Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Đạo đức người làm báo - một vấn đề luật định

Cùng với hệ thống nguyên tắc, quy tắc chuẩn mực đạo đức chung của xã hội, mỗi nghề nghiệp xã hội lại có các chuẩn mực đạo đức chuyên biệt đòi hỏi người làm nghề phải tuân thủ nhằm bảo đảm nghề nghiệp luôn có ý nghĩa xã hội, con người. Từ vai trò, phạm vi ảnh hưởng, từ tác động,… của báo chí mà đạo đức người làm báo, đã trở thành một yếu tố không chỉ giúp nâng cao chất lượng báo chí, mà còn cấu thành nên uy tín của báo chí, lòng tin của xã hội và bạn đọc.
Về đạo đức người làm báo, Điều 15 (Quyền và nghĩa vụ của nhà báo) Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999 đã đưa ra các tiêu chí cụ thể, Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) hoàn chỉnh nội dung này tại khoản 3 Điều 25 (Quyền và nghĩa vụ của nhà báo) khẳng định nhà báo phải “a. Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; b. Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm; c. Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật; d. Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; đ. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật; e. Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Các nội dung kể trên cũng là các vấn đề được Hội Nhà báo Việt Nam hết sức quan tâm, đã thể hiện qua việc ban hành Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, trong đó Điều 3 khẳng định mỗi người làm báo Việt Nam cần phải luôn “Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”.
Xem xét trong tính hệ thống và mối liên quan chặt chẽ, sẽ thấy: nếu Điều 16 (Hội Nhà báo Việt Nam) Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999 có nội dung ngắn gọn: “Hội Nhà báo Việt Nam có quyền và nghĩa vụ tham gia xây dựng và góp phần thực hiện chính sách thông tin - báo chí; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo” thì khoản 2 Điều 8 (Hội Nhà báo Việt Nam), Luật Báo chí năm 2016 quy định rất cụ thể: “Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; b. Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; c. Tham gia ý kiến xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển báo chí, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; d. Tham gia thẩm định sản phẩm báo chí khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đ. Bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí cho hội viên; e. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí; g. Tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật; h. Tổ chức giải báo chí để tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao, có hiệu quả xã hội tích cực”. Như vậy, có thể thấy, với điểm b khoản 2 Điều 8 Luật Báo chí năm 2016, thì việc Hội Nhà báo Việt Nam: “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” là yêu cầu luật pháp, bắt buộc với mọi người làm báo, không phân biệt người có Thẻ Nhà báo hay không có Thẻ Nhà báo. Đây là điều hết sức cần thiết, nhất là khi tình trạng thiếu đạo đức nghề nghiệp của một số người làm báo, mà nổi lên trong đó là việc khai thác thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, không kiểm chứng để đăng tải, bình luận trên báo chí và gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín báo chí.
Trên thế giới, từ sự thiếu thận trọng trong khi khai thác thông tin từ mạng xã hội mà một số tờ báo phải nhận lấy hậu quả tai hại. Gần đây nhất, ngày 12-6-2016 New York Times (Thời báo Niu-Ooc) và một số hãng tin vướng một scandal vì dựa vào nguồn tin từ twitter để đăng tải hình ảnh một người đàn ông được cho là nạn nhân trong vụ xả súng tại Florida (Phờ-lo-ri-đa - Mỹ) nhưng anh ta vẫn sống và làm việc tại Mê-hi-cô; bi hài hơn là vừa qua trên một số báo, người đàn ông này lại tiếp tục trở thành “nạn nhân” trong vụ khủng bố tại sân bay Ataturk (A-ta-tuc - Thổ Nhĩ Kỳ)! Nên không ngẫu nhiên, ngày 12-10-2015, qua bài Năm trong số những kẻ gian dối nhất trên Facebook từng bắt gặp (5 of the best times cheaters were caught on Facebook) đăng trên The Sun, phóng viên N. Keegan (N. Ki-gân) phân tích kỹ lưỡng về các mánh khóe lừa bịp phổ biến trên mạng xã hội nói chung, facebook nói riêng. Ở Việt Nam, nhiều hiện tượng tương tự đã xảy ra, làm rối loạn nhận thức và hành động của người tiếp xúc thông tin, xúc phạm danh dự người đề cập. Như sau khi kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016 công bố trên phương tiện truyền thông, một số tờ báo có bài “soi điểm thi” của các hotgirl, hotboy, hiện tượng mạng… Đây là việc rất bình thường, vì nếu muốn “đại diện cho giới trẻ”, các gương mặt trên còn cần sở hữu tài năng, nhân cách,… mà có thể xem điểm số kỳ thi là một tiêu chí để đánh giá. Tuy nhiên, có người làm báo đi quá xa, nhân chuyện điểm số để bới móc chuyện đời tư. Hai facebooker MT, LHTT không hề quen biết PTLT, chỉ dựa trên đồn thổi vô căn cứ, đã bịa ra chuyện PTLT (một gương mặt nổi bật về thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa ở một trường trung học phổ thông chuyên nổi tiếng) tốt nghiệp với điểm trung bình khá, gian lận trong học tập, thi cử, ăn cắp chất xám, là nguyên nhân gây nên cái chết của một học sinh khác! Song dựa vào đó và không kiểm chứng, một số trang điện tử đăng tải, chia sẻ bài Xôn xao vì “hotgirl thụ tinh ống nghiệm” đạt huy chương vàng môn Sử nhưng thi TN chỉ... 3,75 điểm thuật lại chuyện bịa đặt hết sức xấu xa của MT và LHTT, đưa tới một làn sóng “khủng bố” trang facebook cá nhân của PTLT. Dòng trạng thái được PTLT chia sẻ ngày 18-7-2016 có đến 165 bình luận từ những người thiếu lương tâm với nội dung công kích, xúc phạm. Trên facebook của học sinh quá cố TGK, người bạn cùng PTLT đã sáng tạo máy phát hiện đột quỵ, cũng bị hàng nghìn facebooker vào quấy rối. Cáo buộc như vậy hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, tương lai của một nữ sinh 18 tuổi cùng thầy, cô giáo của trường trung học phổ thông nọ. Gặp phản ứng từ phía học sinh khác cùng việc PTLT đưa ra những bằng chứng lật tẩy trò dối trá và bịa đặt, MT và LHTT lẳng lặng rút bài xuống.
Sự việc trên gợi nhớ chuỗi các sai lầm của các báo điện tử do khai thác thông tin sai sự thật công bố tại tài khoản cá nhân trên facebook. Cụ thể, 17 giờ 55 phút ngày 13-7-2016 một trang mạng đăng bài Câu chuyện cô gái đòi mẹ mua xe máy đắt tiền gây bất bình; tới sáng ngày 14-7-2016 thì nhiều trang mạng chia sẻ bài trên fanpage của họ. Nội dung bài viết khai thác từ bức ảnh và bình luận của một facebooker sau khi anh ta “thấy” một nữ sinh đòi mẹ mua xe máy đắt tiền; trong khi sự thật thì cô gái này có công việc, thu nhập ổn định, cô muốn người mẹ đi cùng để chọn lựa một chiếc xe phù hợp và tác giả HT tường thuật câu chuyện trên mà không kiểm chứng. Sau 45 phút, fanpage của trang mạng công bố bài báo khơi mào xuất hiện bài Cô gái đòi mẹ mua xe đắt tiền: “Mình rất bức xúc” đính chính sự việc trên nhưng không gỡ bài viết cũ hoặc có lời xin lỗi nạn nhân và độc giả, để làn sóng “ném đá” tiếp tục kéo dài đến hết ngày 14-7-2016! Tương tự là nhiều sự kiện xảy ra trên nhiều trang mạng khác, như: tháng 8-2014, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) xử phạt vi phạm hành chính với một số báo chí đã đăng bài Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa vốn là trò đùa thiếu văn hóa của một facebooker; ngày 12-7-2016 chuyện bịa đặt “bố từ quê lên Hà Nội đi hát và tìm thấy con gái đang làm việc trong một quán karaoke” do thành viên trên fanpage beatvn đăng tải; tháng 6-2016, sự việc “con gái không cho mẹ ăn bún” là sự bịa đặt của facebooker ML; tháng 3-2016, một số trang tin đăng chuyện “con trai đánh cha ở Hải Dương” và công an phải triệu tập người chụp ảnh, đưa tin lên facebook không đúng sự thật, ảnh hưởng đến danh dự của gia đình được đề cập; tháng 1-2016, một trò đùa của người em dâu, hai người phụ nữ bỗng trở thành “đối tượng người Trung Quốc chuyên bắt cóc trẻ con” và bị truy lùng trên mạng xã hội; tháng 5-2015, nhiều tờ báo đăng tin “cô gái nhận đứa con của người cha nghi là tử tù” trước khi phát hiện đối tượng này nói dối!... Đáng nói là trong rất nhiều trường hợp người viết báo và đơn vị truyền thông sai phạm lại tỏ ra như vô can, dù việc cải chính trên báo chí đã được quy định trong Điều 9 Luật Báo chí sửa đổi và bổ sung năm 1999. Nên không ngẫu nhiên thống kê cho thấy trong tổng số 5.144 người đã thực hiện đánh giá fanpage một báo điện tử đông người đọc ở Việt Nam có tới 75% số người chỉ cho 1 điểm kèm theo các nhận xét: “cần đăng bài nội dung sát với thực tế và chủ yếu là tin có giá trị, không biên tập sơ sài đăng những bài vớ vẩn kiếm lượt thích (like) lượt chia sẻ (share)”; “thông tin không đa chiều, làm báo mà đưa thông tin như thế này là không có lương tâm”; “thông tin ngày càng nhảm nhí”…! Với Điều 42 Luật Báo chí năm 2016 (Cải chính trên báo chí), hiện tượng này cần giải quyết triệt để, nhằm giữ gìn sự lành mạnh của báo chí.
Theo TS Lê Thanh Thập: “Đạo đức nghề nghiệp là một nhánh trong hệ thống đạo đức xã hội, là một loại đạo đức đã được thực tiễn hóa. Lương tâm nghề nghiệp là sự tự phán xét, tự ý thức về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp. Nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp và lương tâm nghề nghiệp có quan hệ mật thiết với nhau. Đánh mất ý thức về nghĩa vụ đạo đức là đánh mất ý thức về bản thân mình, làm mất ý nghĩa làm người cũng như giá trị động lực của lao động”, thiết nghĩ đây là điều mà mỗi người làm báo cần quan tâm, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, làm hình thành nên nhân cách nghề nghiệp của mỗi người, hướng ngòi bút tới những giá trị nhân văn, hữu ích cho xã hội, cho con người và vì con người.
VIỆT QUANG

Bảo đảm thông tin trung thực, lành mạnh

Gần đây, hiện tượng viết và đăng tải các thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, xâm phạm đời tư của người khác, hoặc quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa,... của một số nhà báo và địa chỉ truyền thông đã ảnh hưởng tới sinh kế của nhiều người dân, khiến không ít bạn đọc hoang mang, suy giảm niềm tin đối với báo chí. Theo Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), những sai phạm như vậy sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp trong lĩnh vực truyền thông, Luật Báo chí năm 2016 đã kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều khoản mới (như tăng thêm 25 Điều, có 32 Điều xây dựng mới, 29 Điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành), từ đó xây dựng mối tương thích với các luật liên quan, bảo đảm tính khả thi trong thực tế. Như các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí được quy định chi tiết, cụ thể tại Điều 9 (Các hành vi bị nghiêm cấm). Đáng chú ý, tại các khoản 6, 7, 8, 9, 10 Điều 9 đã bổ sung một số hành vi bị cấm, cụ thể: “6. Thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng; 7. Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; 8. Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án; 9. Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; 10. In, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính”.
Cần khẳng định rằng, Luật Báo chí năm 2016 đã kịp thời nắm bắt sự phát triển các loại hình báo chí, nhất là báo điện tử được đề cập rất cụ thể, từ đó đề ra biện pháp xử lý vi phạm triệt để hơn, như: Ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát; cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm. Bên cạnh cải chính, xin lỗi công khai, tùy mức độ vi phạm, các cơ quan báo chí còn có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Xét từ thực tế hoạt động báo chí, các quy định nêu trên là hết sức cần thiết, vì các năm gần đây, việc vi phạm các quy định này có chiều hướng gia tăng, và ảnh hưởng, tác động tiêu cực tới xã hội nói chung, và tới người liên quan nói riêng. Thí dụ gần đây là cuối tháng 4-2016, người dân Hà Nội đã không khỏi hoang mang trước thông tin đăng trên một số tờ báo về việc phát hiện có thủy ngân bay lơ lửng trong không khí. Chỉ căn cứ vào số liệu từ một đại sứ quán cung cấp về chỉ số chất lượng không khí hằng ngày (AQI) đạt mức 388 điểm (mức nguy hiểm) mà các báo này đã so sánh mức độ ô nhiễm ở Hà Nội với thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới là Bắc Kinh (chỉ số AQI: 119 đến 430) và kết luận mức độ ô nhiễm của Hà Nội thậm chí còn cao hơn Bắc Kinh! Thông tin nêu trên lập tức lan truyền trên mạng, gây bấn loạn không nhỏ trong đời sống cư dân, vì thủy ngân là chất cực độc, có thể dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa, gây tác hại lên hệ thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, làm suy giảm trí nhớ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Trên một số diễn đàn, nhiều người đã bày tỏ nỗi lo âu, sợ hãi, đồng thời nảy sinh tâm lý không dám đi ra đường. Thậm chí có người còn liên hệ việc mình bị viêm họng, viêm mũi, viêm mắt lâu ngày không khỏi là do tác động từ thủy ngân trong không khí! Có độc giả chia sẻ: “Tôi cảm thấy hoang mang và lo sợ cho những đứa con của tôi, những đứa trẻ sẽ là tương lai sau này, bởi tôi thật sự không biết phải làm gì để có thể bảo vệ được chúng trước những thứ độc ấy, khi mà đến nay ngay cả việc hít thở thôi cũng có thể làm hại đến chúng thì tôi thật sự bất lực, bất lực hoàn toàn”. Tuy nhiên, đây lại là thông tin không chính xác. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Dương Tùng khẳng định, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là có, nhưng đài quan trắc của đại sứ quán nọ chỉ đặt ở một địa điểm rồi lấy số liệu để đánh giá cả TP Hà Nội là không chính xác. Ông Hoàng Dương Tùng cho biết, thủy ngân trong không khí là vấn đề mới, có tính toàn cầu, do đó phải xác định ở Hà Nội có hay không, nguyên nhân từ đâu, biện pháp xử lý như thế nào. Việc một số báo đưa tin vội vã, thiếu kiểm chứng và không tham vấn giới chuyên môn cho thấy sự không tôn trọng độc giả, dẫn đến phản ứng cực đoan của cộng đồng.
Trong khi cư dân Hà Nội chưa hết lo lắng trước thông tin không khí có thủy ngân thì tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hộ dân trồng xoài lại rơi vào cảnh lao đao do một số báo đưa tin xoài tại đây đang sử dụng túi bao trái xoài có in chữ “Taiwan” có xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc) bị nhiễm chất độc hại. Hậu quả là thị trường tiêu thụ xoài sụt giảm, giá xoài rớt xuống chỉ còn một nửa nhưng người trồng vẫn phải chật vật mới tìm được đầu ra, bị thương lái ép giá, thiệt hại kinh tế rất lớn. Những tờ báo đưa thông tin thiếu kiểm chứng này đã không tìm hiểu để biết rằng, kỹ thuật bao trái là biện pháp giúp trái cây không bị tổn thương phần vỏ, giảm tỷ lệ bệnh, giảm tác động của côn trùng và chim, hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây, nhờ đó trái cây an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Muốn thâm nhập vào thị trường các nước, bao trái là một quy trình bắt buộc. Tuy nhiên, chỉ mới phát hiện việc “lạ” mà phóng viên đã vội đưa tin, gây tâm lý bất an trong dư luận và ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế người dân. Và chỉ vài bài báo đưa tin cẩu thả như vậy đã khiến người trồng xoài ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại hàng tỷ đồng. Dù sau đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố kết quả kiểm định cho thấy không có hóa chất độc hại trong mẫu túi bao trái xoài mà nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã sử dụng, nhưng ai sẽ bù đắp tổn thất mà họ phải gánh chịu? Chưa kể, thông tin bất lợi đăng tải có thể khiến đối tác nước ngoài dừng thu mua xoài, cánh cửa xuất khẩu vừa khơi thông cho người nông dân sẽ bị đóng lại một cách oan uổng...
Những hậu quả, đôi khi đẩy người dân rơi vào thảm cảnh từ thông tin thiếu kiểm chứng, vô trách nhiệm do một số tờ báo gây ra dường như không còn là chuyện “hiếm có khó tìm” trên hệ thống truyền thông. Có thể điểm qua một số sự việc tiêu biểu: Tin mít non nhúng thuốc cho nhanh chín khiến các nhà vườn ở đồng bằng sông Cửu Long rơi vào cảnh lao đao, kiệt quệ; đậu tương gây ung thư, vô sinh làm người dân ở Hải Châu, Hải Hòa, Hải Triều, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu - Nam Định) vốn vẫn trông vào cây đậu tương để “xóa đói giảm nghèo” nay lại có nguy cơ “tái nghèo”; tin hàu nuôi tại vùng đầm Lập An (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) bị nhiễm chất độc từ lốp cao-su, có thể gây ung thư khiến ngư dân nơi đây cũng bị một phen khốn đốn... Đó là thái độ vô trách nhiệm của một số tờ báo hoàn toàn không cân nhắc hậu quả việc đưa tin. Liệu có phải muốn chạy theo việc tăng view (lượng truy cập) cho nên tình trạng đưa tin ẩu, tin sai, thậm chí đăng tải cả tin phản cảm, nhảm nhí gây hoang mang dư luận có chiều hướng gia tăng, nhất là trên các trang báo điện tử? Không những vậy, những đề tài có tính giật gân, câu khách cũng đã được một số tờ báo triệt để khai thác. Như khoảng 10 năm trước, chỉ căn cứ vào trải nghiệm mang tính cá nhân của một số người từ đó đưa ra những suy luận, gán ghép thiếu căn cứ đã khiến dư luận một phen rúng động vì những câu chuyện mang màu sắc kỳ bí, gây ra nỗi ám ảnh về sự chết chóc, một tờ báo đăng loạt bài “Thánh vật ở sông Tô Lịch”. Cuối năm 2014, loạt bài về vụ “thi thể bị chặt làm ba khúc vứt ven đường” tại TP Hồ Chí Minh được một số báo đăng tải cũng khiến nhiều độc giả kinh sợ. Tuy nhiên, theo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông các bài viết này đã đưa thông tin không chính xác. Gần đây, hẳn bạn đọc vẫn chưa quên bài “Gái miền Tây và 3 chữ “N” nổi danh thiên hạ” mang nặng tính xúc phạm, miệt thị vùng miền với các bình luận méo mó do một trang báo điện tử đăng tải đã gây phẫn nộ trong cộng đồng. Hay một số tờ báo chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả đã cho đăng những bài viết bới móc đời tư của người nổi tiếng, triệt để khai thác các vụ án giết người, tai nạn thảm khốc qua việc mô tả tỉ mỉ, chi tiết từ hiện trường, diễn biến đến tình trạng của nạn nhân. Đáng chú ý, trong khi đưa tin về vụ án, thay vì chờ tòa án xét xử, luận tội và kết án, một số nhà báo “hồn nhiên” (?!) suy diễn cảm tính và áp đặt bản án cho người liên quan. Điều này dễ dẫn đến việc đưa tin sai, thiếu khách quan và vi phạm pháp luật. Bức xúc trước các thông tin giật giân, “câu khách” luôn xuất hiện với tần suất dày đặc trên trang chủ một số tờ báo, trang tin điện tử, có độc giả đã thẳng thắn bày tỏ: “Rất mong các cơ quan chức năng hành động quyết liệt để loại bỏ những văn hóa rẻ tiền và độc hại ra khỏi xã hội, để người dân có được cuộc sống yên lành và văn hóa. Những thông tin thất thiệt, thiếu chính xác không chỉ làm nhiều người dân lâm vào cảnh khốn cùng, mà còn khiến cho không ít công chúng, độc giả thất vọng, mất lòng tin vào những người làm báo”. Thiết nghĩ, mỗi người làm báo cần tự vấn trước các ý kiến như vậy của bạn đọc.
Vì những sai phạm trong việc đăng tải thông tin luật pháp nghiêm cấm, một số tờ báo và phóng viên đã phải nhận hình thức xử phạt, như: Phạt tiền, thu hồi thẻ nhà báo, đình bản, thậm chí bị truy tố hình sự,… Hy vọng trước mắt và sau khi Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực, mỗi nhà báo sẽ tiếp tục tự nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để không chỉ góp phần nâng cao chất lượng báo chí, mà còn lấy lại niềm tin của bạn đọc.
THÀNH NAM

Những luận điệu "bắn quá khứ để phá tương lai"

Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, song cứ mỗi dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử vĩ đại này, vẫn còn những người với cái nhìn “thầy bói xem voi” thiển cận hoặc vì những mưu đồ đen tối, vẫn cố tình bóp méo sự thật lịch sử.

Lợi dụng “bàn tròn” để “bóp méo”
“Bàn tròn thời cuộc”, “hội thảo chuyên đề”… là cách mà họ tập hợp những người có cái nhìn bất mãn, tiêu cực để lật lại lịch sử qua đôi “kính đen”. Còn nhớ, BBC, tiếng là hãng truyền thông quốc tế có tên tuổi nhưng dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám từng mở cái gọi là “bàn tròn thời cuộc” quy tụ những ý kiến “dị dạng” mà không có quan điểm của một nhà nghiên cứu lịch sử đúng nghĩa tham gia. Họ đòi đổi tên cuộc cách mạng, cho rằng không có Cách mạng Tháng Tám mà chỉ có khởi nghĩa tháng Tám vì nó chỉ diễn ra trong mấy ngày! Họ cho rằng không có chuyện Việt Minh, Đảng Cộng sản làm cách mạng mà chỉ có người dân phẫn uất vùng lên giành chính quyền. Trương Tuấn Nhân, một người xưng là giáo sư ở nước ngoài cho rằng: “Không có “đánh đấm” gì cả vì cuộc cách mạng xảy ra sau lúc quân Nhật đã có lệnh bỏ súng đầu hàng. Việt Minh lợi dụng khoảng trống quyền lực để nắm lấy chính quyền… "Hai mươi triệu nhân dân ta nhất tề vùng dậy” cũng chỉ là điều tưởng tượng”!
Họ khuyến nghị, “không nên tâng bốc kể công với lịch sử rằng “Đảng đã lãnh đạo toàn dân nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật giành tự do, độc lập cho đất nước” vì trong thời điểm này các đảng phái khác như Đại Việt, Việt Quốc, Việt Cách... cũng có hành động tương tự, buộc trao chính quyền ở một số địa phương.
Người ta còn nhào nặn, bóp méo lịch sử khi lập luận: Chính quyền Bảo Đại-Trần Trọng Kim đã tuyên bố độc lập từ trước, đã “làm được nhiều việc” để đặt nền móng xây dựng “một chính thể dân chủ lâu dài cho đất nước” song “tất cả tan tành chỉ vì… Cách mạng Tháng Tám”!
 Ảnh minh họa.
Không thể xuyên tạc
Những quan điểm lệch lạc trên đã bị giới nghiên cứu sử học và báo chí, dư luận phản bác nhiều năm nay. Báo Quân đội nhân dân cũng có các bài viết phê phán. Cho nên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh một số luận điểm của chính các nhà nghiên cứu nước ngoài và trong nước để làm sáng tỏ sự thật.
Trước hết, cần khẳng định rằng, không ít quan điểm, phân tích của các nhà nghiên cứu nước ngoài đã bị nhào nặn, bóp méo để xuyên tạc bản chất của Cách mạng Tháng Tám. Philippe Devillers, một nhà báo Pháp chuyên viết về các vấn đề chiến tranh đồng thời là một nhà sử học, trong cuốn “Lịch sử Việt Nam từ năm 1940 đến 1952” phát hành tại Pháp năm 1952 đã xem thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là “sự ăn may”. Khi đó, ông nhận định: "Cuộc cách mạng không phải là sự bùng nổ. Nó là kết quả cuối cùng của sự thấm lọc, điểm nút lô-gích của sự thâm nhập Việt Minh vào tất cả các lĩnh vực quốc gia. Chỉ có một sự tụ hội kỳ lạ các điều kiện mới khiến cho cách mạng thực hiện được”. Tuy nhiên, sau này, trong cuốn sách “Paris - Sài Gòn - Hà Nội - Tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944-1947” xuất bản năm 1998, ông đã có những nhận định mới, đúng hơn về Cách mạng Tháng Tám. Thế nhưng, dường như những quan điểm tiến bộ của ông sau này lại không được những “nhà nghiên cứu” trích dẫn, khi mà họ chỉ cố tình xuyên tạc lịch sử, bất chấp sự thật.
Theo GS, TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, vấn đề “khoảng trống quyền lực” được nhà sử học người Na Uy Stein Tonnesson nêu ra lần đầu tiên trong luận án Tiến sĩ của ông, và được in thành sách năm 1991. Tonnesson luận giải như sau: “Khoảng trống quyền lực có thể được mô tả cụ thể hơn là sự vắng mặt của người Pháp và quân Đồng Minh, sự thiếu quyết đoán của người Nhật trong việc duy trì sự cai trị cho đến khi quân Đồng Minh tới, và sự bất lực của giới quan lại cùng chính quyền của họ trong việc tự phục vụ quyền lợi của họ”. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của mình, Tonnesson đã tuyên bố rõ rằng: “Trong khi góp phần chỉ ra vai trò đặc biệt quan trọng của khoảng trống quyền lực ở thời điểm tháng 8-1945 để giải thích cuộc Cách mạng Tháng Tám, cuốn sách này không cho rằng cuộc cách mạng đó là "tình cờ”, "ngẫu nhiên" hoặc "ăn may”.  
Giáo sư William J.Duiker, nhà sử học nổi tiếng của Mỹ, người đầu tiên đưa ra ý tưởng về sự tồn tại của “khoảng trống chính trị”, viết: “Cần phải nhớ rằng, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đạt được thành tựu vĩ đại như vậy và thắng lợi của những người Cộng sản là có sự đóng góp ở mức độ không nhỏ của những hoàn cảnh ngẫu nhiên”; “chỉ riêng các điều kiện khách quan thì không làm nên một cuộc cách mạng, và ở đây công lao thuộc về những người Cộng sản. Họ đã có thể chớp lấy thời cơ được mở ra vô cùng thuận lợi vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh. Ở các xứ thuộc địa khác, khoảng trống có thể được lấp đầy bởi lực lượng dân tộc chủ nghĩa không Cộng sản. Nhưng ở Việt Nam, các phần tử dân tộc chủ nghĩa đã không thể đứng lên chấp nhận thách thức. Chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương sở hữu ý thức về sự kịp thời và thấu hiểu được sự tinh tế có tính chiến lược của hoàn cảnh để vùng lên đúng lúc. Điểm cuối cùng này mới là quan trọng”.
Một nhà sử học Pháp là Alain Ruscio, người đã có hơn 15 tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam sau hơn 30 năm nghiên cứu cũng từng khẳng định: “Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính lô-gích trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình”.
Theo ông Nguyễn Hữu Thái, một nhà nghiên cứu ở Ca-na-đa, sau sự kiện 30-4-1975, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ bắt đầu tìm hiểu về Cách mạng Việt Nam, trong đó họ chú ý đào sâu về nguồn gốc và động lực Cách mạng Tháng Tám. Trong cuốn sách đồ sộ 700 trang mang tên “Ho Chi Minh - A Life (Hồ Chí Minh - Một cuộc đời) xuất bản năm 2000, Giáo sư William J.Duiker đã trình bày các nguyên nhân dẫn đến Cách mạng Tháng Tám một cách hết sức thực tế: “Rõ ràng là nạn đói ở miền Bắc và Trung Việt Nam, kéo dài dai dẳng từ mùa đông trước, đã tạo ra một tình thế thuận lợi cho các lực lượng cách mạng… Đói kém tràn lan đã tạo ra cơ hội ngàn vàng cho Việt Minh. Họ tiếp tục khuyến khích nông dân đang bị đói, ở những khu vực mà họ đã giải phóng, phá các kho thóc công để chia cho dân nghèo…”. Chỉ riêng phân tích trên đã cho thấy vai trò của Việt Minh trong tổ chức, tập hợp lực lượng từ lòng dân, không phải là một sự ngẫu nhiên đơn giản
TS Trần Tăng Khởi trong bài viết “Bàn thêm về thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám” đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng gần đây đã khẳng định: Không có “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng Tháng Tám. Sự lãnh đạo của Đảng là nguyên nhân tất yếu nhất đưa cuộc cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Cơ hội đến mà không biết tận dụng thì cũng không thể giành được mà yêu cầu phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đó là yếu tố khách quan, nó tác động đến tất cả các nước ở khu vực bị phát-xít Nhật chiếm đóng như Trung Quốc, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a… Thế nhưng, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng được cơ hội đó. Vấn đề đặt ra là, cơ hội kết hợp với cái gì để tạo ra thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Đó chính là nội lực mà Đảng ta đã chuẩn bị từ năm 1941 đến 1945. Đó cũng là cả một quá trình tôi luyện của một tổ chức cách mạng tuy mới tồn tại được 15 năm, nhưng đã kinh qua bao nhiêu thử thách, trong đó có những bài học thất bại sâu sắc của Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) và Nam Kỳ khởi nghĩa (1940), lần lượt cả bốn Tổng Bí thư thời kỳ đầu của Đảng từ Trần Phú đến Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Cừ đều hy sinh cùng biết bao đồng chí khác.
Cảnh giác trước sự xuyên tạc lịch sử
Thực chất của những luận điệu chống phá mà phần đầu bài viết đã nêu chính là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta, phủ nhận con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Không phải ngẫu nhiên mà những người đưa ra luận điệu, dù không phải là nhà nghiên cứu lịch sử nhưng cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám lại “nhiệt tình” đưa ra những cái gọi là “nghiên cứu lịch sử” đến vậy. Cũng không phải ngẫu nhiên mà họ thường dẫn lại lời ông Trần Trọng Kim rằng sau khi giành độc lập có thể thỏa hiệp, thực hiện đúng các hiệp ước với Pháp thì ngày nay Việt Nam đã giàu mạnh chứ không cần toàn quốc kháng chiến. Họ phê phán, sai lầm chỉ có thể sửa sai bằng cách đưa cả nước vào cơn máu lửa.
Từ đó, họ quy kết, Cách mạng Tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành một sự lựa chọn sai lầm của lịch sử dân tộc, khiến cho đất nước không thể thịnh vượng. Họ cố tình xâu chuỗi các sự kiện kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ khác là sai lầm để rồi gọi ngày Quốc khánh 2-9-1945 là một trong những ngày “quốc hận” của dân tộc vì từ cuộc cách mạng này, Đảng đã dẫn cả nước “lầm đường”. Âm mưu sâu xa của họ là kêu gọi thế hệ hôm nay phải xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, phải lựa chọn con đường tư bản chủ nghĩa.
Nhưng dù có lấp liếm và được ngụy trang dưới những vỏ bọc hào nhoáng đến đâu thì những luận điệu ấy cũng không thể thay đổi được bản chất của lịch sử và không che giấu được những mưu đồ đen tối. Dù cuộc cách mạng đã lùi xa hơn 70 năm nhưng những người Việt Nam chân chính luôn trân trọng thành quả cách mạng vĩ đại của cha anh và từ đó rút ra những bài học bổ ích trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, đồng thời luôn cảnh giác với những mưu đồ nhìn lịch sử qua “kính đen” để xuyên tạc, bóp méo.
NGUYỄN VĂN MINH

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Hoàng Xuân Vinh thuộc Top 10 VĐV thành tích cao Olympic 2016

Xạ thủ 41 tuổi có tên trong bảng vị trí các VĐV đoạt nhiều huy chương hàng đầu tại Thế vận hội Rio sau sáu ngày tranh tài, nhờ một HC vàng và một HC bạc.


Hoàng Xuân Vinh giúp thể thao Việt Nam có kỳ Olympic thành công nhất trong lịch sử, khi anh giành HC vàng nội dung 10m súng ngắn hơi với kỷ lục Thế vận hội, và sau đó có thêm HC bạc 50m súng ngắn. Trước đó, Việt Nam mới chỉ có tất cả hai tấm HC bạc của môn taekwondo và cử tạ.
hoang-xuan-vinh-thuoc-top-10-vdv-thanh-tich-cao-olympic-2016
Hoàng Xuân Vinh là VĐV Việt Nam đầu tiên trong lịch sử đoạt một HC vàng và một HC bạc ở cùng một kỳ Olympic 2016.
Kỳ tích lịch sử giúp Xuân Vinh đứng thứ 10 bảng thành tích cá nhân của Olympic Rio, tính theo riêng số lượng HC vàng tới hết ngày thi đấu 11/8. Anh còn giữ một vị trí ở nhóm thứ sáu trong bảng thành tích theo tống số huy chương.
Xạ thủ của đoàn quân đội cũng có tên trong bảng vàng các VĐV lập kỷ lục Olympic hoặc thế giới tại Đại hội lần này.
VĐV dẫn đầu bảng thành tích huy chương tính đến sáng 12/8 là Micheal Phelps với bốn HC vàng. Tiếp theo là hai nữ kình ngư, gồm VĐV bơi 19 tuổi Katie Ledecky của Mỹ (ba HC vàng, một HC bạc) và Katinka Hozzsu của Hungary (ba HC vàng).
hoang-xuan-vinh-thuoc-top-10-vdv-thanh-tich-cao-olympic-2016-1
Xuân Vinh nằm ở top đầu bảng vàng các VĐV dự Olympic 2016. Bảng cập nhật tính đến sáng 12/8 theo giờ Hà Nội.

Nguyễn Phát

Liên kết nhưng không thương mại hóa, tư nhân hóa báo chí

Một trong các điểm mới của Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) là cho phép các cơ quan báo chí được mở rộng liên kết hoạt động. Điểm mới này được đánh giá là cần thiết, phù hợp với bối cảnh những năm gần đây hoạt động báo chí nảy sinh một số vấn đề bất cập, đòi hỏi có sự điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, qua đó, góp phần xây dựng một nền báo chí phát triển hiện đại, lành mạnh.
Báo chí là một lĩnh vực hoạt động quan trọng của xã hội, thể hiện trình độ và bước tiến của một xã hội hiện đại, dân chủ. Và khi mà quan hệ giữa các lĩnh vực hoạt động của xã hội ngày càng phong phú, sinh động, đa dạng,... và có những mối liên hệ tương hỗ chặt chẽ, thì việc hình thành những cơ chế mới và tổ chức, quản lý những mối quan hệ đó một cách tốt nhất nhằm làm cho báo chí phát triển toàn diện là việc làm cần thiết, và nổi lên trong đó là vấn đề liên kết hoạt động báo chí. Về thực chất, liên kết hoạt động báo chí là mở rộng đối tượng được phép có các hoạt động báo chí, và không chỉ là các cơ quan nhà nước như Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999 quy định. Thực tế cho thấy nhiều năm gần đây, liên kết hoạt động báo chí đã được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Và vì không được luật pháp thừa nhận, nên một số cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tìm cách “lách luật” để từ đó cho ra đời một số sản phẩm báo chí như: trang thông tin điện tử tổng hợp, các ấn phẩm phụ, chương trình phát thanh, truyền hình liên kết (thường là chương trình có tính chất giải trí, mua bản quyền từ nước ngoài). Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy không phải là sản phẩm báo chí nào ra đời từ cách thức này cũng bảo đảm chất lượng, thậm chí một số sản phẩm còn kém chất lượng với lỗi sai phạm nghiêm trọng.
Một trong các sản phẩm ra đời từ hình thức “lách luật” là các trang tin điện tử tổng hợp. Được biết, cả nước hiện có khoảng 1.610 trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó chỉ có 251 trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí, còn lại là trang tin “núp bóng” những tờ báo có cơ quan chủ quản hợp pháp. Trong số này, không ít trang tin đăng tải tin, bài có nội dung không phù hợp với tôn chỉ, mục đích cũng như đối tượng độc giả của tờ báo mà họ “núp bóng”. Một số trang tin chủ yếu có nội dung “cướp, giết, hiếp” giật gân, “câu” bạn đọc, bất chấp yêu cầu chân thực, trung thực cũng như sự chính xác của thông tin và ảnh hưởng tiêu cực của thông tin dạng này tới xã hội. Từ sự tồn tại của các trang tin này có thể đặt ra câu hỏi: dường như các trang tin này không chịu sự quản lý về mặt nội dung của tờ báo “núp bóng”, mà sự quản lý chỉ có trên danh nghĩa, các trang tin gần như tự do đưa tin, bài theo định hướng, mục đích của riêng mình? Phải chăng còn có sự “thỏa thuận ngầm” giữa nơi quản lý trang tin và tờ báo mà họ “núp bóng” trong kiểm duyệt nội dung? Nếu cơ quan chủ quản hợp pháp có trách nhiệm, biên tập bài vở đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo thì chắc chắn tin bài sai phạm không thể xuất hiện trên trang mạng. Hơn nữa, tốc độ đăng tải tin bài của trang mạng thường rất nhanh và cập nhật. Để chạy đua với thời gian, chạy đua với các trang mạng khác, người phụ trách trang mạng rất dễ bỏ qua khâu kiểm chứng thông tin, bỏ qua khâu biên tập và làm cho chất lượng trang tin điện tử chệch hướng, không còn đại diện cho tờ báo mà nó đã “núp bóng”.
Một vấn đề bất cập khác là việc một số cơ quan báo chí cho ra đời nhiều ấn phẩm phụ nhưng lại chưa có sự quản lý, giám sát hiệu quả, nên chất lượng ấn phẩm không bảo đảm. Sự dễ dãi cộng với lợi ích về kinh tế đã khiến một số cơ quan báo chí chỉ vì cái lợi trước mắt mà cho ra đời tràn lan các ấn phẩm phụ. Chưa kể, có trường hợp ấn phẩm phụ còn được “bán” lại cho đơn vị khác chịu trách nhiệm xuất bản và khi đó, cơ quan chủ quản gần như không còn kiểm soát được nội dung, như “đem con bỏ chợ”, khiến ấn phẩm phụ đi chệch tôn chỉ, mục đích, thậm chí còn để xảy ra sai phạm trong thời gian dài. Giống như một số trang tin điện tử, nhiều ấn phẩm phụ đi theo xu hướng thu hút độc giả bằng những chiêu trò thiếu lành mạnh, đưa thông tin thiếu kiểm chứng, đậm tính mê tín dị đoan, những sự việc có tính kỳ bí, hoặc sa đà vào các tin, bài có nội dung đề cập án mạng dã man... Thậm chí, một số ấn phẩm phụ còn có bài báo miêu tả tỉ mỉ những hành động giết người rùng rợn, đăng tải đậm đặc thông tin về tình dục phản cảm để thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả. Bên cạnh nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý, giảm sát, còn có nguyên nhân là từ sự thiếu kinh nghiệm và lương tâm nghề nghiệp trong việc phát triển ấn phẩm báo chí khiến sai phạm xảy ra tương đối nhiều. Cho nên, đã có ấn phẩm chất lượng kém đã bị tạm thời đình bản, thậm chí bị rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn. Điển hình như mới đây một tờ báo đã xin tự đình bản ấn phẩm phụ vì đăng tải một số bài viết có nội dung không phù hợp, gây phương hại đến lợi ích quốc gia hoặc mất đoàn kết dân tộc và bị cơ quan chức năng xử phạt. Năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đình bản tạm thời hai ấn phẩm phụ của một báo khác trong thời gian ba tháng do không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Trước đó, năm 2014, Bộ này cũng thu hồi giấy phép xuất bản hai ấn phẩm phụ của hai tờ báo cũng với lý do như trên...
Không chỉ với báo in hay báo điện tử, truyền hình cũng là loại hình báo chí có sự liên kết hoạt động tương đối rõ nét và đa dạng. Những năm gần đây, sự ra đời hàng loạt chương trình truyền hình liên kết, chủ yếu thuộc lĩnh vực giải trí, như các game show, các cuộc thi có fomat (định dạng) nước ngoài không còn xa lạ với công chúng bởi mức độ phủ sóng khá lớn. Thực chất của nhiều chương trình dạng này là đối tác mà nhà đài liên kết chịu trách nhiệm hoàn toàn quá trình sản xuất, nhà đài chỉ có trách nhiệm phát sóng, nên khâu biên tập đôi khi thiếu cẩn trọng hoặc do quá “tin tưởng” vào đối tác mà có khi xem nhẹ khâu kiểm duyệt trước khi lên sóng. Trong năm 2015, qua khảo sát, kiểm tra, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát hiện một số sai phạm trong các hoạt động liên kết giữa một số đài truyền hình và đối tác. Sai phạm này thường trải đều ở cả quy trình, thủ tục đăng ký liên kết, nội dung thông tin lẫn hoạt động quảng cáo đi kèm chương trình, nhưng sai phạm chủ yếu vẫn là thông tin sai sự thật; sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, không phù hợp thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Hậu quả là có chương trình đã bị ngừng phát sóng và một số chương trình mới thì không được cấp phép.
Trong bối cảnh thực tiễn hoạt động báo chí manh nha có sự liên kết và cho ra đời khá nhiều sản phẩm kém chất lượng như vậy, Luật Báo chí năm 2016 đã đề cập trực diện, đã có những điều chỉnh, nhằm đưa hoạt động báo chí đi vào thực chất hơn. Cụ thể, Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ, các cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, với pháp nhân, cá nhân có liên quan phù hợp lĩnh vực liên kết... Các lĩnh vực được liên kết được quy định chung cho các chương trình, kênh phát thanh, truyền hình cũng như sản phẩm báo in, báo điện tử, cụ thể là các lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội. Như vậy, Luật Báo chí năm 2016 đã cởi mở hơn khi đưa ra những tiêu chí luật pháp cho phép mở rộng liên kết trong hoạt động báo chí. Thiết nghĩ, sự mở rộng này là cần thiết, góp phần tạo môi trường công bằng, rộng mở và tạo điều kiện giúp các loại hình báo chí phát triển, đồng thời huy động thêm nguồn lực xã hội để phát triển báo chí. Khi các liên kết đó được vận hành một cách lành mạnh, có hiệu quả thì đối tượng được hưởng lợi chính là công chúng, vì họ được tiếp cận với nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng. Hơn nữa, mở rộng liên kết trong hoạt động báo chí sẽ hạn chế hiện tượng “lách luật” như đề cập ở trên, và các hoạt động có tính chất chụp giật. Có thể nói, việc luật hóa đã tạo ra hành lang pháp lý đúng đắn, hình thành cơ sở chấn chỉnh hoạt động liên kết trong hoạt động báo chí. Cần lưu ý là Luật Báo chí năm 2016 còn đề cao tính chủ động, sự tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí trong hoạt động liên kết bằng quy định cụ thể: “Cơ quan báo chí được chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, nhằm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí”. Điều này buộc cơ quan báo chí phải quản lý, kiểm soát tốt hơn hoạt động báo chí của cơ quan mình, thí dụ như việc cho “mượn” tên hay xuất bản ấn phẩm mới, tránh tình trạng “đem con bỏ chợ”.
Việc cho phép liên kết trong hoạt động báo chí cho thấy sự đổi mới kịp thời, đúng đắn của Đảng và Nhà nước với lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên, vấn đề nhất quán vẫn là không thương mại hóa, không tư nhân hóa báo chí (tư nhân chỉ tham gia liên kết, không được chi phối hoạt động báo chí), không để tư nhân núp bóng, không để lợi ích nhóm chi phối,... Sự nhất quán đó được quyết định bởi bản chất của báo chí cách mạng Việt Nam, như khoản 1 Điều 4 (Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí) khẳng định: “Báo chí ở nước CHXHCN Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”. Vì thế, cần nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, bên cạnh sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, mỗi người làm báo cần tự ý thức về vai trò, trách nhiệm, từ đó tự giác trau dồi đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng và nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh, nắm chắc tay bút để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có giá trị cao.
KHÁNH MINH

Luật Báo chí năm 2016 và quyền tự do ngôn luận

Ngày 5-4-2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Báo chí năm 2016 và Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Một trong những điểm mới, nổi bật được đề cập tại Luật Báo chí năm 2016 là việc khẳng định và đưa ra quy định luật pháp để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí.
Với Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí là một trong các cơ sở, một trong các yếu tố bảo đảm xây dựng “quy định chế độ báo chí”. Với Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), việc khẳng định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí đã được xây dựng thành điều luật cụ thể, đó là: “Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh: Luật này quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí”. Đây là một điểm mới, một bước tiến quan trọng để luật hóa quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; từ đó xác lập các nội dung luật pháp tương ứng nhằm vừa tạo điều kiện, vừa bảo đảm để quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí được tổ chức, quản lý một cách dân chủ, công bằng, văn minh, phù hợp với yêu cầu của tiến trình xây dựng, phát triển đất nước.
Điểm mới và bước tiến trên đây chính là cụ thể hóa một nội dung quan trọng của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 28-11-2013 tại Kỳ họp thứ 6, được khẳng định tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Với tính cách “luật cơ bản” của quốc gia, Hiến pháp là cơ sở để xây dựng, ban hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết, các văn bản thuộc hệ thống pháp luật Nhà nước. Như vậy, sự ra đời Luật Báo chí năm 2016 (cũng như các Luật Báo chí ban hành trước đó) đều dựa trên một nội dung quan trọng của Hiến pháp. Nội dung này hoàn toàn tương thích với các điều ước quốc tế mà Nhà nước Việt Nam tham gia ký kết. Như: Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền Liên hợp quốc (Tuyên ngôn) khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm sự tự do giữ quan điểm không có sự can thiệp và sự tự do tìm kiếm, tiếp nhận, chia sẻ những ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không có biên giới”, đồng thời khoản 2 Điều 29 Tuyên ngôn cũng khẳng định: “Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân mọi người chỉ phải tuân thủ các hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”; hoặc khoản 2 Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc (Công ước) khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia”, đồng thời khoản 3 Điều 19 Công ước cũng khẳng định: “Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có các bổn phận, trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu: a. Tôn trọng các quyền tự do và thanh danh của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý”.
Như vậy, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam cùng Tuyên ngôn, Công ước đều khẳng định quyền tự do ngôn luận của công dân, đồng thời thống nhất nguyên tắc coi thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân phải do “pháp luật quy định”, “phải tuân thủ những hạn chế do luật định”, “có thể bị giới hạn bởi pháp luật”. Vì thế tự do ngôn luận là một quyền hiến định, do Hiến pháp đặt ra và không thể thay đổi. Trong lĩnh vực báo chí, khẳng định quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí là một mặt của vấn đề, mặt khác là phải xây dựng, ban hành các điều luật bảo đảm những quyền này được thực hiện một cách dân chủ, phù hợp với yêu cầu ổn định và phát triển xã hội, có tác động tích cực đến sự phát triển của con người. Chương II Luật Báo chí năm 2016 đưa ra những quy định cụ thể. Nếu Điều 10 quy định công dân có quyền tự do báo chí, với nội dung chủ yếu: sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; in, phát hành báo in, thì Điều 11 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận trên báo chí, thể hiện qua nội dung chủ yếu: phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác. Và Điều 12 đề cập trách nhiệm của cơ quan báo chí, với nội dung chủ yếu: đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh, tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích...; trường hợp không đăng, phát phải trả lời, nêu rõ lý do khi có yêu cầu; trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có thẩm quyền trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến. Đồng thời Điều 13 quy định trách nhiệm của Nhà nước với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân qua nội dung chủ yếu: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện các quyền này và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.
Cùng với việc mở rộng đối tượng được phép thành lập cơ quan báo chí, đưa ra quy định mới về liên kết trong hoạt động báo chí, với các quy định về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, Luật Báo chí năm 2016 thật sự là bước tiến rất quan trọng của Nhà nước Việt Nam trong khi vừa bảo đảm quyền tự do ngôn luận trong xã hội, vừa hoàn thiện hệ thống luật pháp để bảo đảm các quyền này. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận nói chung, quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí nói riêng, không phải là các quyền không có giới hạn, mà như đã trình bày ở phần trên, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và các văn bản liên quan của Liên hợp quốc đều đặt các quyền này trong khuôn khổ pháp luật, và bị giới hạn trong các nguyên tắc không được gây hại, không được xúc phạm, không được xung đột với các quyền khác của Nhà nước, của công dân,... Thí dụ, trong khi thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí nói riêng, công dân phải tuân thủ Điều 15 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, trong đó khoản 2 khẳng định: “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác” và khoản 4 khẳng định: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Và đó là cơ sở để Điều 9 Luật Báo chí năm 2016 có quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí để hạn chế các hành vi lạm quyền của báo chí, sử dụng báo chí đăng tải nội dung xấu độc, tiêu cực, làm phương hại đến Nhà nước, nhân dân, tổ chức xã hội, lịch sử dân tộc, chủ quyền của đất nước, quan hệ quốc tế, tín ngưỡng - tôn giáo, quyền trẻ em, danh dự và uy tín của công dân,...
Từ các nội dung trên, có thể nói Luật Báo chí năm 2016 đã tạo khung pháp lý rộng nhưng nghiêm khắc, bảo hộ mạnh mẽ bằng các định chế cần và đủ để công dân thực hiện quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí; để các cơ quan báo chí và nhà báo có thể tự do tác nghiệp trong khuôn khổ luật định... Đây là một phương diện quan trọng thể hiện tính chất dân chủ, công bằng, văn minh trong tổ chức, quản lý xã hội của Nhà nước Việt Nam, đồng thời cũng là một bằng chứng chứng minh hệ thống pháp luật ở Việt Nam đã và đang ngày càng hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với trình độ phát triển của thế giới hiện đại. Đồng thời đây cũng là cơ sở để bác bỏ luận điệu mà các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí vẫn thường sử dụng để vu cáo, vu khống, bịa đặt về vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam.
Tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí thuộc các quyền cơ bản của con người trong một xã hội phát triển. Song thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí như thế nào lại là vấn đề cần đề cập một cách cụ thể, căn cứ vào sự lựa chọn con đường phát triển của mỗi quốc gia và hệ thống luật pháp của quốc gia ấy, cùng với các tiêu chí của nền văn hóa mà trực tiếp là đạo đức. Nên dù thực hiện các quyền này, trong khuôn khổ pháp luật, để phù hợp với truyền thống văn hóa, phục vụ lợi ích của đất nước, của dân tộc, của cộng đồng, báo chí không thể lợi dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí được quan niệm một cách cực đoan mà xâm phạm tới quyền và lợi ích của mọi tổ chức, cá nhân, của đất nước. Đó là những vấn đề tất yếu mà chỉ từ nhận thức đầy đủ, nghiêm túc thì mỗi công dân, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo mới có thể sử dụng quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí một cách thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa tích cực với xã hội và con người, qua đó thể hiện tinh thần “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”.
HỒNG QUANG

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

Võ An Đôn bị Nguyễn Hữu Quốc Duy từ chối nhận bào chữa

Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã có công văn từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho Võ An Đôn và Nguyễn Khả Thành tham gia bào chữa cho bị can Nguyễn Hữu Quốc Duy, phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật hình sự, vì bị can Nguyễn Hữu Quốc Duy từ chối nhận bào chữa từ các luật sư khác, trong đó có Võ An Đôn.



Công văn trả lời của TAND Khánh Hòa 

Được biết Võ An Đôn hành nghề luật sư tại Phú Yên nhưng thường xuyên nhận bào chữa tại tòa cho các bị cáo phạm tội chống chính quyền. nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi để nhận tiền tài trợ từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài, qua đó bêu rếu, nói xấu chính quyền trong nước như một kẻ tay sai.

Luật sư là một nghề bảo vệ công lý, nhưng ngược lại Võ An Đôn lại đi cổ súy cho những tên tội phạm.

Ông bà ta đã dạy “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Gần đây, dư luận ở Phú Yên tỏ ra rất bất bình về việc Võ An Đôn thường xuyên giao du với bọn tự xưng dân chủ, thường xuyên nói xấu chế độ, chính quyền trên facebook lại giả nhân giả nghĩa tự xưng là luật sư bảo vệ người nghèo, bảo vệ công lý!

Tên luật sư hai mặt Võ An Đôn trước sau gì cũng phải buông vỡ tuồng, lộ nguyên hình là một kẻ giả nhân giả nghĩa, một tên tâm thần chính trị !


Biển Đông.

RSF và cái gọi “xếp hạng tự do báo chí” (Kỳ 2)

Dựa theo tên gọi của tổ chức “Bác sĩ không biên giới” (MSF), họ tự đặt tên “phóng viên không biên giới”. Từ uy tín tự xây dựng và rất xứng đáng của MSF, những người lập ra RSF hẳn cũng muốn kiếm chác chút tiếng tăm từ các thành quả của MSF…
Quan sát kỹ tổ chức “phóng viên không biên giới” sẽ thấy hội đoàn này được tài trợ, một phần từ Chính phủ Pháp, một phần từ Chính phủ Mỹ bằng nhiều đường khác nhau như qua Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED). Ông R. Menard (R. Mê-nác), chủ tịch RSF, đã tuyên bố công khai rằng, ông ta cảm thấy không có vấn đề gì về việc này”! V. Braeutigam (V.Bờ-reu-ti-gam) viết tiếp: “Đây là cách hành xử như câu thành ngữ “ăn bánh mì của ai thì phải hát theo người đó”.
Thời chiến tranh lạnh, NED đã được Tổng thống Reagan (Ri-gân) thành lập. Ngay từ đầu, NED có nhiệm vụ gây bất ổn cho Cu-ba và Ni-ca-ra-goa, tài trợ cho các chiến dịch chống cộng của Mỹ, sau đó là hậu thuẫn cho tổ chức đối lập ở Xéc-bi-a và “cách mạng cam” ở U-crai-na… Liệu NED có phải là một bộ phận của CIA hay không, nên để người có năng lực hơn tôi kiểm tra. Tuy nhiên với RSF, T.I.Steinberg (T.I. Sừ-tai-en-béc) nhà kinh tế học, nhà chính luận từng là giáo viên chủ nhiệm bộ môn tại Đại học Lueneburg (Luyn-nơ-buốc) gọi hội đoàn này là tổ chức “phóng viên không giới hạn sự xấu hổ”…”.
Cũng theo V. Braeutigam, ở phương Tây nhiều tác giả từng lên tiếng tố cáo, phê phán RSF sử dụng phương pháp “người mù một mắt” để đưa tin về điều RSF gọi là “tình trạng đàn áp nhà báo trên thế giới”. Xếp hạng của RSF luôn dựa vào “danh sách đen” của Bộ Ngoại giao Mỹ, mà “danh sách đen” này luôn nổi lên các nước như I-ran, Xy-ri, Triều Tiên, Việt Nam, Cu-ba, Trung Quốc; nhưng RSF lại né tránh, không đưa ra bất kỳ báo cáo nào về hoạt động chống lại nhà báo của Mỹ và các đồng minh. Thí dụ, RSF không đưa tin về những người hoạt động trên lĩnh vực truyền thông bị giết hại tại Phi-li-pin, mặc dù từ năm 1986 đến nay có 176 nhà báo bị giết hại ở nước này. Rồi trường hợp năm người Cu-ba bị giam ở Mi-a-mi, nhà báo M.A.Jamal (M.A.Gia-man) bị kết án tử hình, nhưng RSF không đề cập qua bất cứ câu chữ nào trong các bản báo cáo. Vì thế, nếu nhắc tới cái tên “phóng viên không biên giới” thì không nên xử sự như là người chưa bao giờ biết về việc đưa tin chính trị sai sự thật, quỹ đen, đồng nghiệp bị mua chuộc, các văn phòng quảng cáo được tài trợ bởi các cơ quan tình báo và ảnh hưởng của họ với dư luận! V.Braeutigam cho rằng, mọi người sẽ tôn trọng nếu RSF bỏ lối làm việc theo kiểu “người mù một mắt”, đưa ra thông tin khách quan và xa rời hoạt động tuyên truyền xấu xa.
Có sự kiện xảy ra đã khá lâu, nhưng vẫn cần nhắc lại để thấy không phải đến hôm nay RSF mới có lối hành xử theo “tiêu chuẩn kép” mà từ khi ra đời, tổ chức này đã chọn lối hành xử như vậy. Thí dụ, cuộc không kích của NATO vào ngày 23-4-1999 phá hủy đài truyền hình Nam Tư (RTS), giết chết 16 nhà báo và làm bị thương 16 người khác, nhưng không được nhắc đến trong tường trình nào của RSF. RSF luôn lớn tiếng quảng bá đấu tranh cho tự do báo chí, nhưng lại im lặng trước cái chết của hàng chục nhà báo ở Nam Tư, chẳng nhẽ đó là việc bình thường?
Ngày 1-8-2007, tác giả bài Sứ mệnh tung tin sai sự thật - tổ chức nhân quyền “phóng viên không biên giới” lo ngại về tự do báo chí tại Vê-nê-xu-ê-la và Cu-ba. USA cung cấp tài chính cho họ đăng trên tờ Thế giới trẻ (Junge Welt) viết: “Nửa đêm 27-5-2007, khi đài tư nhân Venezuela RCTV ngừng phát sóng để gây chú ý, các đại diện của tổ chức nhân quyền “phóng viên không biên giới” cũng có mặt để theo dõi sự kiện trong phòng của tòa soạn RCTV tại Ca-ra-cát. Sau khi giấy phép phát sóng trên mặt đất của RCTV không được cơ quan quản lý viễn thông Venezuela CONATEL gia hạn, đài này tạm thời ngừng phát sóng chương trình thường xuyên. Quyết định được đưa ra vì trước đó RCTV có các hoạt động chính trị vi hiến. Thí dụ, tháng 4-2002, RCTV và một số kênh truyền hình tư nhân đã ủng hộ kế hoạch đảo chính của các phần tử quân sự cánh hữu và một số nhà doanh nghiệp nhằm chống lại Chính phủ của Tổng thống H.Chávez (H.Cha-vét). RCTV phát tán hình ảnh từ các cuộc bạo loạn song đã được sửa sang và đưa ra những lời nói dối với thế giới rằng, người ủng hộ Chính phủ H.Chávez đã bắn vào “những người biểu tình phản đối không có vũ khí”. Mặc dù RCTV vẫn còn khả năng phát sóng qua dây cáp, vệ tinh và internet nhưng RSF lại rêu rao đây là “đóng cửa một đài phát”, “một nước cờ chính trị không tiền lệ ở châu Mỹ la-tinh”, “nằm ngoài cơ sở pháp luật”. Nhưng sự thật không phải như thế, quyết định của cơ quan quản lý viễn thông Vê-nê-xu-ê-la đã được xác nhận qua các quy định của hiến pháp và bộ luật về viễn thông”.
Về vấn đề này, phải nhắc đến bài Phóng viên Không Biên giới phục vụ cho Bộ Ngoại giao Mỹ? đã đăng ngày 8-5-2005 trên trang mạng TELEPOLIS. Bài viết có đoạn: “Hai mươi năm có tổ chức “phóng viên không biên giới” cũng là hai mươi năm R. Ménard đứng đầu tổ chức này mà không ai có thể tranh giành. Trong hai mươi năm đó, tin đồn về những mối liên kết chặt chẽ giữa RSF với CIA và các cơ quan Chính phủ Mỹ không chịu lắng xuống. Thời gian qua, các kết quả thẩm tra đã chỉ ra, làm lộ rõ việc tài trợ cho RSF từ các cơ quan của Chính phủ Mỹ. Mới đây, nữ nhà báo D. Barahona (D.Ba-ra-hô-na) ở Hiệp hội các nhà báo Mỹ (The Newspaper Guild) đã công bố về việc tài trợ RSF qua NED...”.
Lời kêu gọi “RSF chấm dứt tô vẽ thực trạng tình hình tự do báo chí” chắc chắn không phải là ý kiến riêng của nhà báo A. Mueller như trình bày ở phần đầu, mà là của nhiều người phương Tây, trong bối cảnh mà tự do báo chí ở phương Tây không phải là điều đáng để mơ ước. Diễn đàn phê bình báo chí lần thứ hai tổ chức tại Cologne (Cô-lô-nhơ) vào ngày 10-6-2016 với sự tham gia của nhiều nhà báo danh tiếng, các nhà khoa học, người làm việc trên lĩnh vực truyền thông Đức đã nói lên điều đó. Nhân dịp này trang mạng Đài phát thanh Đức đã đăng một loạt bài báo liên quan chủ đề của Diễn đàn. Thí dụ, ngày 9-6-2016 có bài Phương tiện truyền thông và xã hội - một trường hợp dành cho ông thẩm phán xử ly hôn?, trong đó viết: “Một số người nhận xét “các ngươi không khách quan”, nhiều người khác cũng phê phán như vậy. Có lẽ họ cũng muốn hàn gắn lại mối quan hệ. Vâng, một số người thật sự muốn có lại một niềm tin mới vào các tờ báo, đài phát thanh và truyền hình. Nhưng nhiều người lại lên tiếng rõ ràng rằng “báo chí dối trá”. Họ tin vào truyền hình Nga hơn là tin bản tin Tagesschau (chương trình thời sự của đài truyền hình công cộng số 1 ARD của CHLB Đức - ND)”.
Sang ngày 11-6-2016, trang mạng của Đài phát thanh Đức đăng tiếp bài Sự quay lưng nguy hiểm đối với phương tiện truyền thông, trong đó cho rằng: “Thực tế nhiều người quay lưng lại với các phương tiện truyền thông và tìm kiếm qua nguồn riêng của họ, là một sự tha hóa nghiêm trọng với nền dân chủ… Chúng ta nên phản ánh một cách khách quan nhất về hiện thực xã hội và chính trị. Nhưng chúng ta thường, hay quá thường xuyên bị mắc kẹt trong thế giới riêng của mình và thậm chí cả trong những định kiến riêng của chúng ta...”…
Với Việt Nam, “người mù một mắt” - khái niệm mà các học giả phương Tây dùng đặt tên cho cách thức làm việc của RSF, đã được sử dụng làm phương pháp duy nhất để khảo sát, đánh giá. Hoàn toàn không quan tâm đến sự phát triển phong phú và đa dạng của hệ thống truyền thông ở Việt Nam cùng đội ngũ phóng viên hàng chục nghìn người; RSF chỉ làm việc duy nhất là liên tục vu cáo, trao “giải phóng viên vỉa hè”, “giải công dân mạng”,… cho một số người không hoạt động báo chí trong khuôn khổ pháp luật, không làm việc vì ích lợi đất nước mà hằng ngày lên internet xuyên tạc, bịa đặt, vu khống,… chính quyền, trong đó một số người có hành vi vi phạm pháp luật đã bị Tòa án nhân dân xét xử và tuyên phạt án tù! Thái độ, hành xử đó cho thấy tôn chỉ “bảo vệ tính mạng, danh dự, tài sản,… của các nhà báo trên toàn thế giới, đặc biệt các nhà báo đang tác nghiệp tại những vùng chiến sự, hỗ trợ cho các cơ quan báo chí về tài chính, trang thiết bị kỹ thuật” chỉ là chiêu bài RSF dựng lên, nấp vào đó để bịa đặt, đổi trắng thay đen, bóp méo tình hình tự do báo chí ở một số quốc gia, đồng thời bảo vệ một số quốc gia mà RSF cần phải bảo vệ, như một blogger người Việt Nam nhận xét rằng: đó là “những kẻ đội lốt hoạt động báo chí để xâm phạm an ninh quốc gia của các quốc gia… Những cáo buộc RSF đưa ra với Việt Nam và một số quốc gia khác là xuất phát từ những động cơ chính trị xấu của các thế lực đen tối đang nắm quyền ở RSF, bất chấp các thành tựu về tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền, cũng như tốc độ phát triển của internet ở Việt Nam những năm qua”.
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 2-8-2016.
NGỌC DUNG

RSF và cái gọi “xếp hạng tự do báo chí” (Kỳ 1)

Mỗi khi cái gọi là “Tổ chức phóng viên không biên giới” (RFS) công bố bảng “xếp hạng tự do báo chí”, hoặc phê phán tự do báo chí ở Việt Nam là các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lại nhanh chóng hùa theo để vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong khi đó, nhiều năm nay, các nhà báo chân chính và người có lương tri ở phương Tây lại rất bức xúc với lối làm việc mờ ám, không khách quan, rất thiếu trung thực của tổ chức tự xưng vì “nhân quyền” này. Bài tổng thuật gồm hai kỳ của Ngọc Dung sẽ cung cấp tư liệu, ý kiến cụ thể giúp bạn đọc tham khảo.
(Kỳ 1)
Với “Tổ chức phóng viên không biên giới” (RFS), rất nhiều nhà báo uy tín ở phương Tây vẫn khuyên mọi người hãy cẩn trọng khi tiếp cận, vì theo họ, RSF hoạt động trước hết vì lợi ích của một số quốc gia và tổ chức, chứ không phải vì dân chủ và nhân quyền như họ rêu rao. Thí dụ, ngày 29-6-2016, trang NachDenkSeiten đăng bài Phóng viên không biên giới hãy chấm dứt tô vẽ nhằm làm đẹp thực trạng của truyền thông ở phương Tây của A. Mueller (A. Muy-lờ) - nhà báo danh tiếng, từng là Trưởng ban kế hoạch Văn phòng Thủ tướng và dân biểu Quốc hội Đức, từ năm 2003 là tác giả và là đồng sáng lập trang NachDenkSeiten. Trong bài ông cho biết, trước đó bốn tuần, với tư cách thành viên của Công đoàn truyền thông, ông được chuyển đến tận nhà Tạp chí chính trị của Công đoàn kèm theo một bản đồ thế giới với danh sách xếp hạng tự do báo chí của RFS. Đó là một bản áp-phích in mầu, khổ to, với số lượng in 63.000 bản cung cấp thông tin “tình hình tự do báo chí trên thế giới”, và có lẽ còn để phục vụ việc tuyển mộ thành viên, người ủng hộ. Áp-phích này được đánh dấu bằng năm mầu sắc khác nhau thể hiện tình hình tự do báo chí ở các nước. Đức cùng vài quốc gia nằm ở giữa và bắc Âu được tô mầu trắng, thể hiện “tình hình tốt”. Pháp và Ba Lan, Anh, Ni-giê, Chi-lê, Mỹ, Ca-na-đa có mầu vàng, xếp hạng hai, tức là “tình hình khả quan”. Nga, An-giê-ri, Thổ Nhĩ Kỳ, I-rắc, Ai Cập, Ấn Độ, Vê-nê-xu-ê-la, Mê-hi-cô nhuộm mầu đỏ và xếp hạng tư, nghĩa là “tình hình khó khăn”. Giữa màu đỏ và vàng là mầu gần vàng xếp hạng ba, tức là có “vấn đề có thể nhận biết” gồm Bra-xin, Ác-hen-ti-na, I-ta-li-a, U-crai-na, Hung-ga-ri. Các nước I-ran, A-rập Xê-út, Trung Quốc, Xy-ri, Li-bi, Cu-ba bị tô mầu đen, xếp hạng năm, thể hiện “tình hình rất nghiêm trọng”. Theo A.Mueller, thì xem bản đồ một cách tổng thể sẽ thấy theo xếp loại “tự do báo chí” của RFS thì người tốt và kẻ xấu trên thế giới đang ở đâu; nhưng RFS áp dụng những tiêu chí bằng hình thức rất tương đối: quốc gia nào theo RFS là “ngược đãi phương tiện truyền thông và các nhà báo” thì quốc gia đó sẽ bị đưa vào vị trí xếp hạng mầu đen, còn các tập đoàn phương tiện truyền thông cỡ lớn ngược đãi các nhà báo, thì được gọi là “tự do báo chí”!
A.Mueller cho rằng ở CHLB Đức có sự tích tụ rất lớn phương tiện truyền thông vào tay vài ông chủ như tập đoàn Springer, Bertelsmann, Holtzbrinck, Burda, Schaub và một loạt nhà độc quyền khu vực, nhóm độc quyền. Ở đây, chủ sở hữu phương tiện truyền thông dùng quyền lực đày đọa các nhà báo, các ông chủ này chỉ bị chi phối bởi quyền lợi chính trị và kinh tế. Cổng Internet Dịch vụ báo chí nhân đạo ngày 21-6-2016 đưa tin về một trường hợp như vậy với tên bài Tự do báo chí - Một biên tập viên trung trực của tờ Suedkurier bị cho ra rìa về việc một nhà báo có uy tín bị xử lý vì thẳng thắn lên tiếng không né tránh các quyền lợi chính trị của thị trưởng TP Konstanz (Khon-xừ-thăn-xư) và các quyền lợi kinh tế của nhà xuất bản. Đây là hiện tượng điển hình phổ biến có thể tìm thấy ở nhiều vùng của nước Đức: tự do báo chí đang thật sự bị chà đạp bằng bàn chân, trong khi đó những bài hát ca ngợi tự do báo chí theo hình thức vẫn được hát vang lên… Các nhóm độc quyền và nhà độc quyền khu vực thường gộp các phương tiện truyền thông như ấn phẩm báo in, đài phát thanh ở khu vực và địa phương,… thành một tổ hợp. Hậu quả là các chính trị gia địa phương trong nhiều khu vực của Đức được kèm cặp bởi một chủ sở hữu phương tiện truyền thông duy nhất.
Cũng theo A.Mueller thì vai trò và quyền lực của các công ty quan hệ công chúng (PR) có lẽ chưa (không) được xem xét một cách đầy đủ khi RFS đánh giá và phân loại. Trên hệ thống truyền thông ở Đức, các chiến dịch được lên kế hoạch và thi hành để tác động đến các quyết định chính trị, qua đó tự do báo chí đúng nghĩa bị xóa bỏ, nhưng điều đó không để lại dấu vết trên bản đồ phân loại của RFS. Các mạng lưới xuyên Đại Tây Dương có tác động rất đáng kể đến việc đưa tin, kiến tạo dư luận trên truyền thông chắc chắn không được xem xét và lưu ý. Rồi thực tế cuộc tranh giành thính giả, khán giả giữa các đài phát thanh, truyền hình thương mại, các đài công cộng khác nhau, không dẫn đến sự đa dạng, mà chỉ dẫn đến đơn giản hóa và đồng nhất có lẽ đã không được người ký, người vẽ, nhà phân phối bản đồ thế giới của RFS quan tâm. Tác động của các tập đoàn truyền thông lớn, của các ông trùm truyền thông ở những nước có tự do báo chí theo hình thức rõ ràng là không được cân nhắc thận trọng. Ở Mỹ, Anh, Ô-xtrây-li-a, các ông trùm như Murdoch (Mu-đốc) có ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống truyền thông, và họ sử dụng để áp đặt lợi ích riêng. Song điều đó lại không phải là một trở ngại để RFS nhuộm mầu vàng các nước này và đánh dấu vị trí tự do báo chí là “tình hình khả quan”!
A.Mueller cho biết, sau hai lần đến thăm Cu-ba, ông không muốn ngạo mạn đánh giá về tình hình thực tế của các nhà báo, nhưng ông có thể ước đoán một cách tương đối tốt về mức độ tự do ngôn luận, tốt hơn nhiều so với quả quyết của nhiều người ở Đức và nhất là của truyền thông Đức. Ông chưa thể đánh giá mức độ tự do báo chí, nhưng xếp Cu-ba trong hạng mục thứ năm và là tồi tệ nhất bằng mầu đen - trong khi Mỹ được xếp hạng tốt thứ hai (mầu vàng) và được nhận xét “tình hình khả quan”, ít nhất cho thấy sự nông cạn trong việc phân loại của RFS. Từ các nhận xét này, A.Mueller kết luận: Có lẽ việc RFS công bố một “bản đồ tự do báo chí thế giới” như vậy chỉ là hành động tuyên truyền, vì mục đích tuyên truyền. A.Mueller coi đó là điều rất đáng tiếc, ngoài việc trình bày tự do báo chí trên thế giới một cách mờ ám qua một tấm bản đồ, thì việc RFS phân tán rộng rãi bản đồ này là có vấn đề, vì sự phân chia thành hai phía với người tốt và kẻ xấu có thể gây tổn hại xấu tới uy tín, danh tiếng của các nước có liên quan.
Cũng về cái gọi là “bản đồ tự do báo chí của RFS”, ngày 20-4-2016 nhà báo T.Bettels-Schwabbauer (T.Bết-thê-Sừ-váp-bau-ơ), biên tập viên quản lý trang web EJO, nhà nghiên cứu ở Viện Báo chí quốc tế Brost Erich (Bờ-rốt E-rích) thuộc Đại học tổng hợp Dortmund (Đót-mun) đăng trên trang EJO bài Danh sách xếp hạng tự do báo chí: Đức ở vị trí thứ 16. Bà cho biết bảng xếp hạng của RFS dựa trên những câu trả lời qua bản ghi 87 câu hỏi của RFS với 20 ngôn ngữ gửi đến hàng trăm nhà báo, nhà nghiên cứu, luật gia, “người bảo vệ nhân quyền”,… được chia thành các chủ đề: sự đa dạng phương tiện truyền thông; tính độc lập của phương tiện truyền thông; môi trường làm việc báo chí và tự kiểm duyệt; khuôn khổ pháp lý, tính minh bạch của cơ quan công quyền; cơ sở hạ tầng sản xuất. Những câu trả lời có điểm từ 0 (tốt nhất) đến 100 (tồi tệ nhất) mà bảng phân loại đưa ra.
Các nhà khoa học luôn cảnh báo phải thận trọng với phương pháp điều tra và tiếp cận bảng xếp hạng của RFS, trong đó có bà L.Schneider (L.Sừ-nai-đờ) - nhà nghiên cứu truyền thông. Trong sách hướng dẫn của Học viện Làn sóng Đức (Akademie DW), bà L. Schneider đề cập năm chủ đề trong “bảng xếp hạng tự do báo chí” của RFS, và đặt câu hỏi: Liệu bảng xếp hạng có thật sự thuyết phục? Bà nhấn mạnh, việc đánh giá 180 quốc gia là rất chủ quan, vì dựa trên ý kiến của rất ít người. Ở các nước châu Âu, RFS dựa vào các chuyên gia (khoảng 50 người ở Pháp, 20 người ở Đức) nhưng ở các nước châu Phi, chỉ có một đến năm người trả lời các câu hỏi cho mỗi nước. Bà lưu ý, để trả lời 87 câu hỏi phải có một kiến thức rất rộng lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, xuất hiện một điều đáng lo ngại là liệu người được hỏi có thể trả lời mọi câu hỏi một cách rõ ràng, thấu đáo, chính xác? Bà cũng chỉ ra rằng, các câu hỏi và các vấn đề cũng như tầm quan trọng của chúng chủ yếu chỉ dựa trên quan điểm của số ít nhân viên RFS, tất cả đều sống ở Pháp và hầu hết có xuất xứ gốc châu Âu! (Ghi chú: EJO là viết tắt của European Journalism Observatory - Đài quan sát báo chí châu Âu. Đây là một viện nghiên cứu phương tiện truyền thông ra đời vào năm 2004 với mục đích thu hẹp khoảng cách giữa khoa học truyền thông và thực hành, thúc đẩy quan hệ giữa các nhà nghiên cứu về phương tiện truyền thông, các chuyên gia truyền thông ở Mỹ và châu Âu. Với mục đích công bố các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực truyền thông, thăm dò các thực hành tốt nhất trong nghề báo và phân tích các xu hướng của ngành công nghiệp truyền thông, EJO phấn đấu cho sự hiểu biết tốt hơn về các phương tiện truyền thông, và đóng góp cho tự do báo chí).
Nhà chính luận, nhà báo V.Braeutigam (V.Bờ-reu-ti-gam) người có 10 năm là biên tập viên thuộc Ban biên tập trung tâm chương trình Thời sự của Đài truyền hình công cộng số 1 CHLB Đức (ARD), sau đó làm biên tập viên Đài truyền hình công cộng NDR, từ khi nghỉ hưu ông thường xuyên viết bài cho tạp chí Ossietzky xuất bản ở Berlin (Béc-lin). Ngày 4-5-2006, trong bài Phóng viên không giới hạn sự xấu hổ, ông nhấn mạnh: RFS thành lập năm 1985 tại Marseille (Mác-xây), và ngay cái tên của “tổ chức nhân quyền” tự xưng này cũng chỉ là bản sao rẻ mạt. 
(còn nữa)
NGỌC DUNG

Không để bị "hướng lái" trong công tác lập pháp

Đó là vấn đề đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi phát biểu tại lễ khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV. Con đường đổi mới hiện nay đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 Và các thế lực thù địch luôn tìm cách "bẻ lái" quá trình xây dựng hệ thống pháp luật ở nước ta với nhiều mưu đồ thâm hiểm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  phát biểu tại lễ khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV.  Ảnh: Chinhphu.vn.
Những tiếng loa rè
Trước hết, phải thừa nhận công tác lập pháp ở nước ta thời gian qua dù đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn tồn tại những bất cập. Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, chồng chéo, thậm chí sai sót, mâu thuẫn nhau; hiệu quả và hiệu lực của không ít văn bản pháp quy còn hạn chế... Thực tế đó đã tạo ra những khoảng trống để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta.
Điều đầu tiên mà một số nhân vật đội lốt "nhà dân chủ" đòi hỏi là phải tách rời công tác lập pháp khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Họ cho rằng, nếu Hiến pháp, pháp luật chỉ là sự thể chế hóa đường lối, nghị quyết của Đảng thì hệ thống pháp luật ấy chỉ bảo vệ lợi ích của Đảng. Họ cũng luôn nhấn mạnh và đề cao cái gọi là “tam quyền phân lập” như một đỉnh cao toàn bích của mô hình nhà nước hiện đại. Theo họ, chỉ có từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới có được “cơ chế kiểm soát quyền lực” hiệu quả nhất. Mấy năm gần đây, họ tiến hành nhiều “chiến dịch” rầm rộ để cổ xúy cho cái gọi là “xã hội dân sự”, coi xã hội dân sự là một “trụ cột” của quản lý xã hội hiện đại, là xu thế tất yếu của thời đại. Thực chất của sự đề cao này chỉ là hướng tới mô hình đa nguyên, đa đảng.
Về nội dung lập pháp, còn nhớ cách đây 3 năm, khi Quốc hội nước ta sửa đổi, bổ sung bản Hiến pháp, đã có rất nhiều “phong trào” mang tên gọi mỹ miều như “cùng viết Hiến pháp”, “lời kêu gọi sửa đổi Hiến pháp của các nhân sĩ, trí thức”... Nhận thức hiến pháp là đạo luật gốc của mọi đạo luật nên các trào lưu nhân danh đổi mới đều tập trung “bẻ lái” thể chế thông qua hàng loạt vấn đề lớn của Hiến pháp như: Bỏ điều 4 của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi tư nhân hóa đất đai, bỏ thành phần kinh tế Nhà nước, cho phép báo chí tư nhân, tự do lập hội, đòi tự do, dân chủ, nhân quyền theo mô hình dân chủ phương Tây... Sau khi Hiến pháp được thông qua, những chiêu trò chống phá vẫn tiếp tục gắn với từng đạo luật và “trục” bẻ lái chính vẫn xoay quanh những vấn đề cơ bản nêu trên.
Về quy trình lập pháp, họ đòi hỏi phải được tự do hóa, áp dụng mô hình, kỹ trị lập pháp của các nước phương Tây; mọi nghị sĩ, mọi đoàn thể trong xã hội đều được tự do trình dự án luật trước Quốc hội. Họ cũng đòi hỏi các bộ, ngành không được tham gia xây dựng pháp luật nhưng các “nhà dân chủ”, các tổ chức “xã hội dân sự” lại phải là hạt nhân trong xây dựng hệ thống pháp luật...
Thời gian qua, internet và mạng xã hội là địa hạt vàng để họ triển khai các chiêu trò chống phá thông qua nhiều trang web chuyên đề về phổ biến pháp luật, bồi dưỡng kiến thức, hành trang pháp lý... Cũng có không ít luật sư, luật gia đã bị họ lợi dụng, kích động, lôi kéo trở thành “hạt nhân đổi mới trên lĩnh vực pháp lý”, “chỗ dựa của người nghèo, dân oan”, gắn hoạt động tư vấn pháp luật, hành nghề luật với việc truyền bá tư tưởng chống phá, gây chia rẽ nội bộ, khoét sâu các mâu thuẫn giữa người dân và cơ quan công quyền.
Các âm mưu, luận điệu trên dù chỉ là những tiếng loa rè nhưng hết sức nguy hiểm. Phát biểu tại lễ khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp của nước ta phải luôn kiên định lập trường tư tưởng, giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng, chú trọng nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tiếp thu có chọn lọc, vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam. Tuyệt đối không mơ hồ, mất cảnh giác để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách hướng lái hệ thống luật pháp của chúng ta đi con đường khác, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay...".
Không để bị "bẻ lái"
Để công tác lập pháp của chúng ta luôn đúng hướng, hệ thống pháp luật thực sự là “thần linh pháp quyền” của Nhà nước pháp quyền XHCN, trước hết, phải luôn giữ vững sự lãnh đạo của Đảng trong công tác lập pháp, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Sự lãnh đạo của Đảng không hề tạo mâu thuẫn lợi ích trong xây dựng pháp luật mà chính nhằm định hướng và cân bằng lợi ích bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, ngoài lợi ích của toàn thể nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích nào khác.
Để hệ thống pháp luật không bị “bẻ lái” thì nó phải được xây dựng nhất quán, đồng bộ và luôn được hoàn thiện theo đúng Hiến pháp và các chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội đề ra. Chỉ khi được đặt trong một bức tranh tổng thể thống nhất, hệ thống pháp luật mới tránh được sự mâu thuẫn, chồng chéo và không thể có “kẽ hở” cho những sự "bẻ lái". PGS, TS Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, một hệ thống pháp luật với những quy định hạn chế quyền tự do, dân chủ của nhân dân, cản trở sự tiến bộ xã hội, công lý không được bảo đảm, chưa kể đến việc thủ tiêu các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, thì không thể trở thành nền tảng của Nhà nước pháp quyền, bởi vì không đáp ứng được yêu cầu thứ hai của Nhà nước pháp quyền là bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân và công lý. Để đạt được điều đó, hệ thống pháp luật phải bảo đảm tính ổn định. Đây là yêu cầu cần thiết, bởi không thể thường xuyên đảo lộn các quan hệ xã hội bằng việc thay đổi pháp luật. Ngạn ngữ Anh có câu: “Pháp luật thay đổi thường xuyên thì tệ hơn là không có pháp luật”. Cùng với đó, pháp luật phải bảo đảm tính chuẩn mực, tính quy phạm; đồng thời bảo đảm tính nhất quán, tính hệ thống.
Một vấn đề hết sức quan trọng nữa là chúng ta phải kiên định, kiên quyết đấu tranh với những thủ đoạn, âm mưu phá hoại, gây bất ổn xã hội bằng cách lợi dụng các kẽ hở pháp lý. Có thể dẫn chứng quan điểm đòi bác bỏ Điều 258 Bộ luật Hình sự thời gian qua. Mặc dù có nhiều lực lượng nhân danh dân chủ, xã hội dân sự, thậm chí thông qua các tổ chức quốc tế đòi chúng ta bỏ Điều 258, nhưng Nhà nước ta vẫn giữ nguyên quan điểm và đưa nội dung này vào Điều 331 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Trước đó, đã có một số quan điểm cho rằng, Điều 258 không phù hợp với luật pháp quốc tế và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, dễ dẫn đến sự lạm dụng quyền lực của cơ quan công quyền. Một số người nhân danh tổ chức xã hội dân sự còn cho ra đời cái gọi là “Tuyên bố 258” để vận động các tổ chức quốc tế gây sức ép buộc Việt Nam phải bỏ Điều 258. Tuy nhiên, sau nhiều thảo luận đi đến thống nhất, Quốc hội vẫn giữ nội dung này trong Bộ luật Hình sự năm 2015 để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và xã hội. Nội dung này cũng vẫn phù hợp với các công ước quốc tế và tương đồng với luật pháp của nhiều quốc gia trên thế giới, như ngay ở Mỹ, Hiến pháp Mỹ quy định Tòa án tối cao được phép đưa ra những trừng phạt pháp lý khi phát hiện báo chí có hành vi phá hoại, lăng nhục, vu khống, xúc xiểm nhà nước, xã hội và cá nhân. Hay Bộ luật Hình sự của CHLB Đức cũng quy định tội “Tuyên truyền bất hợp pháp”.
Từ bài học của một số đạo luật, văn bản pháp quy chưa được chuẩn bị kỹ đã thông qua, để lại nhiều hệ lụy xấu, càng đòi hỏi công tác lập pháp phải hết sức thận trọng, bảo đảm số lượng, không chạy theo số lượng. Việc Quốc hội thống nhất rút khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 dự án Luật Biểu tình vừa qua là cần thiết khi mà công tác chuẩn bị chưa đáp ứng yêu cầu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định: “Quốc hội khóa XIV sẽ nghiêm túc xem xét đề xuất của Chính phủ và trả món nợ cho dân, không lùi Luật Biểu tình vô thời hạn”. Theo Chủ tịch Quốc hội, không nên “cố” để bảo đảm chất lượng: “Ban hành luật để bảo đảm quyền công dân, nhưng cũng phải bảo đảm lợi ích của dân và lợi ích của cả đất nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa quyền của dân tham gia biểu tình, mà không gây rối loạn đất nước. Luật biểu tình mà làm rối loạn đất nước thì người dân cũng không mong muốn”. Giải thích như trên là rõ ràng, nhưng với âm mưu kích động, chống phá, không ít trang mạng đã cắt xén, xuyên tạc phát biểu của Chủ tịch Quốc hội thành: “Hoãn vì Luật Biểu tình làm... “rối loạn đất nước”.
Xây dựng hệ thống pháp luật đủ và mạnh, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước trong thời kỳ đổi mới là đòi hỏi thường xuyên và cấp bách nhưng cũng là công việc khó khăn, cần phải thận trọng, xây phải luôn đi đôi với chống, không vì số lượng mà xem nhẹ chất lượng... Có như vậy, hệ thống pháp luật mới thật sự là đòn bẩy của đổi mới, là cán cân của công lý, là nền tảng của Nhà nước pháp quyền XHCN.
NGUYÊN MINH