Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP MỘT NHÀ BÁO (KỲ 2)

Trong tác phẩm Đời thừa, Nhà văn Nam Cao có viết “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là sự bất lương, nhưng sự cẩu thả trong văn chương là một sự đê tiện”. Câu nói của nhà văn Nam Cao là rất đúng đắn, bởi bất cứ nghề nào cũng vậy, một người làm việc cẩu thả là một người vô tâm, không có trách nhiệm với công việc của mình, điều này rất dễ dẫn đến những hậu quả xấu khó lường trước được. Văn chương cũng như báo chí, những nghề “phu chữ” này nhất định không phải nơi tồn tại của những kẻ đạo đức kém, vô tâm, vụ lợi… Đã là nhà báo thì phải tu dưỡng đạo đức, bởi đạo đức người làm báo là nền tảng, là vấn đề sống còn. Cây phải có gốc, người làm báo phải có đạo đức nghề báo. Đây là những vấn đề đã thuộc về chân lý.
Thế nhưng, tại mảnh đất Phú Yên thanh bình quê tôi lại xuất hiện nhà báo Phi Công đi ngược lại chân lý ấy, vi phạm đạo đức nghề báo, lợi dụng việc hoạt động báo chí để thực hiện các ý đồ xấu, sẵn sàng bẻ cong ngòi bút để giật tít, đưa tin phiến diện, “mị dân”. Sau sự việc tại Xuân Quang 3, Đồng Xuân, Phú Yên, tôi đã tìm đọc những bài báo “bóp méo sự thật” của Phi Công trên báo Kinh tế nông thôn. Ở kỳ 2 này là một vụ việc xảy ra tại Bãi Rạng, Xuân Hải, Sông Cầu, Phú Yên, một vụ khá giống với vụ ở Xuân Quang 3 tôi đã nêu ở kỳ 1.

Cụ thể, năm 2005 UBND huyện Sông Cầu chủ trương thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Rạng để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân. Để thực hiện Dự án, Nhà nước đã thu hồi 77.000 m2 đất (đất công, đất cây lâu năm, đất cây hàng năm khác), trong đó có 50.000 m2 đất của bà Nguyễn Thị Phòng (đã được UBND huyện Sông Cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2003) và một số hộ dân xung quanh trong phạm vi dự án. Nhà nước đã tiến hành đền bù đúng quy định của pháp luật cho các hộ gia đình. Thế nhưng, dự án đã không thực hiện được chỉ vì gia đình ông Trần Khánh Thọ liên tục khiếu kiện, cản trở, chống đối chính quyền địa phương trong việc bồi thường để triển khai dự án. Thật nực cười, bởi vì trong 77.000 m2 đất thu hồi phục vụ dự án chẳng có phần đất nào của gia đình ông Thọ có quyền sử dụng đất. Vào khoảng năm 1946, gia đình bà Phòng đến Bãi Rạng khai hoang 50.000 m2, trồng khoảng 1000 cây dừa và một số hoa màu (do chiến tranh tàn phá nên đến nay chỉ còn khoảng 40 cây). Khoảng năm 1982, bà Phòng cùng gia đình chuyển đến Tp Quy Nhơn, Bình Định để sinh sống. Đến năm 1998, có một số hộ dân xung quanh tự ý lấn chiếm đất, chặt phá cây cối hoa màu. Sau đó, gia đình ông Trần Khánh Thọ có xây dựng 03 ngôi nhà cấp 4 và trồng hoa màu trên 1 thửa đất thuộc đất của bà Nguyễn Thị Phòng (theo lời người dân ở xung quanh thì gia đình bà Phòng và ông Thọ trước kia có quan hệ khá gần gũi, thân thiết).
Với việc gia đình ông Thọ liên tục cản trở việc thực hiện dự án, UBND huyện Sông Cầu đã lập các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hành vi chiếm đất công quản của gia đình ông Thọ, thế nhưng gia đình ông Thọ vẫn không chấp hành mặc dù chính quyền đã nhiều lần đến thuyết phục. Để thực hiện đúng quy định pháp luật, năm 2004 UBND huyện Sông Cầu tiến hành áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính đối với gia đình ông Thọ, khi tiến hành cưỡng chế, các thành viên gia đình ông Thọ lại có hành vi chống đối. Hành vi chống người thi hành công vụ của gia đình ông Thọ đã được TAND tỉnh xét xử phúc thẩm, tuyên phạt các bị cáo: Trần Khánh Thọ 24 tháng tù; Đinh Thị Diên (vợ ông Thọ), Trần Khánh Ơn (con ông Thọ) và Phạm Viết Chương (cháu bà Diên) 24 tháng tù cho hưởng án treo.
Trên đây là những thông tin tôi tìm hiểu được từ các cơ quan chức năng, người dân ở Bãi Rạng. Còn những thông tin mà nhà báo Phi Công nêu ra ở các bài bào đăng trên báo Kinh tế nông thôn lại hoàn toàn ngược lại, nhà báo Phi Công đã cắt xén thông tin, đưa tin chủ quan, phiến diện, sai sự thật. Cụ thể, nhà báo Phi Công cho rằng: gia đình ông Thọ đã khai hoang hơn 10ha đất (tương đương 50.000 m2) vùng đất Bãi Rạng, trực tiếp làm chủ quyền sử dụng đất, được tách ra thành nhiều sổ hộ khẩu; những quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và xây dựng của UBND huyện Sông Cầu là không có cơ sở pháp lý, không đúng trình tự, thủ tục pháp luật; quyết định cưỡng chế không chỉ khiến gia đình ông Thọ, mà nhiều hộ dân ở xã Xuân Hải cũng lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất”… Thử hỏi đạo đức nhà báo Phi Công đặt ở đâu mà lại nỡ bẻ cong ngòi bút của mình, xào xáo thông tin, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân, việc làm của nhà báo Phi Công có thể dẫn đến hậu quả chia rẽ đoàn kết giữa nhân dân với Nhà nước.
Chúng ta đều biết báo chí có sứ mệnh định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực, văn minh, đúng sự thật. Điều này tưởng chừng người làm báo nào cũng phải thấu hiểu, thấm thía. Nhưng tiếc thay, Phi Công đã không tự rèn luyện, tu dưỡng những giá trị đạo đức, tự làm mục ruỗng, băng hoại nhân cách bản thân, đi ngược lại sứ mệnh ấy. Khi nhân cách, đạo đức sa sút, sớm muộn gì nhà báo Phi Công cũng sẽ tự “đào mồ chôn sự nghiệp” của chính mình!
Vậy, mục đích, động cơ của Phi công là gì khi đã “bẻ cong ngòi bút” của mình? Kỳ sau sẽ rõ!!!
(Còn nữa).

Mộc Nguyên

Theo Fan page Tuổi trẻ yêu nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét