Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

“ĂN THỊT LỪA” VÌ MUỐN KIẾM TIỀN NHANH MÀ NHÀN

 

Lâu nay chúng ta không còn xa lạ với thuật ngữ “mua trả góp”, một hình thức mua hàng mà bạn không cần phải chờ đợi lâu để được sở hữu món đồ mình muốn kể cả khi chưa có đủ khả năng về tài chính vì bạn chỉ cần trả một phần giá trị đơn hàng (thường sẽ từ 30 - 40% giá trị mặt hàng) tại thời điểm mua, khoản thanh toán còn lại bao gồm lãi suất, phí dịch vụ… sẽ được thanh toán dần theo kỳ hạn dựa vào các gói bạn chọn. Thủ tục này phù hợp với nhu cầu của nhiều người, đặc biệt là những người có nhu cầu vay số tiền nhỏ, những người có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Với thủ tục khá đơn giản, thời gian giải ngân nhanh chóng, chỉ cần một số giấy tờ tùy thân như CMND hoặc CCCD, bằng lái xe, sổ hộ khẩu…và vài bước xác minh cơ bản là người mua đã có thể nhận được sản phẩm cần sở hữu. Chính vì thủ tục quá đơn giản và nhanh gọn nên các công ty tài chính đã vô tình tạo kẽ hở cho các đối tượng lừa đảo có cơ hội ra tay. Các đối tượng thường lợi dụng hình thức mua trả góp các mặt hàng đắt tiền như: xe máy, laptop, điện thoại di động,… bằng các loại giấy tờ giả hoặc dùng giấy CMND của người khác rồi cắt dán ảnh của mình, sử dụng nhiều tên khác nhau để mua hàng sau đó chiếm đoạt tài sản; hoặc cũng có thể lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết và một chút lòng tham của một số người để thực hiện hành vi “nhờ đứng tên” mua hàng trả góp sau đó chiếm đoạt tài sản và “đăng xuất” không một dấu vết.


Chị P.T.H, 20 tuổi, trú xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vẫn chưa hết bàng hoàng về việc mình vừa bị lừa hơn 35 triệu đồng bằng hình thức “nhờ đứng tên” mua xe trả góp. Trước đó, vì đang cần tiền nên H được một người quen qua mạng xã hội giới thiệu và liên hệ với một thanh niên tên Tuấn, trú huyện Tây Hòa. Người này đề nghị H tham gia làm dịch vụ đứng tên mua xe trả góp hộ rồi Tuấn cho tiền thì H đồng ý. Đầu tháng 7/2022, Tuấn đưa H đến một cửa hàng xe máy trên địa bàn thị xã Đông Hòa, sau khi chọn mua một xe SH Mode trị giá hơn 84.000.000 đồng thì Tuấn vào làm các thủ tục mua xe trả góp để H ký vào, Tuấn trả trước 49.450.000 đồng, còn lại số tiền góp 35.000.000 triệu đồng do H đứng tên trả nợ. Sau khi lấy xe và hồ sơ xe giao cho Tuấn thì H được Tuấn cho 1.300.000 đồng tiền bồi dưỡng. Sau nhiều lần gọi điện thoại cho Tuấn để hỏi về số tiền trả góp còn lại nhưng không liên lạc được thì H mới nhận ra là mình đã bị “ăn thịt lừa”.

Đã có rất nhiều người là nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này. Một phần là do nhiều người dân khi mua hàng trả góp thường không đọc kỹ các điều khoản, các ràng buộc về pháp lý ghi trong hợp đồng nên phải gánh chịu những rủi ro, hậu quả khó lường. Mặc khác, những kẻ lừa đảo đã lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết và đánh vào lòng tham, tâm lý muốn kiếm tiền nhanh mà nhàn của nhiều người để tung ra các chiêu trò lừa đảo. Thiết nghĩ, khi đứng trước những lời mời gọi hấp dẫn, mỗi người nên tự suy xét thấu đáo, tìm hiểu kỹ về việc mình định làm, đừng để lòng tham làm lu mờ ý chí, dẫn tới những hậu quả không đáng có. Cũng không có công việc nào nhẹ nhàng mà lương cao cả, mức tiền lương được hưởng luôn tương xứng với công sức mà chúng ta bỏ ra.

Ngoài ra, người mua hàng theo hình thức trả góp nên kiểm tra kỹ thông tin, nghĩa vụ của mình trong hợp đồng xem có bị ràng buộc bởi bên thứ ba hay không để tránh tình trạng các tổ chức, công ty bán hàng trả góp hoạt động trá hình dưới hình thức đa cấp lợi dụng lòng tin để trục lợi. Bên cạnh đó, các siêu thị, cửa hàng, các công ty tài chính, cơ sở kinh doanh bán hàng dưới hình thức mua bán trả góp cần đề cao tinh thần cảnh giác; đặc biệt là khi giao dịch phải có biện pháp kiểm tra, thẩm định hồ sơ khách hàng một cách hợp lý, chặt chẽ; nên có những quy định ràng buộc rõ ràng đối với người mua hàng bằng hình thức trả góp để tránh tạo kẻ hở cho kẻ gian lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo.

 

 

 

                                                                                         

 

NGUYỄN ĐÌNH THỤC KHOÁC ÁO LINH MỤC, PHẢN NƯỚC HẠI DÂN

 

          Nguyễn Đình Thục là cái tên không quá xa lạ, khi hắn ta liên tục có những hoạt động lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc, kích động giáo dân chống phá Đảng, Nhà nước gây phức tạp tình hình an ninh tôn giáo, anh ninh chính trị trong thời gian gần đây.

          Từ năm 2012 đến nay, Nguyễn Đình Thục thường xuyên có những hoạt động công khai xem thường pháp luật và đến hôm nay, hắn ta đã lộ rõ bản chất của một kẻ cực đoan, hèn hạ. Khi Thục đã gắn mác tôn giáo, mượn danh là một linh mục nhưng lại có các mối quan hệ mật thiết, gần gũi với các đối tượng trong các tổ chức phản động để lập mưu hèn, kế bẩn làm phức tạp tình hình an ninh quốc gia trong nước.


          Điểm lại những hoạt động phức tạp trong thời gian qua, để các bạn đọc hiểu thêm thêm và bản chất thực sự của linh mục Nguyễn Đình Thục:

          - Ngày 01/7/2012, linh mục Nguyễn Đình Thục đã tự ý kêu gọi khoảng 700 giáo dân từ nơi khác kéo về thôn Trung Hương, xã Yên Khê hành lễ trái pháp luật, trước sự phản đối kịch liệt của chính quyền địa phương và người dân tại đây. Hắn ta không xin phép với chình quyền địa phương, làm ngược lại với lẽ sống của người Công giáo “Sống tốt đời, đẹp đạo”. Không những thế, hắn ta đã kích động giáo dân đến tham gia hành lễ quây bắt 43 người dân xã Yên Khê và tổ công tác huyện, nhốt người trái pháp luật tại nhà nguyện Giáo xứ Quan Lăng, bị đánh đập trong suốt 12 giờ, xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe cũng như tạo tâm lý hoang mang cho người dân địa phương khi lên án các hành vi trái pháp luật của hắn ta.

          - Ngày 05 đến 06/12/2016, Thục đã sang Đài Loan để móc nối cùng Nguyễn Văn Hùng- một linh mục người Úc gốc Việt hiện đang sinh sống tại Đài Loan, đại diện một tổ chức phản động ngoại vi của Việt Tân để chuẩn bị kích động giáo dân phản đối vụ ảnh hưởng môi trường của Formosa ngày 14/02/2017, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương. Lợi dụng danh nghĩa khởi kiện vì quyền lợi người dân, nhưng trong đoàn khởi kiện đố có nhiều đối tượng cộm cán như: Chu Mạnh Sơn, Nguyễn Thị Phương, Lê Văn Nhàn, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Dũng, Trịnh Tuấn Anh, Bạch Hồng Quyên, đáng chú ý là Hoàng Đức Bình- Phó chủ tịch Phong trào Lao Động Việt (một tổ chức phản động)... Với tâm địa hèn mạc mong muốn đánh bóng tên tuổi, ghi điểm với các tổ chức phản động trong và ngoài nước nhằm xin viện trợ từ các tổ chức nước ngoài, trục lợi cá nhân cũng như công khai chống đối chính quyền địa phương. Chính Thục đã từng cầu nguyện rằng “Cầu nguyện cho chế độ Cộng Sản mau mất đi”.

          - Ngựa quen đường cũ, tiếp tục ngày 13/7/2022 linh mục Nguyễn Đình Thục tiếp tục kích động nhiều giáo dân xông vào khu công nghiệp WHA để tấn công ngăn cản việc đóng con đường mòn dân sinh chạy ngang qua khu công nghiệp. Trước sự kích động, xúi dục của linh mục Nguyễn Đình Thục, những giáo dân lương thiện đã không ngại đập phá rào chắn, tấn công, lăng mạ lực lượng Công an của địa phương và các cán bộ, công nhân của dự án đang thực thi nhiệm vụ, gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn xã hội.

          Vậy mới thấy, không phải người tu tập nào cũng lương thiện, có những kẻ đã mượn danh tôn giáo để làm những điều trái pháp luật. Đã đến lúc chính quyền phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, cho dù bạn là ai, bạn đang theo tôn giáo nào hay đang lợi dụng danh nghĩa gì để phá hoại đất nước, đặc biệt là phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và phá hoại sự ổn định về an ninh trật tự của đất nước thì cũng sẽ phải trả giá trước pháp luật mà thôi./.

-Thần Gió-

PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH VỚI TỘI PHẠM MẠNG

 

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay tại Việt Nam có khoảng gần 30 triệu người sử dụng Internet, chiếm 1/3 dân số cả nước và cao hơn nhiều so với mức bình quân sử dụng Internet trên toàn thế giới. Điều này đã khiến công nghệ thông tin trở thành “mảnh đất vàng” mà các đối tượng thường lợi dụng để thực hiện tội phạm. Nhiều đối tượng phạm tội là học sinh, sinh viên, lao động tự do có trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng nhất định về sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội.  

Cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin thì cách thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội cũng liên tục có sự thay đổi theo xu hướng ngày càng tinh vi, kín đáo hơn để lẩn tránh sự phát hiện của cơ quan điều tra, gây ra thiệt hại lớn cho các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân. Hiện nay, hoạt động của tội phạm này đang gia tăng, phức tạp và khó kiểm soát cũng như truy vết. Vì vậy, việc mỗi người dân tự nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, tự bảo vệ tài sản của bản thân và gia đình là vô cùng quan trọng, không thể chờ “mất bò mới lo làm chuồng”.


Thực tế cho thấy, dù một vài thủ đoạn phạm tội khá đơn giản, được cảnh báo liên tục trên các phương tiện thông tin truyền thông nhưng vẫn không ít người sập bẫy. Đơn cử như thủ đoạn hack nick Facebook, Zalo để nhắn tin mượn tiền của bạn bè người bị hack. Nếu như ngày xưa muốn vay mượn tiền thì phải gặp nhau, thỏa thuận, ký nhận thì bây giờ chỉ cần một chiếc smartphone có tài khoản Internet Banking và vài thao tác là có thể chuyển được tiền vào ví người kia. Chính vì sự tiện lợi, nhanh chóng như vậy cộng với tâm lý tin tưởng người mượn đã khiến cho nhiều người không có sự đề phòng. Trong khi vốn dĩ cũng với chiếc smartphone đó, chúng ta lại quên không làm thêm một thao tác đơn giản là video call cho người mượn để xác nhận để rồi bất đắc dĩ rơi vào cảnh “nhanh một phút…bực cả đời”.

Một thủ đoạn nữa cũng xuất phát từ sự bất cẩn về bảo mật thông tin của cá nhân người dùng. Nhiều người vẫn “vô tư” chia sẻ hình ảnh CMND, CCCD lên mạng xã hội, các website hoặc các ứng dụng trò chơi nhưng không biết rằng trên thẻ chứa rất nhiều thông tin cá nhân mà tội phạm lợi dụng để trục lợi.

Ngoài ra, đa số tội phạm mạng đều đánh vào tâm lý cả tin, hám lợi của người dân. Thử nghĩ mà xem, liệu việc gọi một cuộc điện thoại, một tin nhắn thông báo trúng thưởng phần quà có giá trị lớn hoặc việc một người nước ngoài kết bạn, hứa hẹn gửi tiền, quà để dụ dỗ người bị hại chuyển tiền có phải cần một trình độ rất cao về công nghệ không?! Không hề, những thủ đoạn trên không cần một trình độ chuyên môn cao về công nghệ cũng có thể làm được, không cần hack nick hay dùng thông tin cá nhân để phạm tội như đã nói ở trên. Chỉ là đối tượng khéo léo lợi dụng tâm lý cả tin, hám lợi của đối phương để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà thôi.

Để không bị các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội; không click vào các đường link lạ mang nội dung quảng cáo hấp dẫn, khiêu dâm; không tin tưởng vào những lời hứa hẹn, gửi tiền quà, thông báo trúng thưởng của những đối tượng xa lạ quen biết qua mạng xã hội; gọi điện thoại xác nhận trước khi cho người quen vay, mượn tiền; trình báo lên cơ quan chức năng và ngân hàng khi bị mất giấy tờ cá nhân để được hỗ trợ nhanh nhất…

Liệu rằng, trong thời đại 4.0 ngày nay, khi mà mỗi ngày đều là một “cuộc chạy đua vũ trang” về công nghệ, tội phạm mạng ngày càng biến tướng với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn, chúng ta có giữ được sự tỉnh táo cần thiết để bảo vệ được tài sản của bản thân? Câu trả lời nằm ở chính mỗi người.

N.

 

NHỮNG NGÔI NHÀ NGHĨA TÌNH

 


                            

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, Công an tỉnh Phú Yên đã vận động các doanh nghiệp xã hội hóa, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa Nhà tình thương cho Công an xã bán chuyên trách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

 

Hiệu ứng của việc làm này mang lại là đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đặc biệt là sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là một chủ trương đúng, hợp với ý Đảng lòng dân; có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

 

Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Ksor Y Quân, Công an viên bán chuyên trách ở thôn Hà Roi, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà tình thương cho Ksor Y Quân. Ông Ka Sô Thơ, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, chia sẻ: “Sự quan tâm của Công an tỉnh và các doanh nghiệp trong việc giúp đỡ Công an xã bán chuyên trách xây nhà tình thương là nguồn động viên to lớn cả vật chất lẫn tinh thần để anh em vững vàng, yên tâm công tác, lao động, sản xuất. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tấm lòng nhân ái ủng hộ để xây nhà giúp đỡ bà con”.



 

Cùng chung niềm vui như gia đình anh Ksor Y Quân, sáng ngày 22/7/2022, Công an tỉnh Phú Yên phối hợp với Công ty TNHH thương mại Vi Long tổ chức Lễ bàn giao 02 nhà tình thương cho 02 đồng chí Công an xã bán chuyên trách ở huyện Đồng Xuân là nhà của đồng chí Huỳnh Thị Nga, Công an xã Xuân Lãnh và nhà của đồng chí Dương Lê Bảo Chiến, Công an viên xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân. Tổng kinh phí Công ty TNHH thương mại Vi Long hỗ trợ cho 02 căn nhà trị giá 100 triệu đồng. Chị Phạm Thị Hằng Vy - Giám đốc Công ty TNHH thương mại Vi Long chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi rất vui khi được đồng hành cùng Công an tỉnh trong việc hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà cho Công an xã bán chuyên trách có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi mong muốn góp một phần nhỏ công sức của mình để xây dựng nên những ngôi nhà tình thương, giúp cho các đồng chí Công an xã bán chuyên trách có hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống, an tâm công tác, góp phần đảm bảo ANTT ở cơ sở”.


 

Từ năm 2020 đến nay, Công an tỉnh Phú Yên đã phối hợp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, Công ty Điện lực Phú Yên, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Phú Yên, Công ty TNHH thương mại Vi Long) hỗ trợ tổng kinh phí trên 650 triệu đồng xây dựng, sửa chữa 13 Nhà tình thương cho Công an xã bán chuyên trách có hoàn cảnh khó khăn.

 

TN.

 

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

NÂNG CAO Ý THỨC CẢNH GIÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TRONG MÙA NẮNG NÓNG, HANH KHÔ

 

Công tác phòng cháy, chữa cháy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của mọi người, gia đình và xã hội. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, nhiều khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh được hình thành và phát triển dẫn đến nguy cơ về cháy, nổ xảy ra rất cao. Mặc dù các cơ quan chức năng đã thường xuyên thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân, nhưng vẫn còn một số cá nhân còn chủ quan lơ là, chưa coi trọng công tác phòng cháy, chữa cháy nên để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo thống kê, trong 06 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 855 vụ cháy, nổ, làm 48 người chết và 50 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 424,7 tỷ đồng, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm trước. Tại Phú Yên, 6 tháng đầu năm xảy ra 03 vụ cháy xe ô tô, không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ đồng. 

Do đó, để ngăn chặn, giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại, người dân cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Chủ hộ hoặc chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán cần chủ động tìm hiểu kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy; đồng thời nhắc nhở các thành viên trong gia đình, trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực hiện đúng các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Đối với các hộ sản xuất kinh doanh phải thành lập lực lượng chữa cháy tại cơ sở và phải được tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy.

- Bố trí, sắp xếp hàng hóa, vật dụng trong gia đình, nơi kinh doanh, buôn bán ngăn nắp, gọn gàng bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện.

- Lắp đặt hệ thống điện, thiết bị điện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà, thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế thiết bị điện hư hỏng hoặc không bảo đảm an toàn.

- Chủ động lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy như hệ thống báo cháy tự động, camera, trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Nước, chăn, bình chữa cháy xách tay, mặc nạ phòng, đèn pin.... và đặt những phương tiện này ở những nơi dễ thấy, dễ lấy và gần lối thoát nạn.

- Sắp xếp, bố trí lối thoát nạn, không để hàng hóa, vật dụng cản trở lối thoát nạn. Đối với nhà có ban công, cửa sổ ở mặt tiếp giáp với đường giao thông cần bảo đảm thông thoáng để thoát nạn, trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt thì phải bố trí ô cửa để thoát nạn khi có cháy.

- Đối với các cơ sở kinh doanh phải có nội quy, quy định, có bảng tiêu lệnh, có biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc bảng chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, lối thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở, phải có phương án phòng cháy, chữa cháy và lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ.

- Khi phát hiện có cháy nổ, cần bình tĩnh, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình hoặc trong cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán biết để nhanh chóng di chuyển ra ngoài qua lối thoát nạn, đồng thời báo ngay cho Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114.

Để phòng tránh tai nạn cháy, nổ xảy ra, mọi người cần thực hiện theo các khuyến cáo nêu trên nhằm góp phần hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi người và mọi nhà.

 

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

Hãy cảnh giác trước những Luận điệu xuyên tạc Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.

 

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia và quần chúng nhân dân về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.Thực tế, khi Dự án Luật được soạn thảo với những vấn đề mới thì việc có những ý kiến khác nhau, tán thành hay chưa tán thành nội dụng, vấn đề nào đó là điều bình thường. Tuy nhiên, việc góp ý với động cơ xây dựng với việc lợi dụng để chống phá là hai vấn đề khác nhau. Một số đối tượng cơ hội chính trị và các cá nhân vì động cơ sai lệch đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá.

Một số trang, mạng đã đăng tải, phát tán một số bài viết xuyên tạc, chống phá Dự án Luật, tăng cường các hoạt động tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước và Nhân dân.Đây rõ ràng là những luận điệu xuyên tạc nhằm dẫn dắt, hướng lái dư luận, tạo ra nhận thức lệch lạc, thái độ phản đối, chống phá đối với Dự án Luật và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

          Trên thực tế, việc ban hành Dự án Luật và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là thật sự cần thiết, có thể thấy những lợi ích rõ ràng nhất như:

- Nhằm tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn ở địa bàn cơ sở; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, xây dựng nền an ninh nhân dân để giải quyết kịp thời các vụ việc, liên quan đến an ninh, trật tự, giữ vững an ninh trật tự ngay tại địa bàn cơ sở.

- Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ hỗ trợ và thực hiện có hiệu quả, là lực lượng tuyến đầu cùng với lực lượng nòng cốt Công an, Quân đội, Y tế… trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự, phòng, chống dịch bệnh./.

ĐỪNG ĐỂ MÌNH TRỞ THÀNH NGƯỜI VÔ ƠN, BẠC NGHĨA

 

Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 hằng năm là ngày có ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với Thương binh, Liệt sĩ đã hi sinh xương máu của mình vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đó còn là truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái”, “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.



Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc, trân trọng với những cống hiến, hi sinh to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh người có công đối với Tổ quốc; thực hiện đầy đủ chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực sự đã trở thành động lực vật chất, tinh thần giúp họ vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách, làm chủ cuộc sống. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau; thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, củng cố niềm tin của Nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cơ sở cho giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc với những hoạt động tri ân để tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ thì đâu đó, những phần tử xấu, bất mãn, cơ hội chính trị, luôn tìm mọi âm mưu, thủ đoạn để hạ thấp giá trị sự hi sinh của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Chúng lợi dụng các trang mạng xã hội để hoạt động thông tin, tuyên truyền kích động, xuyên tạc, chống phá; đưa ra các bài viết, video với luận điệu mập mờ, đánh tráo giá trị, đổi trắng thay đen. Một số còn lợi dụng một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công để xuyên tạc, vu khống Đảng, Nhà nước đã “lãng quên, không quan tâm đến thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng”.

Chúng ta cần lên án những hành động lệch lạc, thể hiện sự vô ơn, bạc nghĩa với mục đích chống phá, làm suy giảm lòng tin của một bộ phận quần chúng Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2022

HÃY BIẾT ƠN

 Ngày thương binh, liệt sỹ sắp đến.

Ngày ấy là sự linh thiêng, là sự tri ân, là cầu nối tâm hồn giữa quá khứ và hiện tại.

Những bà mẹ Việt Nam anh hùng lặng lẽ nhớ đến những người con của mình đã hi sinh.

Các cô, chú thương binh sẽ nhìn vào vết thương trên cơ thể để bồi hồi nhớ lại những năm tháng gian khổ, mất mát,



Chiến tranh đã lùi xa, tiếng súng đã ngưng từ rất lâu nhưng ở đâu đó trên đất nước Việt Nam này vẫn còn hiện lên những nỗi đau, những vết thương chưa lành. Chiến tranh đã đi qua nhưng những vết thương mà chiến tranh để lại cho mỗi người, mỗi gia đình, bạn bè và người thân các thương binh, liệt sỹ vẫn còn đây. Những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường; những thương tật hành hạ người thương binh vì một phần cơ thể đã để lại ngoài trận địa; những nỗi đau về thể xác mỗi khi trái gió trở trời; và nỗi đau mất mát tột cùng cũng như sự cô đơn vò võ, cần nơi nương tựa của các bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Để có được nền hòa bình hôm nay, có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có cơm ăn, áo mặc, có được những nụ cười, ..... Tất cả những điều có được ấy là phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng xương bằng máu của các thế hệ cha ông đi trước. Trong đó có những người tuổi đời còn rất trẻ đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, nguyện đem thân mình dâng hiến cho Tổ quốc.

Nên, mỗi người Việt Nam hãy biết tri ân đối với các anh hùng liệt sỹ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cựu chiến binh đã hy sinh, cống hiến tuổi thanh xuân cho dân tộc, Tổ quốc!

 

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

QUAN HỆ VIỆT NAM – LÀO, TÌNH HỮU NGHỊ BỀN VỮNG

 

“Em ở bên này - Tây Trường Sơn 
Anh ở bên kia - Đông Trường Sơn 
Luôn gửi cho nhau, câu hát ân tình 
Câu hát dân ca của lào lùm lào xúng lào thơng 
Câu hát dân ca của quê mình quan họ 
Đến với nhau, người ơi, người ơi..ơ..ớ... đừng về. 
Em ở bên Tây, Anh ở bên Đông 
Hai đứa nghe chung tiếng gà gáy sáng 
đất nước triệu voi, đất nước tiên rồng 
Chung bước đi lên xây đắp mối tình 
Tình Việt - Lào anh em, 
Tình Việt Lào anh em, mãi mãi không bao giờ phai.”

    Lời bài hát "Tình Việt-Lào anh em" của nhạc sỹ Hồ Hữu Thới đã khái quát về mối quan hệ anh em thắm thiết nghĩa tình của 02 đất nước chung đường biên giới trên bán đảo Đông Dương: một bên là đất nước tiên rồng - Việt Nam, một bên là đất nước triệu voi - Lào. Mối quan hệ ấy đã đi vào bài hát, đi vào những câu thơ thắm đượm tình cảm của Bác:

“Thương nhau mấy núi cũng trèo

 Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua

 Việt - Lào hai nước chúng ta

 Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. 

Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mê Kông, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cayson Phonvihan kính yêu đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào. Trải qua năm tháng, mối quan hệ gắn bó thủy chung lâu đời đó đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc và luôn được truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.



    Nói về quan hệ Việt - Lào, là nói tới mối quan hệ truyền thống, đặc biệt. Đặc biệt bởi hai dân tộc Việt - Lào luôn cùng chung số phận, chung lý tưởng cao đẹp và chung sức trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của cách mạng mỗi nước. Đặc biệt, bởi quan hệ Việt - Lào đã gắn kết ngay trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5-9-1962. Cũng chính vì vậy, sự kiện này cũng như cả quá trình gắn bó giữa hai dân tộc đã mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Việt - Lào và tạo sự gắn kết mạnh mẽ hơn giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập của mỗi nước, sự gắn bó khăng khít, sự phối hợp giúp đỡ vô tư, chí tình, chí nghĩa giữa hai nước, hai dân tộc đã tạo nên sức mạnh vô song và là nhân tố quan trọng góp phần đưa cách mạng hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

    Mối quan hệ đặc biệt ấy còn được đánh dấu bởi đúng vào ngày 18-7-1977, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và mối quan hệ đặc biệt, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào đã được lãnh đạo hai nước ký kết, tạo cơ sở chính trị và pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp cách mạng của mỗi nước. Sự kiện này tạo nguồn lực không ngừng tăng cường củng cố tình đoàn kết, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hiệp ước như một lời khẳng định về tình đoàn kết đặc biệt trước sau như một, hợp tác ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Bốn mươi lăm năm qua, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào đã phát huy tác dụng to lớn, phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi nước. 

Trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài của hai dân tộc, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là nhân tố xuyên suốt các chặng đường và bước trước chuẩn bị cho bước sau nối tiếp phát triển. Quan hệ đặc biệt Việt - Lào bắt nguồn từ mối quan hệ giữa Việt Minh và Pathet trong cuộc chiến tranh trên bán đảo Đông Dương lần thứ nhất. Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, do các vụ ném bom điên cuồng của Mỹ, miền Bắc Việt Nam đã phải mở một đường chi viện cho miền Nam qua lãnh thổ các nước láng giềng, trong đó Lào là điểm khởi đầu của con đường này và giữ vị trí hết sức quan trọng. Miền Bắc Việt Nam đã đặt Lào vào vị trí chiến lược của mình, đồng thời tăng cường ảnh hưởng đối với đảng Cách mạng nhân dân Lào, thậm chí còn giữ vai trò mang tính quyết định đối với thắng lợi của cách mạng Lào.

Mỗi thời kỳ lịch sử tương ứng với một nhiệm vụ chiến lược cách mạng của hai nước và gắn liền với sự vận động của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội, văn hoá.

Tuy mỗi thời kỳ có những nhiệm vụ trọng tâm, song nhìn tổng thể, vẫn nhận rõ tính toàn diện, phong phú mang bản chất cách mạng, nhân văn trong tư tưởng và hoạt động thực tiễn.

Tất cả nhân tố trên đều lắng đọng, kết tinh và qua kiểm nghiệm trên nhiều bước đường gian khó, hiểm nghèo đã biến quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam thành giá trị văn hoá nhân văn trường tồn và phát triển cùng thời gian.

Nhìn lại hơn nửa thế kỷ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/9/1962, mối quan hệ truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayson Phomvihan đặt nền móng, và được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp, bằng công sức và xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ, bằng sự hy sinh phấn đấu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Lào.

          Có thể thấy trong quan hệ quốc tế hiếm có mối quan hệ nào lại gắn bó khăng khít như quan hệ Việt Nam-Lào đã trở thành một hình mẫu về sự thủy chung, trong sáng; về tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực.

          Mỗi người trong chúng ta hãy bằng tất cả tinh thần và sức mạnh, bằng tình yêu nước thiết tha hãy góp phần thúc đẩy mối quan hệ lịch sử đặc biệt giữa đất nước rồng tiên và đất nước triệu voi ngày càng bền vững.