Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

BAN HÀNH LUẬT TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ LÀ CẦN THIẾT

 

Trong thời gian qua, Bộ Công an đã và đang tham mưu cho Chính phủ dự án Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) để trình cho Quốc hội trong các kỳ họp trên cơ sở tách Luật Giao thông đường bộ 2008 ra hành 02 Luật: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Việc ban hành Luật mới không phải là ý chí chủ quan của Bộ, Ngành nào mà xuất phát từ thực tiễn khách quan của đất nước trong từng giai đoạn, nhầm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ cho người dân.

 Thực tế, sau 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế không còn phù hợp với tình hình hiện nay thể hiện ở mấy điểm sau:           

Thứ nhất, các quy định về trật tự, an toàn giao thông trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện, cụ thể:

Quy tắc giao thông chủ yếu là luật hóa Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ nhưng việc cụ thể hóa các quy định của Công ước này trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa rõ, chưa đầy đủ và sát thực tiễn tình hình giao thông tại Việt Nam; Không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần bổ sung, như: Giải quyết tai nạn giao thông; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông; Chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về quản lý, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trung tâm chỉ huy, điều khiển giao thông và chưa xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác này, dẫn đến đầu tư ứng dụng công nghệ thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thứ hai, những tồn tại, hạn chế trong quy định về kết cấu hạ tầng giao thông

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định về chính sách về quy hoạch đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng... Thực tế cho thấy khi đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý như: Khi thực hiện không thể chỉ áp dụng Luật Giao thông đường bộ mà phải áp dụng nhiều luật khác nhau như: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đô thị, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật giá...., trong khi đó thực tiễn luật điều chỉnh hạ tầng đường bộ chưa thể chế đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, tổng kết thực tiễn để trở thành luật quan trọng nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ ba, những tồn tại, hạn chế, bất cập về kết cấu và về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước, cụ thể:

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật; việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương để gắn trách nhiệm, huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa rõ ràng dẫn đến việc tổ chức thực hiện của địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu tính chủ động vì phải chờ cơ quan trung ương, nhất là trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong khi đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã xác định: Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Từ những phân tích như trên, việc tách Luật Luật Giao thông đường bộ, xây dựng và ban hành 02 dự Luật, gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển với đầy đủ cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn.

 

 

BAN HÀNH LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ - YÊU CẦU CẤP BÁCH CỦA THỰC TIỄN

  

Từ trước đến nay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng) là lực lượng quan trọng trong phát động, thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, là lực lượng quản lý địa bàn dân cư, nắm tâm tư, nguyện vọng của quần chúng Nhân dân cơ sở, đặc biệt là hòa giải mâu thuẫn nảy sinh của người dân, ổn định tình hình ở khu vực. Với những địa bàn đặc thù như đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào giáo dân thì vai trò của lực lượng này càng được thể hiện rõ nét.


Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 46 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định các chức danh Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và được sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã cho đến khi có quy định mới. Theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 của Chính phủ, mức phụ cấp hằng tháng của lực lượng Công an xã bán chuyên trách do HĐND tỉnh quy định không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung. Như vậy, phụ cấp của lực lượng này so với mức chi phí sinh hoạt bình quân thì rất thấp trong khi tính chất, cường độ công việc rất căng thẳng, làm việc không kể ngày đêm.   

 Năm 2018, Bộ Công an triển khai Đề án Công an xã chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã đến tất cả các xã, thị trấn trên phạm vi cả nước. Qua hơn 03 năm triển khai, với sự tận tụy, nhiệt huyết của lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, lực lượng Công an xã đã có nhiều đóng góp trong bảo đảm ANTT, giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, không để phát sinh “điểm nóng” về ANTT.

Để có chính sách phù hợp cũng như những quy định chặt chẽ mang tính pháp quy về hoạt động, quản lý đối với lực lượng này theo quan điểm chỉ đạo của Đảng về phương châm “4 tại chỗ”, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ANTT, góp phần phòng, chống tội phạm thì cần thiết phải có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tạo hành lang pháp lý thống nhất, xuyên suốt trong công tác bảo đảm ANTT, từ đó phát huy tốt hơn vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần giữ vững bình yên và hạnh phúc cho Nhân dân tại địa bàn dân cư.

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

“VIỆT TÂN” LỢI DỤNG TÌNH HÌNH UKRAINE ĐỂ "BÌNH LOẠN", XUYÊN TẠC CHỐNG PHÁ VIỆT NAM

 

Thời gian qua, tình hình xung đột giữa Nga - Ucraina là một sự kiện chính trị làm ảnh hưởng toàn cầu, tác động đến cục diện chính trị thế giới. Cùng với đó, sự phát triển của Internet nhất là mạng xã hội đã tạo ra nhiều hiệu ứng trên không gian mạng liên quan đến xung đột giữa Nga - Ucraina. Nhiều báo, đài nước ngoài, các đối tượng chống đối nhân cơ hội này khai thác triệt để thông tin để “đánh bóng”, thêu dệt cho thêm phần “kịch tính”, như các trang của “Việt Tân”, chantroimoimedia hay BBC, RFA, RFI… Chúng giật tít, đưa ra các luận điệu như: “Việt Nam bỏ phiếu trắng là có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế sao”… “Ngoại giao Việt Nam liệu sẽ rơi tự do đến khi nào?”…


Chúng đã dùng thủ đoạn đưa tin khảo sát ý kiến cá nhân nhằm thăm dò, rồi cài người của mình vào để click lựa chọn theo ý chủ quan của chúng từ đó lấy cớ vu cáo “người dân ủng hộ đa số”, còn quan điểm của Nhà nước chỉ là thiểu số. Nhiều tài khoản Facebook tỏ ra “có hiểu biết” kiểu “chuyên gia” đưa ra những luận điệu xuyên tạc, chống phá Nhà nước ta trên không gian mạng. Nhưng thực chất những thành phần này thường có nhận thức lệch lạc, quy chụp, lộ rõ ý đồ chống phá Đảng và Nhà nước.

Vậy nên, khi tham gia mạng xã hội Facebook, mọi người cần phải cảnh giác trước những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, đặc biệt là trong tiếp nhận và truyền tải thông tin cho người khác, giữ vững niềm tin vào các chủ trương, đường lối và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam ta./.

 

 

LỪA ĐẢO QUA MẠNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG TRÁNH

  

Hiện nay, trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, số lượng người sử dụng mạng xã hội là rất lớn và đây được xem là mảnh đất màu mỡ để bọn tội phạm lợi dụng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách phòng tránh những mối nguy hại trên không gian mạng, chỉ một phút lơ là mất cảnh giác, người dùng có thể bị bốc hơi toàn bộ số tiền tiết kiệm trong các tài khoản ngân hàng hoặc dính bẫy đặt cọc mua hàng, đầu tư với mức lợi nhuận “trên trời”.

Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội phổ biến: (1) Thứ nhất, hack tài khoản ngân hàng, Facebook để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; (2) Thứ hai, lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng online; (3) Thứ ba, lừa đặt cọc mua hàng giá rẻ; (4) Thứ tư, lừa đầu tư tài chính với mức “siêu lợi nhuận”; (5) Thứ năm, giả danh lực lượng chức năng như Công an, Viện kiểm sát.


Để tránh bị mắc bẫy của bọn tội phạm, người dùng mạng xã hội cần:

(1) Tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân như ảnh thẻ, số CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản, mật khẩu, mã PIN đăng nhập, mã Smart OTP của các dịch vụ thanh toán trực tuyến lên các trang web không rõ nguồn gốc hoặc người không quen biết qua mạng internet.

(2) Luôn đề phòng, cảnh giác khi nhận các cuộc gọi, tin nhắn của người tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… tránh bị đưa vào thế hoang mang, bị động. Bởi căn cứ theo quy định của pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập đến công dân khi có nhu cầu làm việc để thu thập thông tin, làm rõ nội dung vụ việc.

(3) Tuyệt đối không tham gia đầu tư, mua bán trên mạng hoặc chuyển tiền cho những tài khoản ngân hàng không quen biết. Khi thấy các dấu hiệu đáng nghi ngờ như mức lợi nhuận cam kết cao bất thường thì thường có dấu hiệu lừa đảo. Khi đầu tư, phải kiểm chứng được đối tác của mình. Ngoài ra, khi làm cộng tác viên cho bất kỳ đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ nào, cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp để kiểm chứng tính xác thực, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

(4) Cảnh giác với các tin rao vặt, bán hàng trên không gian mạng, đặc biệt các mặt hàng có mức giá thấp, đánh vào tâm lý ham rẻ của người mua; nếu thực sự có nhu cầu mua bán, trao đổi thì hạn chế thanh toán, chuyển khoản toàn bộ giá trị mặt hàng qua ngân hàng cho người mà mình không quen biết, ưu tiên thanh toán sau khi nhận và kiểm tra chất lượng sản phẩm.

(5) Nếu nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn, tránh bị các đối tượng giả danh lợi dụng, thực hiện hành vi lừa đảo, đe dọa và chiếm đoạt tài sản, gây mất ANTT trên địa bàn.

 

Huy Hải

 

Cần tỉnh táo trước các luận điệu xuyên tạc!

 

Với những phát ngôn, hành động ngông cuồng của mình, việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giam là điều đã được dự báo từ trước. Vào ngày 24/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tiếp đến, ngày 22/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng về cùng tội danh trên. Vừa qua, Công an tỉnh Bình Dương đã có văn bản thống nhất với Công an TP Hồ Chí Minh và báo cáo Bộ Công an hướng nhập hồ sơ cho Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra, xử lý.

Tuy nhiên, trên một số diễn đàn mạng xã hội tiếp tục xuất hiện những thông tin gây nhiễu loạn, bịa đặt, xuyên tạc, "cổ súy" cho những việc làm sai trái của bà Nguyễn Phương Hằng. Tổ chức phản động “Việt Tân” đã đăng tải trên mạng xã hội Facebook cho rằng "bà Hằng đã bị bắt sai tội", đưa ra luận điệu hết sức lố bịch rằng: “Ở Việt Nam này luật pháp không tồn tại", “quyền tự do dân chủ bị bóp nghẹt”... Đây là một chiêu trò quen thuộc của “Việt Tân” nhằm bóp méo sự thật, xuyên tạc quyết định của cơ quan chức năng.


Trở lại vụ án liên quan đến bị can Nguyễn Phương Hằng, theo điều tra ban đầu, Công an TP Hồ Chí Minh xác định, từ tháng 3/2021 cho đến trước khi bị bắt tạm giam, bà Nguyễn Phương Hằng đã thông qua mạng xã hội đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân, gây bất bình dư luận. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo, răn đe nhưng bà Nguyễn Phương Hằng vẫn cố tình vi phạm. Ngày 08/4/2021, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã xử phạt hành chính đối với bà Hằng về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Do đó, việc khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Phương Hằng là tuân thủ theo quy định của pháp luật, không có chuyện cơ quan chức năng "bắt sai tội" hay “bóp nghẹt quyền tự do dân chủ” như luận điệu của Việt Tân và các đối tượng xấu.

Hiện nay, mạng xã hội ngày càng ph biến, lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, đối tượng chống đối đã và đang s dụng mạng xã hội với mục đích xấu, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ đoàn kết Nhân dân. Do đó, người dân khi sử dụng mạng xã hội cần thật sự tỉnh táo để tránh bị lôi kéo, kích động.

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

 

Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình đối với 02 quần đảo này phù hợp với luật pháp Quốc tế và được công nhận bởi hàng loạt các bằng chứng pháp lý và lịch sử.

Bộ sử “Đại Nam thực lục” là bộ sử lớn nhất của Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi chép nhiều tư liệu về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các hoạt động của Triều Nguyễn trong việc quản lý, khẳng định, thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này; trong “Chân bản Triều Nguyễn” các hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được phản ánh đậm nét. Ngoài ra, nhiều bản đồ của phương Tây từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 đều thể hiện bằng hình vẽ hoặc bằng ghi chú vị trí của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở trong vùng biển Việt Nam, ghi nhận hai quần đảo này là một phần lãnh thổ của Việt Nam.


Sau khi Đất nước hoàn toàn thống nhất vào năm 1975, Việt Nam luôn khẳng định nhất quán chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam ngày càng hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Lập trường này được thể hiện trong Tuyên bố 1977 về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Tuyên bố 1982 về đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của Việt Nam, Nghị quyết của Quốc hội năm 1994 phê chuẩn công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Nhà nước ta cũng trở thành thành viên của hàng loạt Điều ước liên quan đến biển và dại dương,...

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị vẫn xuyên tạc, tán phát tài liệu, hình ảnh sai trái, kích động về tình hình biển Đông nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, từ đó làm người dân hoang mang, hoài nghi, suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Mưu đồ sâu xa của chúng là thông qua vấn đề biển, đảo để chống phá chế độ, gây chia rẽ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thực hiện “diễn biến hòa bình”; chia rẽ quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước có liên quan.

Do dó, chúng ta cần bình tĩnh, sáng suốt, nhận diện, đấu tranh với những thông tin mà các thế lực thù địch lợi dụng tình hình phức tạp của Biển Đông để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào, là quyền lợi và trách nhiệm cao cả và thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam./.

S.C

NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH VỚI HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO TRÁI PHÁP LUẬT

 

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến các hoạt động tôn giáo, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và Hiến pháp, pháp luật. Quan điểm nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.

Những quan điểm nhất quán này đã được ghi nhận trong Hiến pháp, kể từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 2013. Ngày 18/11/2016, Luật tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, đây là sự cụ thể hóa quan điểm và chủ trương của Đảng về tôn giáo, thể hiện nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Cũng như tất cả các Quốc gia trên Thế giới, Việt Nam thực hiện quyền quản lý Nhà nước ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có tôn giáo. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt tôn giáo thì Nhà nước ta cũng phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và đặc biệt là các hoạt động lợi dụng tôn giáo vi phạm Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

          Tại Việt Nam, hiện có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp phép đăng ký hoạt động. Bên cạnh những tôn giáo đã được công nhận tư cách pháp nhân hoạt động thuần túy, hiện nay xuất hiện những tổ chức lợi dụng tôn giáo, nhất là một số hệ phái Tin lành chưa được Nhà nước công nhận, chưa được phép hoạt động vẫn âm thầm phát triển tín đồ, cơ sở và có nhiều hoạt động núp bóng, lợi dụng tôn giáo nhằm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

          Gần đây, vẫn chiêu bài cũ, các đối tượng tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, li khai... Các đối tượng FULRO lưu vong dựng lên tổ chức "Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên" và móc nối, lôi kéo quần chúng tín đồ, phát triển tổ chức trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại một số tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên. Hoạt động của tổ chức này chủ yếu sinh hoạt tôn giáo, lôi kéo, tập trung tín đồ là người đồng bào dân tộc thiểu số, lồng ghép tư tưởng hẹp hòi, li khai, tự trị để tập hợp lực lượng tiến tới gây rối, biểu tình, bạo loạn.


Do đó, ngoài việc tạo điều kiện cho nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân, Nhà nước ta luôn kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện nhũng hoạt động xâm phạm An ninh quốc gia. Đây là một yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa rất quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới./.

Chú cuội

 

 

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

SỰ CẦN THIẾT PHẢI SỬA ĐỔI LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ NĂM 2008

 

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được thông qua ngày 13/11/2008 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009. Sau hơn 13 năm thực hiện, Luật đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay như: Thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn để người tham gia tự giác thực hiện; không quy định đầy đủ về các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần bổ sung như giải quyết tai nạn giao thông, tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề an ninh trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông; cưỡng chế chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông… đòi hỏi khách quan phải ban hành những đạo luật mới thay thế, điều chỉnh chuyên sâu từng lĩnh vực.


Chính phủ đã thống nhất sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 theo hướng tách làm 2 luật mới là Luật Đường bộ do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng để trình Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua. Việc xây dựng và ban hành riêng biệt 02 luật sẽ mang lại lợi ích lớn cho Nhà nước và người dân, cụ thể:

Một là, thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đủ mạnh về cơ chế, chính sách trong đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ và các chính sách, biện pháp trong phòng ngừa, kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự, kỷ cương, an toàn giao thông, góp phần thúc đẩy, nâng tầm cả 2 lĩnh vực đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Hai là, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với lĩnh vực được phân công.

Ba là, phù hợp với quy luật phát triển và kinh nghiệm lập pháp trên thế giới và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học, là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển xã hội.