Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO CỦA VIỆT NAM – VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC HIỂU RÕ VÀ BẢO VỆ


Trên cơ sở Luật biển 1982, Việt Nam đã đưa ra tuyên bố về chủ quyền biển đảo trên Biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng với vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã trở thành mục tiêu tranh chấp của nhiều quốc gia. Trong đó phải nhắc đến Trung Quốc, và diễn biến ở Biển Đông là một minh chứng. Để làm rõ vấn đề này chúng ta hãy cùng ngược dòng sự kiện để tìm hiểu về những dấu mốc lịch sử thể hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Nhưng trước hết chúng ta phải khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam, điều này đã được chứng minh trong nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề biển đảo.

Thời phong kiến Hoàng Sa và Trường Sa đã được các vua, chúa của Việt Nam phát hiện và thực thi chủ quyền. Đến thời Pháp thuộc toàn quyền Đông Dương tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Pháp. Năm 1946 lấy cớ giải giáp quân Nhật, Trung Hoa Dân Quốc đưa quân đánh chiếm đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Đây được xem là bước đầu tiên của Trung Quốc ở Biển Đông, tiếp sau đó vào năm 1947 Trung Hoa Dân Quốc lại đưa ra yêu sách chủ quyền trên Biển Đông với đường lưỡi bò hay còn gọi là đường chín đoạn bao trọn 75% diện tích mặt nước của Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Khi đưa ra tuyên bố này Trung Quốc đã không hề giải thích về cơ sở pháp lý hay cơ sở địa lý mà chỉ gọi chung chung là vùng nước lịch sử hay lãnh thổ lịch sử để cho ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.

Năm 1988 Trung Quốc dùng tàu chiến tấn công chiếm đóng bãi đá Gạc Ma, do chênh lệch lực lượng quá lớn nên 64 chiến sỹ của ta làm nhiệm vụ ở đây đã hy sinh. Hình ảnh các chiến sỹ nắm tay nhau để bảo vệ lá cờ Tổ quốc đã diễn đạt sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ đảo Gạc Ma.

Từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc tiếp tục có nhiều hành động thể hiện chủ quyền trái phép trên Biển Đông như: Xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đưa tàu thăm dò dầu khí vào bãi Tư Chính, đưa giàn khoan Kantan 03 vào khoan thăm dò trên thềm lục địa Việt Nam, thực hiện một số vụ cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam, đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển của Việt Nam, nhiều lần đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam..., hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đã và đang bị cả thế giới lên án.

Trước những hoạt động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông, Việt Nam đã thể hiện rõ lập trường và đưa ra những chính sách bảo vệ chủ quyền không khoan nhượng trên phương diện ngoại giao. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế để xác định chủ quyền trên Biển Đông. Việt Nam còn tăng cường lập chốt tại các khu vực trọng yếu trên Biển Đông để bảo vệ ngư dân và giữ vững ngư trường. Trung ương Hội thanh niên Việt Nam và các Tỉnh đoàn thì cùng nhau tiến hành xây dựng các công trình thanh niên trên các đảo. Đây là những hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc.

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đang đứng trước những khó khăn thách thức lớn. Vì vậy, để làm tốt nghĩa vụ của một công dân, việc đầu tiên chúng ta có thể làm là chủ động tìm hiểu kiến thức về chủ quyền biển đảo để trang bị cho mình những hành trang tri thức không thể thiếu trong hành trình bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

                   T.Đ.T

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét