Tư tưởng Hồ
Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản
của Cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ
nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các
giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại,
là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi
soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
Đây là hệ
thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về mục tiêu xây dựng về một đất nước Việt
Nam hòa bình và thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng
vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Để đạt mục tiêu đó, con đường độc lập của dân
tộc Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu và con
đường này đúng theo lý luận Mác- Lê nin; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng
cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước cách mạng, xác định lực lượng cách
mạng là toàn thể nhân dân Việt Nam yêu nước, xây dựng con người Việt Nam có
năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh
thời đại trên cơ sở quan hệ quốc tế hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát
triển; với phương pháp cách mạng phù hợp.
Hiện
nay, mặc dù đất nước đã hoàn toàn độc lập nhưng tình hình thế giới vẫn còn nhiều
diễn biến phức tạp, khó lường. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ,
đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Các nền kinh tế trên toàn cầu vừa
bị suy thoái sau đại dịch COVID-19, lại tiếp tục bị ảnh hưởng từ các cuộc xung
đột vũ trang như: Nga-Ukraine, Hamas-Israel, bất ổn chính trị tại Myanmar và
Bangladesh…Các nước lớn đang điều chỉnh lại chiến lược phát triển, giảm bớt sự
phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay đổi các chuỗi cung ứng. Cạnh tranh kinh tế,
chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công
nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng gay gắt, quyết liệt, tác
động mạnh đến việc sản xuất và phân phối toàn cầu.
Bên cạnh những
thuận lợi cơ bản, đất nước ta đang phải đối diện với những khó khăn, thử thách
và trở ngại không hề nhỏ. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn
chế, yếu kém, lại phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động
của đại dịch và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Các thế lực thù địch tiếp
tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo vệ độc lập, chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng
với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất
lớn đối với nước ta trong thời gian tới. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam trong
thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là kết
quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện cụ thể của
Việt Nam, và tư tưởng của Người đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của
Đảng và dân tộc ta. Tại Đại hội VI (tháng 12-1986) - Đại hội khởi xướng công
cuộc đổi mới - Đảng đã nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững
bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý
báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tại Đại hội VII
(tháng 6-1991), thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội, Đảng ta lần đầu tiên đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào văn kiện và
khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền
tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”, và tổng kết thành bài học: “Điều
kiện cốt yếu để công cuộc đổi mới giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa và đi
đến thành công là trong quá trình đổi mới Đảng phải kiên trì và vận dụng sáng
tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đại hội IX của Đảng khẳng
định, những bài học đổi mới do các Đại hội VI, VII, VIII nêu lên, vẫn còn
nguyên giá trị, mà bài học hàng đầu vẫn là: “Trong quá trình đổi mới phải kiên
trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác -
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
X, XI, XII, XIII của Đảng tiếp tục khẳng định Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và
tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, vận dụng
sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Với giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh
tiếp tục soi đường, chỉ lối cho Đảng và dân tộc ta trên con đường đổi mới, cần
quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo và phát huy những giá trị to lớn trong tư
tưởng, đạo đức, phong cách đổi mới của Người với những nội dung cơ bản sau đây:
- Đổi mới phải kiên định, vững vàng và không ngừng sáng tạo
xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, hướng tới mục tiêu “dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Muốn đổi mới thắng lợi, phải
kiên định lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên định nền
tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định, vững
vàng, không dao động, “đổi mới” không “đổi màu”, không rơi vào giáo điều, bảo
thủ và phải không ngừng sáng tạo. Kết hợp tổng kết sâu sắc, toàn diện thực tiễn
đổi mới của đất nước với nắm bắt, dự báo chính xác những chuyển biến mau lẹ của
thời cuộc, những xu hướng phát triển mới của thế giới, cập nhật những tri thức
mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nhất là những thành tựu của cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư và những bài học thành công của các nước phù hợp
với điều kiện nước ta, không ngừng hoàn thiện đường lối đổi mới, làm cho đường
lối đổi mới phản ánh, giải quyết đúng những đòi hỏi khách quan của thực tiễn
đất nước; đồng thời, phù hợp với xu thế thời đại.
- Đổi mới, phát triển là một tiến trình vận động khách quan
của lịch sử, là nhu cầu, khát vọng của nhân loại. Toàn cầu hóa và
sự phát triển bùng nổ công nghệ thông tin, cùng hệ thống kết cấu hạ tầng toàn
cầu, làm cho các quốc gia ngày càng xích lại gần nhau, tùy thuộc lẫn nhau; hợp
tác và hội nhập quốc tế sâu rộng trở thành một xu thế lớn không thể đảo ngược.
Tư tưởng và sự chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự gắn bó chặt chẽ cách mạng
Việt Nam với cách mạng thế giới, về việc tăng cường hợp tác quốc tế, kết hợp
sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trên cơ sở hòa bình, hữu nghị, bình
đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi,.. vẫn còn nguyên vẹn giá trị định hướng
con đường đổi mới. Hội nhập nhưng phải giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tinh
thần tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính.
- Đổi mới là một quá trình
cách mạng lâu dài, gian khổ, muốn giành thắng lợi, Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng
viên của Đảng với tư cách là lực lượng lãnh đạo phải tự đổi mới, nêu gương đổi
mới, trước hết là đổi mới phong cách tư duy, phong cách lãnh đạo, để phát huy
đến mức cao nhất sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm
gương lớn, truyền lại bài học lớn về phong cách đổi mới; nhạy bén nắm bắt diễn
biến lịch sử, chủ động tranh thủ thời cơ, giữ vững nguyên tắc và mạnh dạn sáng
tạo, kịp thời đổi mới, gắn liền lý luận với thực tiễn.
- Đổi mới
phải gắn liền phát triển đồng bộ, toàn diện các mặt của đời sống xã
hội chính là sự nhận thức một cách đúng đắn về chủ nghĩa xã hội; về
con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng những hình thức, bước đi, biện
pháp phù hợp và có hiệu quả hơn. Công cuộc đổi mới cần tiến hành
một cách toàn diện, đồng bộ, từ nhận thức, tư duy đến hoạt
động thực tiễn, phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, trước hết là kinh
tế, đổi mới chính trị từ hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà
nước đến hoạt động cụ thể trong từng bộ phận của hệ thống chính trị. Phát triển
toàn diện các mặt của đời sống xã hội phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân
là gốc”, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi
nguồn lực của nhân dân theo tinh thần “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho
dân”.
- Nền tảng đạo đức của đổi mới là
lợi ích tối cao của dân tộc, của nhân dân, hạnh phúc của con người. Lấy độc lập
dân tộc, chủ quyền, thống nhất và sự giàu mạnh của quốc gia làm mục đích trên
hết, trước hết; lấy quyền làm chủ và lợi ích của nhân dân, sự phát triển toàn
diện và hạnh phúc của con người Việt Nam làm đạo lý đổi mới. Nhân dân là chủ
thể của đổi mới và là người thụ hưởng thành quả của đổi mới; con người là mục
tiêu và động lực của đổi mới. Đó chính là bản chất nhân đạo, nhân văn của đổi mới
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Đổi mới cần phát triển xã
hội theo hướng nhân văn, lấy con người làm trung tâm, xem phát triển con người
- cả cá nhân và cộng đồng - vừa là mục tiêu cao nhất vừa là động lực to lớn
nhất của tiến trình đổi mới ở nước ta. Phát triển xã hội đòi hỏi phải đáp ứng
ngày một tốt hơn những nhu cầu cơ bản trong đời sống vật chất và đời sống tinh
thần của con người. Trước hết, đó là những nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, phòng
chữa bệnh, xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái... bảo đảm cho con người có thể
sống như những sinh thể cấu thành xã hội. Những nhu cầu nêu trên không thể tự
thỏa mãn mà phải thông qua lao động sản xuất của chính con người để tạo ra của
cải vật chất. Tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế do đó có vai trò cực kỳ
quan trọng đối với sự phát triển xã hội.