Mới đây, trang điện tử BBC tiếng Việt cho đăng tải đoạn phỏng vấn một vị “tiến sĩ, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và Viện Chiến lược quốc tế tại Xin-ga-po”. Ông tiến sĩ này trả lời BBC về vấn đề đổi mới chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là chuyển từ “một đảng lãnh đạo thành đa đảng đối lập”.
Không hiểu vị tiến sĩ này dựa vào đâu mà luận bàn như vậy bởi Đảng ta đã công khai trước dư luận trong nước và quốc tế về công cuộc đổi mới cả về lãnh đạo phát triển kinh tế, cả về chính trị, tư tưởng của Đảng. Về kinh tế, Đảng ta nhất quán duy trì có hiệu quả nền kinh tế nhiều thành phần, không ngừng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về chính trị, Đảng ta nhất quán và quyết tâm thực hiện quan điểm tự đổi mới, tự chỉnh đốn, làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Sự quyết tâm ấy được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” - gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 4. Tinh thần, nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 đã được công khai trước toàn thể nhân dân Việt Nam và được tổ chức học tập, quán triệt, thực hiện sâu kỹ đối với mọi cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đều nhận thấy rằng, những nguy cơ mà Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra đã rất rõ, rất thật, vì vậy việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng để làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh là trách nhiệm, bổn phận của mọi tổ chức Đảng, mọi đảng viên. Với quyết tâm từ Ban Chấp hành Trung ương cho tới từng chi bộ, từng đảng viên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thu được những kết quả tích cực và đã được ghi nhận trong Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Tuy nhiên, Đảng cũng thừa nhận là trong quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cũng còn những vấn đề cần phải rút kinh nghiệm, trong đó có kết quả về phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế; tình trạng chạy chức, chạy tội, suy thoái chính trị, tư tưởng vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên v.v.. Đó là những vấn đề mà Đảng sẽ quyết liệt và nghiêm túc khắc phục trong thời gian tới, bảo đảm cho Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là một Đảng cách mạng, luôn là một khối đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, giữ vững vai trò là lực lượng lãnh đạo xã hội như Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định.
Từ những vấn đề trên có thể hiểu: Đổi mới về chính trị tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là đổi mới về tư duy lãnh đạo, về lề lối làm việc, đổi mới phong cách, tác phong công tác của mọi tổ chức Đảng, mọi đảng viên, nhằm bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Tuyệt nhiên không thể mập mờ cho rằng công cuộc đổi mới về chính trị, tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là chuyển từ “một đảng lãnh đạo thành đa đảng đối lập” như cách trình bày của vị tiến sĩ nọ với trang điện tử tiếng Việt của BBC.
TRẦN THÔN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét