Sau thời gian khá dài thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, “ai ở đâu, ở yên đó” thì Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ mới trong phòng, chống dịch COVID-19, chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Vậy, phải làm gì để bắt đầu cuộc sống “bình thường mới” hậu giãn cách một cách an toàn?
Hiểu đúng về “trạng thái bình thường mới”
“Trạng thái bình thường mới” là trạng thái hoạt động của xã hội thích ứng an toàn, năng động với tình hình dịch bệnh COVID-19, vừa tập trung chống dịch vừa khôi phục và phát triển lại nền kinh tế như trước khi xảy ra đại dịch. Các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 sẽ được áp dụng linh hoạt theo 4 cấp độ, gồm: Nguy cơ thấp tương ứng với màu xanh; nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; nguy cơ cao tương ứng với màu cam và nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ. Trong “trạng thái bình thường mới”, người dân và doanh nghiệp phải thay đổi thói quen và nâng cao ý thức, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định trong cuộc sống hàng ngày để đạt được mục tiêu này.
Tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các
yêu cầu phòng chống dịch
Trong trạng thái bình thường mới, một số hoạt động
đang dần trở lại bình thường, nhưng đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn. Do
đó, mỗi cá nhân phải nâng cao ý thức, bảo vệ bản thân và gia đình an toàn trước
dịch bệnh. Cân nhắc hạn chế, kiểm soát bản thân để giảm bớt những hành vi sinh
hoạt có “nguy cơ lây nhiễm cao” như tụ họp đông người sau thời gian dài phải ở
nhà; tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc 5K và ứng dụng công nghệ thông tin theo quy
định để khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng vắc xin, khám chữa bệnh; khi có thông
báo tiêm vắc-xin trên địa bàn, cần đăng ký và chủ động tiêm chủng với tinh thần
“Vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”.
Làm quen với nhịp sống mới
Việc trở lại với cuộc sống bình thường sau thời gian dài phải ở nhà sẽ khiến không ít người cảm thấy khó khăn khi vừa phải hòa nhập với nhịp sống mới, vừa phải bảo đảm an toàn trước dịch bệnh COVID-19. Để giảm thiểu những cảm giác tiêu cực khi bước vào cuộc sống mới, mỗi cá nhân cần có kế hoạch quay trở lại với lối sống khoa học sau thời gian giãn cách, sắp xếp hợp lý việc gia đình, cơ quan và trên hết là dành thời gian để tận hưởng cuộc sống mới sau thời gian dài sống với nỗi sợ thường trực về đại dịch COVID-19.
Lan toả tinh thần lạc quan
Trong giai đoạn hiện nay, tinh thần lạc quan sẽ là một thứ tài sản quý báu giúp mỗi cá nhân thích ứng hiệu quả với cuộc sống “bình thường mới”. Duy trì và lan toả tinh thần lạc quan sẽ tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực không chỉ cho những người xung quanh mà còn cho chính bản thân chúng ta để chăm lo cho bản thân và gia đình. Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng những khó khăn sẽ vượt qua nếu chúng ta giữ vững tinh thần lạc quan, sẵn sàng ứng phó trước những biến đổi, khó khăn phía trước và tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
M.M
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét