Hiện tượng mượn danh đấu tranh cho dân chủ của một số phần tử cơ hội chính trị ở Việt Nam lâu nay không còn lạ đối với dư luận. Những người này thường nhân cơ hội trong nước xảy ra một sự việc gì đó thì dựa vào để viết bài, tung lên mạng xã hội, hoặc đăng tải trên một số trang tin lâu nay vẫn có tư tưởng thiếu thiện chí, thù địch với Việt Nam.
Trong các bài viết, họ thường phân tích, suy thế này, luận thế kia một cách hoàn toàn chủ quan, từ hiện tượng mà suy thành bản chất, sau đó đưa ra những kết luận theo kiểu: Xảy ra các sự cố đó là do “sự yếu kém trong bộ máy lãnh đạo của Đảng”, “sự hạn chế trong điều hành của Chính phủ”... Nhằm che mắt người đọc, trong các bài viết, họ thường bịa ra các con số để minh họa cho các nhận định mà nếu không tìm hiểu kỹ thì người đọc rất dễ bị nhầm lẫn. Bài viết của Nguyễn Vũ Bình, đăng trên RFA vừa qua là một dạng như vậy.
Trong bài viết của mình, Nguyễn Vũ Bình đã vừa xiên xẹo về công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), vừa đưa ra những nhận định hết sức mơ hồ về cái gọi là “sự sụp đổ của Đảng Cộng sản”. Những con số mà Nguyễn Vũ Bình đưa ra để minh chứng cho các nhận định của mình trong bài viết thì lại càng lố bịch. Chẳng hạn, Bình cho rằng hiện nay, đất nước ta đang duy trì lực lượng vũ trang với số quân lên tới “10 triệu người”; rồi lại cho rằng đội ngũ công chức, viên chức lên tới “15 triệu người”... Đây quả thực là những con số phi lý và hoang tưởng. Bởi trên thế giới này, không một đất nước nào có thể làm một việc vô lý, đó là trong thời bình mà lại duy trì một đội quân thường trực lên tới hơn 11% dân số. Ngay cả khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chúng ta bước vào giai đoạn cuối-giai đoạn cần một lực lượng lớn nhất để thực hiện đòn quyết chiến chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam thì lực lượng vũ trang của chúng ta cũng không đạt đến con số 10 triệu người...
Còn về con số “15 triệu người trong bộ máy Đảng, Nhà nước” như Bình đã viết thì thực tế tính đến hết năm 2015, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, cả nước có khoảng 11 triệu người hưởng lương và tính chất lương (bao gồm cả lực lượng vũ trang, y tế, giáo dục v.v..). Còn tổng số công chức hưởng lương trong hệ thống chính trị từ cấp huyện trở lên (không bao gồm lực lượng vũ trang) được Thủ tướng phê duyệt năm 2015 chính thức là 277.055 người. Và con số này tiếp tục giảm trong năm 2016 khi Nhà nước ngày càng thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế để bảo đảm bộ máy ngày càng tinh gọn theo hướng chỉ bổ sung không quá 50% số công chức so với số nghỉ hưu... Như thế có thể thấy, việc Nguyễn Vũ Bình cố tình bịa ra những con số hoang đường về lực lượng vũ trang và đội ngũ công chức, viên chức... là nhằm tạo ra sự hiểu lầm trong dư luận về hệ thống tổ chức chính trị ở Việt Nam. Và cũng từ đây có thể thấy, những điều Bình nhận định trong bài viết về các vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam... đều nhằm mục đích xuyên tạc, lừa bịp dư luận.
TRẦN THÔN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét