Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

CẦN HIỂU ĐÚNG QUY ĐỊNH VỀ HỖ TRỢ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO GẶP KHÓ KHĂN DO DỊCH COVID 19

 

Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, một số tài khoản facebook đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội thể hiện sự bức xúc liên quan hoạt động hỗ trợ cho người lao động tự do gặp khó khăn do dịch COVID-19, gây hoang mang dư luận trên địa bàn. Được biết, các thông tin đăng tải đều không đúng sự thật, lực lượng chức năng đã tiến hành làm việc với các chủ tài khoản đăng tin và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.



           Liên quan vấn đề này, được biết, ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó quy định 12 chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động. Đáng chú ý, nội dung mà đông đảo Nhân dân quan tâm là chính sách được nêu tại điểm 12, Mục II của Nghị quyết:“Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương”. Theo đó, ở mỗi địa phương sẽ xác định tiêu chí đối tượng cụ thể là ai được hỗ trợ, chứ không phải tất cả lao động tự do sẽ được hỗ trợ.

          Vì vậy, ngày 18/8/2021, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 1088/QĐ-UBND để hướng dẫn cụ thể chính sách này. Về đối tượng áp dụng là người lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong khu vực bị phong tỏa, khu vực thực hiện giãn cách xã hội hoặc phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu, quyết định của người hoặc cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, gồm 07 nhóm đối tượng:

          (1) Người làm thuê trong các hộ kinh doanh bị dừng hoạt động theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trừ các thành viên trong hộ kinh doanh);

          (2) Người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định;

          (3) Người thu gom rác, phế liệu;

          (4) Người lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm);

          (5) Người bốc vác, đánh giày không có địa điểm cố định;

          (6) Người bán lẻ vé số;

          (7) Thợ nề, thợ sơn trong khu vực bị phong tỏa.

           Về mức hỗ trợ: 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng tối đa không quá 30 ngày (01 tháng). Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền 01 lần/01 người. Thời gian triển khai hỗ trợ từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

          Đối với thợ nề, thợ sơn thì chỉ được xét hỗ trợ khi những người này ở trong khu vực bị phong tỏa, đồng thời số tiền được hỗ trợ được tính theo số ngày bị phong tỏa với mức 50.000đ/người/ngày. Chính vì vậy, thợ nề, thợ sơn nhận được số tiền 50.000đ x số ngày phong tỏa, sẽ có thể không giống với số tiền như các nhóm đối tượng còn lại nhận được.

          Việc các chủ tài khoản đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 dễ gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng chống dịch. Theo quy định của pháp luật, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 05 đến 10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 đến 20 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.

          Chính vì vậy, trước khi đăng tải, chia sẻ thông tin lên mạng xã hội, mọi người hãy xem xét về tính xác thực của thông tin, tìm hiểu kỹ các quy định của Nhà nước, tránh để xảy ra sai phạm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét