Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

LỰC LƯỢNG CÔNG AN TUY AN GIÚP DÂN CHỐNG BÃO SỐ 4 (NORU)

 LỰC LƯỢNG CÔNG AN TUY AN GIÚP DÂN CHỐNG BÃO SỐ 4 (NORU)

 Trước những diễn biến phức tạp cũng như mức độ nguy hiểm của cơn bão số 4 (NORU), lực lượng Công an huyện Tuy An theo phương châm “Bốn tại chỗ”; tổ chức trực chiến 100% quân số; đồng thời triển khai ngay một số công tác như:

(1) Đã khẩn trương tổ chức dự trữ xăng, dầu, lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết… để sẵn sáng đáp ứng khi có nhu cầu; tiến hành cắt tỉa cây xanh, che chắn, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị, bảo vệ an toàn tài sản, vũ khí, các loại hồ sơ tài liệu…

(2) Chủ động phối hợp các đơn vị, địa phương rà soát, lên danh sách 81 địa điểm nhà an toàn phục vụ sơ tán Nhân dân, 16 điểm xung yếu về giao thông, 02 âu thuyền phục vụ công tác tránh trú bão; rà soát, nắm danh sách 84 tàu cá/ 420 lao động đang hoạt động khai thác thủy sản trên biển để kêu gọi, hướng dẫn về nơi trú tránh an toàn, bảo vệ an toàn về người và tài sản; phối hợp tuyên truyền 216 hộ có lồng bè nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp chằng néo, bè thả trệt xuống sát đáy để đảm bảo an toàn.



(3) Nhanh chóng cùng chính quyền xã An Chấn hỗ trợ người dân chèn chống nhà cửa, di chuyển ngư cụ và hơn 50 ghe thuyền lên bờ tránh bão số 4. 

Vời tinh thần khẩn trương di dời người và tài sản đến nơi an toàn, trên địa bàn huyện Tuy An đã không để  xảy ra thiệt hai về người và tài sản qua cơn bão số 4 vừa qua.




Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Cảnh giác với hoạt động lôi kéo tham gia vào các tổ chức bất hợp pháp

 

Phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội là một chủ trương quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong đó, nhiệm vụ được ưu tiên hang đầu là đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao mức sống, thu nhập của nhân dân, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện một số hội, nhóm cực đoan, phản động vẫn cố tình xuyên tạc, phủ nhận thành tựu của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Dưới bình phong là các tổ chức “xã hội dân sự”, “nghiệp đoàn độc lập”, “công đoàn độc lập” và thủ đoạn đại diện “vì công lý”; “bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”; “đào tạo, thúc đẩy và lien kết các phong trào dựa vào người dân để mang lại thay đổi xã hội”... Các hội, nhóm cực đoan này tiến hành lôi kéo, tiêm nhiễm cho những người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết (nhất là những nhóm người dễ bị tổn thương, yếu thế, người đồng bào dân tộc thiếu số... và một bộ phận giới trẻ hiếu kỳ) các thông tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nhất là chính sách về đất đai, tôn giáo, dân tộc... gây tâm lý hoài nghi, mất lòng tin của nhân dân với chính quyền, từ đó kích động họ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, đây đều là những tổ chức hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam vì vi phạm Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Phần lớn sáng lập viên, thành viên tích cực của những hội, nhóm này đã bị xử lý theo pháp luật Việt Nam và đang sống lưu vong ở nước ngoài. Đơn cử như Nguyễn Văn Đài (sống lưu vong tại Đức, người từng lĩnh án 15 năm tù vì hành vi Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999) cùng đồng bọn đã lập ra tổ chức “công đoàn độc lập Việt Nam” để thực hiện các hoạt động chống phá chính quyền...

Dù thủ đoạn này đã bị lực lượng chức năng vạch trần và cảnh báo tới cộng đồng nhưng vẫn còn một số cá nhân nhẹ dạ, thiếu hiểu biết nên vô tình trở thành công cụ, tay sai cho các đối tượng phản động, cực đoan. Chính vì vậy, mỗi người dân cần tỉnh táo nhận diện để không bị lôi kéo vào các tổ chức bất hợp pháp.

Góc cảnh giác: “Nhận diện hoạt động lừa đảo trên không gian mạng”

 

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, bên cạnh những tiện ích tối ưu hỗ trợ người sử dụng, kẻ xấu đã lợi dụng các “lỗ hổng pháp lý” và sự nhẹ dạ, mất cảnh giác của một bộ phận cộng đồng mạng, người dân để rủ rê “kích thích lòng tham” hoặc lợi dụng người đại diện các ngành tố tụng tư pháp để mời làm việc, “đe dọa” phong tỏa tài khoản của cá nhân và yêu cầu hợp tác vì có liên quan đến các vụ việc vi phạm pháp luật hành chính, hình sự,...

• Được phát hiện qua một số thủ đoạn như:

👉 Thông báo được trúng thưởng các giải thưởng đặc biệt của các Công ty uy tín; được nhận các loại bưu kiện, bưu phẩm có giá trị kinh tế,...

👉 Thông báo có liên quan đến vi phạm các lỗi trật tự an toàn giao thông, là người trực tiếp gây tai nạn chết người nhưng bỏ trốn khỏi hiện trường; hoặc liên quan đến các vụ án nghiêm trọng về kinh tế,...

* Mục đích cuối cùng là để người dân tự thực hiện các giao dịch chuyển tiền cho chúng.

Mặc dù, hoạt động này đã được kẻ xấu thực hiện trong nhiều năm và đã được các cơ quan chức năng thông tin, tuyên truyền đến rộng khắp các giai tầng xã hội để từng người dân nâng cao nhận thức, tinh thần và ý thức cảnh giác nhằm “tự bảo vệ” cho chính bản thân mình. Tuy nhiên, đi ngược lại với hiệu quả công tác tuyên truyền, càng có nhiều người dân “sập bẫy” và phải đánh đổi bằng việc chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt” để “của đi thay người”; nghiêm trọng hơn có trường hợp bị “tiền mất” nhưng “tật vẫn phải mang” với những khoản nợ lên đến hàng tỷ đồng.

• Trường hợp nhận được thông tin có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị người dân:

> Nhận thức đúng vấn đề đang diễn ra; thể hiện tâm lý bình tĩnh, không tham lam; tự soát xét bản thân để khẳng định mình không vi phạm pháp luật.

» Khẩn trương báo cáo với các cơ quan pháp luật tại địa phương để được hỗ trợ, giải quyết hoặc liên hệ với người thân đang công tác trong các ngành tư pháp để được tư vấn, giúp đỡ.

** Mọi người nên đề cao ý thức cảnh giác để bảo vệ tài sản của chính mình và hỗ trợ người thân phòng ngừa, cảnh giác. Hãy là người chủ thông thái trong sử dụng các tiện ích không gian mạng; đừng để kẻ xấu lợi dụng và biến bạn thành công cụ kiếm tiền cho chúng.

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG LỜI NÓI, PHÁT NGÔN SAI LỆCH

 

Khi di chuyển trên đường, đôi khi gặp phải nhiều biển số lạ, chúng ta không hiểu được nội dung và ý nghĩa của biển số đó, vì thế có một số ít cá nhân nhận thức chưa tốt, chưa tìm hiểu về quy định biển số xe và có những lời phát ngôn, đăng tải, bình luận với nội dung không đúng hoặc nói xấu đến các tổ chức, cá nhân khi điều khiển xe cơ quan thực hiện nhiệm vụ, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh tổ chức, cá nhân làm việc trong cơ quan Nhà nước.

Như ngày 15/8/2022, tài khoản facebook “Lê Ca” đăng tải hình ảnh và bài viết có nội dung nói xấu liên quan đến lực lượng Công an chỉ vì không cho mượn xe biển số xanh. Cụ thể khi người này đến để mượn xe máy của đồng chí Công an xã để sử dụng vào mục đích chở hàng, nhưng do đồng chí này đang dùng xe máy biển số xanh phục vụ công tác nên không cho mượn, thay vào đó đồng chí Công an xã đã hỗ trợ người này mượn chiếc xe khác để sử dụng. Ấy thế mà lại bị nói xấu trên mạng xã hội.


Theo điểm a khoản 6 Điều 31 Thông tư số 58/2020/TT-BCA về đăng ký xe, xe biển số màu xanh cấp cho xe của các cơ quan của Đảng; văn phòng Chủ tịch nước; văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; các ban chỉ đạo trung ương; công an nhân dân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ; ủy ban an toàn giao thông quốc gia; ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức chính trị – xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập, trừ trung tâm đào tạo sát hạch lái xe công lập; ban quản lý dự án có chức năng quản lý nhà nước.”

Theo điểm c, khoản 6 Điều 31 Thông tư số 58/2020/TT-BCA Biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen, cấp cho xe của doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp cổ phần của công an, quân đội), Ban quản lý dự án thuộc doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, xe của đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, xe của Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe công lập, xe của cá nhân

Dựa vào những thông tin trên, mọi người sử dụng mạng xã hội nói riêng và toàn thể người dân nói chung cần nêu cao tinh thần cảnh giác tránh để một số cá nhân bất mãn, đối tượng lợi dụng vấn đề biển số xe xuyên tạc sự thật, nói xấu chính quyền.Trong trường hợp phát hiện cá nhân, tổ chức sử dụng xe biển số xanh sai quy định, đề nghị trình báo cho cơ quan chức năng để giải quyết, xử lý theo quy định, không sử dụng các mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ các thông tin không đúng sự thật.

                                                                             HT

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

CẢNH GIÁC TRƯỚC CÁC THÔNG TIN TUYỂN DỤNG VIỆC NHẸ LƯƠNG CAO

 

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện nhiều lời mời chào, quảng cáo sang Campuchia làm việc với mức lương cao, công việc nhẹ nhàng… Cả tin vào những lời dụ dỗ, nhiều thanh niên vỡ mộng giấc mơ đổi đời, bị bóc lột sức lao động. Một số trở thành những con nợ khi bị những kẻ lừa đảo bắt nộp tiền chuộc nếu muốn về Việt Nam. Cuộc sống của họ vốn đã khó khăn nay lại lâm vào cảnh túng quẫn.

          Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chính quyền Campuchia thực hiện nhiều chính sách cắt giảm lao động dẫn đến khan hiếm nguồn lao động. Đồng thời, lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của người dân, một số đối tượng đăng, tải các bài viết lên Facebook cá nhân, giới thiệu người đi làm việc tại Campuchia với nội dung “công việc nhẹ nhàng, chăm sóc khách hàng” hoặc “làm SEO (tư vấn) trên máy tính, lương ổn định mỗi tháng từ 25 triệu đồng đến 50 triệu đồng, mọi chi phí xuất cảnh sang Campuchia do Công ty chi trả, không cần giấy tờ chỉ cần chứng minh nhân dân”.

Thực chất, đằng sau bức tranh về một công việc nhàn nhã, ổn định là một mặt tối mà không ai ngờ tới. Sau khi qua Campuchia, các nạn nhân bị bóc lột, cưỡng bức bằng nhiều hình thức, bị ép thực hiện các “chỉ tiêu” về số lượng tiền, người tham gia đánh bạc hoặc số tiền lừa đảo được trong tháng, nếu không hoàn thành sẽ bị phạt với mức tối thiểu từ 1.000 USD trở lên.

Đối với các nạn nhân không hoàn thành “chỉ tiêu”, khi nạn nhân muốn trở về Việt Nam thì bị yêu cầu liên hệ với gia đình đòi tiền chuộc từ 5.000 - 7.000 USD, đồng thời đe dọa gia đình sẽ đánh đập, chặt tay, chặt chân nếu không đưa tiền chuộc đúng hẹn. Để tránh việc những người này bỏ trốn, các đối tượng luôn bố trí người canh gác, quản thúc nạn nhân nghiêm ngặt, không cho liên lạc về gia đình, nếu nạn nhân chống đối sẽ bị đánh đập, chích điện, không cho ăn uống. Do đó, ngày càng xuất hiện nhiều trên không gian mạng là những tâm thư, thông điệp kêu cứu từ những nạn nhân bị lừa qua Campuchia.

          Hãy tự bảo vệ bản thân và gia đình mình

-Hãy cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội. Cần tìm hiểu kỹ về nơi mình định đến làm việc; những người giới thiệu làm việc cùng mình và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về công việc của mình.

- Thông báo ngay cho người thân, gia đình và cơ quan Công an gần nhất khi phát hiện hoạt động hoặc nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo.

                                                                                      QH

 

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng


 

Những năm qua, cùng với sự chống phá trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh thì các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để tuyên truyền chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với những thủ đoạn rất tinh vi, thâm độc.

Để tuyên truyền những quan điểm sai trái, thù địch, các thế lực phản động, thù địch đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn, phương thức, ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc và nguy hiểm hơn, có tác động đến mọi tầng lớp xã hội. Nội dung, bản chất của các quan điểm sai trái, thù địch là tấn công, đả kích trực diện nền tảng tư tưởng của Đảng, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận những thành tựu to lớn đã đạt được của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế. Bôi nhọ lãnh tụ, xuyên tạc lý lịch, thân thế, sự nghiệp các lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước để đi đến phủ nhận con người, phủ nhận hệ tư tưởng mác xít và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng viết bài phát tán trên không gian mạng xã hội nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân để thông qua các đối tượng này trực tiếp phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, làm giảm lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào mục tiêu, con đường tiến liên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.

 Về hình thức tuyên truyền chống phá, các thế lực thù địch, phản động sử dụng các phương tiện truyền thông, Internet, blog, mạng xã hội, sự dụng hàng chục đài phát thanh chương trình Việt ngữ, hàng trăm báo, tạp chí, nhà xuất bản tiếng Việt, hàng ngàn Website, blog,… để phát tán những thông tin xấu độc, xuyên tạc, chống phá gây tác động xấu đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chúng đưa lên mạng xã hội và Internet những mặt trái của xã hội, khai thác những thông tin tiêu cực, không chính thống, sai trái để hướng lái, dẫn dắt dư luận theo chiều hướng tiêu cực, làm cho người đọc mơ hồ, mất cảnh giác nhằm mục đích tạo nên sự hoài nghi, phản kháng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó, chuyển dần sang tư tưởng sai trái, thù địch, phản động. Chúng xuất bản các ấn phẩm có nội dụng xấu độc; biên soạn nhiều tài liệu, video lồng ghép nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật. Các thế lực thù địch tổ chức viết nhiều tài liệu, “tác phẩm” dưới dạng văn học nhằm vu cáo, bôi nhọ, tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó nhằm xóa bỏ học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Trong thời gian tới, các thế lực thù địch tiếp tục chĩa mũi nhọn tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng sử dụng không gian mạng là một mặt trận chính để chống phá ta, do vậy, việc ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng. Giữ vững trận địa tư tưởng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cấp thiết.

 


XÂY DỰNG CÔNG AN XÃ CHÍNH QUY LÀ CHỦ TRƯƠNG ĐÚNG ĐẮN, CÓ Ý NGHĨA CHIẾN LƯỢC

 

Sau hơn 03 năm Bộ Công an triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ chủ trương bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, đây là chủ trương rất đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở và được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của các tầng lớp Nhân dân, các ngành và chính quyền các cấp; làm cho mối quan hệ giữa Công an với Nhân dân ngày càng được củng cố, tăng cường và gắn kết chặt chẽ.

Công tác triển khai lực lượng Công an chính quy về xã bước đầu gặp không ít khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, địa bàn phụ trách rộng… nhưng ngay từ khi được điều động về công tác, lực lượng Công an chính quy đã chủ động bám sát địa bàn, tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa, đời sống xã hội… và đổi mới phương pháp làm việc theo phương châm “Công an tìm đến dân”, “gần dân, hiểu dân” và “lúc dân cần, lúc dân khó có Công an”.



Thực tiễn chứng minh hiệu quả việc bố trí Công an xã chính quy: kịp thời nắm tình hình, giải quyết các vấn đề về an ninh, trật tự ngay tại cơ sở; tăng cường cải cách hành chính, đưa các dịch vụ công giải quyết ngay từ cơ sở, giảm thời gian và chi phí đi lại cho Nhân dân; triển khai toàn diện các mặt công tác Công an một cách bài bản, phương pháp làm việc khoa học, có nền nếp; tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát 24/24 bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là vào ban đêm tại các khu vực trọng điểm, phức tạp; trong đó, công tác quản lý địa bàn, nắm hộ, nắm người được đẩy mạnh, có hiệu quả hơn; tình hình an ninh, trật tự có những chuyển biến tích cực; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự an toàn xã hội giảm mạnh so với trước.

Thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an xã chính quy đóng vai trò rất quan trọng, đã và đang ghi dấu ấn bằng những chiến công, việc làm cụ thể như: công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thu thập, cập nhật, chỉnh sửa dữ liệu dân cư; cấp Căn cước công dân; triển khai việc đăng ký phương tiện môtô, xe máy; giúp dân ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ… Các mặt công tác Công an được thực hiện chuyên sâu, hiệu quả hơn; công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có bước phát triển mới; kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm những năm qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương Công an xã không quản ngại khó khăn, vất vả vì yêu cầu nhiệm vụ mà không có thời gian để chăm sóc gia đình, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng để đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân, được quần chúng nhân dân yêu mến, tin tưởng, đồng tình ủng hộ, giúp đỡ và được chính quyền địa phương các cấp ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao; tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân luôn luôn sẵn sàng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Công lao của các anh đã góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA THANH NIÊN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

 

Thanh niên trong xã hội hiện đại ngày nay tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau thông qua mạng Internet, các mạng xã hội toàn cầu, các bài báo, trang tin điện tử… Với sự nhanh nhạy, sáng tạo của mình, thế hệ trẻ dễ dàng tiếp nhận, bắt chước và làm theo những trào lưu, xu hướng trong cuộc sống. Tuy nhiên, thanh niên cũng là thế hệ dễ bị lôi kéo, kích động, dễ có tâm lý chán nản, bi quan trước những thất bại, vấp ngã, đặc biệt dễ bị thu hút, cuốn vào những thông tin tiêu cực chưa được kiểm chứng. Những đặc điểm này là cơ hội để các thế lực thù địch nhắm đến thế hệ trẻ để tuyên truyền những văn hoá phẩm độc hại nhằm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.



Theo thống kê, đến tháng 1/2020 Việt Nam có số người sử dụng internet lên đến 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân); số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân). Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn (Vụ Gia đình Bộ Văn hoá thể thao và du lịch). Thống kê trên đã cho thấy không gian mạng đang làm địa bàn trọng điểm để các thế lực thù địch, lưu vong dễ dàng tiếp cận, lan truyền thông tin xấu độc đến với người dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng. Các thông tin xấu, độc và cách thức chúng hay sử dụng thường là:

-  Các thế lực thù địch, phản động lập ra các trang mạng xã hội, diễn đàn, báo điện tử như: “Pháp luân công”, “Hóng biến”, “Việt Nam Cộng hòa”, “Việt Tân”, “Dân Luận”, “Nhật ký yêu nước”, “Dân làm báo”Trung bình 1 tháng, các thế lực thù địch phát tán hơn 130.000 bài viết, video xuyên tạc lên internet, mạng xã hội (tin giả, xấu độc chiếm trên 50%). Trong đó, có hơn 80.000 bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook, chiếm 67% và khoảng 40.000 bài viết, video xuyên tạc từ các kênh mạng xã hội Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động.

-  Nội dung các bài viết chủ yếu xoay quanh các vấn đề: phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, xuyên tạc hình ảnh, tư tưởng Hồ Chí Minh, chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa 54 dân tộc anh em, xuyên tạc các chính sách về tôn giáo… Thời gian gần đây chúng thường sử dụng các con bài dưới dạng “nhân quyền”, “dân chủ”, “tự do ngôn luận”… để kích động, gây tâm lý bất mãn, bức xúc trong nhân dân, trong đó thế hệ trẻ với “sức đề kháng” và nhận thức chưa đầy đủ là mục tiêu chúng “đầu độc” hàng đầu.

-  Chúng sử dụng những con rối chính trị như: Lisa Phạm - thành viên “Biệt đoàn Sao trắng”, một phân nhánh của tổ chức khủng bố “Chính phủ Việt Nam tự do”, Nguyễn Văn Đài – thành viên  “Hội Anh em dân chủ” , Lê Chí Thành – cựu đại uý Công an biến chất và còn hàng trăm, hàng ngàn con rối khác để hàng ngày lên sóng livestream, đăng bài trên facebook, youtube, zalo với các nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách ở Việt Nam, bôi nhọ hình ảnh, hạ danh dự, uy tín của các nhà lãnh đạo, cán bộ Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương tại Việt Nam.

-  Chúng lợi dụng những thời điểm nhạy cảm, những sự việc nóng hổi như thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam trong năm 2020, 2021, vụ án kit test xét nghiệm liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, vụ tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội hoặc các sự việc đau lòng như nam sinh nhảy lầu tự tử ở Hà Nội… để xuyên tạc sự thật thực trạng kinh tế xã hội, việc thực thi pháp luật tại Việt Nam, lấy hiện tượng để đánh đồng với bản chất, lấy con sâu để khuấy đục cả nồi canh.

Vậy khi thanh niên “va” phải những thông tin xấu độc của các thế lực thù địch nói trên, họ cần phải làm gì, cần phải trang bị gì trong hành trang của mình?

Thứ nhất, thế hệ trẻ phải lấy truyền thống, lịch sử văn hoá dân tộc làm gốc; giáo dục, sức khoẻ làm nền tảng; tri thức, công nghệ là công cụ để phát triển, hoàn thiện.

Thứ hai, thế hệ trẻ cần hành động thực tế, hạn chế thời gian sống trên không gian mạng. Hãy đổi thời gian sử dụng điện thoại, máy tính bằng những buổi sinh hoạt chính trị, đoàn, thể với hình thức toạ đàm, các cuộc thi thể thao, văn hoá văn nghệ, sân khấu hoá, dã ngoại về nguồn, các chiến dịch tình nguyện… để thanh niên không chỉ trải nghiệm, khám phá bản thân mà còn bồi dưỡng cho mình lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Thứ ba, thanh niên Việt Nam phải cất tiếng nói của thế hệ trẻ trong công cuộc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng trong tình hình mới. Có thể trình độ lý luận, sự hiểu biết của thế hệ trẻ chưa sâu sắc, nhưng với trí tuệ, bản lĩnh, sự nhanh nhạy, lòng nhiệt huyết của mình, thanh niên ngày nay có đủ khả năng để nhận biết đâu là thông tin xấu, độc. Chính người trẻ cũng có thể tự viết lên những câu chuyện, việc làm, những đóng góp tốt đẹp của bản thân mình.

Thứ tư, trước khi đăng tải, chia sẻ một bài viết, một hình ảnh, một quan điểm nào đó, thanh niên cần phải hiểu nội dung bài viết, hình ảnh, quan điểm đó có đúng với chính sách, pháp luật không, có phù hợp với thuần phong, mỹ tục, văn hoá Việt Nam không. Đừng vội đăng bài để bắt kịp xu hướng, “trend” rồi tự biến mình thành người vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Không gian mạng là nơi để thế hệ trẻ tìm hiểu nhiều nguồn thông tin về  chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội một cách nhanh chóng và hoàn toàn miễn phí. Và đây cũng chính là nơi để thế hệ trẻ thể hiện quan điểm cá nhân, thể hiện cá tính, cái tôi của mình. Vì vậy, thanh niên cần nhận diện, phát hiện và góp phần ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, kích động, chống phá trên internet, mạng xã hội. Tiếp nối truyền thống dân tộc, thế hệ thanh niên ngày nay đã và đang góp phần bảo tồn, xây dựng và phát huy lý tưởng cách mạng anh hùng của cha ông, truyền thống văn hoá con rồng cháu tiên hoà nhịp cùng với đạo đức, lối sống văn minh, lành mạnh, trẻ trung, hiện đại và hoà nhập.

                                                                    

Trần Vương

 

 

CẦN NGĂN CHẶN BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

 


Nhiều người vốn có suy nghĩ bạo lực học đường là chuyện gây gổ, đánh nhau, bắt nạt giữa các học sinh với nhau, nhưng đó chỉ mới là cái nhìn một chiều về câu chuyện bạo lực học đường. Học sinh còn phải đối mặt với nạn bạo lực về tinh thần, bạo lực trong lời nói, chỉ trích, miệt thị. Câu chuyện bao lực học đường vốn là vấn đề muôn thuở nhưng liệu chính người lớn chúng ta có đang xem nhẹ vấn đề này?

Theo một số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Cũng theo một số thống kê, khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em bị thôi học vì đánh nhau, cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau. (Số liệu được trích từ bài “Học sinh đi học trực tiếp, lại nhức nhối chuyện bạo lực học đường” đăng trên trang https://vov.vn/ ngày 28/4/2022).  Những số liệu này đã thể hiện tình trạng bao lực học đường đang làm vấn đề đáng quan tâm trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, số liệu nói trên chỉ thể hiện phần nổi của tảng băng chìm mang tên bạo lực học đường, chẳng ai có thể thống kê được số vụ, số học sinh bị bạo lực học trường về tinh thần, bạo lực bằng lời nói, tẩy chay, xa lánh, đe doạ, vu khống.


 Hệ quả của bạo lực học đường đối với tổn thương thể xác học sinh có thể chỉ tồn tại trong vài tuần, vài tháng, vài năm. Nhưng hệ lụy của nó để lại đối với sức khoẻ tinh thần của học sinh có thể kéo dài cả cuộc đời. Những hậu quả nặng nề hơn có thể xảy ra như tự tử, bỏ học, vi phạm pháp luật, sa vào nghiện hút, đâm chém nhau, gây rối loạn xã hội. Câu chuyện phụ huynh, người lớn trong gia đình quan tâm đến con cái của mình có gặp phải tình trạng bạo lực học đường hay không dường như chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong xã hội hiện nay và đa số là nằm ở các gia đình có nền tảng kinh tế vững chắc, thuộc tầng lớp tri thức cao.

Ngày nay, nguyên nhân của bạo lực học đường thường xuất phát từ: Tâm lý lứa tuổi với cái tôi rất lớn, muốn thể hiện vị trí của bản thân trước các bạn học yếu thế, nhút nhát, khác biệt; Nhận thức trong độ tuổi học sinh luôn tin vào những điều các em thấy và điều này lý giải phim ảnh có nội dung bạo lực (với các chủ đề như đại ca, trùm trường học, giang hồ bảo kê, miệt thị ngoại hình, giới tính…) có tác động rất lớn đến nhận thức của lứa tuổi này; Sự phát triển của mạng xã hội cũng kéo theo sự kết nối dễ dàng hơn trong xã hội, quan hệ bạn bè xã hội không được quản lý, đặc biệt là sự xuất hiện của “nhóm kín”, lôi kéo nhiều thanh thiếu niên, trẻ em tham gia.

Để câu chuyện bạo lực học đường không xảy ra với hậu quả khôn lường, cần sự chung tay không chỉ của gia đình – nhà trường mà cần sự quan tâm, vào cuộc của cả xã hội. Thầy cô, người lớn, phụ huynh… cần nắm bắt, giáo dục, chia sẽ tâm lý lứa tuổi của vị thành niên; quan tâm, kiểm soát những phim ảnh và việc sử dụng các trang mạng xã hội của các em; tạo môi trường học tập, rèn luyện, giải trí lành mạnh, đúng “gu”, thu hút các em tham gia... Khi các em có dấu hiệu liên quan tâm lý, phụ huynh, người thân cần tìm cách tiếp cận, chia sẽ câu chuyện với các em. Trường hợp cần thiết cần sự hỗ trợ, tư vấn, điều trị của bác sỹ tâm lý.

Đừng bao giờ xem câu chuyện bạo lực học đường là câu chuyện trên phim ảnh, báo chí hay là câu chuyện của nhà người ta, có thể nó đang xảy ra trong chính gia đình, người thân bạn. Vài phút trò chuyện, tâm sự, quan sát mỗi ngày của người lớn dành cho con trẻ có thể chính là chìa khoá đẩy mạnh vấn nạn nhức nhối mang tên bạo lực học đường.

                                                               Trần Vương

 

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

“SANG” LẠI “KÉM SANG”

 

Dạo gần đây, ở thành phố Tuy Hòa ngày càng có nhiều nhà hàng, tụ điểm ăn uống theo kiểu buffet. Tiệc buffet là hình thức tiệc từ nước ngoài, du nhập vào Việt Nam từ lâu và được đông đảo mọi người ưu ái, yêu thích. Cụ thể, khách hàng sẽ trả mức giá của mình (dao động từ 199k đến 349k) bao gồm nhiều loại combo thực phẩm đa dạng, từ các loại thịt đến các loại hải sản đầy phong phú, đủ khiến cho thực khách mãn nhãn. Bên cạnh các combo có sẵn, các nhà hàng còn ưu ái tặng cho thực khách những món phục vụ sẵn (trên line) gồm bánh ngọt, súp, cháo, các món chiên, kem, trái cây... để phục vụ “thượng đế” một cách chu đáo, tận tình nhất.

Tuy nhiên, có một thực tế rõ ràng rằng, trong chúng ta đã đôi lần đi ăn buffet đã kêu quá số lượng đồ ăn, số đồ ăn còn lại phải đổ đi, gây lãng phí. Trong tiệc buffet, nguyên tắc ăn uống quan trọng nhất chính là tôn trọng trình tự. Thông thường khi đã vào bàn, gọi các combo, nhân viên sẽ sắp xếp thức ăn cho thực khách từ món khai vị đến món cuối cùng là tráng miệng, nước uống. Nhiều thực khách thì dường như hàng lối không quan trọng, cái gì ăn trước ăn sau cũng chẳng mấy quan tâm, chỉ cần ăn cái gì mình thích, có khi đang ăn thịt bò lại chuyển sang ăn kem, đang thưởng thức chút mì lại ghé qua hàng chè hoặc hoa quả tráng miệng giữa lúc đang thưởng thức hải sản tươi sống chẳng hạn. Những tình huống ăn uống không đâu vào đâu này chắc chắn ai cũng từng gặp rồi, mà có khi lại cũng chính mình đã từng trải qua cũng nên.

Không chỉ có như thế, nhiều người bỏ tiền đi ăn buffet thì hay nảy sinh tâm lý đã trả tiền rồi thì cứ thỏa thích gắp và gắp, phải lấy đồ ăn cho thật nhiều dù cái bụng mình chắc chắn không chứa hết. Thậm chí, cảnh tượng chen lấn hàng, giành nhau đồ ăn, để thừa thức ăn la liệt trên bàn cũng đã quá quen thuộc. Có vẻ như mọi người chẳng biết rằng, lấy nhiều chỉ giúp ta ăn no chứ không ăn ngon. Vậy là với tâm thế đó, khi vào nhà hàng, các nam thanh nữ tú dù là diện trên người những bộ đồ đẹp nhất, đi giày cao gót lênh khênh nhất, trông có vẻ “sang trọng” thì cũng thi nhau để giành đồ ăn đắt nhất, gắp đầy đĩa mình nhất rồi về bày trên bàn, kêu nhiều combo đắt nhất. Mỗi đĩa các cô cậu ấy chỉ nhón một chút ăn cho biết rồi còn lại có khi chỉ để chụp ảnh check-in cho “sang”. Nhưng hóa ra, những hành động như vậy lại rất chi là “kém sang”, một lượng lớn thức ăn phải đổ đi, gây lãng phí. Bên cạnh đó, dạo gần đây có một xu hướng mới nổi lên là nghề “Reviewer thức ăn” cũng đang làm mưa, làm gió trên mạng xã hội, bởi độ “hot” của nó. Tuy nhiên, một số reviewer khi đi ăn buffet lại gọi, lấy quá nhiều đồ ăn, sau đó review đến nỗi thức ăn nguội lạnh phải đem đi đổ bỏ.

Tại Việt Nam chưa có quy định xử phạt về việc lãng phí đồ ăn, nhưng tại một số quán buffet, để hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm, nhà hàng sẽ dựa trên lượng thức ăn mà khách bỏ đi, không sử dụng để thanh toán thêm tiền, đánh vào ví tiền của thực khách. Cụ thể, thực khách sẽ phải trả thêm 50.000 đồng nếu bỏ đi mỗi 100 gram thực phẩm. Do vậy, với những thực khách “mắt to hơn bụng” thì càng phải trả thêm nhiều tiền phạt do lượng thức ăn lãng phí.

Vì vậy, để ăn buffet sao cho “sang” thì mỗi người hãy tìm hiểu kỹ trước khi gọi món, lựa chọn sẽ ăn theo thứ tự như thế nào, lượng sức ăn của mình để không lấy quá nhiều làm lãng phí đồ ăn. Mỗi thứ chỉ nên được lấy một ít và nếu cảm thấy vẫn muốn ăn thì có thể ra lấy thêm thay vì nhìn cả một chiếc đĩa ngồn ngộn đồ ăn rất dễ bị ngấy. Đồng thời, đi lại lấy thức ăn nhiều lần giúp bạn tiêu hao năng lượng, ăn ngon miệng hơn. Với những cách thức như trên sẽ biến bạn trở thành một người “sang” hơn khi đi ăn buffet.

 

L.X

 

CẢNH BÁO VIỆC NHẸ LƯƠNG CAO TẠI CAMPUCHIA

 

Hiện nay, các đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội (như: Zalo, Facebook…) đăng tin, bài hoặc từ nguồn tin không rõ, từ bạn bè, người quen giới thiệu, rủ rê, lừa đảo người Việt qua Campuchia làm việc với cái gọi là “công việc nhẹ nhàng nhưng có thu nhập cao”; chúng giới thiệu hoặc đưa ra các lời mời chào hấp dẫn, mô tả các công việc mang lại cơ hội “Đổi đời” như: thu nhập ổn định, hơn 20 triệu/tháng, không tốn chi phí, không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần biết đánh máy vi tính, công việc nhẹ nhàng, Visa chính ngạch, 06 tháng được về thăm nhà một lần… và rất nhiều những cam kết hấp dẫn khác.

Nạn nhân của chiêu trò trên đa số là người trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi, có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc mong muốn có thu nhập cao để đổi đời; tin vào lời đường mật của các đối tượng lừa đảo, không ít người khi đến Camphuchia đã bị đưa vào làm việc tại các sòng bạc, các cơ sở đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo, lừa đảo qua mạng xã hội, bị cưỡng bức lao động từ 12-16 giờ/ngày, không cho ra khỏi cơ sở; bị ép buộc phải dụ dỗ, lôi kéo,lừa thêm người Việt sang Campuchia theo “chỉ tiêu”… nếu không nghe lời, bỏ trốn sẽ bị tra tấn, đánh đập, ngược đãi, úy hiếp đến tính mạng hoặc yêu cầu gọi điện về gia đình để nộp một khoản tiền chuộc lên đến vài trăm triệu đồng nếu không thực hiện theo yêu cầu thì sẽ không giữ được mạng sống hoặc bị bán lại cho cơ sở khác.

Theo thống kê của Bộ Công an, chỉ trong 06 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia; những trường hợp được giải cứu về Việt Nam đều suy giảm về tình trạng sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý…nhưng cũng đã may mắn được trở về đoàn tụ gia đình.

Hiện tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, cho nên người dân cần nâng cao cảnh giác, phối hợp với các lực lượng chức năng để phòng, chống tội phạm trên, cụ thể:

- Tuyệt đối không tin vào các lời mời gọi, xuất cảnh trái phép sang làm việc tại Campuchia; khi công dân có nhu cầu đi lao động cần tìm hiểu kỹ, liên hệ chính quyền địa phương để được tư vấn, hỗ trợ. Trước khi xác nhận lời đi làm, nhất là làm việc ở nước ngoài nên tìm hiểu kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình đến để làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu; tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.

- Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc hoặc nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và trình báo cho cơ quan Công an để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định./.

T

PHÁT HUY “CÁI TÔI” ĐÚNG NƠI, ĐÚNG LÚC GIỚI TRẺ SẼ TOẢ SÁNG

 

Thích thể hiện cái tôi là một đặc điểm tâm lý của hầu hết người trẻ. Bộc lộ cái tôi đúng nơi, đúng lúc, đúng chuyện sẽ là một trong những động lực thôi thúc người trẻ vươn lên trong học tập, rèn luyện, phấn đấu để tự khẳng định mình trong cuộc sống và trong xã hội.

Nhiều bạn trẻ tự nguyện xông pha vào những nơi xa xôi, hẻo lánh, gian khổ để tự lập thân, lập nghiệp, tham gia công cuộc giữ gìn biên cương, hải đảo Tổ quốc hay mang bản sắc văn hoá, tinh thần Việt Nam đi khắp thế giới (điển hình Quang Linh Vlog, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên…) và còn nhiều sản phẩm, công trình mang tên tuổi trẻ sáng tạo mang lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng. Đó là những minh chứng về cái tôi đáng quý của tuổi trẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái tôi tích cực vẫn còn những cái tôi sai trái, lệch lạc của một bộ phận giới trẻ như:

- Bộ phận thanh thiếu niên xăm trổ đầy mình, đầu tóc xanh xanh đỏ đỏ, mặc quần áo dị hợm, tụ tập đua xe, hẹn nhau qua mạng xã hội để đánh nhau tranh giành bạn gái hay chỉ là một mâu thuẫn nhỏ.

 - Bộ phận thanh thiếu niên lười học, lười làm, nhưng “đòi có ăn”; sẵn sàng lao vào những trò chơi game vô bổ, thậm chí sống buông thả, sa đọa, sử dụng ma tuý đá…, dần dần tự giết chết tuổi trẻ của mình bằng những giá trị ảo trên mạng xã hội… Giới trẻ này cho thấy sự thiếu ý chí bền bỉ, kiên nhẫn trong rèn luyện phấn đấu, thiếu sự giáo dục, quản lý của gia đình và phần khác do họ bị ảnh hưởng bởi những mặt trái của xã hội thông tin bùng nổ, nhất là mạng xã hội Facebook, Tiktok,…Nếu không ngăn chặn được tình trạng này, nguy cơ về một bộ phận giới trẻ tự hủy hoại tâm hồn, giá trị nhân cách mình sẽ không dừng lại ở những lời cảnh báo, mà đang hiện hữu!

Trong muôn vàn Hội, nhóm ảo trên mạng xã hội đang hình thành mỗi ngày thì cần biết rằng Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp thanh niên, Hội Sinh viên, Hội phụ nữ,…là một môi trường rất thuận lợi để người trẻ có nơi gặp gỡ, giao lưu với bạn bè và sinh hoạt tập thể. Để thu hút và lan tỏa rộng rãi thì các Hội, Đoàn cần nỗ lực đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp hoạt động để sao cho vừa lôi cuốn, hấp dẫn được đông đảo thanh thiếu niên tự nguyện tham gia, vừa là bệ đỡ tinh thần để định hướng ý chí, niềm tin phấn đấu lành mạnh cho họ.

LD

LỢI DỤNG KHÔNG GIAN MẠNG ĐỂ TUYÊN TRUYỀN, LÔI KÉO THAM GIA “TÀ ĐẠO”, “ĐẠO LẠ”

 

Internet phát triển mạnh mẽ và mang đến cho con người những tiện ích vô cùng to lớn. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng không gian mạng, nhất là các nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo, TikTok, Zoom... để thực hiện hành vi tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia vào các “tà đạo”, “đạo lạ” thể hiện ở các thủ đoạn sau:

Một là, tạo ra nhiều tài khoản mạng xã hội giả mạo về thông tin (thực chất là tài khoản ảo) để đăng tải và tạo quảng cáo làm cho người sử dụng mạng xã hội thường xuyên “nhìn thấy” những thông tin, bài viết, hình ảnh về “đạo lạ”, “tà đạo” để tuyên truyền, lôi kéo người dân tin và nghe theo bằng cách “lấy cắp” cẩu thả những giáo lý, giáo luật, lễ nghi của các tôn giáo đã được nhà nước công nhận tư cách pháp nhân lại với nhau để “rao giảng” cái gọi là “giáo lý”, “giáo luật” của mình để mê hoặc người dân, nhất là hiện nay tại các công viên là nơi gặp gỡ, sinh hoạt của người tham gia tập luyện “Pháp luân công” khi quen biết trên không gian mạng.



Hai là, chúng lợi dụng tính năng Livestream (phát trực tiếp) trên nền tảng mạng xã hội để tổ chức các buổi sinh hoạt truyền giáo với những lời lẽ “tốt đẹp” nhằm thu hút, mời gọi “con mồi” tham gia. Một khi đã tham gia và tin theo thì các “con mồi” dần dần trở nên tin tưởng mù quáng, tích cực cống hiến vào hoạt động của “tà đạo”, “đạo lạ”, cam kết tuyệt đối trung thành, sinh hoạt kín kẽ, tránh sự giám sát của cơ quan chức năng và đặc biệt là phải đóng góp kinh phí để hoạt động bằng tiền từ nguồn thu nhập cá nhân, thông qua đó các đối tượng lợi dụng để trục lợi về kinh tế, “không làm nhưng vẫn có ăn”.

Chính vì thế trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc để lật tẩy, xử lý nghiêm hành vi phạm pháp của những đối tượng là kẻ chủ mưu, cố tình phá hoại đời sống tín ngưỡng tôn giáo thuần túy của Nhân dân, lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước.

Việc bị các “tà đạo”, “đạo lạ”  lôi kéo dưới bất cứ hình thức nào cũng đều để lại hệ lụy không đáng có cho bản thân, gia đình và xã hội. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn lôi kéo của các “tà đạo”, “đạo lạ”, đặc biệt là trên không gian mạng trong bối cảnh hiện nay./.

 

LD

KINH DOANH KARAOKE VÀ THỰC TRẠNG “KHÔNG LỐI THOÁT”

  

Thực tế cho thấy, một số phòng hát karaoke chỉ chú trọng đến vẻ đẹp hình thức chứ không hề chú trọng đến việc thiết kế lối thoát hiểm hay hạ tầng phòng cháy chữa cháy hoặc nếu có thiết kế cũng chỉ với mục đích đối phó với lực lượng chức năng. Đây là một trong những điểm đáng báo động bởi khi xảy ra sự cố như chập điện, cháy nổ thì những quán karaoke này trở thành “địa ngục”.

Thời gian qua, đã xảy ra biết bao vụ cháy karaoke với hậu quả thảm khốc. Điển hình tại vừa qua Bình Dương, đã xảy ra vụ cháy quán karaoke thương tâm với 32 người thương vong. Quán karaoke này không hề có lối thoát hiểm, bít hết cửa sổ…hay trang thiết bị phòng cháy chữa cháy dẫn đến đám cháy bùng phát nhanh chóng, lan rộng và gây thiệt hại lớn về cả người lẫn tài sản.

Vậy đâu là nguyên nhân:

- Rất nhiều chủ kinh doanh chỉ yêu cầu thiết kế quán sao sang trọng, lộng lẫy, bắt mắt…nhưng không có lối thoát hiểm.

- Một số quán karaoke đều được cải tạo từ nhà ở. Các phòng ban đầu bố trí khá rộng, thoáng nhưng khi chuyển đổi mục đích sử dụng, các chủ đầu tư lại yêu cầu thiết kế thật bắt mắt, lộng lẫy. Theo đó, quán được thiết kế nhiều phòng hơn, đồng thời phải bịt hết của sổ, ban công để làm phòng kín, cách âm.

- Sử dụng phương án thi công phòng cách âm thiếu khoa học đó là: Sử dụng lớp cao su non, lớp mút, lớp ni lông khí, lớp bông thủy tinh hoặc bông khoáng hay những tấm cách âm có mút xốp, kèm theo các lớp bọc phủ bên ngoài trang trí bì vỏ bằng gỗ. Sau khi làm cách âm xong, người thiết kế sẽ trang trí bên ngoài bằng tấm mica, gỗ, có thể sử dụng thêm hệ thống đèn led. Những chất liệu trên lại là điểm bất cập lớn, bởi nếu xảy ra sự cố thì những vật liệu như mút, xốp, gỗ, cộng thêm nội thất đồ da… dễ cháy, nổ. Khi hỏa hoạn, việc khó dập tắt là điều đương nhiên vì vật liệu dễ cháy quá nhiều.

- Ý thức phòng ngừa, thực hiện nghiêm quy định, trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện phòng chống cháy nổ kém.

LD

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2022

Tự do ngôn luận không đồng nghĩa với Livestream tùy tiện

 


Livestream được hiểu là một hình thức phát ngôn và tương tác trực tiếp với mọi người trên mạng xã hội những sự việc đang xảy ra ở hiện tại; một tính năng phát huy nhiều lợi thế trong cuộc sống hiện đại, công nghệ 4.0, là minh chứng thể hiện tự do ngôn luận nhưng không có nghĩa livestream có thể thực hiện một cách tuỳ tiện.

Việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội là một dịch vụ bình thường, mọi người dùng đều có thể sử dụng để trao đổi, tương tác. Tuy nhiên, cần chú ý trong quá trình livestream, người dùng không được phát ngôn hoặc có những từ ngữ phản cảm, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác, cũng không thể quy kết người này, người kia theo kiểu “quan tòa”, bởi với những thông tin thu thập một chiều chưa được kiểm chứng không phải là căn cứ để kết luận người khác. Ngay cả khi tài liệu được xác thực thì việc sử dụng nó như thế nào, ở mức độ nào, tố cáo bằng hình thức nào cũng đều có quy định và có giới hạn chứ không phải cứ có tài liệu là tung hô, thích nguyền rủa, chửi bới, miệt thị thế nào cũng được.



Đối với người dùng mạng xã hội, cần tỉnh táo để có nhận thức, hành vi đúng mực, tránh bị cuốn theo bởi những livestream có nội dung phản cảm, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Chúng ta thường có tâm lý tò mò về việc khuất tất, tiêu cực của người khác, đối với các nhà lãnh đạo hay người nổi tiếng thì mức độ quan tâm, tò mò lại càng cao. Đồng thời, thường dễ tin, dễ nghe theo khi xem ai đó nói, đưa ra lý lẽ tưởng như thuyết phục. Điều này tác động vào tâm lý, ý thức, từ đó tin rằng nội dung tố cáo trên video là đúng, tin rằng các sai phạm, nhân thân, góc khuất… của những nhân vật, nghệ sĩ bị tố cáo trong video cũng là đúng. Điều này gây hậu quả rất khó lường bởi một livestream tức thời có thể “đánh sập”, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh, sự nghiệp của cá nhân khác.

Khi được cộng đồng mạng đẩy “lên mây”, người ta thường bị ảo tưởng sức mạnh, không biết vị trí thực của mình và vượt qua lằn ranh pháp luật. Chúng ta đã có nhiều bài học về sự ảo tưởng này, những trường hợp như Khá bảnh hành xử kiểu “côn đồ mạng”, bà Phương Hằng làm dậy sóng cộng đồng mạng…cũng bởi vì ảo tưởng sức mạnh trên mạng và đã, đang bị điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Vì vậy, hãy thận trọng khi livestream các bạn nhé!

ST