Việt Nam” của tác giả nọ, mà đọc các công trình đó thì thấy đúng là rất “độc đáo”, đại loại: Ngô Đình Diệm là “Việt gian không bán nước, mà chống Cộng!”, “Trớ trêu là chính thực dân Pháp đã canh tân Việt Nam với quy mô và tốc độ gấp 5, gấp 10 mơ ước của cụ Nguyễn Trường Tộ”, “ta giành được chính quyền là nhờ nắm được thời cơ (Nhật diệt Pháp, rồi đầu hàng phe Đồng Minh) chứ không phải ta đã gây dựng được bạo lực đủ đè bẹp Pháp và Nhật”…!
Từ ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chính sách hòa hợp dân tộc, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, mở cửa hợp tác với các nước trên thế giới. Tổ quốc đã đón nhiều người Việt từ nước ngoài về thăm quê hương, làm ăn và sinh sống. Đó là cơ sở để tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác, Thuận, Nguyễn Đức Tùng,… xuất bản trong nước; là cơ sở để một số nghệ sĩ từ hải ngoại như Tuấn Ngọc, Tuấn Anh, Vũ Khanh, Thu Phương, Quang Lê, Bằng Kiều, Chế Linh,... về nước biểu diễn; các đạo diễn Hồ Quang Minh, Victor Vũ, Charlie Nguyễn,… về Việt Nam làm phim. Sau khi đã chứng kiến, tiếp xúc những điều tốt đẹp trên quê hương, có người từng thù địch với Việt Nam đã nói chân thành: “Một số người Việt ở Mỹ cho rằng còn lâu Việt Nam mới dân chủ như ở Mỹ, nhưng theo ý tôi, họ đã sai lầm vì điều đó không phù hợp với tình hình hiện tại ở Việt Nam” (Nguyễn Cao Kỳ), “Tôi nghĩ đã đến lúc thôi đối đầu mà cùng nhau đối thoại. Yêu nước là phải cùng nhau làm giàu cho đất nước” (Nguyễn Ngọc Lập)… Về khoa học xã hội và nhân văn, các quan hệ, giao lưu, trao đổi, học hỏi… cũng được mở rộng hơn trước rất nhiều. Đó là tiền đề quan trọng để chúng ta đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, tiếp thu tri thức từ nhân loại, nâng cao năng lực khám phá, sáng tạo của người làm khoa học,… Tuy vậy, hòa hợp dân tộc không có nghĩa là khi đưa tin về sự vụ của người Việt ở nước ngoài lại giới thiệu và để mấy người không từ thủ đoạn nào chống phá Việt Nam được phát ngôn trên báo chí Việt Nam; hợp tác quốc tế không phải để “tôn vinh”, “cảm ơn” mấy nhà nghiên cứu đã xuyên tạc, bóp méo lịch sử Việt Nam; tiếp thu thành tựu văn hóa, văn học nhân loại không phải để ca ngợi, quảng bá mấy nhân vật có “thành tích chống cộng” được phương Tây o bế và trao giải thưởng; càng không phải để xuất bản mấy cuốn sách chứa đựng các nội dung ngược lại với bản chất xã hội, với tiến trình phát triển đất nước…
Những năm qua, báo chí và xuất bản ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, khoa học xã hội và nhân văn cũng đã đạt một số thành tựu mới. Đáng tiếc phải nói là gần đây, loại “hiện tượng lạ” như bài viết này đề cập lại xuất hiện ngày càng nhiều, và đó là điều rất không bình thường. Có thể giải thích “hiện tượng lạ” này từ các lý do khác nhau: Vì áp lực trong cạnh tranh thông tin, để thu hút người đọc và cả thói chụp giật, vô trách nhiệm, chạy theo lợi nhuận,… nên một số tờ báo, trang mạng và nhà xuất bản đã không kiểm chứng, hoặc dễ dãi không kiểm chứng thông tin trước khi công bố trên báo chí, không cẩn trọng xem xét, khảo sát kỹ về tác giả, tác phẩm trước khi xuất bản? Vì một số người lợi dụng sự dễ dãi, hiểu biết còn hạn chế của một số tờ báo, trang mạng, lợi dụng khoa học để truyền bá, quảng bá loại thông tin, tác giả, tác phẩm có quan điểm phiến diện, thù nghịch?... Dù vô tình, cố ý, hay do thiếu thông tin thì vẫn phải cảnh báo, ngăn chặn. Bởi, nếu không cảnh báo, ngăn chặn, “hiện tượng lạ” này có thể làm công chúng nhiễu loạn nhận thức, không phân biệt đâu là người tốt, đâu là kẻ xấu, đâu là nghiên cứu khoa học đích thực, đâu là nghiên cứu chỉ nhằm xúc phạm, hạ thấp uy tín của dân tộc Việt Nam…
PHẠM NGUYỄN
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 10-5-2016.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét