Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

CẦN NGĂN CHẶN BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

 


Nhiều người vốn có suy nghĩ bạo lực học đường là chuyện gây gổ, đánh nhau, bắt nạt giữa các học sinh với nhau, nhưng đó chỉ mới là cái nhìn một chiều về câu chuyện bạo lực học đường. Học sinh còn phải đối mặt với nạn bạo lực về tinh thần, bạo lực trong lời nói, chỉ trích, miệt thị. Câu chuyện bao lực học đường vốn là vấn đề muôn thuở nhưng liệu chính người lớn chúng ta có đang xem nhẹ vấn đề này?

Theo một số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Cũng theo một số thống kê, khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em bị thôi học vì đánh nhau, cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau. (Số liệu được trích từ bài “Học sinh đi học trực tiếp, lại nhức nhối chuyện bạo lực học đường” đăng trên trang https://vov.vn/ ngày 28/4/2022).  Những số liệu này đã thể hiện tình trạng bao lực học đường đang làm vấn đề đáng quan tâm trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, số liệu nói trên chỉ thể hiện phần nổi của tảng băng chìm mang tên bạo lực học đường, chẳng ai có thể thống kê được số vụ, số học sinh bị bạo lực học trường về tinh thần, bạo lực bằng lời nói, tẩy chay, xa lánh, đe doạ, vu khống.


 Hệ quả của bạo lực học đường đối với tổn thương thể xác học sinh có thể chỉ tồn tại trong vài tuần, vài tháng, vài năm. Nhưng hệ lụy của nó để lại đối với sức khoẻ tinh thần của học sinh có thể kéo dài cả cuộc đời. Những hậu quả nặng nề hơn có thể xảy ra như tự tử, bỏ học, vi phạm pháp luật, sa vào nghiện hút, đâm chém nhau, gây rối loạn xã hội. Câu chuyện phụ huynh, người lớn trong gia đình quan tâm đến con cái của mình có gặp phải tình trạng bạo lực học đường hay không dường như chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong xã hội hiện nay và đa số là nằm ở các gia đình có nền tảng kinh tế vững chắc, thuộc tầng lớp tri thức cao.

Ngày nay, nguyên nhân của bạo lực học đường thường xuất phát từ: Tâm lý lứa tuổi với cái tôi rất lớn, muốn thể hiện vị trí của bản thân trước các bạn học yếu thế, nhút nhát, khác biệt; Nhận thức trong độ tuổi học sinh luôn tin vào những điều các em thấy và điều này lý giải phim ảnh có nội dung bạo lực (với các chủ đề như đại ca, trùm trường học, giang hồ bảo kê, miệt thị ngoại hình, giới tính…) có tác động rất lớn đến nhận thức của lứa tuổi này; Sự phát triển của mạng xã hội cũng kéo theo sự kết nối dễ dàng hơn trong xã hội, quan hệ bạn bè xã hội không được quản lý, đặc biệt là sự xuất hiện của “nhóm kín”, lôi kéo nhiều thanh thiếu niên, trẻ em tham gia.

Để câu chuyện bạo lực học đường không xảy ra với hậu quả khôn lường, cần sự chung tay không chỉ của gia đình – nhà trường mà cần sự quan tâm, vào cuộc của cả xã hội. Thầy cô, người lớn, phụ huynh… cần nắm bắt, giáo dục, chia sẽ tâm lý lứa tuổi của vị thành niên; quan tâm, kiểm soát những phim ảnh và việc sử dụng các trang mạng xã hội của các em; tạo môi trường học tập, rèn luyện, giải trí lành mạnh, đúng “gu”, thu hút các em tham gia... Khi các em có dấu hiệu liên quan tâm lý, phụ huynh, người thân cần tìm cách tiếp cận, chia sẽ câu chuyện với các em. Trường hợp cần thiết cần sự hỗ trợ, tư vấn, điều trị của bác sỹ tâm lý.

Đừng bao giờ xem câu chuyện bạo lực học đường là câu chuyện trên phim ảnh, báo chí hay là câu chuyện của nhà người ta, có thể nó đang xảy ra trong chính gia đình, người thân bạn. Vài phút trò chuyện, tâm sự, quan sát mỗi ngày của người lớn dành cho con trẻ có thể chính là chìa khoá đẩy mạnh vấn nạn nhức nhối mang tên bạo lực học đường.

                                                               Trần Vương

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét