Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

PHÂN BIỆT CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

 

PHÂN BIỆT CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

 

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 06/2020. Đến nay đã hơn 03 năm triển khai thực hiện, các tổ chức, doanh nghiệp và phần lớn người dân đã tiếp cận, khai thác, vận dụng và hưởng lợi. Tuy nhiên không ít người vẫn chưa xác định được sự khác nhau giữa công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Để phân biệt rõ ràng 02 lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chia sẻ 17 nội dung như sau:

STT

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

CHUYỂN ĐỔI SỐ

01

Giá trị cho chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp

Giá trị cho người dân, nhân viên, khách hàng

02

Phải đầu tư, chi phí

Lợi ích thực, giá trị thực

03

Phần mềm- dùng riêng lẻ

Nền tảng số- dùng chung

04

Công nghệ và ứng dụng công nghệ (dạng công cụ)

Chuyển đổi cách làm việc(công nghệ chỉ là công cụ phục vụ cho lợi ích)

05

Làm từng phần, riêng lẻ

Làm toàn diện, mọi nơi, mọi chỗ.

06

Giám đốc CNTT

Người đứng đầu (thay đổi cách vận hành, cách làm)

07

Máy tính riêng lẻ

Điện toán đám mây- tức khai thác, dùng chung

08

Đầu tư và để dùng riêng (chi phí cao, chất lượng ngày càng thấp)

Thuê và dùng chung (chi phí thấp nhưng chất lượng ngày càng cao)

09

Mua sản phẩm

Sử dụng dịch vụ

10

Chuyên gia công nghệ là trọng tâm

Tổ công nghệ số cộng đồng là trọng tâm(người dân tham gia trực tiếp)

11

Chú trọng làm như thế nào (phụ thuộc vào nhà công nghệ)

Làm cái gì (theo ý nhà lãnh đạo)

12

Người giỏi phần mềm, sáng tạo ra phần mềm chiếm ưu thế

Người giỏi sử dụng (không nhất thiết phải giỏi phần mềm) sẽ tạo ra phần mềm tốt

13

Hệ thống kỹ thuật

Môi trường sống, làm việc.

14

Tự động hóa

Thông minh hóa

15

Dữ liệu của tổ chức

Dữ liệu của người dùng

16

Dữ liệu cấu trúc (được định trước, cũ)

Dữ liệu phi cấu trúc (tri thức mới, giá trị mới)

17

CNTT(máy móc)

CNTT+ (CNTT+ số hóa toàn diện + dữ liệu + đổi mới sáng tạo + công nghệ số)

           

                                                                                                                        MA TRUNG

TUYỆT ĐỐI KHÔNG CHUYỂN TIỀN CHO NGƯỜI KHÁC KHI CHƯA TÌM HIỂU KỸ THÔNG TIN

 

TUYỆT ĐỐI KHÔNG CHUYỂN TIỀN CHO NGƯỜI KHÁC KHI CHƯA TÌM HIỂU KỸ THÔNG TIN

 

Cùng với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền xảy ra gần đây một lần nữa cảnh báo người dân cần hết sức cảnh giác khi thực hiện các giao dịch ngân hàng. Người dân tuyệt đối không chuyển tiền cho người khác trong các trường hợp sau khi chưa tìm hiểu đủ thông tin, một số trường hợp cụ thể như sau:

- Thủ đoạn dụ dỗ làm CỘNG TÁC VIÊN BÁN HÀNG cho Lazada, Shopee, Tiki, Sendo. Đối tượng lừa bạn làm nhiệm vụ chuyển tiền mua đơn hàng, sau đó sẽ nhận lại số tiền đã chuyển cộng thêm tiền lời. Ban đầu sẽ là các đơn hàng giá trị thấp, và có lợi nhuận để dụ dỗ bị hại, sau đó chúng sẽ tăng giá trị đơn hàng lên cao, khi bạn chuyển tiền làm nhiệm vụ mới, đối tượng sẽ báo nhiệm vụ bị lỗi, yêu cầu bạn tiếp tục chuyển tiền thì mới nhận lại được tiền và lợi nhuận. Lợi dụng tâm lý sợ mất tiền của bạn, lúc này bạn sẽ tiếp tục chuyển tiền để mong lấy lại số tiền đã chuyển trước đó theo lời đối tượng. Nhưng thực tế sẽ đối tượng chiếm đoạt tất cả số tiền bạn đã chuyển cho chúng.

- Khi có tài khoản Zalo, Facebook, cuộc gọi điện thoại tự nhận là cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, các cơ quan nhà nước khác thông báo bạn, hoặc gia đình đã vi phạm pháp luật. Đối tượng yêu cầu bạn chuyển tiền để được giải quyết ổn thỏa, nếu không sẽ bị khởi tố, bị xử lý. Thực tế đối tượng lừa đảo đang hăm dọa bạn, mục đích làm bạn hoang mang, lo sợ và chuyển tiền cho chúng. Khi gặp trường hợp này bạn cần báo ngay cho cơ quan Công an để được hướng dẫn giải quyết.

- Khi có người nhà, người quen như anh, chị, em, cha, mẹ hoặc đồng nghiệp, chỉ huy, lãnh đạo trong công ty nhắn tin qua ứng dụng Zalo, Facebook, Telegram.... thông báoviệc gấp cần MƯỢN TIỀN. Lúc này có khả năng đối tượng lừa đảo đã hack (chiếm quyền sử dụng) tài khoản xã hội của người bạn quen để lừa đảo mượn tiền. Bạn nên gọi vào số điện thoại của người quen hoặc gặp trực tiếp để xác nhận, trước khi quyết định có chuyển tiền hay không.

Ngoài ra các đối tượng còn sử dụng nhiều thủ đoạn lừa đảo khác đánh vào nhu cầu tìm kiếm việc làm, lòng tham kiếm tiền dễ dàng, sự thiếu hiểu biết bằng các thủ đoạn lừa đảo như: Đăng bán XE NHẬP KHẨU GIÁ RẺ và yêu cầu chuyển tiền đặt cọc; cho vay tiền qua ứng dụng thủ tục nhanh gọn và yêu cầu chuyển tiền để giải ngân, chứng minh thu nhập sau đó mới nhận tiền vay; thông báo bạn TRÚNG THƯỞNG hoặc nhận quà có giá trị lớn yêu cầu chuyển tiền thanh toán chi phí nhận giải; Hướng dẫn đầu tư chứng khoán, tiền điện tử cho người dân được những khoản lời ban đầu để dụ dỗ, sau đó người dân tăng mức đầu tư lên cao và các đối tượng chiếm đoạt… Các đối tượng lừa đảo thường dụ dỗ người bị hại tải và trao đổi nói chuyện qua các ứng dụng mạng xã hội như: Telegram, Tinder, Zalo, Messenger, Facebook.

B.T.P

NHỮNG NGƯỜI NẰM LẠI PHÍA CHÂN TRỜI

 

NHỮNG NGƯỜI NẰM LẠI PHÍA CHÂN TRỜI

 

Chiến tranh đã lùi xa nhưng âm vang về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc luôn mãi mãi trường tồn và vang vọng theo năm tháng. Trong không khí những ngày tháng 3 lịch sử, tôi được vinh hạnh, may mắn tham dự chuyến đi đến Khu tưởng niệm của những người chiến sĩ Gạc Ma tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, thắp nén hương tưởng niệm 64 người lính anh hùng đã hóa thân vào biển cả, hóa thành bất tử. Ở đây, qua lời kể của hướng dẫn viên, tôi càng thấu hiểu hơn về Gạc Ma, trân quý hơn hòa bình và quyết tâm giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Cách đây đúng 35 năm, ngày 14/3/1988, trên đảo Gạc Ma, nơi mà anh linh của 64 cán bộ, chiến sỹ đã mãi mãi nằm lại phía chân trời, họ đã tạo nên một “Vòng tròn bất tử” về ý chí kiên cường bảo vệ quê hương, đất nước.

Ngày 14/3/1988 vẫn là một buổi sáng bình thường như mọi ngày, các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam với vật dụng thô sơ như xẻng, cuốc, gậy gộc  khi đang làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền tại đảo nổi san hô Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì bất ngờ Tàu Trung Quốc lao tới và nã từng loạt đạn liên hồi vào những người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Trước làn mưa đạn của quân thù, các đồng chí vẫn cùng nhau giữ vững lá cờ đỏ sao vàng truyền tay nhau, người này ngã xuống, lớp người khác lại đứng lên, họ cùng nhau đan tay tạo thành một “Vòng tròn bất tử” để bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi hy sinh đã hô to: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo". Vòng tròn bất tử đó đã trở thành một huyền thoại bi tráng lay động lòng người. Sự thật về cuộc chiến ở đảo Gạc Ma năm ấy chỉ có một và chỉ một, cho dù các thế lực thù địch có ra sức thêu dệt, đánh tráo, xét lại, “đổi trắng thay đen” thì lịch sử Gạc Ma vẫn hiên ngang ở đó, vẫn như một bức tường thành sừng sững theo năm tháng không thể phai nhòa.



35 năm đã qua, nhưng khúc ca bi tráng về sự hy sinh anh dũng của những người lính Gạc Ma vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa. Nhắc lại lịch sử để chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo trong hiện tại và tương lai. Ghi nhớ nỗi đau về sự hy sinh oanh liệt này để chúng ta biết trân quý nền hòa bình, để ký ức Gạc Ma không bao giờ bị xóa nhòa trong tâm trí của mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước phải luôn khắc ghi, tưởng nhớ, tri ân những người đi trước đã ngã xuống, để thêm yêu quê hương, để sống có trách nhiệm hơn với Tổ quốc này và hiểu rằng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mãi mãi là tài sản thiêng liêng, quý báu nhất, đồng thời yêu nước bằng “cái đầu lạnh và trái tim nóng” để luôn tỉnh táo, sáng suốt trước luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.



Tôi xin kết với những dòng thơ của nhà thơ Thanh Thảo trong bài thơ Chân sóng để thay lời tri ân với những người anh hùng bất tử, những con người “nằm lại phía chân trời”.

Gạc Ma Gạc Ma
hãy kể cho con cháu anh điều này:
có những người lính đảo
đã chết theo vòng tròn
tay họ giăng ra và siết chặt tay nhau
như một tràng hoa biển

không quỉ ma nào xé nổi
tràng hoa biển ấy

hãy kể cho con cháu anh
rằng từ Hoàng Sa từ Gạc Ma
những tràng hoa biển ấy
dạt trôi
về ôm chặt Mẹ

chân sóng
bắt đầu từ đó

=

THỰC TRẠNG XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ NHÃN HIỆU TẠI THÀNH PHỐ TUY HÒA - NHẬN DIỆN VÀ GIẢI PHÁP

 

THỰC TRẠNG XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ NHÃN HIỆU TẠI THÀNH PHỐ TUY HÒA - NHẬN DIỆN VÀ GIẢI PHÁP

 

Hiện nay, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) về nhãn hiệu là vấn đề xảy ra phổ biến. Tại thành phố Tuy Hòa, từ năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng tiếp nhận 06 kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các cơ sở kinh doanh hoạt động vi phạm phạm pháp luật về SHTT. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xử phạt 05 cơ sở với tổng số tiền 57 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy nhiều mặt hàng thời trang giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng và yêu cầu 01 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ viện chấp hành quy định pháp luật về sở hữu công nghiệp, kinh doanh dịch vụ không gây nhầm lẫn nguồn gốc dịch vụ của thương nhân khác, phòng ngừa cơ sở vi phạm pháp luật. Kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật trên lĩnh vực SHTT góp phần bảo vệ quyền lợi,tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn và thu hút các nhà đầu tư.

Vậy làm thế nào để nhận diện hành vi xâm phạm quyền SHTT về nhãn hiệu? Theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ, dấu hiệu nhận biết hành vi vi phạm pháp luật này được hiểu một cách ngắn gọn là các hành vi sao chép, làm giả, sử dụng trái phép toàn bộ hoặc một phần của nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu đó, có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Theo quy định pháp luật hiện hành, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu có thể xử phạt vi phạm hành chính đến 01 tỷ đồng hoặc bị xử lý hình sự đến 03 năm tù.

Để ngăn chặn hoạt động xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu, trước hết các cấp chính quyền cần phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương để nhân dân, doanh nghiệp biết, phòng ngừa và đồng hành cùng với cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cần đẩy mạnh hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu, nhất là nhóm hành vi xâm phạm, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh tại thành phố Tuy Hòa.

T.Đ.P.T

 

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO

 


Ngày 06/3/2023, chị P.T.M.H, sinh năm 1976, trú xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là Trung úy Nguyễn Văn Tài, công tác tại Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Phú Yên với nội dung chị H liên quan đến vụ án lừa đảo tại TP Hà Nội, yêu cầu chị H phải chuyển tiền cho chúng, nếu không sẽ mời ra Hà Nội làm việc. Trong quá trình trao đổi, người này yêu cầu chị H không được tắt máy, đồng thời sẽ nối máy với nhiều người khác, giả danh nhiều cán bộ có vị trí, chức vụ khác nhau, nhằm mục đích uy hiếp tinh thần chị H, không để chị H có thời gian suy nghĩ, trao đổi với người thân, phát hiện ra hành vi của chúng. Rất may, chị H đã tỉnh táo, trao đổi và nhờ sự tư vấn của người thân là cán bộ Công an đã phát hiện kịp thời thủ đoạn của bọn chúng, không để chúng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan chức năng khuyến cáo tới các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận được các cuộc điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ của các cơ quan nhà nước và cơ quan tư pháp, tố tụng hình sự để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại…thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo. Cơ quan điều tra không bao giờ có lệnh bắt, triệu tập, chuyển tiền... mà thông qua điện thoại. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, tỉnh táo trước các cuộc gọi lạ và báo ngay cho người thân, cơ quan chức năng nơi gần nhất để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2023

TỪ ẢO TƯỞNG QUYỀN LỰC MẠNG ĐẾN CON ĐƯỜNG VI PHẠM PHÁP LUẬT RẤT NHANH CHÓNG

 

✅Hiện nay, mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và bùng nổ ở Việt Nam, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh thì bạn có thể xem được toàn cầu. Mạng xã hội ra đời mang đến nhiều lợi ích cho con người nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro…

✅Để an toàn khi tham gia sử dụng mạng xã hội, chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức căn bản về luật pháp, nhất là Luật An ninh mạng.

Các bạn đừng bao giờ nghĩ mạng là ảo thì có thể muốn nói gì nói, làm gì thì làm. Tham gia mạng xã hội chúng ta cần phải thận trọng bởi vì nó sức lan tỏa rất nhanh, mạnh.

✅Mỗi người khi tham gia mạng xã hội cần có trách nhiệm, biết tôn trọng quyền lợi của người khác, tích cực chia sẻ những thông tin đáng tin cậy từ những tờ báo chính thống, những câu chuyện đẹp, những hình ảnh đẹp, năng lượng tích cực… nhằm tạo ra xu hướng tích cực trên mạng xã hội; qua đó, định hướng được nhận thức và thay đổi hành vi của mình theo hướng tích cực như những gì đã được tiếp nhận.

✅Trước thông tin ồ ạt, nhiễu loạn, đa dạng phức tạp trên mạng xã hội, đòi hỏi người dùng phải tỉnh táo để suy xét, nhìn nhận và lý giải thấu đáo trước khi quyết định like, chia sẻ, bình luận hay đăng tải clip, livetream.

✅Ứng xử nhân văn, phù hợp để không làm tổn thương mình, tổn thương người khác. Tôn trọng quan điểm khác biệt; nếu cảm thấy sai, thì góp ý một cách chân thành đừng vội áp đặt ném đá nhau.

👍Thật ra không ai là người hoàn hảo, không ai tự dưng mà khôn ra. Sử dụng mạng xã hội cũng vậy, cần phải hoàn thiện dần, cần phải rút kinh nghiệm hàng ngày hàng giờ. Trước mỗi sự việc ồn ào trên mạng xã hội, chúng ta cần bình tĩnh quan sát để suy ngẫm, rút cho mình bài học kinh nghiệm. Đặc biệt đừng để cái TÔI của mình lấn át, cảm xúc chi phối, yêu ghét dẫn đường. Nên nhìn nhận sự việc bằng lương tâm trách nhiệm của mình đối với xã hội. Chúng ta không có quyền phán xét bôi nhọ làm nhục bất kỳ một cá nhân nào, nếu họ sai chúng ta có chứng cứ thì có thể gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng xử lý.

✅Muốn xã hội văn minh thì phải có văn hoá, có học thức, có chừng mực, không thể vượt quá giới hạn mà luật pháp cho phép… Hãy luôn nhìn nhận sự việc bằng lương tâm và trách nhiệm của mình với xã hội.

 

P.T

TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN KHI THAM GIA CÔNG TÁC CỨU NẠN, CỨU HỘ THẢM HỌA ĐỘNG ĐẤT TẠI THỔ NHĨ KỲ

 

Ngày 06/02/2023 tại đất nước Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra trận động đất 7,8 độ Richter, làm 40.689 người thiệt mạng, hàng vạn người bị thương, gây sụp đổ 345.000 căn hộ chung cư, 105.000 tòa nhà với nhiều người vẫn còn đang mất tích; đây là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, ảnh hưởng đến cuộc sống hơn 16 triệu người cần được cứu trợ nhân đạo.

Trước những hậu quả vô cùng to lớn do trận động đất gây ra, với tinh thần đoàn kết quốc tế, nhân đạo quốc tế, Bộ Công an đã nhanh chóng cử đoàn công tác cứu nạn quốc tế gồm 24 cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tinh nhuệ, có nhiều kinh nghiệm trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cùng với nhiều phương tiện, thiết bị cứu nạn hiện đại tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 11/02/2023, ngay sau khi đến thành phố Adiyaman (Thổ Nhĩ Kỳ), trước quan cảnh đỗ nát cùng với sự bất lợi do thời tiết khắc nghiệt; đoàn công tác cứu nạn quốc tế Bộ Công an đã khắc phục những khó khăn ban đầu và bắt tay ngay thực hiện việc đào bới, tìm kiếm dưới các đống đổ nát, các tòa nhà bị sập để tìm, giải cứu người mắc kẹt trong thảm họa động đất.

Với tinh thần trách nhiệm quốc tế, nhân đạo và bản lĩnh của người chiến sĩ Công an nhân dân, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã sử dụng có hiệu quả các thiết bị chuyên dùng và kinh nghiệm, chiến thuật linh hoạt trong công tác cứu nạn, cứu hộ, qua 10 ngày thực hiện cứu nạn tại 03 địa điểm khó khăn và có khả năng còn dấu hiệu của sự sống theo phân công của phía bạn. Phối hợp cứu được 01 người còn sống, đưa được 14 thi thể nạn nhân ra ngoài bàn giao cho cơ quan y tế.

Những kết quả trên đã thể hiện bản lĩnh, tính nhân văn, chuyên nghiệp cao, khẳng định năng lực tham gia và khả năng hoàn thành các nhiệm vụ quốc tế của lực lượng cứu nạn cứu hộ Công an Việt Nam, được dư luận quốc tế, Chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao.

Tuy nhiên, một số cá nhân vẫn cố tình bóp méo nghĩa cử cao đẹp của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đưa ra những luận điệu sai trái cho rằng việc Việt Nam hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là “làm cho có phong trào”; là “đánh bóng hình ảnh” Việt Nam... Một số ý kiến còn đặt vấn đề “vì sao Việt Nam còn nghèo, mà lại hỗ trợ người dân nước khác, sao không giúp người dân khó khăn trong nước?”... Các cá nhân đưa ra những ý kiến này đã đi ngược lại những giá trị lợi ích quốc gia, dân tộc; cố tình không nhận thấy ý nghĩa nhân văn, nhân đạo trong việc Việt Nam tham gia tìm kiếm, cứu nạn và hỗ trợ khắc phục hậu quả thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ; cố tình bóp méo nghĩa cử cao đẹp của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Do đó, các luận điệu này cần bị vạch trần và lên án mạnh mẽ.

 Qua công tác cứu nạn thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, trước hết cần khẳng định việc Bộ Công an cử lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn để khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ là biểu hiện sinh động cho chính sách đối ngoại ưu việt, thái độ cộng đồng trách nhiệm và tinh thần đoàn kết quốc tế của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam hết sức kịp thời và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Do vậy, việc làm của lực lượng Công an Việt Nam không chỉ là sự hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc, mà còn rất phù hợp với xu thế quan hệ quốc tế hiện nay; là sự kế thừa truyền thống nhân văn, nhân đạo sâu sắc của dân tộc Việt Nam.

MỖI CÔNG DÂN PHẢI CÓ 1 TÀI KHOẢN ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ

 

Với tài khoản định danh điện tử này, công dân sẽ có rất nhiều thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, đơn giản.

Cấp căn cước công dân gắn chip là 1 nhiệm vụ nằm trong Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Mục đích chính là giúp người dân giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, đơn giản.

Để thực hiện, điều kiện cơ bản đầu tiên là mỗi công dân phải làm căn cước công dân gắn chip và nhận được 1 tài khoản định danh điện tử, kích hoạt tài khoản này trên ứng dụng VNEID.

Với tài khoản định danh điện tử này, công dân sẽ có rất nhiều thuận lợi như:

- Thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Khi thực hiện các thông tin cá nhân sẽ được tự điền thông tin vào các biểu mẫu đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí

- Thay thế CCCD và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp như giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế...

- Thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền…

Cũng chính vì vậy mà từ 01/01/2023, khi hệ thống VNEID chính thức được áp dụng sẽ bỏ hộ khẩu giấy.

Ngồi bất kỳ ở đâu, vào thời điểm nào, chỉ với 1 chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối Internet và chỉ với những thao tác rất đơn giản.

NHẬN DIỆN ÂM MƯU PHÁ HOẠI TƯ TƯỞNG CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẦN TỬ XẤU

 


Là một người công dân đất Việt, tôi rất tự hào về tinh thần dân tộc, yêu độc lập tự do của người dân. Nhưng vẫn còn đâu đấy những kẻ phản bội Tổ quốc, phản bội dân tộc đi theo ăn bám các thế lực thù địch bên ngoài để tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, chống phá Đảng, Nhà nước.

Thời gian qua, âm mưu hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng luôn là mục tiêu mà phần tử xấu tập trung thực hiện, đặc biệt là việc lợi dụng việc hơn 80% dân số được tiếp cận, sử dụng Internet để thực hiện âm mưu này. Thường hay lang thang trên mạng để làm ăn buôn bán cũng như nắm bắt thông tin, tôi xin chia sẻ thông tin về một số âm mưu tuyên truyền, phá hoại tư tưởng mà các thế lực thù địch thường hay sử dụng trong thời gian qua để độc giả tham khảo, nhận diện.

- Thứ nhất: Sử dụng những thông tin, hình ảnh đã qua chỉnh sửa, cắt ghép.

Trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển mạnh như hiện nay, việc chỉnh sửa, cắt ghép các thông tin, hình ảnh theo ý muốn là điều rất đơn giản. Vì vậy những phần tử xấu sẽ sử dụng các thông tin, hình ảnh có thể là thật nhưng khác nhau về nội dung, thời gian, địa điểm hoặc có thể đã bị sao chép, biến tướng... để ghép lại thành những nội dung sai lệch hoàn toàn hoặc sai lệch phần nào so với bản chất sự việc, qua đó làm cho người xem hoang mang, mất định hướng và nếu không tỉnh táo xem xét sẽ nghĩ là có thật.

- Thứ hai: Sử dụng những thông tin, hình ảnh có thật nhưng xuyên tạc nội dung, bóp méo sự thật.

Chiêu trò này thường được các báo, đài nước ngoài thường xuyên chống phá Việt Nam sử dụng (như: RFA, VOA, BCB...) hoặc đăng tải trên các trang, nhóm của các tổ chức, cá nhân phản động, khủng bố (như Việt tân). Cụ thể là chúng sử dụng những thông tin, hình ảnh có thật trong đời sống xã hội thường ngày xung quanh ta nhưng có sự bình luận sai sự thật, xuyên tạc nội dung làm cho người xem nếu không sáng suốt để phân tích, đánh giá kỹ sẽ hiểu sai lệch bản chất sự việc.

- Thứ ba: Đưa ra những câu hỏi lửng trước các thông tin, hình ảnh nhạy cảm.

 Chúng thường hay sử dụng đối với các thông tin ngoại giao, thông tin nhạy cảm về các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mà người đọc rất dễ hiểu nhầm hoặc hiểu sai bản chất sự việc để đặt câu hỏi lửng, nhằm làm cho người đọc hoang mang, có người suy nghĩ lệch lạc.

- Thứ tư: lấy những tiêu cực nhỏ, những mặt trái để quy chụp cho toàn xã hội.

 Đây là hoạt động tương đối đặc trưng của các đối tượng chống phá trong thời gian qua. Chúng triệt để lợi dụng những vấn đề tiêu cực, mặt trái của xã hội do một số ít người thực hiện mà người xưa thường gọi là “CON SÂU LÀM RẦU NỒI CANH”.

 

NGƯỜI ĐỒNG BÀO

Cảnh giác trước các thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản

 


Trong thời gian qua lực lượng Công an thường xuyên tiếp nhận thông tin trình báo của người dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như:

1. Chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Messenger…) rồi liên hệ người thân của chủ tài khoản nhờ chuyển tiền, nạp thẻ rồi chiếm đoạt.


2. Mạo danh Cơ quan Công an, Tòa án… gọi điện thoại hù dọa người dân đang trong đường dây tội phạm và yêu cầu người dân chuyển tiền để chứng minh tài khoản rồi chiếm đoạt. Mạo danh Cục Cảnh Sát giao thông gọi điện thoại cho người dân thông báo đã vi phạm luật giao thông và yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp mã OPT để chuyển tiền vào tài khoản của chúng để đóng tiền “phạt nguội” rồi chiếm đoạt.

- Thủ đoạn: Các đối tượng giả danh Công an (trong đó có giả danh lực ượng CSGT), viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo hăm dọa tài khoản ngân hàng của nạn nhân liên quan đến tội phạm, yêu cầu chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản của Công an với lý do để kiểm tra, xác minh nguồn gốc số tiền; thực chất là tài khoản của đối tượng rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

- Biện pháp phòng ngừa: Trước các thủ đoạn trên, người dân phải hết sức cảnh giác, thận trọng, bình tĩnh, từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu những người tự xưng Công an, lực lượng CSGT,Viện Kiểm sát, Tòa án gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ đến Công an địa phương nơi mình cư trú hoặc yêu cầu liên hệ với Cảnh sát khu vực.

 


 





 

3. Mạo danh là nhân viên của nhà mạng Mobifone, Viettel, Vina…. Gọi điện thoại cho người dân thông báo cung cấp dịch vụ nâng cấp sim lên 4G, 5G miễn phí và yêu cầu người dân làm theo hướng để đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài khoản trong ngân hàng của bị hại.

- Thủ đoạn: Các đối tượng thường yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp **21*Số điện thoại# hoặc nhắn tin theo cú pháp DS xxxxx để được đổi sim 4G với các ưu đãi hấp dẫn. Đây là cách chuyển cuộc gọi và đổi sim sang phôi trắng. Nếu người dân làm theo hướng dẫn sẽ bị mất quyền kiểm soát số điện thoại. Kẻ xấu sử dụng số điện thoại chiếm đoạt được để thao tác chuyển tiền trong các ví điện tử, tài khoản ngân hàng của người dân.

- Biện pháp phòng ngừa:Người dùng nên liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng hoặc ra trực tiếp cửa hàng giao dịch để thực hiện các mục đích liên quan đến số điện thoại của mình. Ngoài ra, người dùng không truy cập vào các đường link gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ; không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ.









4. Mạo danh Công ty tài chính lừa cho vay tiền với lãi suất thấp trên mạng xã hội và yêu cầu người vay nộp một khoản tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt.

- Thủ đoạn: Đối tượng tạo dựng ứng dụng (App) và sử dụng các hình ảnh, thông tin tương đồng với tên các công ty tài chính, nhằm cố ý tạo nhầm lẫn cho người dân rằng đây là app cho vay, hướng dẫn người dân truy cập vào các trang website, ứng dụng điện thoại để cung cấp thông tin và chọn số tiền muốn vay. Thông báo cho người dân cung cấp sai thông tin (số CCCD, địa chỉ, tên tuổi,…) nên hệ thống báo lỗi không thể giải ngân. Đề nghị người dân phải nộp các khoản phí để làm lại các thủ tục vay rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền đó.

- Biện pháp phòng ngừa: Nâng cao ý thức cảnh giác đối với các dịch vụ “tư vấn tài chính” khi sử dụng mạng xã hội,; Tuyệt đối không cung cấp thông tin Giấy chứng minh thư nhân dân, CCCD, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát. Không chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai. Giữ bí mật, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet...
cho bất kỳ người lạ nào gọi đến.



5.Mời làm cộng tác viên online, mời tham gia các ứng dụng, app kiếm tiền online, ứng dụng kinh doanh tiền ảo, kinh doanh chứng khoán online... (các đối tượng hướng dẫn người chơi nạp tiền một vài lần với số tiền nhỏ và được chuyển lại tiền kèm lãi suất. Sau đó đối tượng tiếp tục hướng dẫn nạp tiền có giá trị cao rồi chiếm đoạt…

- Thủ đoạn:"Mồi nhử" mà bọn chúng đưa ra rất hấp dẫn như việc nhẹ, lương cao, được trả ngay theo ngày, với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10% đến 20%. Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền.

- Biện pháp phòng ngừa: Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định.

 



Trên đây là một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản. Mọi người dân cùng nâng cao cảnh giác và chủ động phòng ngừa, khi phát hiện các thủ đoạn của đối tượng nói trên hoặc nếu ai là đối tượng bị hại của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời báo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời điều tra, bắt giữ, xử lý và giải quyết.