Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

Nhận thức mơ hồ hay là sự ngụy biện, cố chấp của số đối tượng tin theo UMCC ở huyện Sông Hinh về “tự do tôn giáo”



Thời gian qua, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên không ngừng được nâng lên, cùng với đó là đời sống tôn giáo luôn được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện giải quyết nhu cầu về đào tạo chức sắc, xây dựng cơ sở thờ tự, công nhận các điểm nhóm sinh hoạt, nhất là trong vùng đồng bào DTTS.

Ở huyện Sông Hinh hiện có 3 tôn giáo chính hoạt động là Phật giáo, Công giáo và Tin Lành, với gần 1.400 tín đồ, 30 chức sắc và 10 cơ sở thờ tự. Riêng đạo Tin Lành, nếu như trước những năm 2000, chỉ có khoảng gần 50 tín đồ, thì nay đã có 07 hệ phái hoạt động với hơn 950 tín đồ, 26 chức sắc, 35 chức việc và trưởng điểm nhóm sinh hoạt tại 02 chi hội và 26 điểm nhóm.

Cùng với sự phát triển của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và sự kiên trì vận động, giáo dục của chính quyền cơ sở, đến nay, nhiều gia đình trước đây vì mê muội theo “Tin Lành Đêga” (TLĐG) đã chuyển sang sinh hoạt các hệ phái Tin Lành thuần túy, chỉ còn số ít ngoan cố không chịu từ bỏ, duy trì niềm tin tại nhà riêng. Tuy nhiên, từ sau khi Ksor Kơk chết, nghe theo luận điệu tuyên truyền của số FULRO lưu vong, một bộ phận người còn tin theo TLĐG ở Sông Hinh chuyển sang sinh hoạt “Tin Lành Đấng Christ” (UMCC), thậm chí đã có các hoạt động vi phạm pháp luật về tôn giáo, bị chính quyền cơ sở đưa ra kiểm điểm trước dân, nhưng một số người vẫn bộc bạch tâm tư cho rằng mình không vi phạm. Luận điệu mà số này đưa ra là chính quyền Việt Nam đã công nhận “mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”, nên việc họ theo UMCC là không trái quy định, không làm gì chống Nhà nước và yêu cầu chính quyền cho phép tôn giáo mà họ tin theo được tự do hoạt động. 


Trước hết, dưới góc độ pháp lý, có thể khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và được cụ thể hóa tại Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc). Theo đó quy định: “Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo…; không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ…”. Tuy nhiên, điều luật này cũng ràng buộc thêm là quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.

Như vậy, theo quan điểm được thể hiện trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có thể bị giới hạn bởi pháp luật, không thể có quyền tự do tôn giáo tuyệt đối. Mọi tổ chức tồn tại, hoạt động trong xã hội đều phải chịu sự quản lý, giám sát của Nhà nước, tuân thủ quy định của pháp luật.

Vấn đề tiếp theo cần làm rõ là “Tin Lành Đấng Christ” (UMCC) có phải là một tổ chức tôn giáo đúng nghĩa của nó. Có thể dễ dàng trả lời, số UMCC bên ngoài mà lâu nay họ tôn thờ, tin theo không ai khác chính là số đối tượng có lịch sử chống Đảng, Nhà nước, bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động chống phá trên vấn đề dân tộc, với chiêu bài “ly khai tự trị”. Đứng đầu là Y Hin Niê, nguyên là đại tá FULRO, để níu giữ hận thù, mơ mộng khôi phục chế độ cũ, y mới dựng lên cái gọi là Tin Lành Đấng Christ” - UMCC ở bên ngoài và rêu rao việc thành lập tổ chức trong nước với tên gọi là “Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên” - ECCV… làm phương tiện lôi kéo, tập hợp lực lượng. Tiếp theo là A Ga, ngay sau khi may mắn chạy trốn thoát thân sang đất Mỹ vì lệnh truy nã của Công an Việt Nam, chưa kịp hoàng hồn, y đã tự xưng là người lãnh đạo thế hệ mới của UMCC, liên tục đốc thúc số bên trong thu thập tài liệu về vấn đề tôn giáo, nhân quyền để sử dụng làm tài liệu xuyên tạc tình hình trong nước và kêu gọi quốc tế can thiệp.

Đến đây, có lẽ mọi thứ đã khá rõ ràng, vì nhận thức, hiểu biết hạn chế mà các đối tượng UMCC ở Sông Hinh mới tin tưởng, nghe theo những lời “rao giảng” một chiều của số cầm đầu UMCC bên ngoài về tự do tôn giáo. Điều này có thể thông cảm, chia sẻ được, chỉ đáng trách là dù được chính quyền, đoàn thể khuyên răn, giải thích về bản chất phản động của UMCC nhưng các đối tượng vẫn chưa chịu từ bỏ.

Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận. Ngay cả đang trong thời gian chống dịch Covid 19, Nhà nước ta vẫn quan tâm tạo điều kiện tốt nhất đến nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; đừng để đức tin bị lợi dụng dẫn đến vi phạm pháp luật, mọi yêu sách về một thứ tự do tôn giáo tuyệt đối là vô lý, hoang đường và không thể chấp nhận./.

                                                                                        MA NGHĨA

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét