Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Viết tiếp trang sử của thế hệ trẻ

Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm

Bốn câu thơ nổi tiếng, làm lay động lòng người mang tên “Lời gọi bên sông” của cựu chiến binh Lê Bá Dương, sau này được khắc ở bến sông Thạch Hãn, Quảng Trị, viết về thời kỳ chiến trường đầy đạn bom khốc liệt, mất mát, hy sinh nhưng vô cùng anh dũng của thế hệ trẻ, những thế hệ tuổi đôi mươi, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Chúng ta - những thế hệ trẻ hôm nay sinh ra khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình, thống nhất. Tuy không trải qua và chứng kiến cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, nhưng qua những trang sử được học, những thước phim tài liệu, những ca khúc cách mạng, những tác phẩm văn học, những di tích lịch sử, những câu chuyện kể của cha ông…, thì ký ức một thời oanh liệt, oai hùng, chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi vinh quang và tự hào, luôn đọng trong trái tim của mỗi chúng ta niềm tự hào mãnh liệt về lịch sử hào hùng của dân tộc, vềsự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
Trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng triệu thế hệ thanh niên ưu tú của dân tộc xung phong đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến, không ngại hy sinh, gian khổ làm nên những thành tích to lớn trong cuộc cách mạng bảo vệ Tổ quốc. Trong thời bình, đã có nhiều tấm gương tuổi trẻ hăng hái, xung phong góp sức mình để bảo vệ Tổ quốc: Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Những chàng trai ra đảo đã quên mình/ Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước/ Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh; hoặc những thanh niên thể hiện lòng yêu nước qua những việc làm tích cực, luôn học hỏi, cần cù, chịu khó lao động, sáng tạo với mong muốn trở thành một người công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội, nhằm tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc. Những Đỗ Nhật Nam, Nguyễn Thị Ánh Viên… là những tấm gương điển hình của thế hệ trẻ làm vinh danh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, ở đâu đó vẫn còn một số bạn trẻ còn thiếu lòng nhiệt huyết, ngại khó, ngại khổ, có lối sống buông thả, sa vào các tệ nạn xã hội, nghiêm trọng hơn là bị thoái hóa biến chất nặng nề, mơ hồ về bản lĩnh chính trị, không tự chủ được mình khi tiếp xúc với các luồng văn hóa, tư tưởng ngoại lai, không nhận biết được đâu là đúng, đâu là sai. Khi xã hội xảy ra sự cố hoặc tình huống phức tạp, một số bạn trẻ bị tâm lý đám đông, vô tình bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, chỉ nghĩ tới quyền lợi cá nhân mà không nghĩ tới quyền lợi chung của xã hội…
Trước những thực tại trên cộng với những hoạt động phá hoại của các thế lực chống phá thành quả cách mạng, đòi hỏi thế hệ trẻ hôm nay phải nỗ lực hơn nữa, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện sai phạm, kích động, chống phá. Thế hệ trẻ hôm nay phải tiếp bước và viết nên những trang sử vàng, tô thắm thêm tên Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngày nay, được sống, học tập và làm việc trong nền hòa bình, độc lập dân tộc, thế hệ trẻ chúng ta càng phải biết trân trọng và tự hào về lịch sử, càng phải biết ơn sâu sắc những hy sinh vô bờ bến của các thế hệ cha anh đi trước. Hãy để lời bài hát Khát vọng tuổi trẻ của nhạc sĩ Vũ Hoàng: Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay… luôn trở thành khẩu hiệu, phương châm hành động của thế hệ trẻ, đồng thời là động lực để mỗi chúng ta càng phải phấn đấu, cố gắng hơn nữa để cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc thân yêu, xứng đáng với trọng trách mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao phó: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu đến chừng nào?”...
LÊ NHƯ
Theo BPO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét