Thực phẩm là nguồn cung cấp dưỡng chất không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Thực phẩm phong phú, đa dạng, có thể là thức ăn, nước uống; thậm chí còn bao hàm cả những dạng thuốc bổ sung chất cho cơ thể. Tuy nhiên, vấn nạn lớn con người đang phải đối mặt hiện nay là thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng. Chính vì vậy, An toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề lớn, được xã hội quan tâm; khi ngày càng có nhiều người mắc phải các bệnh do ăn phải thực phẩm bẩn và kém chất lượng. Theo số liệu thống kê thì trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện gần 30.000 trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vốn dĩ, việc sử dụng các loại thực phẩm bẩn, dư thừa hàm lượng hóa chất, thuốc trừ sâu hay chất bảo quản trong chế biến một cách không kiểm soát sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đang là một trong những nước có tỉ lệ ung thư tăng cao nhất trên thế giới, trong đó nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ thực phẩm bẩn.
Ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe, việc tiêu thụ thực phẩm bẩn tràn lan sẽ gây ra nhiều tác hại đến sự phát triển của ngành nông nghiệp trong nước, giảm thiểu sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, khiến người tiêu dùng quay mặt với các sản phẩm nội địa, làm giảm năng lực cạnh tranh xuất khẩu trên toàn thế giới. Hệ quả lâu dài của việc này sẽ gây tổn thất lớn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, có một thực trạng đang tồn tại là vấn nạn thực phẩm bần vẫn len lỏi vào trong từng bữa ăn, đều xuất phát từ các nguyên nhân sau:
- Do "mờ mắt" với nguồn lợi nhuận cao nên một số nhà sản xuất, đơn vị phân phối và tiểu thương kinh doanh sẵn sàng tiếp tay cho thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi, vì tiền bạc sẵn sàng đánh đổi tính mạng và sức khỏe của người khác để kiếm lời. - Chính là sự ham rẻ, thiếu hiểu biết của người tiêu dùng đã tạo điều kiện thuận lợi cho thực phẩm bẩn tồn tại.
Do vậy, để giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn như hiện nay, thì Nhà nước, chính quyền địa phương, nhà sản xuất và người tiêu dùng nên đẩy mạnh việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, như:
- Đối với Nhà nước cần điều chỉnh các văn bản luật:
+ Quy định có liên quan đến VSATTP cho phù hợp với tình hình đất nước; khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước về những văn bản pháp luật liên quan đến ATTP;
+ Bên cạnh đó, cần đề ra những chính sách nhằm ngăn chặn các sản thực phẩm nguy hại từ bên ngoài vào nước ta; gây những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân;
+ Các cơ quan thẩm quyền liên quan cần phải tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của tất cả cơ sở sản xuất kinh doanh (chăn nuôi, giết mổ động thực vật, trồng trọt, cơ sở chế biến,...), xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng vi phạm VSATTP.
- Đối với Nhà sản xuất:
+ Cần phải có những biện pháp để hỗ trợ sản xuất sạch phát triển; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn được cơ quan chức năng đánh giá, chứng nhận.
+ Nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh; tránh vì lợi ích riêng hay mục đích lợi nhuận mà gây ảnh hưởng xấu đến phía người tiêu dùng cũng như gây ảnh hưởng đến toàn xã hội.
- Về phía người tiêu dùng:
+ Cần nâng cao hiểu biết về chất lượng hàng hóa, đặc biệt chất lượng các loại thực phẩm.
+ Thận trọng trong việc lựa chọn thực phẩm để đảm bảo vệ sinh, rõ nguồn gốc, tránh mua những thực phẩm kém chất lượng, gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. + Có trách nhiệm tổ giác những hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết, xử lý kịp thời.
Giải quyết vấn đề thực phẩm bẩn không phải một sớm một chiều mà rất cần sự chung tay góp sức từ mỗi người; mỗi chúng ta hãy tự học cách trở thành người tiêu dùng khôn ngoan, bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân. Nếu mỗi chúng ta nâng cao nhận thức và sống vì lợi ích chung, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn, sức khỏe con người cũng sẽ được nâng cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét