Theo số liệu công bố tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 22-12 vừa qua, trong năm 2017, Youtube đã phải gỡ bỏ hơn 4.500 video clip có nội dung xấu độc, bôi xấu lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, hiện trên Youtube vẫn xuất hiện nhiều tin giả, video có nội dung bạo lực và ấu dâm kèm nội dung quảng cáo của một số thương hiệu lớn. Để tự bảo vệ, thời gian qua một số tập đoàn của Việt Nam như Vinamilk, Sun Group, Vinasoy, Vietjet đã tuyên bố xem xét chấm dứt quảng cáo trên nền tảng Youtube cho đến khi công ty này giải quyết được tận gốc vấn đề. Trên thế giới, làn sóng phản đối Youtube cũng lan rộng ở nhiều nước, nhất là tại Mỹ, Australia (Ô-xtrây-li-a) và Anh. Gần đây, quyết định ngừng hợp tác của bốn tên tuổi lớn là Deutsche Bank (Ngân hàng Đức), Adidas (A-đi-đát), Cadbury (Cát-biu-ri), Hewlett-Packard (Hiu-lit-Pach-cờ) sau khi Youtube gắn vào quảng cáo của họ các video có nội dung không phù hợp có thể xem như "giọt nước làm tràn ly" của một cuộc khủng hoảng truyền thông kéo dài.
Trước những sự cố nghiêm trọng ước tính thiệt hại có thể lên đến hàng tỷ USD, lãnh đạo của Youtube đã phải trực tiếp gửi lời xin lỗi tới người dùng trên toàn thế giới cũng như cam kết khắc phục tình trạng hiện nay bằng những chính sách và thuật toán quản lý mới. Qua quá trình khắc phục sự cố "quảng cáo gắn các video độc hại", nhà điều hành Youtube đã chỉ ra nguyên nhân chính khiến cho hiện tượng video "bẩn" lan tràn trên mạng xã hội của họ là do chính sách liên kết quảng cáo giữa những tập đoàn thương mại, Youtube và các nhà sản xuất video tư nhân (Freelance Youtube Producer). Với tư cách một mạng xã hội, Youtube đóng vai trò trung gian trong việc tìm nhà tài trợ, phân phối quảng cáo, chia lợi nhuận cho các nhà sản xuất video khi họ đăng ký làm đối tác quảng cáo cho các doanh nghiệp (Youtube Partner), và lợi nhuận tỷ lệ thuận với danh tiếng của nhà sản xuất. Dù chưa có thống kê chính thức, nhưng theo số liệu của kênh phân tích Socialblade thì lợi nhuận từ quảng cáo của các nhà sản xuất video hàng đầu Việt Nam như kênh âm nhạc POPS MUSIC, nhóm hài FAP TV, NTN có thể lên tới 18 đến 37 nghìn USD/ tháng. Trong khi đó, ước tính của tạp chí Forbes (Pho-bớt) cho biết, thu nhập của 10 nhân vật nổi tiếng nhất trên Youtube đạt tới 127 triệu USD trong năm 2017, tăng 80% so cùng kỳ năm 2016. Mục tiêu lợi nhuận từ quảng cáo đã khiến nhiều tài khoản cá nhân bất chấp mọi thủ đoạn để video của họ có lượng người xem lớn. Vì vậy thời gian qua, Youtube đã có động thái thắt chặt chính sách quảng cáo với những kênh video có nội dung vi phạm như Yeah1, NTN. Youtube cho rằng, "đánh vào kinh tế" là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan video xấu. Nguyên nhân thứ hai được Youtube chỉ ra là sự thiếu hụt về nhân sự quản lý nội dung video. Để giải quyết, Giám đốc điều hành Youtube S.Wojcicki (S.Gua-xích-ki) cho biết, năm 2018 sẽ tăng số lượng kiểm dịch viên nội dung lên con số 10 nghìn người. Song song với động thái này, họ công bố thuật toán nâng cao khả năng nhận diện, loại bỏ các video có nội dung không phù hợp với trẻ em.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân, giải pháp mà Youtube đề xuất chỉ nhằm xoa dịu các đối tác của mình, hơn là giải quyết tận gốc vấn đề. Bởi hàng loạt các thống kê "ấn tượng" của Youtube qua các "chiến dịch làm sạch" trên thực tế chỉ là "muối bỏ bể". Sau mỗi chiến dịch Google (mua lại Youtube vào năm 2006) càn quét nội dung tiêu cực trên Youtube, số lượng tài khoản và video xấu lại tăng nhanh trở lại như nấm mọc sau mưa. Từ nhiều năm nay, Youtube dường như luôn "giơ cao đánh khẽ" với các tài khoản và video vi phạm chính sách quản lý của họ, nhất là với những tài khoản nổi tiếng. Trong số hơn hai triệu video bị Youtube "sờ gáy" trong tháng 11-2017, chỉ có 150 nghìn video bị xóa hoàn toàn khỏi mạng xã hội này. Số video "bẩn" còn lại vẫn ngang nhiên hiện diện trên Youtube sau khi đã bị tắt quảng cáo, khóa bình luận và giới hạn độ tuổi.
Tại Việt Nam, trước khi bị Youtube cắt tiền hoa hồng, trong giai đoạn 2015 - 2017, NTN được biết đến với nhiều video câu view (lượt xem) nhảm nhí như: ăn ngũ cốc pha cám lợn, thử nhảy dù bằng ô từ độ cao 10 m, kéo co cướp tiền trên xà-phòng... Đáng chú ý tháng 11-2016, nhân vật này còn bị lực lượng chức năng mời đến làm việc vì có hành vi gây rối trật tự công cộng trong lúc thực hiện video clip đóng giả khủng bố IS. Thế nhưng, NTN lại liên tục được Youtube cổ súy bằng việc tặng các danh hiệu nút "play vàng", nút "play bạc" kèm theo lợi nhuận quảng cáo lớn. Tương tự, dù liên tục bị nhiều bậc phụ huynh học sinh chỉ trích vì dạy trò chơi nguy hiểm cho trẻ nhỏ, kênh Youtube của NTN vẫn tiếp tục hoạt động vì... không hề vi phạm chính sách của Youtube! Theo phân tích của một số chuyên gia, cam kết vừa qua của Youtube chỉ là một bước nhún mình tạm thời trong chiến dịch thâu tóm quyền lực truyền thông của họ và mục đích chính của Youtube trong các động thái này chỉ nhằm siết chặt chính sách phân chia lợi nhuận đối với các tài khoản nổi tiếng trên mạng xã hội? Trước đây, nhiều nhà sản xuất video nổi tiếng từng nhiều lần tố cáo Youtube đã thay đổi bộ đếm dung lượng người xem, xóa "nhầm" clip hay tự ý chiết khấu tiền quảng cáo theo hướng bất lợi cho người dùng. Thời gian qua, một số nhà sản xuất video tại Việt Nam thừa nhận họ không hề bị cắt, xóa quảng cáo khi kênh bị liệt vào "danh sách hạn chế". Tuy nhiên lợi nhuận quảng cáo thu về từ Youtube bị cắt giảm mạnh khiến họ buộc phải lập kênh mới.
Có một thực tế là video vô bổ, thậm chí chứa hình ảnh nội dung độc hại, khiêu dâm, sai sự thật,... đang là một nguồn sống của Youtube. Khác với các tập đoàn truyền thông và giải trí truyền thống, Youtube gần như không tổ chức sản xuất một chương trình truyền hình nào theo đúng nghĩa. Ngay từ thời điểm ra đời, Youtube đã thu lợi nhuận và trở nên nổi tiếng chủ yếu từ các video vi phạm bản quyền. Năm 2006, sau khi được Google mua lại, thương hiệu này khuyến khích người dùng tự sản xuất video, làm kênh trung gian cho các hãng thông tấn lớn thông qua chính sách Youtube Partner. Đây là một mũi tên trúng nhiều đích. Một mặt, Youtube được tiếng là duy trì và phát huy quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin; mặt khác, trang mạng này không cần đầu tư nhiều chất xám và tiền bạc vào các video trên mạng chia sẻ của họ. Với tư cách trung gian, Youtube vừa tránh được các vụ kiện bản quyền, vừa có thể đổ vấy trách nhiệm về phía tài khoản đã đăng tải video. Cuối cùng, quảng cáo trên nền tảng in-tơ-nét đang trở thành xu thế tất yếu, thay thế cho loại hình giới thiệu, tiếp thị sản phẩm trên truyền hình, nhất là trong bối cảnh lượng khán giả "màn ảnh nhỏ" đang ngày một suy giảm. Do đó, khó có thể tin rằng, Youtube sẽ xóa bỏ các tên gọi xấu được cộng đồng mạng đặt cho lâu nay như: kho "phim người lớn", trung tâm tin vịt, cổ súy những tư tưởng cực đoan, lệch lạc... Thay vào đó, được sự tiếp tay của công cụ tìm kiếm Google, việc tìm kiếm những video có chủ đề xấu ngày càng trở nên dễ dàng hơn trên Youtube. Từ đây, giúp thu hút một bộ phận đáng kể người dùng hiếu kỳ, thị hiếu thấp kém; đồng thời, tạo điều kiện cho các nhóm tội phạm mạng, nhất là tội phạm tình dục, khủng bố, các thế lực chống phá chính quyền có cơ hội truyền bá quan điểm độc hại, sai sự thật một cách vô tội vạ. Thậm chí, nguy hiểm hơn, một số kẻ còn coi đây là không gian thuận lợi để dụ dỗ con mồi hoặc gây án. Những điều nêu trên cũng giải thích lý do Youtube xây dựng mạng lưới dịch vụ và đặt máy chủ khắp toàn cầu, nhưng chỉ có trụ sở tại 14 thành phố lớn trên toàn thế giới.
Không riêng Youtube, các mạng xã hội xuyên biên giới khác như Twitter, Facebook cũng liên tục mắc sai phạm. Từ lâu tại nhiều quốc gia, giải pháp xây dựng mạng xã hội nội địa đã được tính đến, và Trung Quốc, Nhật Bản là hai nước thật sự thành công với giải pháp này. Ở Việt Nam, một số nền tảng mạng xã hội như Zing và Zalo cũng phần nào khẳng định được vị thế của mình. Thống kê gần nhất của Zalo cho biết: Mạng xã hội này đã đạt 70 triệu tài khoản trong năm 2017. Nhưng cũng cần lưu ý, Zalo vẫn chưa giải quyết triệt để nhiều hiện tượng xấu xảy ra trong thời gian gần đây như: lừa đảo, mua bán dâm trực tuyến, quấy rối tình dục...
Ngày 4-12-2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt vấn đề xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đây là một trong nhiều giải pháp tích cực để xây dựng một không gian mạng trong sạch, lành mạnh tại Việt Nam. Bởi cùng với thái độ hợp tác của nơi cung cấp mạng xã hội và ý thức của người sử dụng, cần nhấn mạnh nỗ lực của cơ quan chức năng như một số nước đã thực hiện. Thí dụ: Tháng 6-2017 Quốc hội Đức thông qua một đạo luật mà theo đó Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác có thể bị phạt một khoản tiền đến 50 triệu ơ-rô nếu không sớm xóa bỏ các thông điệp mang tính thù hận. Hoặc trong năm 2017, tại một số thời điểm, Chính phủ Anh đã cấm toàn bộ quảng cáo trên Youtube, triệu tập và yêu cầu lãnh đạo của công ty này giải trình về các nội dung sai phạm như: kích động các tôn giáo cực đoan, cổ súy hành vi bạo lực, cưỡng hiếp... Động thái cứng rắn của nhiều quốc gia cho thấy nếu Youtube, Facebook hoặc mạng xã hội nào đặt lợi nhuận cao hơn luật pháp, cao hơn văn hóa mà không kịp thời sửa đổi, thì sẽ không tránh khỏi việc bị tẩy chay, cấm cung cấp dịch vụ.