Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TRONG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ; TRỪ ĐIỂM, PHỤC HỒI ĐIỂM GIÁY PHÉP LÁI XE

 

Việt Nam là một quốc gia điển hình ở khu vực và trên thế giới về sử dụng xe mô tô, xe gắn máy khi chiếm khoảng 95% tổng số xe cơ giới. Đây là loại phương tiện đi lại được nhiều người dân lựa chọn bởi dễ sử dụng, khả năng cơ động và giá thành hợp lý. Bên cạnh những lợi ích mà xe mô tô, xe gắn máy mang lại thì hiện nay, tình hình trật tự an toàn giao thông đang có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ vẫn còn diễn ra phổ biến.

Với thực trạng vi phạm pháp luật trên lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đề xuất một số hành vi vi phạm được nêu tại Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe (GPLX).

Theo đó, Điều 30 của Dự thảo nêu rõ chế tài xử phạt hành vi sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; sản xuất, bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép như sau:

- Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20 - 24 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Phạt tiền từ 30 - 35 triệu đồng đối với cá nhân, từ 60 - 70 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm nêu trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu biển số, phương tiện sản xuất, lắp ráp trái phép. Đồng thời các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.

Dự thảo Nghị định cũng quy định việc trừ điểm GPLX. Đây là một điểm mới, phù hợp với thực tiễn, sự phát triển của đất nước. Dự thảo Nghị định quy định việc trừ điểm GPLX không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Có tổng cộng 189 hành vi, nhóm hành vi vi phạm bị trừ điểm GPLX. Hành vi vi phạm đã bị trừ điểm GPLX thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng GPLX. Quy định trừ điểm GPLX vừa mang tính chất răn đe, vừa mang tính chất giáo dục, động viên chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Khi GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe vẫn tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Quy định này thể hiện tính nhân văn của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, người dân cần chú ý đến số điểm còn lại của GPLX và 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ toàn bộ số điểm (12 điểm) của GPLX (khi bị trừ hết điểm của GPLX thì người có GPLX không được tham gia điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo GPLX đó).

Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe nhằm thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Những nội dung đề xuất của Dự thảo là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam. Qua đó góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét