Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

SỰ CẦN THIẾT PHẢI SỬA ĐỔI LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ NĂM 2008

 

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được thông qua ngày 13/11/2008 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009. Sau hơn 13 năm thực hiện, Luật đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay như: Thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn để người tham gia tự giác thực hiện; không quy định đầy đủ về các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần bổ sung như giải quyết tai nạn giao thông, tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề an ninh trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông; cưỡng chế chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông… đòi hỏi khách quan phải ban hành những đạo luật mới thay thế, điều chỉnh chuyên sâu từng lĩnh vực.


Chính phủ đã thống nhất sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 theo hướng tách làm 2 luật mới là Luật Đường bộ do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng để trình Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua. Việc xây dựng và ban hành riêng biệt 02 luật sẽ mang lại lợi ích lớn cho Nhà nước và người dân, cụ thể:

Một là, thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đủ mạnh về cơ chế, chính sách trong đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ và các chính sách, biện pháp trong phòng ngừa, kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự, kỷ cương, an toàn giao thông, góp phần thúc đẩy, nâng tầm cả 2 lĩnh vực đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Hai là, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với lĩnh vực được phân công.

Ba là, phù hợp với quy luật phát triển và kinh nghiệm lập pháp trên thế giới và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học, là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển xã hội.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét