Ngày 10/5/2024, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 213/TB- VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, trong đó có nội dung: “Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng theo đúng quy định pháp luật; quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định...; trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định”. Trong thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường nói chung và Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã tích cực thực hiện chỉ đạo của đ/c Phó thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường biện pháp quản lý thị trường vàng; thực hiện nghiêm các biện pháp nghiệp vụ giám sát chặt chẽ liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn. Tính từ đầu năm đến ngày 14/5/2024, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra 35 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn, phát hiện và xử lý 21 vụ vi phạm, tạm giữ 719 đơn vị sản phẩm các mặt hàng là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ (có một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu) với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng. Việc kiểm tra nhằm kiểm soát tình hình mua bán, kinh doanh trong bối cảnh giá vàng tăng cao, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tổ chức phản động “Việt Tân” đã lợi dụng điều này để xuyên tạc rằng “Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã ăn cướp trắng trợn đối với 35 cơ sở kinh doanh vàng trên, việc yêu cầu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ mặt hàng vàng là đánh đố dân và ngụy biện cho âm mưu chiếm đoạt tài sản của dân”. Đây là những luận điệu xuyên tạc, bởi vì:
Thứ nhất, tại Điều 8 Pháp lệnh Quản lý thị trường năm
2016 có quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường,
theo đó lực lượng Quản lý thị trường có chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp
luật của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi kiểm tra theo quy định; xử lý vi phạm
hành chính; thu thập tài liệu, chứng cứ, lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, tang vật,
phương tiện có dấu hiệu vi phạm, trưng cầu giám định, kiểm nghiệm mẫu vật là
hàng hóa, tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật của tổ
chức, cá nhân. Như vậy, việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng là đúng theo
chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường.
Thứ hai, việc yêu cầu các cơ sở kinh doanh vàng chứng
minh nguồn gốc hàng hóa không phải là một hành động "đánh đố dân",
đây là một biện pháp để đảm bảo mặt hàng vàng được bán ra thị trường là hợp
pháp và rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thứ ba, lập luận cho rằng việc yêu cầu chứng minh
nguồn gốc, xuất xứ của mặt hàng vàng là "ngụy biện cho âm mưu chiếm đoạt
tài sản của dân" là thiếu căn cứ. Thay vào đó, việc tăng cường quản lý nhà
nước đối với thị trường vàng góp phần ngăn chặn các hoạt động buôn lậu vàng, từ
đó bảo vệ tài sản và quyền lợi của người tiêu dùng. Việc tăng cường hoạt động
thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh vàng trong thời gian vừa qua
đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thị trường
vàng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tuyên truyền, răn đe các trường hợp
vi phạm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét