Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP MỘT NHÀ BÁO (KỲ CUỐI)

Sau hơn ba ngàn câu thơ trong kiệt tác Truyện Kiều, nhà thơ Nguyễn Du cũng chỉ kết luận một chữ “Tâm” đầy sâu sắc:

“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

Chữ “Tâm” ở đây chính là lương tâm, đạo đức, tấm lòng nhân thiện của một con người trong cuộc sống hay trong nghề nghiệp nào cũng vậy, phải đặt cái tâm lên trước tiên. Nói về nghề làm báo, cái tâm ở đây chính là dám tìm ra sự thật, viết ra sự thật, đưa sự thật đến với công chúng. Bởi vì, “Trong báo chí, nói ra sự thật là luật tối thượng” (trích lời phóng viên nổi tiếng Walter Lippmann).


Một nhà báo đưa tin sai sự thật là đã không giữ được cái tâm của người làm báo, đã vi phạm luật tối thượng của nghề. Nhà báo Phi công chính là người như vậy, một nhà báo không còn giữ được cái tâm, cái đức, khi liên tục đưa tin sai sự thật trên báo Kinh tế nông thôn.

"Bút tích" của ông Phi Công

Kỳ này, tôi sẽ gửi đến mọi người vụ việc liên quan đến Dự án Khu đô thị mới Nam Tuy Hòa. Năm 2009, để triển khai dự án, UBND thành phố Tuy Hòa đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành chi trả tiền bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân. Tuy nhiên, lại có một số hộ dân cho rằng việc bồi thường chưa thỏa đáng nên không chịu nhận tiền bồi thường mà đòi được bồi thường bằng những khu đất có giá trị tương đương (tức đòi bồi thường về đất). Trong đó có 06 hộ dân thuộc 48 hộ được giao đất lâm nghiệp với mục đích “phát triển sản xuất kinh doanh lâm nghiệp” từ năm 1995 với thời hạn 50 năm. Vì đây là đất rừng phòng hộ nên theo quy định chỉ bồi thường về cây trồng có trên đất, việc 06 hộ dân đòi bồi thường về đất là không đúng quy định. Ngoài ra, năm 1996 còn có 23 hộ dân được giao đất để làm khu chăn nuôi và trồng cây xanh. Tuy nhiên, trong số 23 hộ này thì có 07 hộ không thuộc đối tượng được giao đất vì tại thời điểm giao đất, cả 07 hộ đều không cư trú ở địa phương (thị trấn Phú Lâm lúc đó), và từ khi giao đất đến nay cả 07 hộ đều không hoạt động sản xuất gì trên đất được giao, nên không được bồi thường về đất. Còn 16 hộ vì có sự sai sót trong việc xác định loại đất nên hiện đang điều chỉnh để có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đúng quy định. 

Vậy mà, nhà báo Phi Công lại viết báo đăng trên báo Kinh tế nông thôn với nội dung cho rằng: tất cả 71 hộ dân đều có đủ điều kiện để được bồi thường về đất (48 hộ được giao đất lâm nghiệp với mục đích “phát triển sản xuất kinh doanh lâm nghiệp” và 23 hộ dân được giao đất để làm khu chăn nuôi và trồng cây xanh), UBND tỉnh lấy đất của dân không ra Quyết định thu hồi, không thực hiện phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư… Nhà báo Phi Công đã viết báo với những nội dung sai sự thật như vậy, thật vô căn cứ, hàm hồ.

Ông Phi Công đang đi "tác nghiệp" ở một vùng quê.


Không chỉ có các vụ việc xảy ra ở Xuân Quang 3 – Đồng Xuân, Bãi Rạng – Sông Cầu, Nam Tp Tuy Hòa mà còn nhiều vụ khác ở nhiều nơi khác như: Hai Riêng - Sông Hinh, Xuân Cảnh – Sông Cầu, Xuân Hải – Sông Cầu… mà hầu như tất cả đều có điểm chung là liên quan đến khiếu kiện đất đai, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của nhân dân, lợi dụng các vấn đề liên quan đến giải quyết quyền lợi của người dân mà nhà báo Phi Công đã chà đạp lên nhân phẩm và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo để dụ dỗ, vòi tiền của người dân bằng những lời hứa hẹn hão huyền và những bài báo không có căn cứ, sai sự thật.

Trong quá trình tác nghiệp, Phi Công đã không ít lần lừa đảo bà con nhân dân để vụ lợi bản thân. Điển hình là trường hợp bà Nguyễn Thị Chín (ở Xuân Hải, Sông Cầu) là một nạn nhân của Phi Công mà tôi biết. Khoảng cuối tháng 9/2016, Phi Công có đến gặp bà Chín để giúp bà Chín viết đơn khiếu nại đến cơ quan chính quyền của Thị xã Sông Cầu để yêu cầu giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai. Đồng thời, Phi Công đã phỏng vấn và chụp hình bà Chín và hứa sẽ đăng lên báo Kinh tế nông thôn với các nội dung đã thỏa thuận với bà, sau khi báo phát hành sẽ đưa cho bà Chín 200 tờ và bà Chín phải trả 2 triệu đồng cho Phi Công. Tuy nhiên, sau khi báo phát hành, bà Chín phát hiện không có các nội dung như đã thỏa thuận nên chỉ nhận 100 tờ báo và trả cho Phi Công 1 triệu đồng. Khoảng tháng 3/2017, Phi Công có hẹn gặp bà Chín để mượn 1 triệu đồng vì có việc gấp phải đi Quy Nhơn và hứa ngày hôm sau sẽ đến nhà trả cho bà Chín, nhưng đến tận nay vẫn chưa trả. Nhận thấy mình bị lừa, bị lợi dụng, sau đó bà Chín đã có đơn tố cáo Phi Công mượn danh nhà báo để gian dối với người dân thiếu hiểu biết, đồng thời bà cũng tuyên truyền cho mọi người biết được bộ mặt xấu xa của Phi Công.

Đặc biệt, mới đây trên mạng xã hội Facebook lan truyền nhiều video của người dân quay lại, mà nhân vật chính lại là nhà báo Phi Công, nội dung các video cho thấy sự lừa đảo trắng trợn của Phi Công đã bị người dân phát hiện, chặn đường, ép phải viết giấy cam kết trả lại hồ sơ giấy tờ, chứng từ nguồn đất mà ông đã nhận của chủ đất và giấy giao kèo trả tiền công 200 triệu nếu nhà báo ủy quyền tranh đấu thắng kiện. Mà nhìn vào cái giấy cam kết do Phi Công viết chắc ai cũng không tin nổi đây là những dòng chữ của một nhà báo, chữ đã xấu mà trình bày không còn ra một thể thức gì cả, quả đúng là nhà báo Phi Công đã “bẻ cong ngòi bút” của mình cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Trên đây chỉ là một số ví dụ điển hình của những sai trái mà nhà báo Phi Công đã thực hiện trong quá trình hành nghề của mình và còn nhiều lần sai trái khác nữa. Vậy mục đích, động cơ là gì mà Phi Công lại sẵn sàng bán bổ lương tâm, đạo đức của mình, chắc ai cũng hiểu, Phi Công cũng không nằm ngoài vòng xoáy lợi ích vật chất cá nhân. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, xử lý quyết liệt, không để vi phạm nối tiếp vi phạm, gây mất niềm tin của người dân với báo chí.

Ngoài chuyện của nhà báo Phi Công, hiện nay trong hoạt động báo chí nói chung vẫn còn hiện tượng đưa tin sai sự thật, rút tít giật gân, phản ánh phiến diện, đưa tin nặng về những mặt trái của xã hội, thiếu tính chất định hướng dư luận theo đúng sự thật, ít đăng tin nêu những gương người tốt việc tốt, nhiều tờ báo còn thụ động trong việc đưa tin phản bác sự sai trái trên mạng xã hội… Giống như mọi lĩnh vực hoạt động khác của xã hội, hoạt động báo chí luôn phải đáp ứng yêu cầu thượng tôn pháp luật, tôn trọng sự thật, tôn trọng cộng đồng. Người làm báo hơn ai hết phải cần có nhận thức đúng đắn, nghiêm túc và trách nhiệm trong công việc, không nên nghĩ đây là một cái nghề để cầu danh, cầu lợi, mà là để hành đạo, giúp ích cho nhân dân. Những nhà báo uy tín là những người không bao giờ rời sự thật. Chỉ có như vậy, người làm báo mới thật sự dùng ngòi bút của mình để góp phần xây dựng xã hội văn minh, phát triển.

Mộc Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét