Đường lối “Ngoại giao cây tre” được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến lần đầu tiên tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, diễn ra từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 8 năm 2016 và thực sự trở thành đường lối ngoại giao đặc trưng, nổi bật của Việt Nam kể từ Hội nghị Đối ngoại toàn quốc diễn ra ngày 14 tháng 12 năm 2021. Hiện nay, “Ngoại giao cây tre” là thuật ngữ phổ biến khi nhắc đến nền ngoại giao Việt Nam, thể hiện rõ sự mạnh mẽ, tính linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên cường của đất nước, con người Việt Nam thông qua hình ảnh ẩn dụ cây tre: “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Từ xa xưa, cây tre đã là người bạn thân thiết trong đời sống của người Việt. Tre có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Về cấu tạo khoa học, tre thuộc loài cây thân cỏ có cấu trúc thân khá đặc biệt. Rễ tre là loại rễ chùm và mọc ra từ thân ngầm của tre giúp hút chất dinh dưỡng nuôi thân. Số lượng rễ có thể biến đổi theo điều kiện đất và kích thước, tuổi của cây tre. Thân ngầm đặc, thường nằm trong đất, là cơ quan phát rễ, có chức năng giữ cho cây đứng vững và cũng là cơ quan sinh sản của cây. Trên thân ngầm là thân chính, có nhiều lóng rỗng và đốt đặc. Mỗi lóng tre dài khoảng 40 đến 60cm. Tre là loài cực kỳ vững chãi trước mưa giông, bão lũ. Ở các làng quê Việt Nam vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước dày đặc những luỹ tre làng. Các lũy tre trồng dọc theo bờ sông, rễ đan vào nhau có tác dụng hạn chế xói lở đất, giảm tốc độ của dòng nước lũ đổ vào làng. Nếu có giông bão thì lũy tre làng lại làm nhiệm vụ giảm tốc dòng gió xoáy, tre vươn cao hơn các nóc nhà, thân tre dẻo dai, uốn lượn, che chở cho những nếp nhà tranh, mái lá đơn sơ.
Trong
tâm thức của người Việt, cây tre là hiện thân của thời kỳ lập quốc, gắn liền
với tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, tiêu biểu phải kể đến truyền
thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân. Như vậy, cây tre đã xuất hiện và gắn bó với
người Việt từ thời cổ đại hàng nghìn năm trước Công nguyên. Theo dòng lịch sử,
tre đánh giặc, gìn giữ quê hương “Gậy
tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại
bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”. Tre mọc thành cụm, thành lũy tượng trưng cho tính cộng đồng, lũy
tre làng bền chặt như sự đoàn kết, keo sơn, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc ta. Và
khi tre già măng mọc lại hàm chứa biểu trưng cho tính truyền thống, kế thừa
tiếp nối của các thế hệ người Việt.
Ngay từ những ngày đầu khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng tới đường lối ngoại giao của Việt Nam với
nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”,
mục tiêu là phải đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, độc lập, chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ. Qua hoạt động và chính sách đối ngoại, Người muốn gửi đến các
nước trên thế giới thông điệp khẳng định: Việt Nam là một nước độc lập, có
đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình và hữu nghị với các nước. Mặt
khác, Người kiên quyết chống những hành động nóng vội, ảo tưởng, trông chờ vào
sự giúp đỡ của bên ngoài, Người yêu cầu ngành ngoại giao phải luôn luôn khôn
khéo, tỉnh táo để có những đối sách thích hợp đảm bảo lợi ích của quốc gia, dân
tộc trước mắt và lâu dài.
Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến
nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, bên cạnh cơ
hội, thuận lợi, cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới. Cạnh tranh nước
lớn diễn ra gay gắt, nguy cơ chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột và tình hình
căng thẳng, bất ổn trên thế giới gia tăng; kinh tế thế giới phục hồi chậm, an
ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen ngày càng phức tạp. Trong bối
cảnh đó, hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên
tục trong những năm qua đã minh chứng cho uy tín, vị thế của Việt Nam trên
trường quốc tế; mạng lưới các mối quan hệ đối tác của Việt Nam tiếp tục được
củng cố và mở rộng, từng bước đi vào chiều sâu, gia tăng điểm đồng, đan xen lợi
ích; chúng ta đã thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới điển
hình như “CPTPP, EVFTA, RCEP, AFTA”. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính
thức với đủ 5 Ủy viên Thường trực và các thành viên của Liên hợp quốc; Kênh
Đảng, với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; Kênh Quốc hội, với hơn 140 nước; Kênh
nhân dân, với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam được
tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như: Hội đồng Nhân
quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, 2023 - 2025; Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO
nhiệm kỳ 2013 - 2017; Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) 2016
- 2018…. "Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và
vị thế quốc tế như ngày nay".
Những năm gần đây, các thế lực
thù địch và bọn phản động vẫn luôn âm mưu phủ nhận giá trị lịch sử và nhân văn
của “Ngoại giao cây tre Việt Nam”,
chúng thường xuyên đưa ra những luận điệu xuyên tạc, kích động, cho rằng đường
lối “ngoại giao cây tre” là “gió chiều nào theo chiều nấy”, “không có chính kiến, thiếu lập trường nhất
quán”, “bắt cá hai tay”. Chúng
lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội để lan truyền, đăng
tải nhiều thông tin sai sự thật, hạ thấp vị thế, uy tín nước ta trên trường
quốc tế, gây ra sự hiểu sai về đất nước, con người Việt Nam nhằm tìm cách cô
lập Việt Nam với thế giới.
Sinh ra và lớn lên trong hòa bình, nền hòa bình có
được từ biết bao xương máu, nước mắt, trí tuệ của người Việt Nam, thế hệ trẻ là
những búp măng non, những thân tre nhỏ sẽ dần thay thế, kế thừa thành tựu của
lớp cha ông đi trước; là thế hệ nắm giữ tương lai, vận mệnh của đất nước, dân
tộc. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, chúng
ta cần phải nhìn nhận rõ, luôn tự hào và tuyệt đối tin tưởng vào đường lối,
chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; tự giác học tập nâng cao trình độ
và trau dồi kiến thức thực tiễn, từ đó “tăng
cường sức đề kháng”, “miễn dịch”
của chính mình trước âm mưu của các thế lực thù địch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét