Thanh niên
trong xã hội hiện đại ngày nay tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau thông
qua mạng Internet, các mạng xã hội toàn cầu, các bài báo, trang tin điện tử…
Với sự nhanh nhạy, sáng tạo của mình, thế hệ trẻ dễ dàng tiếp nhận, bắt chước
và làm theo những trào lưu, xu hướng trong cuộc sống. Tuy nhiên, thanh niên
cũng là thế hệ dễ bị lôi kéo, kích động, dễ có tâm lý chán nản, bi quan trước
những thất bại, vấp ngã, đặc biệt dễ bị thu hút, cuốn vào những thông tin tiêu
cực chưa được kiểm chứng. Những đặc điểm này là cơ hội để các thế lực thù địch
nhắm đến thế hệ trẻ để tuyên truyền những văn hoá phẩm độc hại nhằm chống phá
nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo thống kê, đến tháng 1/2020 Việt Nam có số người sử dụng internet lên
đến 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân); số lượng người dùng mạng xã hội
là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân). Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18
thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có lượng
người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh, thiếu niên
chiếm tỷ lệ khá lớn (Vụ Gia đình Bộ Văn hoá thể thao và du lịch). Thống
kê trên đã cho thấy không gian mạng đang làm địa bàn trọng điểm để các thế lực
thù địch, lưu vong dễ dàng tiếp cận, lan truyền thông tin xấu độc đến với người
dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng. Các thông tin xấu, độc và cách thức chúng
hay sử dụng thường là:
- Các thế lực thù địch, phản động lập ra các trang mạng xã hội, diễn đàn, báo
điện tử như: “Pháp luân công”, “Hóng biến”, “Việt Nam Cộng hòa”, “Việt Tân”,
“Dân Luận”, “Nhật ký yêu nước”, “Dân làm báo”… Trung bình 1 tháng, các thế lực thù địch phát tán hơn
130.000 bài viết, video xuyên tạc lên internet, mạng xã hội (tin giả, xấu độc
chiếm trên 50%). Trong đó, có hơn 80.000 bài viết được phát tán trên mạng xã
hội Facebook, chiếm 67% và khoảng 40.000 bài viết, video xuyên tạc từ các kênh
mạng xã hội Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động.
- Nội dung các bài viết chủ yếu xoay quanh các vấn đề: phủ nhận chủ nghĩa Mác
– Lênin, xuyên tạc hình ảnh, tư tưởng Hồ Chí Minh, chia rẽ, gây mất đoàn kết
giữa 54 dân tộc anh em, xuyên tạc các chính sách về tôn giáo… Thời gian gần đây
chúng thường sử dụng các con bài dưới dạng “nhân quyền”, “dân chủ”, “tự do ngôn
luận”… để kích động, gây tâm lý bất mãn, bức xúc trong nhân dân, trong đó thế
hệ trẻ với “sức đề kháng” và nhận thức chưa đầy đủ là mục tiêu chúng “đầu độc”
hàng đầu.
- Chúng sử dụng những con rối chính trị như: Lisa Phạm - thành viên “Biệt đoàn
Sao trắng”, một phân nhánh của tổ chức khủng bố “Chính phủ Việt Nam tự do”, Nguyễn
Văn Đài – thành viên “Hội Anh em dân
chủ” , Lê Chí Thành – cựu đại uý Công an biến chất và còn hàng trăm, hàng ngàn
con rối khác để hàng ngày lên sóng livestream, đăng bài trên facebook, youtube,
zalo với các nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách ở Việt Nam, bôi nhọ hình
ảnh, hạ danh dự, uy tín của các nhà lãnh đạo, cán bộ Đảng, Nhà nước, chính
quyền địa phương tại Việt Nam.
- Chúng lợi dụng những thời điểm nhạy cảm, những sự việc nóng hổi như thực
hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam trong năm
2020, 2021, vụ án kit test xét nghiệm liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ
Việt Á, vụ tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội hoặc các
sự việc đau lòng như nam sinh nhảy lầu tự tử ở Hà Nội… để xuyên tạc sự thật
thực trạng kinh tế xã hội, việc thực thi pháp luật tại Việt Nam, lấy hiện tượng
để đánh đồng với bản chất, lấy con sâu để khuấy đục cả nồi canh.
Vậy khi thanh niên “va” phải những thông
tin xấu độc của các thế lực thù địch nói trên, họ cần phải làm gì, cần phải
trang bị gì trong hành trang của mình?
Thứ nhất, thế
hệ trẻ phải lấy truyền thống, lịch sử văn hoá dân tộc làm gốc; giáo dục, sức
khoẻ làm nền tảng; tri thức, công nghệ là công cụ để phát triển, hoàn thiện.
Thứ hai,
thế hệ trẻ cần hành động thực tế, hạn chế thời gian sống trên không gian mạng.
Hãy đổi thời gian sử dụng điện thoại, máy tính bằng những buổi sinh hoạt chính trị,
đoàn, thể với hình thức toạ đàm, các cuộc thi thể thao, văn hoá văn nghệ, sân
khấu hoá, dã ngoại về nguồn, các chiến dịch tình nguyện… để thanh niên không
chỉ trải nghiệm, khám phá bản thân mà còn bồi dưỡng cho mình lý tưởng cách
mạng, đạo đức, lối sống, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Thứ ba,
thanh niên Việt Nam phải cất tiếng nói của thế hệ trẻ trong công cuộc phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng trong tình hình mới. Có
thể trình độ lý luận, sự hiểu biết của thế hệ trẻ chưa sâu sắc, nhưng với trí
tuệ, bản lĩnh, sự nhanh nhạy, lòng nhiệt huyết của mình, thanh niên ngày nay có
đủ khả năng để nhận biết đâu là thông tin xấu, độc. Chính người trẻ cũng có thể
tự viết lên những câu chuyện, việc làm, những đóng góp tốt đẹp của bản thân
mình.
Thứ tư, trước
khi đăng tải, chia sẻ một bài viết, một hình ảnh, một quan điểm nào đó, thanh
niên cần phải hiểu nội dung bài viết, hình ảnh, quan điểm đó có đúng với chính
sách, pháp luật không, có phù hợp với thuần phong, mỹ tục, văn hoá Việt Nam
không. Đừng vội đăng bài để bắt kịp xu hướng, “trend” rồi tự biến mình thành
người vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Không gian mạng là nơi để thế hệ trẻ tìm
hiểu nhiều nguồn thông tin về chính trị,
kinh tế, văn hoá, xã hội một cách nhanh chóng và hoàn toàn miễn phí. Và đây
cũng chính là nơi để thế hệ trẻ thể hiện quan điểm cá nhân, thể hiện cá tính,
cái tôi của mình. Vì vậy, thanh niên cần nhận diện, phát hiện và góp phần ngăn
chặn, xử lý thông tin xấu độc, thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, kích
động, chống phá trên internet, mạng xã hội. Tiếp nối truyền thống dân tộc, thế
hệ thanh niên ngày nay đã và đang góp phần bảo tồn, xây dựng và phát huy lý
tưởng cách mạng anh hùng của cha ông, truyền thống văn hoá con rồng cháu tiên
hoà nhịp cùng với đạo đức, lối sống văn minh, lành mạnh, trẻ trung, hiện đại và
hoà nhập.
Trần Vương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét