Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN (CCCD) GẮN CHÍP

 

Hiện nay đã có khoảng 70 quốc gia trên thế giới sử dụng thẻ căn cước gắn chíp, trong đó có những quốc gia sử dụng từ những năm 1990. Tại Việt Nam, khi xây dựng Luật Căn cước công dân năm 2014, Bộ Công an đã tính toán đến việc gắn chíp, nhưng khi đó chi phí chíp cao, ngân sách chưa đáp ứng được và trong nước chưa sử dụng được một số công nghệ liên quan đến chíp, và bây giờ, Đề án thẻ công dân gắn chíp đã chính thức được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 1368/QĐ-TTg, ngày 03/9/2020. Vậy CCCD gắn chíp là gì:

Thứ nhất, CCCD gắn chíp là một loại thẻ thay thế CMND và một số giấy tờ tùy thân khác. Hiện tại có 03 loại CMND đang sử dụng gồm CMMD 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch. Cả ba đều có giá trị như nhau, đều có thời hạn sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp. Khi hết hạn 15 năm công dân làm thủ tục cấp đổi theo quy định của luật Căn cước Công dân Việt Nam.

Thứ hai, đối tượng cần chuyển đổi thẻ CCCD gắn chíp: nhiều người hiểu lầm rằng, khi thẻ CCCD gắn chíp được ban hành, tất cả mọi công dân (dù là đang dùng CMND hoặc CCCD có mã vạch) đều phải đồng loạt đi đổi sang loại CCCD gắn chíp. Điều này là không đúng, theo Bộ Công an, quy định của luật CCCD và pháp luật hiện hành, công dân vẫn được sử dụng ba loại thẻ là CMND 09 số, CMND 12 số, CCCD có mã vạch đến khi thẻ hết giá trị sử dụng. Tuy nhiên để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch, Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử. Đối tượng cần làm mới hoặc  chuyển đổi sang thẻ CCCD gắn chíp gồm: người chưa có CMND, người có CMND hoặc CCCD bị mất, hư hỏng, hết hạn sử dụng. Dự kiến, Việt Nam sẽ cấp 50 triệu thẻ CCCD gắn chíp trước ngày 01/7/2021.

Thứ ba, đổi sang CCCD gắn chíp, người dân được lợi gì? Được biết, CCCD gắn chíp có nhiều ưu điểm so với các loại giấy tờ tùy thân hiện nay. Cụ thể như: tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn, liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, thuế,… do đó công dân chỉ cần mang theo CCCD gắn chíp mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm thủ tục hành chính như trước đây, cũng không tốn kém thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây.

Thứ tư, mất CCCD gắn chíp có sao không? Hay chíp điện tử được gắn trên thẻ CCCD liệu có kiểm soát các hoạt động của từng cá nhân hay không? CCCD gắn chíp tích hợp rất nhiều thông tin cá nhân của công dân. Theo đó, nhiều công dân bày tỏ sự lo ngại nếu như đánh mất thẻ và rơi vào tay kẻ trộm, liệu có vấn đề gì không? Cũng theo Bộ Công an, mức độ bảo mật của chíp rất cao nên thông tin định danh của công dân trên thẻ là không thể thay đổi, không thể giả mạo được. Chỉ có chủ sở hữu thẻ mới sử dụng được, nếu có bị trộm cắp cũng không bị ảnh hưởng gì, Bộ Công an khẳng định “Chíp điện tử được gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân” nên hoàn toàn không có việc kiểm soát hoạt động của cá nhân.

Như đã nói ở trên, sắp đến Việt Nam sẽ triển khai việc cấp CCCD gắn chíp theo từng giai đoạn, đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc, phát huy tinh thần tự giác trong việc liên hệ, hỗ trợ cơ quan, chính quyền địa phương trong thực hiện các bước triển khai CCCD gắn chíp, cụ thể:

- Tự giác liên hệ với cán bộ công chức tư pháp xã, thị trấn để làm thủ tục bổ sung ngày, tháng sinh vào thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư dối với trường hợp chưa có ngày, tháng sinh trong CMND hiện hành.

- Liên hệ công an địa phương nơi cư trú điều chỉnh, bổ sung thông tin khi có yêu cầu hỗ trợ từ cơ quan.

- Một lần nữa khẳng định, gắn chíp điện tử thay vì mã vạch vào thẻ CCCD là áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, mang lại sự tiện ích, uy tín cao, là quyền lợi của mỗi công dân, tiến tới đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nên bài viết mong muốn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân vào việc triển khai chuyển đổi CCCD gắn chíp. Không nên tin vào những lời công kích của một số đối tượng xấu trên diễn đàn mạng xã hội, những kẻ đưa ra những suy đoán vô căn cứ nhằm gieo rắc hoài nghi trong dư luận, nào là gắn chíp điện tử CCCD để “theo dõi công dân”, nào là “vi phạm đời tư cá nhân”…

 

                                                                   Phương Hải

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét