Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

"TEM GIẤY" - CON TEM ĐƯA GIỚI TRẺ XUỐNG ĐỊA NGỤC

Chỉ với một lượng ma túy bằng một phần ba viên muối tẩm vào một mảnh giấy nhỏ (được gọi là “tem giấy”) có thể sẽ khiến người dùng rơi vào trạng thái ảo giác, hoang tưởng đến vài ngày. Vậy mà loại “tem giấy” này lại đang được rao bán trên mạng xã hội, có thể tìm mua tại một số địa điểm mà giới buôn bán đã quy ước với nhau. Điều này đang làm dấy lên mối lo ngại từ cộng đồng…
Từ năm 2009, một tờ báo trong nước đã đưa tin cảnh báo về hiểm họa ma túy “tem giấy” trong giới trẻ. Tuy nhiên, dường như từ đó đến nay vấn đề này vẫn chưa được quan tâm và chỉ gần đây sau khi trang điện tử của một tờ báo đề cập đã có gần 20.000 lượt chia sẻ, cùng với đó là sự hoang mang, lo lắng của rất nhiều phụ huynh trước một hiểm họa đang đe dọa con em.
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội thì “tem giấy” được tẩm một loại ma túy tên khoa học là LSD (Lysergic Acid Diethylamide) thường được mua bán trên thị trường dưới dạng viên giấy. Theo đó, LSD được tẩm vào các miếng giấy ni-lon có khả năng tan trong nước, vì vậy loại ma túy này tác động trực tiếp đến người dùng thông qua vị giác. Kích thước thông thường của mỗi miếng giấy tẩm LSD là 1,5 x1,5 cm. Ngay sau khi người dùng cho vào miệng, LSD lập tức tác động đến não bộ, khiến người dùng rơi vào trạng thái ảo giác, hoang tưởng, buồn nôn, chán ăn, nhịp tim tăng, mắt nhìn bị khuếch đại dẫn đến cảm nhận sai lệch về khoảng cách, mầu sắc, hình khối...
Tác dụng của LSD kéo dài từ 6 đến 12 giờ, khiến người dùng bị đẩy tới trạng thái tâm lý cực đoan như lo sợ quá mức, hưng phấn quá đà, đồng thời kích động hành vi dẫn tới việc làm mất kiểm soát... Nghiên cứu cho thấy chỉ cần dùng 1 microgram/kg cân nặng, LSD sẽ khiến người dùng bị ảo giác, loạn thần kéo dài vài ngày. Trên thế giới đã ghi nhận một trường hợp đặc biệt ở Ca-na-đa sau 30 năm dùng “tem” này, người dùng vẫn chưa hết ảo giác. Loại ma túy “tem giấy” này còn được gọi với tên khác là “bùa lưỡi”. LSD được xếp vào danh mục các chất gây nghiện, do đó nhiều nước đã ban lệnh cấm lưu hành.
Tuy nhiên, LSD không phải là loại ma túy mới. Từ năm 1938 thế kỷ trước, nhà khoa học A.Hofmann (A. Hốp-man) người Thụy Sĩ đã tổng hợp ra chất này từ nấm cựa gà. Nhưng phải đến năm 1943, Hofmann mới phát hiện khả năng gây ra ảo giác của LSD. Sau đó LSD được sử dụng như thuốc tâm thần. Vào những năm 60, khi tình trạng lạm dụng LSD trong hoạt động giải trí của giới trẻ phương Tây gia tăng kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực đã buộc các cơ quan chức năng phải ban lệnh cấm.
Ở Việt Nam, LSD xuất hiện trong thời gian gần đây. Theo phản ánh trên một số tờ báo, việc mua bán LSD hiện rất dễ dàng. Chỉ với khoảng 20.000 đồng người có nhu cầu có thể mua “tem” tại một số tụ điểm công cộng như công viên, cổng trường học,... hoặc được rao bán công khai qua mạng với lời quảng cáo nhằm làm tăng độ tin cậy. Thậm chí, để tăng tính hấp dẫn, một số bài viết ngụy tạo, thiếu căn cứ đã bịa ra các công dụng của LSD.
Với hình thức nhỏ gọn, lại bắt mắt vì in hình một số ca sĩ nổi tiếng thế giới hoặc các con thú ngộ nghĩnh nên “tem giấy” dễ thu hút trẻ em, với tâm lý hiếu kỳ muốn “thử cho biết”! Từ sự tò mò mà dùng thử dẫn đến nghiện là khoảng cách không quá xa! Cũng do nhận thức lệch lạc, nên một bộ phận giới trẻ, ngoài tâm lý tò mò, có người đã coi “tem giấy” như một giải pháp xả căng thẳng thần kinh, giúp tăng cường trí nhớ, trị bệnh trầm cảm.
Sau hàng loạt những chất gây nghiện như ma túy đá, cỏ Mỹ, thuốc lắc... giờ đây LSD tẩm vào “tem giấy” đã và đang dấy lên mối lo ngại không chỉ với các phụ huynh có con trong độ tuổi thanh, thiếu niên, mà còn với cả cộng đồng, vì có thể khẳng định đó là một hiểm họa mới đối với thế hệ trẻ. Như PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Nguy hiểm ở chỗ ma túy "tem giấy" nhắm vào đối tượng học sinh, lứa tuổi này các em chưa ý thức được trong "tem giấy" chứa chất nguy hiểm gì mà chỉ đơn giản nghĩ là một trò đùa của trẻ em. Nhưng khi dùng lại có các ảo giác nên càng bị cuốn hút, dẫn đến dùng như một thói quen, rồi nghiện ảo giác đó, nghiện ma túy "tem giấy" lúc nào không hay”.
Một bác sĩ từng phải xử lý nhiều ca bệnh cấp cứu do dùng ma túy, cho biết: “Các loại ma túy mới nổi như "tem giấy", muối tắm, cỏ Mỹ... được ngụy trang trong các món đồ chơi trẻ em hoặc thảo dược khô với hình thức dễ nhìn nên khó bị cơ quan chức năng phát hiện”. Không phải vô cớ “tem giấy” tẩm ma túy đã bị đặt cho cái tên “kẻ hủy diệt vô hình”. Khả năng phát hiện người dùng LSD thông qua xét nghiệm nước tiểu đang thật sự là một thách thức với giới chuyên môn, vì trong hoạt chất này chứa thành phần khiến kết quả thu lại luôn là âm tính.
Một khảo sát cho thấy, trong 10 loại ma túy đang được lạm dụng nhiều nhất trên thế giới thì LSD đứng đầu bảng. Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Nếu các cơ quan không có biện pháp quyết liệt, hiện tượng sử dụng “bùa lưỡi” sẽ lan nhanh, rất đáng báo động".
Trên nhiều diễn đàn trên mạng, chuyện về “tem giấy” tẩm LSD trong những ngày này tiếp tục nóng lên. Không chỉ bày tỏ mối lo ngại, các độc giả đề xuất nhiều biện pháp để bảo vệ giới trẻ trước hiểm họa mới. Có độc giả bày tỏ: “Ma túy “tem” đang tiến công học đường. Những người làm cha làm mẹ hãy cảnh giác, sẵn sàng bảo vệ lấy mạng sống con mình trước khi quá muộn. Xã hội hãy chung tay xử lý, truy tố những kẻ buôn bán chất gây nghiện dưới mọi hình thức, nhất là những khu vực lân cận nhà trường”. Nhiều người kêu gọi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc đối với các đối tượng kinh doanh “tem giấy”.
Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp phát hiện, ngăn chặn và xử lý của các cơ quan chức năng, thiết nghĩ việc giáo dục, tuyên truyền về tác hại của ma túy nói chung, của “tem giấy” nói riêng, cần phải được triển khai sâu rộng, thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong cộng đồng, đặc biệt là tại các trường học. Cần phân tích và đưa ra những tác hại nếu sử dụng các chất ma túy để giới trẻ ý thức được mức độ nguy hiểm. Đặc biệt, vai trò của gia đình, sự “vào cuộc” của các bậc phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng.
Hiện nay, không ít phụ huynh gần như phó mặc việc dạy dỗ con cái cho nhà trường, bởi vậy không nắm bắt được diễn biến tâm lý bất thường của con cái. Thực tế, có gia đình con bỏ học đi chơi điện tử triền miên, con đua bạn dùng thuốc lắc từ lâu mà bố mẹ không hay biết. Khi phát hiện con nghiện ma túy thì có phụ huynh lại đứng ra bao che, dung túng. Cần phải thấy rằng trong quá trình trưởng thành, trẻ thường trải qua giai đoạn khủng hoảng lứa tuổi nên rất dễ hoang mang trước những biến đổi trong cơ thể, về tâm sinh lý. Nếu bố mẹ không kịp thời nắm bắt, theo sát con, giúp con vượt qua khủng hoảng tâm lý lứa tuổi thì con cái rất dễ sa vào hành vi tiêu cực, thậm chí mất kiểm soát.
Đối phó với hiểm họa mới từ ma túy LSD, rất cần sự đồng lòng, sát cánh của toàn xã hội, nhà trường và gia đình. Giới trẻ cần được bảo vệ, nhưng cũng cần học cách tự bảo vệ mình, và chỉ có như thế, không hiểm họa nào đủ sức đe dọa sự an toàn của thế hệ trẻ.

ĐÔNG Á/nd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét