Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

 

Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình đối với 02 quần đảo này phù hợp với luật pháp Quốc tế và được công nhận bởi hàng loạt các bằng chứng pháp lý và lịch sử.

Bộ sử “Đại Nam thực lục” là bộ sử lớn nhất của Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi chép nhiều tư liệu về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các hoạt động của Triều Nguyễn trong việc quản lý, khẳng định, thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này; trong “Chân bản Triều Nguyễn” các hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được phản ánh đậm nét. Ngoài ra, nhiều bản đồ của phương Tây từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 đều thể hiện bằng hình vẽ hoặc bằng ghi chú vị trí của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở trong vùng biển Việt Nam, ghi nhận hai quần đảo này là một phần lãnh thổ của Việt Nam.


Sau khi Đất nước hoàn toàn thống nhất vào năm 1975, Việt Nam luôn khẳng định nhất quán chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam ngày càng hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Lập trường này được thể hiện trong Tuyên bố 1977 về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Tuyên bố 1982 về đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của Việt Nam, Nghị quyết của Quốc hội năm 1994 phê chuẩn công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Nhà nước ta cũng trở thành thành viên của hàng loạt Điều ước liên quan đến biển và dại dương,...

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị vẫn xuyên tạc, tán phát tài liệu, hình ảnh sai trái, kích động về tình hình biển Đông nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, từ đó làm người dân hoang mang, hoài nghi, suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Mưu đồ sâu xa của chúng là thông qua vấn đề biển, đảo để chống phá chế độ, gây chia rẽ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thực hiện “diễn biến hòa bình”; chia rẽ quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước có liên quan.

Do dó, chúng ta cần bình tĩnh, sáng suốt, nhận diện, đấu tranh với những thông tin mà các thế lực thù địch lợi dụng tình hình phức tạp của Biển Đông để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào, là quyền lợi và trách nhiệm cao cả và thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam./.

S.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét