Thứ Hai, 5 tháng 2, 2024

CẦN LÊN ÁN SỰ PHÂN BIỆT VÙNG MIỀN TRÊN MẠNG XÃ HỘI

 

Những ngày gần đây, thực trạng phân biệt vùng miền lại xuất hiện tràn lan trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Đáng buồn hơn, “vấn nạn” này được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ “đua” theo và coi như là một trào lưu mới, một cách giải trí tai hại.

Phân biệt vùng miền không phải là một hiện tượng mới, đây là một vấn đề phổ biến trong xã hội cả nước. Hành động này đe doạ phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là nguyên nhân, điều kiện tạo ra những bất ổn, kích động tư tưởng ly khai, tự trị… là cơ hội cho các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Thời gian gần đây, câu chuyện phân biệt vùng miền lại “nóng” trở lại khi xuất hiện nhiều hội, nhóm được lập ra trên các trang mạng xã hội với nội dung phân biệt vùng miền, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Không quá khó để người dùng tìm kiếm trên nền tảng ứng dụng Facebook các hội, nhóm kiểu này như “Hội ghét người Thanh Hoá”, “Hội những người ghét thành phố Hà Nội”, “Hội ghét dân Bắc Kỳ”… những trang này thu hút hàng ngàn người tham gia, bình luận với những lời lẽ xúc phạm một cách vô văn hoá, dung tục. Những hội, nhóm này vô hình chung tạo ra những suy nghĩ lệch lạc trong một bộ phận người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay. Sự tồn tại của những hội, nhóm này khiến dư luận bức xúc. Những bình phẩm miệt thị, phán xét từ mạng xã hội đã trở thành một xu hướng giao tiếp trong đời sống khiến cho nhiều bạn trẻ phải đối diện với vô số lời trêu đùa, chế nhạo về quê hương của mình. Các cơ quan báo chí cũng như cơ quan chức năng đã vào cuộc đưa tin, phân tích đúng sai, cảnh báo tác hại từ hành động này. Tuy vậy, sự ra đời của những hội, nhóm này cho thấy thực tế sự kì thị vùng miền vẫn còn âm ỉ trong một bộ phận người có nhận thức kém, còn nặng tư tưởng cục bộ, vùng miền, dễ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật.

Dù là vô tình hay cố ý thì những trào lưu phân biệt vùng miền, những lời nói châm chọc, mỉa mai đều đáng lên án. Người có hành vi này tuỳ theo mức độ mà hành vi phân biệt, miệt thị vùng miền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá hoại chính sách đại đoàn kết theo Điều 116 hoặc về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

“Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu” là cách mà nhiều người đã và đang thực hiện để chung tay đẩy lùi hành vi phản cảm, những trào lưu tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý, tư duy, lối sống của giới trẻ trên các trang mạng xã hội. Thay vì theo những trào lưu tiêu cực, các bạn trẻ hãy thông tin, chia sẻ về những hình ảnh, video tích cực về các vùng miền để phản bác lại những luận điệu chia rẽ để chứng tỏ nơi đâu mình sống cũng là quê hương.

Vì vậy, mọi người hãy nâng cao tinh thần cảnh giác, có thái độ, ý thức trách nhiệm với từng bình luận, nút like, share của mình, góp phần tạo ra một môi trường mạng xã hội văn minh, lành mạnh, nơi mọi người cùng nhau chia sẻ, lan toả những thông điệp tốt đẹp. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ nhận thức để có thái độ tích cực, đánh giá khách quan với những vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm của đất nước, nhằm tẩy bỏ chủ nghĩa cá nhân, cục bộ… Qua đó củng cố khối “đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế”, giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phồn vinh./.

                                                                                      Quyết Thắng







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét