NHỮNG NGƯỜI NẰM LẠI PHÍA CHÂN TRỜI
Chiến
tranh đã lùi xa nhưng âm vang về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc
luôn mãi mãi trường tồn và vang vọng theo năm tháng. Trong không khí những ngày
tháng 3 lịch sử, tôi được vinh hạnh, may mắn tham dự chuyến đi đến Khu tưởng niệm
của những người chiến sĩ Gạc Ma tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, thắp nén
hương tưởng niệm 64 người lính anh hùng đã hóa thân vào biển cả, hóa thành bất
tử. Ở đây, qua lời kể của hướng dẫn viên, tôi càng thấu hiểu hơn về Gạc Ma,
trân quý hơn hòa bình và quyết tâm giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Cách đây đúng 35 năm, ngày 14/3/1988, trên đảo Gạc Ma, nơi mà anh linh của 64
cán bộ, chiến sỹ đã mãi mãi nằm lại phía chân trời, họ đã tạo nên một “Vòng
tròn bất tử” về ý chí kiên cường bảo vệ quê hương, đất nước.
Ngày
14/3/1988 vẫn là một buổi sáng bình thường như mọi ngày, các chiến sĩ quân đội
nhân dân Việt Nam với vật dụng thô sơ như xẻng, cuốc, gậy gộc khi đang làm
nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền tại đảo nổi san hô Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì
bất ngờ Tàu Trung Quốc lao tới và nã từng loạt đạn liên hồi vào những người chiến
sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Trước làn mưa đạn của quân thù, các đồng chí vẫn
cùng nhau giữ vững lá cờ đỏ sao vàng truyền tay nhau, người này ngã xuống, lớp người
khác lại đứng lên, họ cùng nhau đan tay tạo thành một “Vòng tròn bất tử” để bảo
vệ đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cho đến khi trút hơi thở cuối
cùng. Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi hy sinh đã hô to: "Thà hy sinh chứ
không chịu mất đảo". Vòng tròn bất tử đó đã trở thành một huyền thoại bi tráng lay động
lòng người. Sự thật về cuộc chiến ở đảo Gạc Ma năm ấy chỉ có một
và chỉ một, cho dù các thế lực thù địch có ra sức thêu dệt, đánh tráo, xét lại,
“đổi trắng thay đen” thì lịch sử Gạc Ma vẫn hiên ngang ở đó, vẫn như một bức tường
thành sừng sững theo năm tháng không thể phai nhòa.
35 năm đã qua, nhưng khúc ca bi tráng về
sự hy sinh anh dũng của những người lính Gạc Ma vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa. Nhắc lại lịch sử để chúng ta
có thể rút ra những bài học quý giá trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển
đảo trong hiện tại và tương lai. Ghi nhớ nỗi đau về sự hy sinh oanh liệt này để
chúng ta biết trân quý nền hòa bình, để ký ức Gạc Ma không bao giờ bị xóa nhòa
trong tâm trí của mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ - chủ nhân
tương lai của đất nước phải luôn khắc ghi, tưởng nhớ, tri ân những người đi trước đã ngã xuống, để
thêm yêu quê hương, để sống có trách nhiệm hơn với Tổ quốc này và hiểu rằng độc
lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mãi mãi là tài sản thiêng liêng, quý báu
nhất, đồng thời yêu nước bằng “cái đầu lạnh và trái tim nóng”
để luôn tỉnh táo, sáng suốt trước luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.
Tôi xin kết với những dòng thơ của nhà
thơ Thanh Thảo trong bài thơ Chân sóng để thay lời tri ân với những người anh
hùng bất tử, những con người “nằm lại phía chân trời”.
Gạc
Ma Gạc Ma
hãy kể cho con cháu anh điều này:
có những người lính đảo
đã chết theo vòng tròn
tay họ giăng ra và siết chặt tay nhau
như một tràng hoa biển
không quỉ ma nào xé nổi
tràng hoa biển ấy
hãy kể cho con cháu anh
rằng từ Hoàng Sa từ Gạc Ma
những tràng hoa biển ấy
dạt trôi
về ôm chặt Mẹ
chân sóng
bắt đầu từ đó
=
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét