Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

“ĂN THỊT LỪA” VÌ MUỐN KIẾM TIỀN NHANH MÀ NHÀN

 

Lâu nay chúng ta không còn xa lạ với thuật ngữ “mua trả góp”, một hình thức mua hàng mà bạn không cần phải chờ đợi lâu để được sở hữu món đồ mình muốn kể cả khi chưa có đủ khả năng về tài chính vì bạn chỉ cần trả một phần giá trị đơn hàng (thường sẽ từ 30 - 40% giá trị mặt hàng) tại thời điểm mua, khoản thanh toán còn lại bao gồm lãi suất, phí dịch vụ… sẽ được thanh toán dần theo kỳ hạn dựa vào các gói bạn chọn. Thủ tục này phù hợp với nhu cầu của nhiều người, đặc biệt là những người có nhu cầu vay số tiền nhỏ, những người có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Với thủ tục khá đơn giản, thời gian giải ngân nhanh chóng, chỉ cần một số giấy tờ tùy thân như CMND hoặc CCCD, bằng lái xe, sổ hộ khẩu…và vài bước xác minh cơ bản là người mua đã có thể nhận được sản phẩm cần sở hữu. Chính vì thủ tục quá đơn giản và nhanh gọn nên các công ty tài chính đã vô tình tạo kẽ hở cho các đối tượng lừa đảo có cơ hội ra tay. Các đối tượng thường lợi dụng hình thức mua trả góp các mặt hàng đắt tiền như: xe máy, laptop, điện thoại di động,… bằng các loại giấy tờ giả hoặc dùng giấy CMND của người khác rồi cắt dán ảnh của mình, sử dụng nhiều tên khác nhau để mua hàng sau đó chiếm đoạt tài sản; hoặc cũng có thể lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết và một chút lòng tham của một số người để thực hiện hành vi “nhờ đứng tên” mua hàng trả góp sau đó chiếm đoạt tài sản và “đăng xuất” không một dấu vết.


Chị P.T.H, 20 tuổi, trú xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vẫn chưa hết bàng hoàng về việc mình vừa bị lừa hơn 35 triệu đồng bằng hình thức “nhờ đứng tên” mua xe trả góp. Trước đó, vì đang cần tiền nên H được một người quen qua mạng xã hội giới thiệu và liên hệ với một thanh niên tên Tuấn, trú huyện Tây Hòa. Người này đề nghị H tham gia làm dịch vụ đứng tên mua xe trả góp hộ rồi Tuấn cho tiền thì H đồng ý. Đầu tháng 7/2022, Tuấn đưa H đến một cửa hàng xe máy trên địa bàn thị xã Đông Hòa, sau khi chọn mua một xe SH Mode trị giá hơn 84.000.000 đồng thì Tuấn vào làm các thủ tục mua xe trả góp để H ký vào, Tuấn trả trước 49.450.000 đồng, còn lại số tiền góp 35.000.000 triệu đồng do H đứng tên trả nợ. Sau khi lấy xe và hồ sơ xe giao cho Tuấn thì H được Tuấn cho 1.300.000 đồng tiền bồi dưỡng. Sau nhiều lần gọi điện thoại cho Tuấn để hỏi về số tiền trả góp còn lại nhưng không liên lạc được thì H mới nhận ra là mình đã bị “ăn thịt lừa”.

Đã có rất nhiều người là nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này. Một phần là do nhiều người dân khi mua hàng trả góp thường không đọc kỹ các điều khoản, các ràng buộc về pháp lý ghi trong hợp đồng nên phải gánh chịu những rủi ro, hậu quả khó lường. Mặc khác, những kẻ lừa đảo đã lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết và đánh vào lòng tham, tâm lý muốn kiếm tiền nhanh mà nhàn của nhiều người để tung ra các chiêu trò lừa đảo. Thiết nghĩ, khi đứng trước những lời mời gọi hấp dẫn, mỗi người nên tự suy xét thấu đáo, tìm hiểu kỹ về việc mình định làm, đừng để lòng tham làm lu mờ ý chí, dẫn tới những hậu quả không đáng có. Cũng không có công việc nào nhẹ nhàng mà lương cao cả, mức tiền lương được hưởng luôn tương xứng với công sức mà chúng ta bỏ ra.

Ngoài ra, người mua hàng theo hình thức trả góp nên kiểm tra kỹ thông tin, nghĩa vụ của mình trong hợp đồng xem có bị ràng buộc bởi bên thứ ba hay không để tránh tình trạng các tổ chức, công ty bán hàng trả góp hoạt động trá hình dưới hình thức đa cấp lợi dụng lòng tin để trục lợi. Bên cạnh đó, các siêu thị, cửa hàng, các công ty tài chính, cơ sở kinh doanh bán hàng dưới hình thức mua bán trả góp cần đề cao tinh thần cảnh giác; đặc biệt là khi giao dịch phải có biện pháp kiểm tra, thẩm định hồ sơ khách hàng một cách hợp lý, chặt chẽ; nên có những quy định ràng buộc rõ ràng đối với người mua hàng bằng hình thức trả góp để tránh tạo kẻ hở cho kẻ gian lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo.

 

 

 

                                                                                         

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét