Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Không chỉ sắc đẹp mà cần cả tài năng, nhân cách

Có lẽ chưa bao giờ các cuộc thi tôn vinh nhan sắc phái đẹp lại nở rộ như hiện nay, điều này cho thấy sự quan tâm, trân trọng của xã hội đối với phụ nữ. Đáng tiếc là sau khi đoạt giải cao tại cuộc thi sắc đẹp, một số người lại có hành xử tùy tiện, phản cảm,… khiến dư luận bất bình.
Trung tuần tháng 7 vừa qua, trước ứng xử bất thường của một hoa hậu ở nơi công cộng, PGS,TS Nguyễn Thị Minh Thái đã lên tiếng trên báo chí bày tỏ sự bức xức, đồng thời đề nghị “trả lại vương miện bằng lòng tự trọng”. Không thể phủ nhận kể từ khi nhận danh hiệu hoa hậu, người đẹp này đã bộc lộ một số lỗi ứng xử, như: đi làm từ thiện nhưng lại trang điểm quá đậm không phù hợp với hoàn cảnh thực tế; chỉ ôm quả dưa chụp bức ảnh cho thấy cô đã làm từ thiện rồi lập tức lên ta-xi bỏ đi; không giúp đỡ người mẹ của mình đang loay hoay đẩy xe chở đồ tại sân bay; thiếu tôn trọng người khác khi nhiều lần đến họp báo muộn… Đặc biệt mới đây nhất, hình ảnh người đẹp này hút thuốc tại một quán cà-phê ở Hà Nội, thậm chí đang say xỉn trong một quán bar khiến chân dung một hoa hậu đã không chỉ nhạt nhòa, mà còn gây phản cảm, không đáp ứng sự trông đợi của công chúng. Sau khi những hình ảnh này được đăng tải trên in-tơ-nét, nhiều diễn đàn trên mạng đã thu hút rất đông người vào bình luận, làm nên một “làn sóng đòi tước danh hiệu hoa hậu”. Sự kiện cho thấy, dường như trước một vẻ đẹp được tôn vinh, công chúng đòi hỏi không chỉ sự chuẩn mực về hình thức bên ngoài, mà còn cả sự khắt khe về nhiều yếu tố khác, như: văn hóa ứng xử, trách nhiệm trước cộng đồng,…
Để bảo đảm sự toàn vẹn về danh tiếng của hoa hậu, trên thế giới từng xảy ra việc tước vương miện hoa hậu với nhiều lý do. Hoa hậu Thế giới năm 1973 đã bị tước danh hiệu chỉ sau 104 ngày đăng quang vì cô hẹn hò với người đã có vợ. Hoa hậu Hoàn vũ năm 1974 phải trả lại vương miện vì không tuân theo những quy định của Ban tổ chức trong nhiệm kỳ đăng quang, từ chối thực hiện chuyến hành trình đã được lên lịch sẵn tới Nhật Bản. Sau hai tháng đăng quang, Hoa hậu Thế giới Singapore năm 2009 đã bị tước vương miện do bị tố giác cô từng phạm tội ăn cắp thẻ tín dụng và bị kết án hai năm tù treo. Hoa hậu Vương quốc Anh năm 2015 bị tước vương miện vì có “cảnh nóng” trên một chương trình truyền hình thực tế. Mới đây nhất, Hoa hậu Hoàn vũ Puerto Rico năm 2016 do “có vấn đề về thái độ” và không hoàn thành trách nhiệm của người đăng quang cuộc thi nhan sắc, nên chỉ sau bốn tháng nhận vương miện cũng đã bị tước danh hiệu. Rõ ràng để được nhận ngôi vị cao nhất trong một cuộc thi nhan sắc đã là thử thách không dễ vượt qua với các người đẹp, nhưng để giữ được danh hiệu cao quý ấy còn đòi hỏi nỗ lực rất lớn của mỗi người.
Ở Việt Nam, kể từ khi diễn ra các cuộc thi người đẹp đến nay, hầu như chưa hoa hậu nào bị tước vương miện, nhưng có nhiều hiện tượng một số người đẹp sau khi đăng quang ít nhiều gây ra tai tiếng, khiến công chúng thất vọng. Từ đây dấy lên các ý kiến đòi hỏi cần nghiêm khắc hơn với những người đã đăng quang tại các cuộc thi sắc đẹp. Công chúng hẳn chưa quên những bức ảnh mặc áo dài nhưng thiếu nội y gây phản cảm của Hoa hậu Việt Nam năm 2006, rồi thái độ thiếu lễ phép trong trò chuyện với người lớn tuổi trong một clíp quảng cáo của người đẹp này. Công chúng cũng sẽ khó bỏ qua hành vi thiếu trung thực của Hoa hậu Việt Nam năm 2008 vì đã giấu việc chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, vi phạm Quy chế tổ chức cuộc thi hoa hậu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) ban hành. Còn có trường hợp người đoạt giải xin trả lại danh hiệu hoa hậu vì lý do sức khỏe không tốt bởi phải chịu áp lực công việc, là câu chuyện của Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011. Một năm sau lá đơn xin trả danh hiệu được gửi đi, đơn vị tổ chức của cuộc thi đã gửi văn bản báo cáo Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ VHTTDL và một số cơ quan chức năng về các vi phạm của hoa hậu, như bỏ bê trách nhiệm, không thực hiện đúng nghĩa vụ của người đăng quang ngôi vị cao nhất một cuộc thi, đồng thời đề xuất Bộ VHTTDL ra văn bản quyết định thu hồi danh hiệu. Tuy nhiên, theo Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, thì chưa có điều nào liên quan việc thu hồi danh hiệu hoa hậu, cho nên danh hiệu Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011 vẫn không bị tước, dù đã có đơn của chính người nhận danh hiệu và của Ban tổ chức cuộc thi! Cũng phải nhắc tới trường hợp á khôi một cuộc thi sắc đẹp và hoa khôi của một trường đại học đã tham gia vào đường dây bán dâm do Trần Đức Thùy Liên, Đoàn Thị Ngọc Minh tổ chức, đã bị Tòa án nhân dân TP Hạ Long (Quảng Ninh) đưa ra xét xử ngày 25-3-2016.
Việc tước danh hiệu của người đã từng đoạt giải cao tại các cuộc thi sắc đẹp là điều bất đắc dĩ và không ai muốn, bởi lẽ một cuộc thi được tổ chức đồng nghĩa với việc tiêu tốn thời gian, công sức, tiền bạc của rất nhiều cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, việc lựa chọn để tìm ra gương mặt nổi trội nhất, xứng đáng nhất để trao giải không hề dễ dàng, nhưng nếu xảy ra sai sót, trao danh hiệu cho người không xứng đáng thì uy tín của cuộc thi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Như một người từng nhiều năm ngồi ghế Ban giám khảo của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã chia sẻ: “Chúng tôi lo mất ăn mất ngủ. Trong khi các người đẹp tỏa sáng trên sân khấu thì chúng tôi vẫn phấp phỏng chờ tin từ phía cơ quan chức năng về việc xác định nhân thân của một người đẹp nào đó đang có đơn khiếu nại, vì thí sinh này có thể sẽ đoạt giải cao. Nếu không cẩn trọng như vậy, có thể cuộc thi sẽ thất bại, hậu quả rất khó lường”!
Hiện nay, cùng với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, thí sinh Việt Nam còn dự các “đấu trường nhan sắc” lớn, đó là các cuộc thi tầm cỡ quốc tế như: Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế... Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều cuộc thi hoa khôi, người đẹp của khu vực, của các địa phương, khối các trường học, kèm với đó là sự ra đời các “lò luyện hoa hậu”. Để tránh sự quản lý của các cơ quan chức năng, một số cuộc thi nấp dưới tên gọi khác nhưng thực chất vẫn là thi sắc đẹp. Thực tế có cuộc thi người đẹp chỉ diễn ra trong thầm lặng, từ lúc khai mạc đến khi kết thúc, báo chí không hề hay biết, chỉ tới khi hoa hậu cuộc thi này xuất hiện tại một sự kiện mọi người mới vỡ lẽ, tỏ tường! Lại có cuộc thi sau khi bị tố giác vì có dấu hiệu không lành mạnh, cơ quan chức năng vào làm việc mới phát hiện cuộc thi được tổ chức “chui” vì không xin phép! Khi các cuộc thi nở rộ thì cũng nảy sinh không ít chuyện bi hài. Bởi có người đẹp liên tục xuất hiện tại nhiều cuộc thi, cô chỉ chấp nhận dừng “sự nghiệp thi hoa hậu” sau khi đoạt giải ở cuộc thi nọ! Chuyện này hẳn có tác dụng động viên tinh thần nhiều người đẹp khác đang nuôi mộng hoa hậu! Cuộc thi nhiều thì đương nhiên các danh hiệu hoa hậu, á hậu cũng tăng lên. Vì thế, dù chuyên tâm theo dõi tin tức thời sự về các cuộc thi người đẹp đến đâu hẳn cũng khó ai nhớ hết các cuộc thi và các hoa hậu, á hậu đăng quang.
Trên thực tế, có thể coi việc đoạt ngôi vị cao tại các cuộc thi sắc đẹp là đã sắm được “thẻ căn cước” quý giá cho các người đẹp gia nhập làng giải trí, như: đóng phim, ca hát, trình diễn thời trang, chạy sự kiện, làm MC... Nên dễ hiểu vì sao dù mật độ các cuộc thi khá dày nhưng luôn thu hút đông đảo người đẹp tham gia. Một số người coi đây là cơ hội để đổi đời nên đã không tiếc tiền đầu tư vào các “lò luyện”; thậm chí không rõ thực hư ra sao nhưng dư luận từng ì xèo về việc có người coi đây như “thương vụ làm ăn”, cho nên không ngại ngã giá với ban giám khảo? Nắm bắt được tâm lý này, có người đã lợi dụng thí sinh bằng cách gạ gẫm mua chuộc hoặc vòi tiền họ. Bức xúc trước tình trạng này, có thí sinh đã lên tiếng tố cáo và lập tức bị Ban tổ chức loại khỏi cuộc thi. Có thí sinh tố cáo mình bị xử ép do không đáp ứng yêu cầu của một số thành viên Ban tổ chức, nên đã vứt danh hiệu “người đẹp hình thể” vừa nhận được vào thùng rác, đồng thời chia sẻ trên facebook: “Cái giải này em đâu cần Ban tổ chức công nhận thì em mới là người đẹp hình thể đâu. Em cảm thấy chương trình cấp ao làng quá! Ban tổ chức làm ăn không uy tín và thể hiện rõ sự không chuyên nghiệp”. Với tư cách là người trong cuộc, biết nhiều chuyện hậu trường, một người đẹp từng đoạt ngôi vị cao nhất của một cuộc thi sắc đẹp bày tỏ thẳng thắn: “Có lẽ chưa bao giờ các danh hiệu trao cho các người đẹp lại dễ dàng đến thế, chính cái tâm lý “chỉ cần có danh hiệu là vị thế được nâng lên” đã khiến các cuộc thi về nhan sắc nở rộ hơn bao giờ hết (...). Bên cạnh những danh hiệu từ các cuộc thi uy tín, lâu năm thì hầu hết các danh hiệu hoa hậu, á hậu còn lại gần như vô nghĩa, bởi nó được tạo ra từ một cuộc thi chỉ như một chương trình tạp kỹ”!? Ý kiến này còn được bổ sung qua các câu trả lời ứng xử đầy bi hài của một số người đẹp như: “Khi mình cho đi thì phải nhận lại được một ít”, “Kiến thức của em còn hạn hẹp, xin ban giám khảo cuộc thi cho em xin phép trả lời ở cuộc thi sau”…
Từ nhiều sự việc lùm xùm liên quan một số cuộc thi sắc đẹp, từ hành xử phản cảm của một số người sau khi được trao giải tại một số cuộc thi sắc đẹp, rõ ràng không thể không lo ngại về chất lượng các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam lâu nay. Những hiện tượng này không chỉ làm ảnh hưởng tới ý nghĩa các cuộc thi sắc đẹp vốn là nơi tôn vinh giá trị toàn vẹn của phụ nữ, mà còn đẩy nghi ngờ về mục đích của một số cuộc thi và người dự thi. Một người được trao giải tại cuộc thi sắc đẹp có thể sẽ được xã hội chú ý, mà xã hội lành mạnh và chân chính luôn hướng tới người vẹn sắc vẹn tài, bên vẻ đẹp hình thể tự nhiên còn có trình độ tri thức, hiểu biết, sống nhân ái, có kỹ năng ứng xử văn hóa,... Do vậy, nếu dự thi, nếu được trao giải mỗi người đẹp cần ý thức về vai trò của mình, đồng thời các cơ quan chức năng liên quan cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc tổ chức và quản lý, để mỗi hoa hậu được xướng danh không chỉ bởi sắc đẹp, mà còn cả tài năng, nhân cách,…
THI PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét