Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

THẤY GÌ QUA SỰ VIỆC TÔM HÙM CHÉT HÀNG LOẠT TẠI NƠI ĐƯỢC MỆNH DANH LÀ “THỦ PHỦ TÔM HÙM”

 

Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên - vùng đất được mệnh danh “thủ phủ tôm hùm” bước vào mùa vụ nuôi trồng thuỷ sản với nhiều hy vọng khởi sắc phát triển về kinh tế biển nhưng cũng nhiều lo toan, canh cánh trước những tác động bất thường của thời tiết, khí hậu đến những vùng biển nuôi tôm, cá.

Vào giữa tháng 5/2024, tôm hùm ở khu vực đầm Cù Mông bất ngờ chết hàng loạt trong nhiều ngày, với khoảng gần 70 tấn tôm hùm, 30 tấn cá nuôi bị chết, trong đó nhiều nhất là thôn Vịnh Hòa, chưa kể thủy sản ngoài tự nhiên cũng bị chết nhiều, đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho người nuôi, nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh nợ nần điêu đứng.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn thì nguyên nhân là do: mật độ lồng nuôi quá dày, môi trường nuôi xấu kết hợp với diễn biến thời tiết nắng nóng oi bức, xuất hiện mưa dông; vùng nuôi nước bị phân tầng, tăng áp suất tầng đáy, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ, làm tiêu hao hàm lượng oxy hòa tan trong nước dẫn đến thủy sản nuôi bị chết; ngoài ra, có khả năng hàm lượng một số loại khí độc từ đáy đầm tăng đột ngột vượt ngưỡng (nước tại vùng nuôi có mùi thối nặng) cũng gây hiện tượng tôm hùm, cá bị chết... Qua đó, cho thấy nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc người dân nuôi tôm, cá tự phát theo kiểu “ai muốn nuôi thì thả nuôi”, không tuân theo quy hoạch bài bản và cũng không ai “tự giác kiểm soát, xử lý đối với lượng thức ăn, chất thải hàng ngày trên lồng bè nuôi.

Hiện tượng tôm, cá chết hàng loạt này không phải chỉ mới xảy ra, mà đã diễn ra từ nhiều năm trước và lặp lại hàng năm như một chu kỳ dù ít, dù nhiều. Đáng kể nhất là từ năm 2016, 2017, 2020, 2022 trên Vịnh Xuân Đài nhiều tôm nuôi trong các lồng bè cũng bất ngờ bị chết hàng loạt và gây thiệt hại vô cùng lớn cho người nuôi. Nguyên nhân được nhận định không khác gì những nguyên nhân nói trên, đáng lưu ý là những nguyên nhân xuất phát từ mật độ lồng cũng như mật độ con tôm trong lồng quá dày đặc; môi trường vùng nuôi đã bị ô nhiễm, tích tụ lượng lớn các chất hữu cơ; việc cắm cọc tre, sử dụng lốp xe để nuôi vẹm, hàu đã cản trở quá trình lưu thông nước, dẫn đến hiện tượng oxy trong nước rất thấp.

Tình trạng tôm hùm và các loài thuỷ sản khác chết hàng loạt diễn ra trong nhiều năm đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của người dân trong nghề, nhiều gia đình “bại sản” cũng từ đó; mặt khác cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của địa phương. Đã có không ít lần các đối tượng xấu với mục đích cản trở, chống đối chính quyền và việc hoạch định, triển khai chính sách phát triển kinh tế biển của địa phương đã lợi dụng sự việc tôm hùm chết để gây chia rẽ người dân với chính quyền địa phương, chúng đã xuyên tạc, tuyên truyền, lôi kéo, kích động người dân không ngừng nuôi tôm theo kiểu “tự phát”, “bất tuân” theo sự quản lý, hướng dẫn, định hướng, quy hoạch của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; chúng cho rằng chính quyền thiếu sự quan tâm, không tạo điều kiện, cản trở người dân làm ăn, nuôi trồng thuỷ sản; và khi người dân bị thiệt hại do tôm, cá chết thì chúng tiếp tục kích động người dân tụ tập đông người đòi chính quyền hỗ trợ thiệt hại không đúng theo quy định.

Việc người dân làm ăn phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản là điều đáng khích lệ với đặc điểm đặc thù của địa phương vùng biển như thị xã Sông Cầu, đúng với chủ trương, định hướng của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, mỗi người dân hãy suy ngẫm về nguyên nhân tôm hùm chết trong thời gian qua để cùng chung tay, đồng thuận với chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bố trí, quy hoạch vùng nuôi tôm hùm và tổ chức các hoạt động nuôi trồng một cách bài bản theo như chủ trương, định hướng, đề án, kế hoạch của tỉnh, thị xã và mỗi xã, phường đang triển khai. Có như vậy mới đảm bảo sự ổn định, phát triển kinh tế lâu dài, bền vững cho mỗi người dân làm nghề nuôi trồng thuỷ sản và sớm đưa thị xã Sông Cầu trở thành Thành phố trực thuộc tỉnh theo đúng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét