Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

BAN HÀNH LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ - YÊU CẦU CẤP BÁCH CỦA THỰC TIỄN

  

Từ trước đến nay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng) là lực lượng quan trọng trong phát động, thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, là lực lượng quản lý địa bàn dân cư, nắm tâm tư, nguyện vọng của quần chúng Nhân dân cơ sở, đặc biệt là hòa giải mâu thuẫn nảy sinh của người dân, ổn định tình hình ở khu vực. Với những địa bàn đặc thù như đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào giáo dân thì vai trò của lực lượng này càng được thể hiện rõ nét.


Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 46 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định các chức danh Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và được sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã cho đến khi có quy định mới. Theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 của Chính phủ, mức phụ cấp hằng tháng của lực lượng Công an xã bán chuyên trách do HĐND tỉnh quy định không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung. Như vậy, phụ cấp của lực lượng này so với mức chi phí sinh hoạt bình quân thì rất thấp trong khi tính chất, cường độ công việc rất căng thẳng, làm việc không kể ngày đêm.   

 Năm 2018, Bộ Công an triển khai Đề án Công an xã chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã đến tất cả các xã, thị trấn trên phạm vi cả nước. Qua hơn 03 năm triển khai, với sự tận tụy, nhiệt huyết của lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, lực lượng Công an xã đã có nhiều đóng góp trong bảo đảm ANTT, giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, không để phát sinh “điểm nóng” về ANTT.

Để có chính sách phù hợp cũng như những quy định chặt chẽ mang tính pháp quy về hoạt động, quản lý đối với lực lượng này theo quan điểm chỉ đạo của Đảng về phương châm “4 tại chỗ”, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ANTT, góp phần phòng, chống tội phạm thì cần thiết phải có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tạo hành lang pháp lý thống nhất, xuyên suốt trong công tác bảo đảm ANTT, từ đó phát huy tốt hơn vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần giữ vững bình yên và hạnh phúc cho Nhân dân tại địa bàn dân cư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét