Trong thời gian
qua, Bộ Công an đã và đang tham mưu cho Chính phủ dự án Luật trật tự an toàn
giao thông đường bộ (TTATGT) để trình cho Quốc hội trong các kỳ họp trên cơ sở
tách Luật Giao thông đường bộ 2008 ra hành 02 Luật: Luật Trật tự, an toàn giao
thông đường bộ và Luật Đường bộ. Việc ban hành Luật mới không phải là ý chí chủ
quan của Bộ, Ngành nào mà xuất phát từ thực tiễn khách quan của đất nước trong
từng giai đoạn, nhầm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ cho người dân.
Thực tế, sau 13 năm thực hiện Luật Giao thông
đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế không còn phù hợp với
tình hình hiện nay thể hiện ở mấy điểm sau:
Thứ nhất, các quy định về trật tự, an toàn giao thông
trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện, cụ thể:
Quy tắc giao thông chủ yếu là luật hóa Công ước Viên năm 1968 về
Giao thông đường bộ nhưng việc cụ thể hóa các quy định của Công ước này trong
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa rõ, chưa đầy đủ và sát thực tiễn tình
hình giao thông tại Việt Nam; Không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo
đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần bổ
sung, như: Giải quyết tai nạn giao thông; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao
thông, giải quyết ùn tắc giao thông; Chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về quản
lý, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường
bộ, trung tâm chỉ huy, điều khiển giao thông và chưa xác định cơ quan chịu
trách nhiệm chính trong công tác này,
dẫn đến đầu tư ứng dụng công nghệ thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu trong
tình hình mới.
Thứ hai, những tồn tại, hạn chế trong quy định về kết cấu
hạ tầng giao thông
Luật Giao thông
đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định về chính sách về quy hoạch đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như cơ
chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ
tầng... Thực tế cho thấy khi đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý
như: Khi thực hiện không thể chỉ
áp dụng Luật Giao thông đường bộ mà phải áp dụng nhiều luật khác nhau như: Luật Đất đai, Luật Đấu
thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư
theo phương thức đối tác công tư, Luật Đô thị, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật giá...., trong khi đó thực tiễn luật điều chỉnh hạ tầng
đường bộ chưa thể chế đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, tổng kết thực tiễn để
trở thành luật quan trọng nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ
ba, những tồn tại, hạn chế, bất cập về kết cấu và về phân công, phân cấp trách
nhiệm quản lý nhà nước, cụ thể:
Luật Giao thông
đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm
chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và
cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật; việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính
quyền địa phương để gắn trách nhiệm, huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa rõ
ràng dẫn đến việc tổ chức thực hiện của địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng
mắc, thiếu tính chủ động vì phải chờ cơ quan trung ương, nhất là trong đầu tư,
xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong khi đó, Nghị
quyết số 18-NQ/TW,
ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã xác định: Một
cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao một cơ quan chủ
trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.
Từ những phân tích như trên, việc tách Luật Luật Giao thông đường bộ, xây
dựng và ban hành 02 dự Luật, gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và
Luật Đường bộ là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp
với quy luật phát triển với đầy đủ cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét