Gần đây, hiện tượng viết và đăng tải các thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, xâm phạm đời tư của người khác, hoặc quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa,... của một số nhà báo và địa chỉ truyền thông đã ảnh hưởng tới sinh kế của nhiều người dân, khiến không ít bạn đọc hoang mang, suy giảm niềm tin đối với báo chí. Theo Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), những sai phạm như vậy sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
|
Trước diễn biến ngày càng phức tạp trong lĩnh vực truyền thông, Luật Báo chí năm 2016 đã kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều khoản mới (như tăng thêm 25 Điều, có 32 Điều xây dựng mới, 29 Điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành), từ đó xây dựng mối tương thích với các luật liên quan, bảo đảm tính khả thi trong thực tế. Như các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí được quy định chi tiết, cụ thể tại Điều 9 (Các hành vi bị nghiêm cấm). Đáng chú ý, tại các khoản 6, 7, 8, 9, 10 Điều 9 đã bổ sung một số hành vi bị cấm, cụ thể: “6. Thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng; 7. Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; 8. Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án; 9. Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; 10. In, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính”.
Cần khẳng định rằng, Luật Báo chí năm 2016 đã kịp thời nắm bắt sự phát triển các loại hình báo chí, nhất là báo điện tử được đề cập rất cụ thể, từ đó đề ra biện pháp xử lý vi phạm triệt để hơn, như: Ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát; cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm. Bên cạnh cải chính, xin lỗi công khai, tùy mức độ vi phạm, các cơ quan báo chí còn có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Xét từ thực tế hoạt động báo chí, các quy định nêu trên là hết sức cần thiết, vì các năm gần đây, việc vi phạm các quy định này có chiều hướng gia tăng, và ảnh hưởng, tác động tiêu cực tới xã hội nói chung, và tới người liên quan nói riêng. Thí dụ gần đây là cuối tháng 4-2016, người dân Hà Nội đã không khỏi hoang mang trước thông tin đăng trên một số tờ báo về việc phát hiện có thủy ngân bay lơ lửng trong không khí. Chỉ căn cứ vào số liệu từ một đại sứ quán cung cấp về chỉ số chất lượng không khí hằng ngày (AQI) đạt mức 388 điểm (mức nguy hiểm) mà các báo này đã so sánh mức độ ô nhiễm ở Hà Nội với thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới là Bắc Kinh (chỉ số AQI: 119 đến 430) và kết luận mức độ ô nhiễm của Hà Nội thậm chí còn cao hơn Bắc Kinh! Thông tin nêu trên lập tức lan truyền trên mạng, gây bấn loạn không nhỏ trong đời sống cư dân, vì thủy ngân là chất cực độc, có thể dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa, gây tác hại lên hệ thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, làm suy giảm trí nhớ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Trên một số diễn đàn, nhiều người đã bày tỏ nỗi lo âu, sợ hãi, đồng thời nảy sinh tâm lý không dám đi ra đường. Thậm chí có người còn liên hệ việc mình bị viêm họng, viêm mũi, viêm mắt lâu ngày không khỏi là do tác động từ thủy ngân trong không khí! Có độc giả chia sẻ: “Tôi cảm thấy hoang mang và lo sợ cho những đứa con của tôi, những đứa trẻ sẽ là tương lai sau này, bởi tôi thật sự không biết phải làm gì để có thể bảo vệ được chúng trước những thứ độc ấy, khi mà đến nay ngay cả việc hít thở thôi cũng có thể làm hại đến chúng thì tôi thật sự bất lực, bất lực hoàn toàn”. Tuy nhiên, đây lại là thông tin không chính xác. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Dương Tùng khẳng định, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là có, nhưng đài quan trắc của đại sứ quán nọ chỉ đặt ở một địa điểm rồi lấy số liệu để đánh giá cả TP Hà Nội là không chính xác. Ông Hoàng Dương Tùng cho biết, thủy ngân trong không khí là vấn đề mới, có tính toàn cầu, do đó phải xác định ở Hà Nội có hay không, nguyên nhân từ đâu, biện pháp xử lý như thế nào. Việc một số báo đưa tin vội vã, thiếu kiểm chứng và không tham vấn giới chuyên môn cho thấy sự không tôn trọng độc giả, dẫn đến phản ứng cực đoan của cộng đồng.
Trong khi cư dân Hà Nội chưa hết lo lắng trước thông tin không khí có thủy ngân thì tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hộ dân trồng xoài lại rơi vào cảnh lao đao do một số báo đưa tin xoài tại đây đang sử dụng túi bao trái xoài có in chữ “Taiwan” có xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc) bị nhiễm chất độc hại. Hậu quả là thị trường tiêu thụ xoài sụt giảm, giá xoài rớt xuống chỉ còn một nửa nhưng người trồng vẫn phải chật vật mới tìm được đầu ra, bị thương lái ép giá, thiệt hại kinh tế rất lớn. Những tờ báo đưa thông tin thiếu kiểm chứng này đã không tìm hiểu để biết rằng, kỹ thuật bao trái là biện pháp giúp trái cây không bị tổn thương phần vỏ, giảm tỷ lệ bệnh, giảm tác động của côn trùng và chim, hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây, nhờ đó trái cây an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Muốn thâm nhập vào thị trường các nước, bao trái là một quy trình bắt buộc. Tuy nhiên, chỉ mới phát hiện việc “lạ” mà phóng viên đã vội đưa tin, gây tâm lý bất an trong dư luận và ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế người dân. Và chỉ vài bài báo đưa tin cẩu thả như vậy đã khiến người trồng xoài ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại hàng tỷ đồng. Dù sau đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố kết quả kiểm định cho thấy không có hóa chất độc hại trong mẫu túi bao trái xoài mà nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã sử dụng, nhưng ai sẽ bù đắp tổn thất mà họ phải gánh chịu? Chưa kể, thông tin bất lợi đăng tải có thể khiến đối tác nước ngoài dừng thu mua xoài, cánh cửa xuất khẩu vừa khơi thông cho người nông dân sẽ bị đóng lại một cách oan uổng...
Những hậu quả, đôi khi đẩy người dân rơi vào thảm cảnh từ thông tin thiếu kiểm chứng, vô trách nhiệm do một số tờ báo gây ra dường như không còn là chuyện “hiếm có khó tìm” trên hệ thống truyền thông. Có thể điểm qua một số sự việc tiêu biểu: Tin mít non nhúng thuốc cho nhanh chín khiến các nhà vườn ở đồng bằng sông Cửu Long rơi vào cảnh lao đao, kiệt quệ; đậu tương gây ung thư, vô sinh làm người dân ở Hải Châu, Hải Hòa, Hải Triều, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu - Nam Định) vốn vẫn trông vào cây đậu tương để “xóa đói giảm nghèo” nay lại có nguy cơ “tái nghèo”; tin hàu nuôi tại vùng đầm Lập An (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) bị nhiễm chất độc từ lốp cao-su, có thể gây ung thư khiến ngư dân nơi đây cũng bị một phen khốn đốn... Đó là thái độ vô trách nhiệm của một số tờ báo hoàn toàn không cân nhắc hậu quả việc đưa tin. Liệu có phải muốn chạy theo việc tăng view (lượng truy cập) cho nên tình trạng đưa tin ẩu, tin sai, thậm chí đăng tải cả tin phản cảm, nhảm nhí gây hoang mang dư luận có chiều hướng gia tăng, nhất là trên các trang báo điện tử? Không những vậy, những đề tài có tính giật gân, câu khách cũng đã được một số tờ báo triệt để khai thác. Như khoảng 10 năm trước, chỉ căn cứ vào trải nghiệm mang tính cá nhân của một số người từ đó đưa ra những suy luận, gán ghép thiếu căn cứ đã khiến dư luận một phen rúng động vì những câu chuyện mang màu sắc kỳ bí, gây ra nỗi ám ảnh về sự chết chóc, một tờ báo đăng loạt bài “Thánh vật ở sông Tô Lịch”. Cuối năm 2014, loạt bài về vụ “thi thể bị chặt làm ba khúc vứt ven đường” tại TP Hồ Chí Minh được một số báo đăng tải cũng khiến nhiều độc giả kinh sợ. Tuy nhiên, theo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông các bài viết này đã đưa thông tin không chính xác. Gần đây, hẳn bạn đọc vẫn chưa quên bài “Gái miền Tây và 3 chữ “N” nổi danh thiên hạ” mang nặng tính xúc phạm, miệt thị vùng miền với các bình luận méo mó do một trang báo điện tử đăng tải đã gây phẫn nộ trong cộng đồng. Hay một số tờ báo chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả đã cho đăng những bài viết bới móc đời tư của người nổi tiếng, triệt để khai thác các vụ án giết người, tai nạn thảm khốc qua việc mô tả tỉ mỉ, chi tiết từ hiện trường, diễn biến đến tình trạng của nạn nhân. Đáng chú ý, trong khi đưa tin về vụ án, thay vì chờ tòa án xét xử, luận tội và kết án, một số nhà báo “hồn nhiên” (?!) suy diễn cảm tính và áp đặt bản án cho người liên quan. Điều này dễ dẫn đến việc đưa tin sai, thiếu khách quan và vi phạm pháp luật. Bức xúc trước các thông tin giật giân, “câu khách” luôn xuất hiện với tần suất dày đặc trên trang chủ một số tờ báo, trang tin điện tử, có độc giả đã thẳng thắn bày tỏ: “Rất mong các cơ quan chức năng hành động quyết liệt để loại bỏ những văn hóa rẻ tiền và độc hại ra khỏi xã hội, để người dân có được cuộc sống yên lành và văn hóa. Những thông tin thất thiệt, thiếu chính xác không chỉ làm nhiều người dân lâm vào cảnh khốn cùng, mà còn khiến cho không ít công chúng, độc giả thất vọng, mất lòng tin vào những người làm báo”. Thiết nghĩ, mỗi người làm báo cần tự vấn trước các ý kiến như vậy của bạn đọc.
Vì những sai phạm trong việc đăng tải thông tin luật pháp nghiêm cấm, một số tờ báo và phóng viên đã phải nhận hình thức xử phạt, như: Phạt tiền, thu hồi thẻ nhà báo, đình bản, thậm chí bị truy tố hình sự,… Hy vọng trước mắt và sau khi Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực, mỗi nhà báo sẽ tiếp tục tự nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để không chỉ góp phần nâng cao chất lượng báo chí, mà còn lấy lại niềm tin của bạn đọc.
|
THÀNH NAM |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét