Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH VỚI HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO TRÁI PHÁP LUẬT

 

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến các hoạt động tôn giáo, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và Hiến pháp, pháp luật. Quan điểm nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.

Những quan điểm nhất quán này đã được ghi nhận trong Hiến pháp, kể từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 2013. Ngày 18/11/2016, Luật tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, đây là sự cụ thể hóa quan điểm và chủ trương của Đảng về tôn giáo, thể hiện nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Cũng như tất cả các Quốc gia trên Thế giới, Việt Nam thực hiện quyền quản lý Nhà nước ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có tôn giáo. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt tôn giáo thì Nhà nước ta cũng phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và đặc biệt là các hoạt động lợi dụng tôn giáo vi phạm Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

          Tại Việt Nam, hiện có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp phép đăng ký hoạt động. Bên cạnh những tôn giáo đã được công nhận tư cách pháp nhân hoạt động thuần túy, hiện nay xuất hiện những tổ chức lợi dụng tôn giáo, nhất là một số hệ phái Tin lành chưa được Nhà nước công nhận, chưa được phép hoạt động vẫn âm thầm phát triển tín đồ, cơ sở và có nhiều hoạt động núp bóng, lợi dụng tôn giáo nhằm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

          Gần đây, vẫn chiêu bài cũ, các đối tượng tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, li khai... Các đối tượng FULRO lưu vong dựng lên tổ chức "Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên" và móc nối, lôi kéo quần chúng tín đồ, phát triển tổ chức trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại một số tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên. Hoạt động của tổ chức này chủ yếu sinh hoạt tôn giáo, lôi kéo, tập trung tín đồ là người đồng bào dân tộc thiểu số, lồng ghép tư tưởng hẹp hòi, li khai, tự trị để tập hợp lực lượng tiến tới gây rối, biểu tình, bạo loạn.


Do đó, ngoài việc tạo điều kiện cho nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân, Nhà nước ta luôn kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện nhũng hoạt động xâm phạm An ninh quốc gia. Đây là một yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa rất quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới./.

Chú cuội

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét