Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Đạo đức người làm báo - một vấn đề luật định

Cùng với hệ thống nguyên tắc, quy tắc chuẩn mực đạo đức chung của xã hội, mỗi nghề nghiệp xã hội lại có các chuẩn mực đạo đức chuyên biệt đòi hỏi người làm nghề phải tuân thủ nhằm bảo đảm nghề nghiệp luôn có ý nghĩa xã hội, con người. Từ vai trò, phạm vi ảnh hưởng, từ tác động,… của báo chí mà đạo đức người làm báo, đã trở thành một yếu tố không chỉ giúp nâng cao chất lượng báo chí, mà còn cấu thành nên uy tín của báo chí, lòng tin của xã hội và bạn đọc.
Về đạo đức người làm báo, Điều 15 (Quyền và nghĩa vụ của nhà báo) Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999 đã đưa ra các tiêu chí cụ thể, Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) hoàn chỉnh nội dung này tại khoản 3 Điều 25 (Quyền và nghĩa vụ của nhà báo) khẳng định nhà báo phải “a. Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; b. Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm; c. Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật; d. Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; đ. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật; e. Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Các nội dung kể trên cũng là các vấn đề được Hội Nhà báo Việt Nam hết sức quan tâm, đã thể hiện qua việc ban hành Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, trong đó Điều 3 khẳng định mỗi người làm báo Việt Nam cần phải luôn “Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”.
Xem xét trong tính hệ thống và mối liên quan chặt chẽ, sẽ thấy: nếu Điều 16 (Hội Nhà báo Việt Nam) Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999 có nội dung ngắn gọn: “Hội Nhà báo Việt Nam có quyền và nghĩa vụ tham gia xây dựng và góp phần thực hiện chính sách thông tin - báo chí; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo” thì khoản 2 Điều 8 (Hội Nhà báo Việt Nam), Luật Báo chí năm 2016 quy định rất cụ thể: “Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; b. Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; c. Tham gia ý kiến xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển báo chí, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; d. Tham gia thẩm định sản phẩm báo chí khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đ. Bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí cho hội viên; e. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí; g. Tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật; h. Tổ chức giải báo chí để tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao, có hiệu quả xã hội tích cực”. Như vậy, có thể thấy, với điểm b khoản 2 Điều 8 Luật Báo chí năm 2016, thì việc Hội Nhà báo Việt Nam: “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” là yêu cầu luật pháp, bắt buộc với mọi người làm báo, không phân biệt người có Thẻ Nhà báo hay không có Thẻ Nhà báo. Đây là điều hết sức cần thiết, nhất là khi tình trạng thiếu đạo đức nghề nghiệp của một số người làm báo, mà nổi lên trong đó là việc khai thác thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, không kiểm chứng để đăng tải, bình luận trên báo chí và gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín báo chí.
Trên thế giới, từ sự thiếu thận trọng trong khi khai thác thông tin từ mạng xã hội mà một số tờ báo phải nhận lấy hậu quả tai hại. Gần đây nhất, ngày 12-6-2016 New York Times (Thời báo Niu-Ooc) và một số hãng tin vướng một scandal vì dựa vào nguồn tin từ twitter để đăng tải hình ảnh một người đàn ông được cho là nạn nhân trong vụ xả súng tại Florida (Phờ-lo-ri-đa - Mỹ) nhưng anh ta vẫn sống và làm việc tại Mê-hi-cô; bi hài hơn là vừa qua trên một số báo, người đàn ông này lại tiếp tục trở thành “nạn nhân” trong vụ khủng bố tại sân bay Ataturk (A-ta-tuc - Thổ Nhĩ Kỳ)! Nên không ngẫu nhiên, ngày 12-10-2015, qua bài Năm trong số những kẻ gian dối nhất trên Facebook từng bắt gặp (5 of the best times cheaters were caught on Facebook) đăng trên The Sun, phóng viên N. Keegan (N. Ki-gân) phân tích kỹ lưỡng về các mánh khóe lừa bịp phổ biến trên mạng xã hội nói chung, facebook nói riêng. Ở Việt Nam, nhiều hiện tượng tương tự đã xảy ra, làm rối loạn nhận thức và hành động của người tiếp xúc thông tin, xúc phạm danh dự người đề cập. Như sau khi kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016 công bố trên phương tiện truyền thông, một số tờ báo có bài “soi điểm thi” của các hotgirl, hotboy, hiện tượng mạng… Đây là việc rất bình thường, vì nếu muốn “đại diện cho giới trẻ”, các gương mặt trên còn cần sở hữu tài năng, nhân cách,… mà có thể xem điểm số kỳ thi là một tiêu chí để đánh giá. Tuy nhiên, có người làm báo đi quá xa, nhân chuyện điểm số để bới móc chuyện đời tư. Hai facebooker MT, LHTT không hề quen biết PTLT, chỉ dựa trên đồn thổi vô căn cứ, đã bịa ra chuyện PTLT (một gương mặt nổi bật về thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa ở một trường trung học phổ thông chuyên nổi tiếng) tốt nghiệp với điểm trung bình khá, gian lận trong học tập, thi cử, ăn cắp chất xám, là nguyên nhân gây nên cái chết của một học sinh khác! Song dựa vào đó và không kiểm chứng, một số trang điện tử đăng tải, chia sẻ bài Xôn xao vì “hotgirl thụ tinh ống nghiệm” đạt huy chương vàng môn Sử nhưng thi TN chỉ... 3,75 điểm thuật lại chuyện bịa đặt hết sức xấu xa của MT và LHTT, đưa tới một làn sóng “khủng bố” trang facebook cá nhân của PTLT. Dòng trạng thái được PTLT chia sẻ ngày 18-7-2016 có đến 165 bình luận từ những người thiếu lương tâm với nội dung công kích, xúc phạm. Trên facebook của học sinh quá cố TGK, người bạn cùng PTLT đã sáng tạo máy phát hiện đột quỵ, cũng bị hàng nghìn facebooker vào quấy rối. Cáo buộc như vậy hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, tương lai của một nữ sinh 18 tuổi cùng thầy, cô giáo của trường trung học phổ thông nọ. Gặp phản ứng từ phía học sinh khác cùng việc PTLT đưa ra những bằng chứng lật tẩy trò dối trá và bịa đặt, MT và LHTT lẳng lặng rút bài xuống.
Sự việc trên gợi nhớ chuỗi các sai lầm của các báo điện tử do khai thác thông tin sai sự thật công bố tại tài khoản cá nhân trên facebook. Cụ thể, 17 giờ 55 phút ngày 13-7-2016 một trang mạng đăng bài Câu chuyện cô gái đòi mẹ mua xe máy đắt tiền gây bất bình; tới sáng ngày 14-7-2016 thì nhiều trang mạng chia sẻ bài trên fanpage của họ. Nội dung bài viết khai thác từ bức ảnh và bình luận của một facebooker sau khi anh ta “thấy” một nữ sinh đòi mẹ mua xe máy đắt tiền; trong khi sự thật thì cô gái này có công việc, thu nhập ổn định, cô muốn người mẹ đi cùng để chọn lựa một chiếc xe phù hợp và tác giả HT tường thuật câu chuyện trên mà không kiểm chứng. Sau 45 phút, fanpage của trang mạng công bố bài báo khơi mào xuất hiện bài Cô gái đòi mẹ mua xe đắt tiền: “Mình rất bức xúc” đính chính sự việc trên nhưng không gỡ bài viết cũ hoặc có lời xin lỗi nạn nhân và độc giả, để làn sóng “ném đá” tiếp tục kéo dài đến hết ngày 14-7-2016! Tương tự là nhiều sự kiện xảy ra trên nhiều trang mạng khác, như: tháng 8-2014, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) xử phạt vi phạm hành chính với một số báo chí đã đăng bài Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa vốn là trò đùa thiếu văn hóa của một facebooker; ngày 12-7-2016 chuyện bịa đặt “bố từ quê lên Hà Nội đi hát và tìm thấy con gái đang làm việc trong một quán karaoke” do thành viên trên fanpage beatvn đăng tải; tháng 6-2016, sự việc “con gái không cho mẹ ăn bún” là sự bịa đặt của facebooker ML; tháng 3-2016, một số trang tin đăng chuyện “con trai đánh cha ở Hải Dương” và công an phải triệu tập người chụp ảnh, đưa tin lên facebook không đúng sự thật, ảnh hưởng đến danh dự của gia đình được đề cập; tháng 1-2016, một trò đùa của người em dâu, hai người phụ nữ bỗng trở thành “đối tượng người Trung Quốc chuyên bắt cóc trẻ con” và bị truy lùng trên mạng xã hội; tháng 5-2015, nhiều tờ báo đăng tin “cô gái nhận đứa con của người cha nghi là tử tù” trước khi phát hiện đối tượng này nói dối!... Đáng nói là trong rất nhiều trường hợp người viết báo và đơn vị truyền thông sai phạm lại tỏ ra như vô can, dù việc cải chính trên báo chí đã được quy định trong Điều 9 Luật Báo chí sửa đổi và bổ sung năm 1999. Nên không ngẫu nhiên thống kê cho thấy trong tổng số 5.144 người đã thực hiện đánh giá fanpage một báo điện tử đông người đọc ở Việt Nam có tới 75% số người chỉ cho 1 điểm kèm theo các nhận xét: “cần đăng bài nội dung sát với thực tế và chủ yếu là tin có giá trị, không biên tập sơ sài đăng những bài vớ vẩn kiếm lượt thích (like) lượt chia sẻ (share)”; “thông tin không đa chiều, làm báo mà đưa thông tin như thế này là không có lương tâm”; “thông tin ngày càng nhảm nhí”…! Với Điều 42 Luật Báo chí năm 2016 (Cải chính trên báo chí), hiện tượng này cần giải quyết triệt để, nhằm giữ gìn sự lành mạnh của báo chí.
Theo TS Lê Thanh Thập: “Đạo đức nghề nghiệp là một nhánh trong hệ thống đạo đức xã hội, là một loại đạo đức đã được thực tiễn hóa. Lương tâm nghề nghiệp là sự tự phán xét, tự ý thức về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp. Nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp và lương tâm nghề nghiệp có quan hệ mật thiết với nhau. Đánh mất ý thức về nghĩa vụ đạo đức là đánh mất ý thức về bản thân mình, làm mất ý nghĩa làm người cũng như giá trị động lực của lao động”, thiết nghĩ đây là điều mà mỗi người làm báo cần quan tâm, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, làm hình thành nên nhân cách nghề nghiệp của mỗi người, hướng ngòi bút tới những giá trị nhân văn, hữu ích cho xã hội, cho con người và vì con người.
VIỆT QUANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét