Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông,
đến nay tại Việt Nam có khoảng gần 30 triệu người sử dụng Internet, chiếm 1/3 dân số cả nước và cao hơn
nhiều so với mức bình quân sử dụng Internet trên toàn thế giới. Điều này đã khiến
công nghệ thông tin trở thành “mảnh đất vàng” mà các đối tượng thường lợi dụng để thực hiện
tội phạm. Nhiều
đối tượng phạm tội là học sinh, sinh viên, lao động tự do có trình độ chuyên
môn, kiến thức, kỹ năng nhất định về sử dụng công nghệ cao,
mạng xã hội.
Cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ
thông tin thì cách thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội cũng liên tục có sự thay đổi
theo xu hướng ngày càng tinh vi, kín đáo hơn để lẩn tránh sự phát hiện của cơ quan điều tra, gây
ra thiệt hại lớn cho các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân. Hiện nay, hoạt động
của tội phạm này đang gia tăng, phức tạp và khó kiểm soát cũng như truy vết. Vì
vậy, việc mỗi người dân tự nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, tự bảo vệ tài
sản của bản thân và gia đình là vô cùng quan trọng, không thể chờ “mất bò mới
lo làm chuồng”.
Thực tế cho thấy, dù một vài thủ đoạn phạm tội
khá đơn giản, được cảnh báo liên tục trên các phương tiện thông tin truyền
thông nhưng vẫn không ít người sập bẫy. Đơn cử như thủ đoạn hack nick Facebook,
Zalo để nhắn tin mượn tiền của bạn bè người bị hack. Nếu như ngày xưa muốn vay
mượn tiền thì phải gặp nhau, thỏa thuận, ký nhận thì bây giờ chỉ cần một chiếc
smartphone có tài khoản Internet Banking và vài thao tác là có thể chuyển được
tiền vào ví người kia. Chính vì sự tiện lợi, nhanh chóng như vậy cộng với tâm
lý tin tưởng người mượn đã khiến cho nhiều người không có sự đề phòng. Trong
khi vốn dĩ cũng với chiếc smartphone đó, chúng ta lại quên không làm thêm một
thao tác đơn giản là video call cho người mượn để xác nhận để rồi bất đắc dĩ
rơi vào cảnh “nhanh một phút…bực cả đời”.
Một thủ đoạn nữa cũng xuất phát từ sự bất cẩn về
bảo mật thông tin của cá nhân người dùng. Nhiều người vẫn “vô tư” chia sẻ hình ảnh
CMND, CCCD lên mạng xã hội, các website hoặc các ứng dụng trò chơi nhưng không
biết rằng trên thẻ chứa rất nhiều thông tin cá nhân mà tội phạm lợi dụng để trục
lợi.
Ngoài ra, đa số tội phạm mạng đều đánh vào tâm lý cả tin, hám lợi của người dân.
Thử nghĩ mà xem, liệu việc gọi một cuộc điện thoại, một tin nhắn thông báo
trúng thưởng phần quà có giá trị lớn hoặc việc một người nước ngoài kết bạn, hứa hẹn gửi tiền,
quà để dụ dỗ người bị hại chuyển tiền có phải cần một
trình độ rất cao về công nghệ không?!
Không hề, những thủ đoạn trên không cần một trình độ chuyên môn cao về công nghệ
cũng có thể
làm được, không cần hack nick hay dùng thông tin cá nhân để phạm tội như đã nói
ở trên. Chỉ là đối tượng khéo léo lợi dụng tâm lý cả tin, hám lợi của đối
phương để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà thôi.
Để không bị các loại tội phạm sử dụng công nghệ
cao lừa đảo, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không chia sẻ hình ảnh,
thông tin cá nhân lên mạng xã hội; không click vào các đường link lạ mang nội
dung quảng cáo hấp dẫn, khiêu dâm; không tin tưởng vào những lời hứa hẹn, gửi
tiền quà, thông báo trúng thưởng của những đối tượng xa lạ quen biết qua mạng
xã hội; gọi điện thoại xác nhận trước khi cho người quen vay, mượn tiền; trình
báo lên cơ quan chức năng và ngân hàng khi bị mất giấy tờ cá nhân để được hỗ trợ
nhanh nhất…
Liệu rằng, trong thời đại 4.0 ngày nay, khi mà
mỗi ngày đều là một “cuộc chạy đua vũ trang” về công nghệ, tội phạm mạng ngày
càng biến tướng với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn, chúng ta
có giữ được sự tỉnh táo cần thiết để bảo vệ được tài sản của bản thân? Câu trả
lời nằm ở chính mỗi người.
N.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét