Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

NGHỊ ĐỊNH 100/2019/NĐ-CP: LÀM CHO ĐẤT NƯỚC CÀNG NGÀY CÀNG XUÂN


Kết quả hình ảnh cho NGHỊ ĐỊNH 100/2019/NĐ-CP: LÀM CHO ĐẤT NƯỚC CÀNG NGÀY CÀNG XUÂN
Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt quy phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 trong đó đáng chú ý là Nghị định tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn: tăng mức phạt tối đa với người đi ôtô có nồng độ cồn lên đến 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng, đối với người điều kiển xe mô tô (xe cơ giới có 2 hoặc 3 bánh, có dung tích xi lanh lớn hơn 50 cm3) sẽ phải chịu mức xử phạt từ 6 – 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng, Nghị định bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ với mức xử phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.
Có ý kiến cho rằng: Theo quy định của khoản 5, Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Nghị định của Chính phủ là một trong những loại văn bản quy phạm pháp luật; Theo khoản 1, Điều 151 Luật trên: Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương, nhưng Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực chỉ sau 02 ngày kể từ ngày ban hành. Như vậy có quy phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 không?

 
Để giải đáp thắc mắc câu hỏi này, công dân cần tìm hiểu thêm nhiều điều khoản khác được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015: tại khoản 2 Điều 151 quy định Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là sau 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành”. Hơn thế nữa, để phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, trong đó nghiêm cấm hoàn toàn lái xe khi đã uống rượu, bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 01/01/2020 để tạo sự thống nhất, chặt chẽ, không chồng chéo trong quy định của pháp luật đối với việc nghiêm cấm hoàn toàn lái xe khi đã uống rượu, bia. Như vậy, có thể khẳng định rằng, hiệu lực thi hành của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Chính sự ban hành kịp thời Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã mang lại một mùa Xuân Canh Tý 2020 hơn hẳn mấy xuân qua, như câu thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua. Thắng trận tin vui khắp nước nhà…”, điều đó được minh chứng ở những điểm sau:
- Ngày 29/1/2020 Tổng cục Thống kê cho biết từ 15/12/2019 đến 14/01/2020, cả nước xảy ra 1,3 nghìn vụ tai nạn giao thông, bao gồm 702 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 598 vụ va chạm giao thông, làm 591 người chết; 359 người bị thương và 609 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 14,9% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 15%; số vụ va chạm giao thông giảm 14,7%); số người chết giảm 18,9%; số người bị thương giảm 14,9% và số người bị thương nhẹ giảm 14,8%.
- Số liệu báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, số ca cấp cứu do TNGT đã giảm 18,2% so với kỳ Tết Kỷ Hợi 2019, riêng ngày mùng 4 Tết giảm 23,5%.
- Và quan trong hơn hết là việc tác động vào ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của công dân. Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã và đang từng bước thay đổi, nâng tầm văn hóa, ứng xử của người dân khi tham gia giao thông tại Việt Nam.
Một vài ý kiến cho rằng: Quy định nghiêm cấm hoàn toàn việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông sẽ ảnh hưởng phần nào đến việc kinh doanh rượu, bia của các công ty sản xuất bia, rượu và ảnh hưởng kinh doanh ăn uống tại các hàng quán, từ đó có tác động tiêu cực đến nguồn lợi kinh tế. Nhưng hãy nhìn thẳng vào việc tai nạn giao thông giảm mạnh: số người chết, số người bị thương giảm, phương tiện giao thông giảm hư hỏng, gia đình người tham gia giao thông không phải chi vào các khoản tiền viện phí, thuốc men hay hơn cả là chăm sóc cho người thân tàn tật do tai nạn giao thông – gánh nặng xã hội mà đáng lẽ là những công dân tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của gia đình, đất nước…. tất cả đã cho thấy Nghị định 100/2019/NĐ-CP có tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của Nhân dân rất to lớn.
Dư luận quần chúng nhân dân về Nghị định 100/2019/NĐ-CP trên đài truyền hình, bản tin, báo mạng, trên các diễn đàn mạng xã hội, qua các cuộc khảo sát; những cuộc nói chuyện đầu xuân, chúc tết, tán gẫu của người dân tại gia đình, quán cà phê hay cả những câu nói vui mà thật của các Y Bác sĩ Khoa Ngoại cấp cứu các Bệnh viện: “Trực Tết năm nay tại Bệnh viện có thể chợp mặt…”, tất cả đều cho thấy: Nhân dân hoàn toàn ủng hộ, hưởng ứng và đánh giá cao tác động tích cực của Nghị định 100/2019/NĐ-CP mang lại cuộc sống bình yên trên khắp các nẻo đường.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần tiếp tục nâng cao vai trò tuyên truyền, phổ biến quy định và cho thấy tính hiệu quả của Nghị định 100/2019/NĐ-CP trong thời gian đến, các lực lượng chức năng thi hành pháp luật đúng quy định, Nhân dân tham gia giám sát, góp phần đẩy mạnh văn hóa khi tham gia giao thông, để “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”./.
                                                           Tác giả: Trần Vương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét