Khi nghe ông nói: “Thể chế do chúng ta nghĩ ra mà chúng ta lại sợ nó. Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý”
Tôi nghĩ tới triết gia Feuerbach, con người sáng tạo ra Thượng đế để rồi lại phủ phục xưng tội trước Ngài. Nhưng nếu triết gia Đức cho rằng, tôn giáo là sự phản ảnh thời thơ ấu của nhân loại thì “khuôn mặt thể chế” với những nét chằng chịt, sự giăng mắc, quấn bẫy - mà như ông nói đang “ràng buộc sự phát triển” lại do chính những con-người-trưởng-thành tạo nên, duy trì, bảo vệ.
Khi nghe ông tóm lược 10 kết quả nổi bật và 9 tồn tại, hạn chế chủ yếu trong năm 2016, tôi hình dung đó là một trích dẫn hay tóm lược bản kiểm thảo hoạt động của bộ máy chính phủ trước toàn dân, trong một năm ông chấp chính.
Đằng sau những con số đạt mức kỷ lục như thu hút đầu tư nước ngoài (đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%, cao nhất từ trước tới nay), thu hút trên 10 triệu lượt khách quốc tế, trên 110.000 doanh nghiệp được thành lập, tăng mạnh cả về số doanh nghiệp lẫn vốn, gần 27.000 doanh nghiệp tái hoạt động… đã cho thấy niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước lẫn ngoài nước được phục hồi, gia tăng.
Niềm tin ấy không chỉ đến bằng những lời nói hay kêu gọi sự hy vọng mà là xác lập trên chuỗi hành động liên tục, quyết liệt, thực chất. Nó tạo ra một sự chuyển động, tiến tới chuyển biến và thay đổi. Xuất siêu hàng hóa quay lại, 2,68 tỷ USD trong khi năm 2015 nhập siêu 3,6 tỷ USD; và quan trọng là lần đầu tiên Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế cao mà không phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Triết lý phát triển - tăng trưởng đang được thi triển, vận hành trên cơ sở “chuyển biến một cấu trúc xã hội bền vững để tạo dựng một nền văn hóa và được tạo dựng bằng một nền văn hóa” (*) - trong nền quản trị quốc gia.
Ở hạn chế thứ hai, “thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt nghiêm trọng”, ban đầu, tôi nghĩ khác, nên xem đó là “điều kiện” - của hoàn cảnh khách quan hơn là hạn chế - của chủ quan con người, bộ máy không thực hiện đúng, tốt chức năng. Chúng ta không thể đổ lỗi cho thiên nhiên, vì chúng ta tồn tại trong thiên nhiên, là một phần nhỏ bé của thiên nhiên.
Ngoại trừ, trong tai nạn lũ lụt tại Hà Tĩnh vừa qua, thói vô cảm, thậm chí là sự độc ác khi ông giám đốc công ty thủy điện Hồ Bốn (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hố Hô) thản nhiên khẳng định đã “xả lũ đúng quy trình” khi đột ngột xả lũ với mức nước 1.800m 3 /giây ngay trong đêm 14/10 xuống vùng hạ du.
Ngoại trừ, người ta ngang nhiên, cấu kết phá rừng, biến đất rừng thành khu villa nghỉ dưỡng. Lũ tràn về, những cánh rừng trơ trụi, lũ do trời hay lũ tại con người… Ngoại trừ, ngay cả khi ông đã tuyên bố đóng tất cả cửa rừng tự nhiên vào ngày 20/6 thì những ngày sau đó, dọc theo đường Hồ Chí Minh, vào tận các lâm phận Chư Pảh, lâm trường Đăk Ba, tiếng cưa máy xẻ gỗ vẫn gầm rú, từng đoàn xe máy “độ” vẫn nườm nượp ra vào cửa rừng chở gỗ lao đi…
Ngoại trừ sự thách thức, tàn phá, hủy diệt thiên nhiên của một “bộ phận không nhỏ” những kẻ đại diện cho văn minh đi ngược lại văn hóa hòa điệu với thiên nhiên trong thế ứng xử Việt Nam.
Và lần đầu tiên, trong một bản kiểm thảo, tôi nhìn thấy tỷ lệ hạn chế, yếu kém tương đương thành tựu nổi bật. Cái thói thường quen nhìn những liệt kê thành tích dài dòng, nhiều phân tích, lý giải, nhưng yếu kém thì chỉ điểm danh sơ lược khiến tôi không khỏi… giật mình.
Sự liêm chính, trước khi là công cụ để kiểm soát thông qua các quy định hành chính thì hẳn là liêm chính trong suy nghĩ, trong thái độ trung thực với bản thân, trong tinh thần “phản quang tự kỷ” để thấy và nhận lấy những yếu kém, hạn chế, thất bại của chính mình.
Đã không dưới hai lần, một trước những vị khách quốc tế, tại Diễn đàn Việt Nam năm 2016, ông chân thành bày tỏ: “Tôi muốn nêu vấn đề với Ngân hàng Thế giới, cụ thể là Tổ chức Tài chính quốc tế IFC giúp đỡ chúng tôi giải quyết vấn đề nợ xấu một cách thực chất”; ông chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương “chủ động đánh giá thực chất hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương” để kiên quyết cho dừng hoạt động, giải thể đối với các quỹ đã thành lập nhưng hoạt động không đúng mục đích, quy định của pháp luật, không đủ điều kiện thành lập hoặc không hiệu quả.
Cứ là thực chất, dù chưa hẳn tốt, gần tốt hay đang tiến tới sự chỉnh đốn thì những chuyển dịch đó đều mang lại sự tin cậy, sự ghi nhận và có cơ sở để xác lập niềm tin, thúc đẩy hợp tác. Bằng không mọi sự vẽ vời, mơ hồ, hình thức đều chỉ kéo dài sự che đậy, thói giả tạo, dẫn tới hệ quả đổ vỡ
tất yếu.
Cái thực chất này đưa dẫn chúng ta đến tiếng nói thật lòng, cũng chính từ ông trong phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương vào những ngày cuối năm: “Không có một lý thuyết quy hoạch nào mà Trung tâm Giảng Võ lại xây dựng chung cư 50 tầng, với mấy nghìn căn hộ, làm sao chịu được. Mảnh đất trống nào chúng ta cũng cấp cao tầng hết thì Thủ đô sẽ ra sao, nguy cơ này do chúng ta gây ra”.
Không vì lợi ích trước mắt, lợi ích nhóm mà quên lợi ích cộng đồng. Đó là nguy cơ mà ông chỉ thẳng. Đó cũng là mầm tai họa cho sự tồn vong của chính thể, của chế độ, của đất nước, nếu nương tay, ve vuốt và tìm cách “dập” vào đấy những liều hóa trị của bóng tối quyền lực, tiền lực.
Những ngày cuối của năm 2016. Những ngày đầu của năm 2017. Tôi không tìm thấy những lời nói tràn ngập sự hân hoan, hô náo. Tôi đọc thấy, tôi nghe được tiếng nói của sự tự vấn, sự quay quắt, sự đau xót và sự không lưng chừng, không thỏa hiệp, không sợ hãi. Nơi ông. Từ ông. Và cả nơi tôi, nơi bao tiếng nói công dân của thành phố này, đất nước này.
Đi dưới hàng cây giăng mắc ánh đèn chào năm mới, cái cảm khái hân hoan không đến từ lớp ánh sáng nhập nhòa kia mà lẫn trong khói sương đất trời được truyền dẫn từ dãy Chí Linh sơn của hơn 700 năm về trước, nghe lời phú truyền của Ức Trai Nguyễn Trãi, lòng dậy lòng biết ơn bởi khảm trong tim trong óc người con Việt - một công dân như hàng triệu công dân về một tâm thế:
Nhiều hoạn nạn là nền dựng nước.
Lắm lo toan là gốc trị vì.
Biến cố trải nhiều thì suy nghĩ sâu.
Mọi việc lo nhiều thì thành công lớn.
Trong “càn khôn mờ mịt, vận hội phi thường”, hãy cứ tin và nắm bắt cái “phi thường” sẽ đến từ trong chốn “mịt mờ” bởi một khi chịu “ngẫm nay suy trước, xét cùng mọi lẽ hưng vong”, khi lòng ta liêm chính, ý chí và hành động ta thúc đẩy kiến tạo thì mọi nuôi dưỡng ân cần sẽ là thành tựu cho những người chí thành dựng xây, vun đắp nên nó.
Lê Huyền Ái Mỹ
Theo PNO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét