Dựa theo tên gọi của tổ chức “Bác sĩ không biên giới” (MSF), họ tự đặt tên “phóng viên không biên giới”. Từ uy tín tự xây dựng và rất xứng đáng của MSF, những người lập ra RSF hẳn cũng muốn kiếm chác chút tiếng tăm từ các thành quả của MSF…
Quan sát kỹ tổ chức “phóng viên không biên giới” sẽ thấy hội đoàn này được tài trợ, một phần từ Chính phủ Pháp, một phần từ Chính phủ Mỹ bằng nhiều đường khác nhau như qua Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED). Ông R. Menard (R. Mê-nác), chủ tịch RSF, đã tuyên bố công khai rằng, ông ta cảm thấy không có vấn đề gì về việc này”! V. Braeutigam (V.Bờ-reu-ti-gam) viết tiếp: “Đây là cách hành xử như câu thành ngữ “ăn bánh mì của ai thì phải hát theo người đó”.
Thời chiến tranh lạnh, NED đã được Tổng thống Reagan (Ri-gân) thành lập. Ngay từ đầu, NED có nhiệm vụ gây bất ổn cho Cu-ba và Ni-ca-ra-goa, tài trợ cho các chiến dịch chống cộng của Mỹ, sau đó là hậu thuẫn cho tổ chức đối lập ở Xéc-bi-a và “cách mạng cam” ở U-crai-na… Liệu NED có phải là một bộ phận của CIA hay không, nên để người có năng lực hơn tôi kiểm tra. Tuy nhiên với RSF, T.I.Steinberg (T.I. Sừ-tai-en-béc) nhà kinh tế học, nhà chính luận từng là giáo viên chủ nhiệm bộ môn tại Đại học Lueneburg (Luyn-nơ-buốc) gọi hội đoàn này là tổ chức “phóng viên không giới hạn sự xấu hổ”…”.
Cũng theo V. Braeutigam, ở phương Tây nhiều tác giả từng lên tiếng tố cáo, phê phán RSF sử dụng phương pháp “người mù một mắt” để đưa tin về điều RSF gọi là “tình trạng đàn áp nhà báo trên thế giới”. Xếp hạng của RSF luôn dựa vào “danh sách đen” của Bộ Ngoại giao Mỹ, mà “danh sách đen” này luôn nổi lên các nước như I-ran, Xy-ri, Triều Tiên, Việt Nam, Cu-ba, Trung Quốc; nhưng RSF lại né tránh, không đưa ra bất kỳ báo cáo nào về hoạt động chống lại nhà báo của Mỹ và các đồng minh. Thí dụ, RSF không đưa tin về những người hoạt động trên lĩnh vực truyền thông bị giết hại tại Phi-li-pin, mặc dù từ năm 1986 đến nay có 176 nhà báo bị giết hại ở nước này. Rồi trường hợp năm người Cu-ba bị giam ở Mi-a-mi, nhà báo M.A.Jamal (M.A.Gia-man) bị kết án tử hình, nhưng RSF không đề cập qua bất cứ câu chữ nào trong các bản báo cáo. Vì thế, nếu nhắc tới cái tên “phóng viên không biên giới” thì không nên xử sự như là người chưa bao giờ biết về việc đưa tin chính trị sai sự thật, quỹ đen, đồng nghiệp bị mua chuộc, các văn phòng quảng cáo được tài trợ bởi các cơ quan tình báo và ảnh hưởng của họ với dư luận! V.Braeutigam cho rằng, mọi người sẽ tôn trọng nếu RSF bỏ lối làm việc theo kiểu “người mù một mắt”, đưa ra thông tin khách quan và xa rời hoạt động tuyên truyền xấu xa.
Có sự kiện xảy ra đã khá lâu, nhưng vẫn cần nhắc lại để thấy không phải đến hôm nay RSF mới có lối hành xử theo “tiêu chuẩn kép” mà từ khi ra đời, tổ chức này đã chọn lối hành xử như vậy. Thí dụ, cuộc không kích của NATO vào ngày 23-4-1999 phá hủy đài truyền hình Nam Tư (RTS), giết chết 16 nhà báo và làm bị thương 16 người khác, nhưng không được nhắc đến trong tường trình nào của RSF. RSF luôn lớn tiếng quảng bá đấu tranh cho tự do báo chí, nhưng lại im lặng trước cái chết của hàng chục nhà báo ở Nam Tư, chẳng nhẽ đó là việc bình thường?
Ngày 1-8-2007, tác giả bài Sứ mệnh tung tin sai sự thật - tổ chức nhân quyền “phóng viên không biên giới” lo ngại về tự do báo chí tại Vê-nê-xu-ê-la và Cu-ba. USA cung cấp tài chính cho họ đăng trên tờ Thế giới trẻ (Junge Welt) viết: “Nửa đêm 27-5-2007, khi đài tư nhân Venezuela RCTV ngừng phát sóng để gây chú ý, các đại diện của tổ chức nhân quyền “phóng viên không biên giới” cũng có mặt để theo dõi sự kiện trong phòng của tòa soạn RCTV tại Ca-ra-cát. Sau khi giấy phép phát sóng trên mặt đất của RCTV không được cơ quan quản lý viễn thông Venezuela CONATEL gia hạn, đài này tạm thời ngừng phát sóng chương trình thường xuyên. Quyết định được đưa ra vì trước đó RCTV có các hoạt động chính trị vi hiến. Thí dụ, tháng 4-2002, RCTV và một số kênh truyền hình tư nhân đã ủng hộ kế hoạch đảo chính của các phần tử quân sự cánh hữu và một số nhà doanh nghiệp nhằm chống lại Chính phủ của Tổng thống H.Chávez (H.Cha-vét). RCTV phát tán hình ảnh từ các cuộc bạo loạn song đã được sửa sang và đưa ra những lời nói dối với thế giới rằng, người ủng hộ Chính phủ H.Chávez đã bắn vào “những người biểu tình phản đối không có vũ khí”. Mặc dù RCTV vẫn còn khả năng phát sóng qua dây cáp, vệ tinh và internet nhưng RSF lại rêu rao đây là “đóng cửa một đài phát”, “một nước cờ chính trị không tiền lệ ở châu Mỹ la-tinh”, “nằm ngoài cơ sở pháp luật”. Nhưng sự thật không phải như thế, quyết định của cơ quan quản lý viễn thông Vê-nê-xu-ê-la đã được xác nhận qua các quy định của hiến pháp và bộ luật về viễn thông”.
Về vấn đề này, phải nhắc đến bài Phóng viên Không Biên giới phục vụ cho Bộ Ngoại giao Mỹ? đã đăng ngày 8-5-2005 trên trang mạng TELEPOLIS. Bài viết có đoạn: “Hai mươi năm có tổ chức “phóng viên không biên giới” cũng là hai mươi năm R. Ménard đứng đầu tổ chức này mà không ai có thể tranh giành. Trong hai mươi năm đó, tin đồn về những mối liên kết chặt chẽ giữa RSF với CIA và các cơ quan Chính phủ Mỹ không chịu lắng xuống. Thời gian qua, các kết quả thẩm tra đã chỉ ra, làm lộ rõ việc tài trợ cho RSF từ các cơ quan của Chính phủ Mỹ. Mới đây, nữ nhà báo D. Barahona (D.Ba-ra-hô-na) ở Hiệp hội các nhà báo Mỹ (The Newspaper Guild) đã công bố về việc tài trợ RSF qua NED...”.
Lời kêu gọi “RSF chấm dứt tô vẽ thực trạng tình hình tự do báo chí” chắc chắn không phải là ý kiến riêng của nhà báo A. Mueller như trình bày ở phần đầu, mà là của nhiều người phương Tây, trong bối cảnh mà tự do báo chí ở phương Tây không phải là điều đáng để mơ ước. Diễn đàn phê bình báo chí lần thứ hai tổ chức tại Cologne (Cô-lô-nhơ) vào ngày 10-6-2016 với sự tham gia của nhiều nhà báo danh tiếng, các nhà khoa học, người làm việc trên lĩnh vực truyền thông Đức đã nói lên điều đó. Nhân dịp này trang mạng Đài phát thanh Đức đã đăng một loạt bài báo liên quan chủ đề của Diễn đàn. Thí dụ, ngày 9-6-2016 có bài Phương tiện truyền thông và xã hội - một trường hợp dành cho ông thẩm phán xử ly hôn?, trong đó viết: “Một số người nhận xét “các ngươi không khách quan”, nhiều người khác cũng phê phán như vậy. Có lẽ họ cũng muốn hàn gắn lại mối quan hệ. Vâng, một số người thật sự muốn có lại một niềm tin mới vào các tờ báo, đài phát thanh và truyền hình. Nhưng nhiều người lại lên tiếng rõ ràng rằng “báo chí dối trá”. Họ tin vào truyền hình Nga hơn là tin bản tin Tagesschau (chương trình thời sự của đài truyền hình công cộng số 1 ARD của CHLB Đức - ND)”.
Sang ngày 11-6-2016, trang mạng của Đài phát thanh Đức đăng tiếp bài Sự quay lưng nguy hiểm đối với phương tiện truyền thông, trong đó cho rằng: “Thực tế nhiều người quay lưng lại với các phương tiện truyền thông và tìm kiếm qua nguồn riêng của họ, là một sự tha hóa nghiêm trọng với nền dân chủ… Chúng ta nên phản ánh một cách khách quan nhất về hiện thực xã hội và chính trị. Nhưng chúng ta thường, hay quá thường xuyên bị mắc kẹt trong thế giới riêng của mình và thậm chí cả trong những định kiến riêng của chúng ta...”…
Với Việt Nam, “người mù một mắt” - khái niệm mà các học giả phương Tây dùng đặt tên cho cách thức làm việc của RSF, đã được sử dụng làm phương pháp duy nhất để khảo sát, đánh giá. Hoàn toàn không quan tâm đến sự phát triển phong phú và đa dạng của hệ thống truyền thông ở Việt Nam cùng đội ngũ phóng viên hàng chục nghìn người; RSF chỉ làm việc duy nhất là liên tục vu cáo, trao “giải phóng viên vỉa hè”, “giải công dân mạng”,… cho một số người không hoạt động báo chí trong khuôn khổ pháp luật, không làm việc vì ích lợi đất nước mà hằng ngày lên internet xuyên tạc, bịa đặt, vu khống,… chính quyền, trong đó một số người có hành vi vi phạm pháp luật đã bị Tòa án nhân dân xét xử và tuyên phạt án tù! Thái độ, hành xử đó cho thấy tôn chỉ “bảo vệ tính mạng, danh dự, tài sản,… của các nhà báo trên toàn thế giới, đặc biệt các nhà báo đang tác nghiệp tại những vùng chiến sự, hỗ trợ cho các cơ quan báo chí về tài chính, trang thiết bị kỹ thuật” chỉ là chiêu bài RSF dựng lên, nấp vào đó để bịa đặt, đổi trắng thay đen, bóp méo tình hình tự do báo chí ở một số quốc gia, đồng thời bảo vệ một số quốc gia mà RSF cần phải bảo vệ, như một blogger người Việt Nam nhận xét rằng: đó là “những kẻ đội lốt hoạt động báo chí để xâm phạm an ninh quốc gia của các quốc gia… Những cáo buộc RSF đưa ra với Việt Nam và một số quốc gia khác là xuất phát từ những động cơ chính trị xấu của các thế lực đen tối đang nắm quyền ở RSF, bất chấp các thành tựu về tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền, cũng như tốc độ phát triển của internet ở Việt Nam những năm qua”.
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 2-8-2016.
|
NGỌC DUNG |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét