Đình bản 3 tháng chỉ là tạm thời. Sau đó, số phận Tầm Nhìn còn tùy thuộc vào “tầm nhìn” ngắn hạn, hay “tầm nhìn” dài hạn! Dĩ nhiên, muốn có “tầm nhìn” thì phải có “điều kiện” cần và đủ!
Theo Fb LTN.
"Phía Việt Nam tái khẳng định sự cải tiến liên tục và cụ thể trên bình diện lập pháp và chính trị liên hệ tới sự thăng tiến và bảo vệ tự do tín ngưỡng và tôn giáo của các công dân, cũng như sự khuyến khích và liên tục tạo điều kiện dễ dàng cho sự dấn thân tích cực của Giáo Hội Công Giáo trong chính nghĩa quốc gia phát triển xã hội và kinh tế.
Tòa Thánh, khi tái khẳng định tự do của Giáo Hội trong việc thi hành sự mạng của mình để mưu ích cho toàn thể xã hội, đã bày tỏ sự hài lòng với chính phủ Việt Nam vì đã quan tâm đến các nhu cầu của Giáo Hội Công Giáo, như việc khánh thành Học Viện Công Giáo mới đây và giúp tổ chức các buổi lễ và các biến cố quan trọng của Giáo Hội.
Hai bên thỏa thuận rằng Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam sẽ tiếp tục lấy hứng từ giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến việc thực hành "sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc" và đồng thời là các tín hữu Công Giáo tốt và công dân tốt. Trong khi tái khẳng định rằng ĐGH Phanxicô nồng nhiệt quan tân đến sự phát triển các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, Tòa Thánh cầu mong cộng đồng Công Giáo có thể tiếp tục cống hiến sự đóng giúp quí giá bằng cách cộng tác với các tác nhân khác trong xã hội Việt Nam, và phù hợp với luật pháp liên hệ, để phát triển đất nước và thăng tiến công ích".
“Nói là làm”, “like là làm” - một trào lưu đang dấy lên trong giới trẻ nhưng lại có xu hướng đẩy tới hành vi tiêu cực, đã và đang khiến dư luận hết sức lo lắng. Đã có một số người trẻ sẵn sàng làm những việc điên rồ, thậm chí chấp nhận đánh đổi tính mạng chỉ để câu like,...
|
Để đổi lấy 1.000 like (thể hiện yêu thích) trên facebook, một học sinh có thể làm gì? Xé sách vở, bỏ học, hay gây gổ đánh nhau? Nhưng chắc sẽ không ai nghĩ chỉ vì những like trên mạng ảo, một nữ sinh mới 13 tuổi lại sẵn sàng đốt ngôi trường mình đang học! Nhưng đó là sự việc có thật, diễn ra sáng 9-10-2016 tại Khánh Hòa và khiến nhiều người bàng hoàng. Với một túi ni-lông chứa đầy xăng cùng những lời thúc giục, cổ vũ có tính chất kích động, một nữ sinh lớp 8 đã hành động không thể liều lĩnh hơn là châm lửa đốt phòng y tế nhà trường.
Điều không thể ngờ được là ngay khi ngọn lửa bùng lên thì nữ sinh nọ cũng bị kẹt trong lửa và kết quả là hai chân bị bỏng nặng. Toàn bộ sự việc được chính những người bạn của cô bé quay phim lại. Âm thanh thu lại trong clip cho thấy có khá đông người đi theo, và họ không ngớt giục cô bé thực hiện việc đốt lửa. Có người coi đây là hành động bột phát nhất thời của nữ sinh nọ. Nhưng không thể nói như vậy, vì từ khi đăng status có nội dung “đủ 1.000 like sẽ đốt trường” lên facebook đến khi đạt đủ số like như mong muốn không phải sự việc diễn ra chỉ trong vài giờ, mà vẫn có thời gian để nữ sinh nọ suy nghĩ chín chắn về việc muốn làm.
Theo dõi một sự việc đáng buồn, không ít người đặt câu hỏi: Tại sao lại đông người nhấn nút like cho hành động dại dột như thế? Sao không phải là một làn sóng dislike phản đối, buộc cô gái chấm dứt việc làm sai trái, thậm chí là vi phạm pháp luật, khi phá hoại tài sản của xã hội? Nhưng rất tiếc không hề có làn sóng phản đối nào.
Việc làm không thể chấp nhận của nữ sinh 13 tuổi nói trên được cho là hành vi theo trào lưu “nói là làm”, “like là làm” đang rộ lên trong giới trẻ thời gian gần đây. Đến thời điểm hiện tại, sự kiện “đình đám” nhất của trào lưu này là việc một thanh niên ở quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) tẩm xăng vào người tự châm lửa rồi nhảy xuống cầu, xảy ra tối 20-9. Toàn cảnh tự thiêu cũng được quay lại và tung lên mạng, gây xôn xao dư luận.
Trước đó nam thanh niên đã đăng ảnh mình lên facebook kèm dòng trạng thái: “Bức hình này đủ 40.000 like sẽ đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem”! Ngỡ chỉ là hô hào suông, khó khiến người khác tin và nhấn nút like, vậy mà chỉ sau hai giờ đồng hồ, nội dung này đã có gần 30.000 lượt yêu thích. Chỉ sau một ngày, số người like đã lên đến trên 93.000! Một trò đùa có nguy cơ bị đẩy đi quá xa, khi nhiều người đã nhảy vào bình luận với tính chất kích động.
Sức lan truyền trên mạng ảo đã vượt xa hình dung của nhiều người, bằng chứng là vào thời điểm “vụ tự thiêu” sẽ diễn ra, tại địa điểm được thanh niên nọ lựa chọn có hàng nghìn người đổ về, dựng xe đứng... chờ, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Họ kéo đến vì tò mò, vì muốn xem một vụ tự thiêu như trong phim hành động, để vạch mặt một kẻ khoác lác hay vì lý do nào khác nữa? Liệu có bao nhiêu người đến đây xuất phát từ mong muốn ngăn cản một trò xuẩn ngốc, mang tính mạng mình ra đùa giỡn?
Có người không đến được “thực địa” thì chầu chực trên facebook để hóng tin. Liệu chính điều đó có phải đã tạo nên áp lực khiến “thánh câu like” phải thực hiện lời hứa? Một độc giả đặt câu hỏi rất đáng suy nghĩ: “Giả dụ không ai like hành động của nam thanh niên thì sự việc trên có xảy ra? Đó là vô trách nhiệm. Chẳng ai diễn trò nếu không có khán giả”.
Sự tự do trên mạng xã hội mở ra cơ hội để mọi người có thể kết giao bè bạn, học hỏi, phục vụ cho công việc của bản thân. Nhưng do hành vi sử dụng rất thiếu ý thức của một số người mà mạng xã hội lại tồn tại như “con dao hai lưỡi”, khiến người dùng mạng xã hội rất có thể sẽ trở thành nạn nhân của chính mình từ lúc nào mà không hề hay biết. Cùng với nhiều hiện tượng tiêu cực khác, hiện tượng “bán mình” để câu like trên mạng xã hội hiện nay đang chứng minh điều đó.
Song like là gì khiến cho không ít người trở nên điên đảo? Đó chỉ là thể hiện thái độ của một nhóm người trước một nội dung được đăng tải trên mạng xã hội. Kể cả khi nhận về hàng chục nghìn like thì cũng không vì thế mà uy tín và trí tuệ của ai đó được nâng cao, hoặc tìm được việc làm tử tế, càng không khiến sự nghiệp của bản thân phát triển hơn. Đó là chưa kể việc đắm chìm với thế giới ảo trên mạng xã hội khiến cho cuộc sống của không ít người trở nên mất cân bằng, nảy sinh tâm lý chán ghét thực tại, khó hòa nhập cộng đồng. Vậy nhưng không ít người trẻ đã và đang dùng mọi chiêu trò để câu like, câu view như là cách thể hiện ảnh hưởng, tác động cũng như “đẳng cấp” của họ trên thế giới ảo.
Tuy nhiên, từ sự trưởng thành lành mạnh, lương thiện của con người, chắc chắn không có “đẳng cấp” trong thế giới ảo nào được khẳng định, đánh giá cao trong cuộc sống thực qua những người mang cơ thể bản thân ra để hủy hoại, hoặc sẵn sàng đánh đổi nhân phẩm, danh dự của mình để lấy những lời tung hô phù phiếm, vô giá trị. Đúng như tên gọi “mạng ảo” - bởi hôm nay trên facebook ai đó có thể là “ngôi sao sáng” nhưng ngày mai liệu còn ai nhớ đến họ?
Sự ham vui, ham lạ khiến cộng đồng ảo vừa tung hô người này sẽ lập tức quay lưng, kiếm những trò tiêu khiển mới từ người khác. Như một bạn trẻ đã thẳng thắn chia sẻ: “Khi thấy bạn này có nhiều like, những người khác sẽ nghĩ ngay đến việc mình cần làm những thứ ấn tượng để có nhiều like hơn và cho rằng đó là sự nổi tiếng. Thật ra, sau khi đóng cửa sổ màn hình lại, chẳng ai còn nhớ bạn là ai. Mọi người chỉ lưu hình ảnh bạn là người có những hành vi quá lố, thậm chí vô duyên”.
“Thay đổi đi” - là điều mong mỏi của nhiều người trước một số biểu hiện lệch lạc trong một bộ phận giới trẻ, bởi căn bệnh “sống ảo” đang có nguy cơ ngày càng trầm trọng, gây ra hậu quả khôn lường cho nhiều cá nhân, cũng như xã hội. Cũng khẩu hiệu “nói là làm” nhưng sẽ thật đáng quý biết bao nếu thay vì phô diễn cái tôi kỳ dị với những hành vi quái lạ, quái đản, những người trẻ biết chung tay đóng góp công sức của mình giúp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn bằng cách cố gắng học hành, tu dưỡng, tham gia công việc thiện nguyện, giúp người có hoàn cảnh khó khăn, dạy dỗ trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường...
Đã đến lúc cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội, được thể hiện qua từng nút like, mỗi bình luận, và cả hành vi trong xã hội, từ đó góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa cộng đồng mạng. Và “thay đổi đi” phải trở thành thái độ sống tích cực, chứ không phải thay đổi để có hành động phản cảm, gây sốc, đánh bóng bản thân…
|
THẢO ANH/nd |
Lạm dụng hình ảnh của người nổi tiếng để trục lợi là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thay vì sử dụng quyền công dân để đưa sự việc ra trước pháp luật, nhiều người bị hại lại chỉ thông báo sự việc với cơ quan báo chí, hoặc đăng ý kiến phàn nàn, phản đối trên website, facebook cá nhân…
|
Về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình và việc bảo vệ quyền đó như thế nào, văn bản pháp luật Việt Nam liên quan đều đưa ra các điều luật với tiêu chí cụ thể, khẳng định cá nhân có quyền với hình ảnh của mình, và việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý; sử dụng hình ảnh người khác vào mục đích thương mại phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại, áp dụng biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Luật Quảng cáo đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, đề cập cụ thể hành vi bị cấm tại khoản 8, Điều 8: “Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”; Nghị định 181/2013/NĐ-CP cũng đề cập vấn đề này khi đưa ra quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Như vậy, tương tự nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, pháp luật Việt Nam coi quyền nhân thân (personality rights) nói chung và bảo vệ hình ảnh nói riêng, là quyền cơ bản của con người, được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.
Tuy nhiên, sau khi thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xử phạt một công ty cổ phần chăm sóc sắc đẹp tại Hà Nội 50 triệu đồng vì sử dụng hình ảnh của Đ.L trên website khi chưa được diễn viên này đồng ý, lại có người đưa ra lập luận kỳ quặc rằng: “Đẹp thì người ta mới mượn hình ảnh có gì là ghê gớm”, “chị phải cảm ơn họ vì đã giúp chị nổi tiếng hơn”… Trước đó, một số người nổi tiếng trong giới giải trí như L.K, T.N.A, Đ.V.H, J.P hay mới đây là tân hoa hậu M.L đã có trong danh sách nạn nhân của việc lạm dụng hình ảnh. Đáng lên án nhất là việc chỉnh sửa, cắt gắp gương mặt một diễn viên hài nổi tiếng để minh họa bìa cuốn Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014. Bìa cuốn sách này có thể xem là thí dụ điển hình cho hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân khi chưa có sự đồng ý của họ. Và gần đây, bị hại không chỉ là người hoạt động trong lĩnh vực giải trí, mà còn lan sang cả lĩnh vực khác, như vừa qua con gái PGS, TS V.N.C phải lên tiếng trên facebook đề cập việc người ta đã sử dụng hình ảnh nhà giáo nổi tiếng này để quảng cáo từ trung tâm dạy thêm tới… thuốc chữa viêm đường tiết niệu! Ngay những người bình thường cũng trở thành nạn nhân của hành vi nói trên, như mới đây một cô gái chỉ biết kêu trời… khi phát hiện tấm ảnh của mình đã bị một số trang tin điện tử dùng để “minh họa” cho bài viết Cô gái chết thâm tím vì mở quạt máy!
Thế nhưng, điều đáng quan tâm là thay vì khởi kiện đơn vị vi phạm quyền sử dụng hình ảnh cá nhân, phần lớn người bị hại chỉ im lặng, hoặc là chia sẻ bức xúc của mình trên một số tờ báo hoặc mạng xã hội. Thường thì quan niệm chung là bỏ qua, vì nghĩ rằng quy trình kiện tụng phức tạp và mất nhiều thời gian theo đuổi. Một số người thì e ngại vụ kiện ồn ào có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc. Thậm chí có người sợ bị “tố ngược” là lợi dụng chính việc lạm dụng hình ảnh của mình để gây sự chú ý, là “quảng cáo trá hình”! Có thể nói tâm lý e ngại của một số người nổi tiếng lại vô tình tiếp tay, tạo cơ hội cho một số tổ chức, công ty lợi dụng kinh doanh hình ảnh của họ. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng ngày càng tăng các vụ việc nói trên là do một số cá nhân chưa chú ý quản lý bản quyền hình ảnh của mình, thiếu người đại diện và tư vấn pháp luật, dẫn đến hậu quả là tình trạng có vụ việc diễn ra tới vài ba năm mà nạn nhân bị xâm phạm hình ảnh mới biết, trong khi nơi có sai phạm lại kinh doanh mùa vụ, chộp giật nên rất khó xử lý. Chưa kể, facebook và các mạng xã hội còn có tính năng chia sẻ hình ảnh hoặc vi-đê-ô lại vô tình tạo ra cơ sở dữ liệu khổng lồ cho phép các đối tượng xấu thoải mái ăn cắp hình ảnh để hoạt động trục lợi.
Trên thế giới đã có nhiều vụ án được giải quyết theo hướng bảo vệ quyền của người bị sử dụng hình ảnh. Như năm 2010, một tạp chí ở Nhật Bản phải bồi thường số tiền 4 triệu yên vì sử dụng hình ảnh ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc Bae Yong Joon (Bi Dong Giun) mà không được anh cho phép. Năm 2015, Phạm Băng Băng cũng thắng kiện một đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ tại Đài Loan khi cơ sở trên sử dụng hình ảnh của cô để quảng cáo dịch vụ gọt cằm. Cũng năm 2015, sau thời gian kiện tụng kéo dài từ năm 2008 mà báo chí phương Tây ví là “cuộc chiến áo phông”, cuối cùng gia đình cố danh ca B.Marley (B. Ma-lây) đã thắng kiện hãng thời trang A.V.E.L.A, và hãng này phải bồi thường vì tự ý in hình ảnh B.Marley lên các sản phẩm thời trang của mình mà chưa có sự cho phép của gia đình, dù trước đó đại diện của A.V.E.L.A khẳng định đã có “giao kèo mật” với ngôi sao đã khuất. Tương tự, ca sĩ Rihanna (Ri-ha-na) cũng thắng kiện hãng thời trang Topshop ở Anh vì lý do tương tự. Trước đó, Topshop cho rằng họ không vi phạm pháp luật của nước Anh, vì bức ảnh họ sử dụng được mua lại từ một nhiếp ảnh gia độc lập khi người này chụp bức ảnh tại buổi ra mắt một album âm nhạc mới của Rihanna. Thế nhưng, Tòa án ở nước Anh khẳng định Topshop đã cố tình “lách luật” và dù luật pháp Anh không cấm việc một cá nhân bán hoặc sao chép lại các bức ảnh của họ, nhưng hành động của hãng thời trang trên đã vi phạm quyền nhân thân của Rihanna. Đầu năm 2016 mới đây là sự kiện ba chị em K.Kardashian (K.Ka-đa-si-an) thắng kiện cơ sở làm đẹp Haven Beauty, cho dù hai bên đang là đối tác làm ăn. Trước đó, Haven Beauty mua thương hiệu Kardashian nhưng không có điều khoản cho phép họ sử dụng những hình ảnh cá nhân của ba chị em người mẫu này để quảng bá sản phẩm…
Nhưng cũng phải đề cập việc cá nhân vi phạm hợp đồng đã ký kết về việc sử dụng hình ảnh. Năm 2012, ngôi sao bóng đá Ronaldinho (Ro-nan-đi-nhô) bị tập đoàn Coca - Cola chấm dứt hợp đồng quảng cáo giá trị 1 triệu USD sau khi báo chí đăng tải dày đặc tấm ảnh anh vô tư uống nước giải khát Pepsi trong một buổi họp báo trước trận đấu. Tại nhiều nước châu Á, nhiều ngôi sao đã thua kiện dù bản thân họ chính là nạn nhân của việc lạm dụng hình ảnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc trong giai đoạn bắt đầu sự nghiệp, các ngôi sao này đã vội vàng ký kết hợp đồng, giao ước với các đơn vị quản lý mà không hay biết, đoán trước các điều khoản sử dụng, ràng buộc hình ảnh của bản thân mình. Cá biệt tại Pháp và Hàn Quốc, do quy định về quyền bảo vệ hình ảnh ít nhiều còn lỏng lẻo, mà nhiều ngôi sao bị thua kiện. Năm 2014, 35 ngôi sao hàng đầu ở Hàn Quốc trong đó có nam tài tử Jang Dong Gun (Giang Đông Gun), nữ diễn viên Song Hye Kyo (Song Hy Ki-o) đã vắng mặt trong phiên tòa họ bị xử thua sau khi tố cáo bất thành một bệnh viện chỉnh hình lấy hình ảnh các nghệ sĩ này để quảng cáo. Tại Mỹ, do tính phức tạp và bất đồng trong các quy định luật pháp của từng tiểu bang, nhiều cá nhân trong đó có các ngôi sao đã vô tình rơi vào cái bẫy kiện tụng khi các bằng chứng của họ không có giá trị pháp lý tại địa phương. Hy hữu, một số ngôi sao còn bị kiện ngược khi sử dụng hình ảnh của mình mà chưa xin phép các đơn vị đại diện.
Nhìn lại sự kiện trên, nhất là với những người nổi tiếng ở phương Tây, có thể thấy họ có ý thức rất rõ ràng và cụ thể về quyền nhân thân của mình, mà bản quyền hình ảnh là một trong các phương diện thể hiện. Điều này có căn nguyên từ quy định nghiêm ngặt của luật pháp ở nhiều quốc gia phương Tây và ý thức tuân thủ luật pháp của mỗi người trong việc bảo vệ hình ảnh của mình và người khác.
Ở Việt Nam hiện tại, phải nói rằng tâm lý xem nhẹ, thậm chí thấy bất lực khi cần bảo vệ hình ảnh trước xã hội hoặc bị người khác sử dụng để trục lợi, vẫn tồn tại trong nhiều người. Vì thế, cùng với việc lên án cá nhân, tổ chức lạm dụng hình ảnh, đã tới lúc mọi người cần tự ý thức việc tự bảo vệ hình ảnh, nhân thân của mình. Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật không chỉ liên quan những việc to tát, mà bắt đầu từ những việc rất nhỏ, cần coi đó là thực hiện quyền con người.
|
VIỆT QUANG/ND |
Sau khi Bộ Công an Việt Nam ra Thông báo về tổ chức khủng bố “Việt tân”, có ý kiến cho rằng đó là vấn đề thuộc về Tòa án, Bộ Công an không có thẩm quyền ra thông báo, như vậy là vi phạm luật pháp quốc tế! Thậm chí có người vin vào việc “Việt tân” không nằm trong danh sách tổ chức khủng bố ở Mỹ để phủ nhận Thông báo của Bộ Công an Việt Nam! Cần khẳng định, các ý kiến đó chỉ nhằm bao che cho mưu đồ đen tối,…
|
Bằng việc ra Thông báo về tổ chức khủng bố “Việt tân” (Thông báo), Bộ Công an Việt Nam đã trực tiếp khẳng định người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của “Việt tân”; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do “Việt tân” tổ chức; hoạt động theo sự chỉ đạo của “Việt tân”,… sẽ đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì thế, việc có một số người lập tức phủ nhận Thông báo này là dễ hiểu. Một số kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố “Việt tân” và một số người hùa theo để vu cáo Bộ Công an Việt Nam. Trước hết, phải nói rằng họ mập mờ trong việc không phân biệt sự khác nhau giữa một tổ chức hay hội nhóm với một đảng phái chính trị. Dù “Việt tân” có tên đầy đủ là “Việt Nam canh tân cách mạng đảng” thì về phương diện pháp lý của Mỹ, của Việt Nam, của các quốc gia khác cũng như trên thực tế, kể từ khi thành lập - năm 1981, “Việt tân” chưa bao giờ là một đảng phái mà là một tổ chức có tham vọng chính trị. Theo các chứng cứ từ cơ quan chức năng của Việt Nam, để đạt mục đích chính trị, “Việt tân” đã thực hiện nhiều hành động khủng bố chống lại Nhà nước Việt Nam. Cho nên, cùng với Thông báo, cổng thông tin điện tử Bộ Công an còn đính kèm Bản án xét xử về tội “khủng bố” một số đối tượng cầm đầu “Việt tân” do TAND TP Hồ Chí Minh ra Quyết định vào ngày 13-5-2008. Đó chính là án lệ cho thấy một loại tội phạm đã bị cơ quan tư pháp - nơi đủ thẩm quyền xem xét công dân hoặc tổ chức nào đó có vi phạm pháp luật Việt Nam hay không, đã kết luận và Thông báo của Bộ Công an, là cụ thể hóa một kết luận của cơ quan tư pháp Việt Nam.
Cho đến nay, chưa có một định nghĩa “thế nào là tổ chức khủng bố” được cộng đồng quốc tế công nhận, mang tính bắt buộc. Song về cơ bản, một tổ chức khủng bố vẫn được hiểu là một liên kết có tính tổ chức, có kế hoạch lâu dài của một nhóm người, mọi thành viên đều phục tùng tiêu chí chung; bằng hành động khủng bố và phương thức khủng bố, mọi thành viên cộng tác để theo đuổi mục đích chung. Việc khó có một định nghĩa phổ quát về khủng bố có căn nguyên từ việc mỗi quốc gia có định nghĩa khác nhau. Sự khác nhau này xuất phát từ quan điểm chính trị, hệ thống pháp lý ở mỗi quốc gia. Ở Mỹ có một số định nghĩa khủng bố khác nhau vì một số cơ quan chính quyền đưa ra định nghĩa riêng. Các tổ chức quốc tế cũng có danh sách khác nhau liên quan tổ chức khủng bố. Thí dụ, Liên hợp quốc (LHQ) không ban hành danh sách chung về các tổ chức khủng bố; tuy nhiên, dựa trên Chương VII - Hiến chương LHQ, Nghị quyết 1267 và một số nghị quyết được thông qua đã yêu cầu các quốc gia thành viên cam kết áp đặt lệnh trừng phạt với các cá nhân hoặc nhóm có liên quan đến Al-Qaeda, Taliban, kèm theo là danh sách tên người, nhóm người có liên quan. Đến nay, danh sách đã được thay đổi bằng cách điền thêm hay xóa bớt, như năm 2010, LHQ xóa tên năm người trước đây là chỉ huy Taliban ra khỏi danh sách khủng bố. Sau sự kiện ngày 11-9-2001 ở Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) đã ban hành Chỉ thị 2580/2001/EC và 881/2002/EC, trên cơ sở đó EU đã công bố danh sách khủng bố. Tuy vậy, vẫn có ý kiến phê phán danh sách của EU và danh sách của LHQ, vì cho rằng quyền lợi chính trị, kinh tế và địa chính trị đã tác động đến việc đưa vào hay xóa khỏi danh sách. G.Staberock (G.Sta-bê-rốc), Giám đốc Chương trình an ninh toàn cầu và pháp luật tại Ủy ban Quốc tế các luật gia (ICJ - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ) cho rằng, danh sách 1267 của LHQ là “một lỗ đen”, dù có một số sửa đổi nhưng cơ bản vẫn là một khu vực hầu như vô luật. Một thí dụ là năm 2015, Nga đã đề xuất coi tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo - IS, là một tổ chức độc lập, riêng biệt trong danh sách khủng bố, nhưng Mỹ và các thành viên phương Tây tại Hội đồng Bảo an LHQ đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ. Sau khi cuộc nổi dậy của người Pa-le-xtin chống lại sự chiếm đóng của I-xra-en (còn gọi là Intifada lần thứ nhất) bắt đầu, ngày 14-12-1987, tổ chức Hamas được thành lập, với mục tiêu lâu dài là thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Pa-le-xtin trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948. Hamas không chỉ là phong trào quân sự, trên thực tế còn hoạt động khá rộng rãi trong lĩnh vực xã hội. Trong khi Anh, Ai Cập, Ca-na-đa, Đức, Gioóc-đan, Ô-xtrây-li-a, I-xra-en, Nhật Bản và Liên hiệp châu Âu liệt Hamas vào danh sách khủng bố, thì Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, Thụy Sĩ lại có đánh giá và xử sự ngược lại. Thậm chí, Thụy Sĩ không cấm, mà còn duy trì quan hệ ngoại giao với Hamas.
Ở phương Tây, chỉ tòa án mới có quyền quyết định đưa một đảng phái chính trị vào danh sách những tổ chức bị cấm đoán. Còn Bộ trưởng Bộ Nội vụ là người có thẩm quyền đưa một tổ chức hay một hội nhóm vào danh sách tổ chức khủng bố. Ở CHLB Đức, theo điều 21, Đạo luật cơ bản (Hiến pháp Liên bang), trách nhiệm cấm một đảng chính trị thuộc về Tòa án Hiến pháp liên bang - tòa án cao nhất. Hiện một thủ tục thụ lý đơn đề nghị cấm đảng Dân chủ Quốc gia Đức (NPD - đảng cực hữu ra đời năm 1964) đang được tiến hành. Còn việc đưa một tổ chức hay nhóm nào đó vào danh sách tổ chức khủng bố do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang quyết định (ở Đức không có Bộ Công an); tòa hình sự có trách nhiệm xem xét, phán quyết hình phạt với các tội: thành lập tổ chức khủng bố, ủng hộ, quảng bá cho tổ chức khủng bố, thực hiện hành động khủng bố… Giữa các nước cũng có các quy định pháp lý khác nhau trong việc trừng phạt tổ chức khủng bố. Ở Đức, từ năm 1976 mới có khái niệm pháp lý “tổ chức khủng bố” quy định tại điều 129a của Bộ luật Hình sự, gọi là “tội thành lập các tổ chức khủng bố”. Theo đó, nếu là thành viên của tổ chức khủng bố sẽ bị trừng phạt từ 1 tới 10 năm tù; ủng hộ hay quảng bá cho tổ chức khủng bố sẽ bị phạt tiền hoặc 6 tháng tù. Bộ luật Hình sự của Đức có phân biệt giữa tổ chức tội phạm theo điều 129 và tổ chức khủng bố theo điều 129a. Ở Áo, Bộ luật Hình sự quy định về tổ chức tội phạm theo điều 278, định nghĩa thế nào là hành động khủng bố tại điều 278c, tài trợ khủng bố theo điều 278d. Ở Thụy Sĩ, ngoài tổ chức khủng bố Al-Qaeda, không có một tổ chức nào khác bị cấm.
Một sự kiện xảy ra ở Đức có liên quan ông A.Holm (A.Hôm, sinh năm 1970) cho thấy sự khác biệt giữa tổ chức tội phạm với tổ chức khủng bố, cũng như sự cảnh giác của cơ quan quyền lực đối với các tổ chức khủng bố. A.Holm là nhà xã hội học làm việc tại Đại học Tổng hợp Humboldt Berlin, đã tiến hành nghiên cứu vấn đề đổi mới, chỉnh trang đô thị, so sánh quốc tế trong chính sách nhà ở. Ngày 31-7-2007, ông bị cảnh sát bắt vì một số thuật ngữ kỹ thuật ông sử dụng trong công trình nghiên cứu của mình được phát hiện trong một bức thư có tính cách tuyên bố của một nhóm chống đối có dùng vũ lực và nhóm này bị nghi ngờ đã có hành động khủng bố. Dù chỉ sau một thời gian ngắn được thả tự do, nhưng gần ba năm sau khi bị bắt, ngày 5-7-2010 thủ tục điều tra chống lại ông A.Holm mới kết thúc. Một dẫn chứng mới nhất ở Đức là ngày 16-3-2016, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang ra thông báo về việc đưa ban nhạc “Những con chó sói trắng” (WWT) vào danh sách tổ chức khủng bố bị cấm vì có hoạt động trái ngược các nguyên tắc Hiến pháp. Một tổ chức khủng bố ở Đức có thể coi tương tự “Việt tân” là nhóm Sauerland (Sauerland-Gruppe) tồn tại đến năm 2007, đó là một bộ phận của tổ chức khủng bố Hồi giáo Jihad Union (IJU) hoạt động ở biên giới giữa Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan. Ngày 4-9-2007, các thành viên của tổ chức này ở Đức bị bắt, và ngày 4-3-2010, bị tuyên án, hình phạt cao nhất là 12 năm tù. Đài truyền hình WDR đã đăng trên trang mạng một biên niên sử về quá trình truy cứu trách nhiệm của tổ chức khủng bố này.
Về phương diện pháp lý, Thông báo về tổ chức khủng bố “Việt tân” của Bộ Công an Việt Nam hoàn toàn phù hợp luật pháp Việt Nam, và phù hợp luật pháp quốc tế. Những năm vừa qua, thành viên và người ủng hộ tổ chức này đã bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam, vì thế Thông báo là hoàn toàn đúng nghĩa như ngôn từ đã được sử dụng để mọi người biết rõ bản chất, mức độ nguy hiểm của “Việt tân”, và không phải là phán quyết mới của Bộ trưởng Công an Việt Nam. Việc ra Thông báo là xuất phát từ thực tế gần đây nhiều sự kiện, hiện tượng chống đối, kích động, gây mất ổn định, trật tự, an ninh xã hội xảy ra ở Việt Nam có liên quan tổ chức khủng bố “Việt tân”. Vì thế, việc K.Adams (K.A-đam) - người phát ngôn Văn phòng Đông-Nam Á, Bộ Ngoại giao Mỹ, trả lời Reuters nói rằng, tổ chức này “không nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố theo luật của Mỹ”, về phương diện luật pháp, điều này có thể đúng với luật pháp Mỹ, nhưng không liên quan đến việc cơ quan tư pháp, hành pháp Việt Nam khẳng định “Việt tân” là một tổ chức khủng bố, mọi cá nhân, tổ chức liên quan “Việt tân” sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Cho nên, dù một số người dùng kỹ xảo trong lập luận, thậm chí vin vào luật pháp của Mỹ để che đậy mưu đồ đen tối và bộ mặt thật của tổ chức khủng bố “Việt tân”, hoạt động của tổ chức này tại Việt Nam vẫn phải đối diện với luật pháp Việt Nam.
|
THANH HẢI/ND |