Sự bùng phát các chương trình biểu diễn trực tiếp (liveshow) ca nhạc cá nhân đã tạo ra sân chơi bình đẳng cho nghệ sĩ, dù đã thành danh hay mới nổi trong làng giải trí. Tuy nhiên, sự kém mặn mà của công chúng với một số liveshow ca nhạc gần đây lại đặt ra câu hỏi: Phải chăng vì chạy theo số lượng để PR mà thiếu đầu tư về chất lượng nghệ thuật đã khiến một số chương trình gây thất vọng trong công chúng?
|
Đầu tư 12 tỷ đồng cho một liveshow ca nhạc - thông tin này hẳn sẽ khiến không ít người hoài nghi. Một chương trình giải trí chẳng nhẽ lại tốn kém đến mức như vậy? Liệu có nhất thiết phải chi phí nhiều như thế cho một vài đêm diễn? Dù ý kiến khác nhau thì thực tế 12 tỷ đồng là số tiền mới được một ca sĩ bỏ ra để thực hiện liveshow của mình, với ba đêm diễn tổ chức vào tháng 10 vừa qua. Xét theo thời gian, có thể nói mở đầu cho trào lưu tổ chức liveshow tiền tỷ này chính là chương trình đình đám diễn ra năm 2004 của một ca sĩ - người đang được mến mộ khi đó, đã mạnh tay chi ba tỷ đồng thực hiện liveshow riêng. Chương trình tốn kém này đem tới cho công chúng nhiều kỹ xảo sân khấu hiện đại, hấp dẫn người xem. Từ đó, nhất là 5 năm trở lại đây, liveshow cá nhân ngày càng nở rộ, và việc nghệ sĩ bỏ ra một vài tỷ đồng làm một chương trình ca nhạc không còn là chuyện lạ. Năm 2014, liveshow của một nữ nghệ sĩ được mệnh danh là “nữ hoàng giải trí” được đầu tư năm tỷ đồng. Với số tiền đó, ca sĩ đã đầu tư mạnh tay như: Huy động hơn 100 người chỉ để tháo lắp sân khấu trong ít phút chuyển cảnh, các bộ trang phục biểu diễn của ca sĩ giá hàng trăm triệu đồng. Năm 2015, đánh dấu chặng đường hoạt động nghệ thuật 20 năm của mình, một nam ca sĩ cũng bỏ ra sáu tỷ đồng làm liveshow, trong đó riêng phần trang phục biểu diễn lên đến 700 bộ cho hơn 20 tiết mục biểu diễn! Tuy nhiên, như trình bày ở trên, đến thời điểm này, số tiền kỷ lục làm một liveshow là 12 tỷ đồng. Vậy có gì đặc biệt trong đêm diễn mà tiền đầu tư lại lớn như vậy? Đó là sự công phu từ sân khấu đến các tiết mục biểu diễn với kỹ thuật hiện đại, kỹ xảo cầu kỳ; bên cạnh nhân vật chính là ca sĩ, chương trình còn huy động một lực lượng phụ trợ đông tới 180 vũ công, 600 nhân lực! Đó là sự đa dạng, xa hoa của 200 trang phục biểu diễn. Chính ca sĩ - chủ nhân đêm diễn, cũng thừa nhận phải làm chương trình cho thật “diêm dúa, màu mè"! Tuy đầu tư nhiều tiền, nhưng đêm diễn bị nhận xét là rắc rối và sặc sỡ với những bộ trang phục quá nhiều lông vũ, hạt châu, kim tuyến, nhiều bối cảnh được dàn dựng dường như lại không liên quan đến nhau,...
Mỗi ca sĩ, khi đã dấn thân vào nghề đều ước mong ra được MV (music video - video ca nhạc), được tham gia chương trình lớn và xa hơn là tổ chức được liveshow của riêng mình như là để khẳng định chỗ đứng trong làng giải trí. Vì vậy, không ít người sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền làm các đêm biểu diễn tôn vinh bản thân, khẳng định đẳng cấp, đồng thời thu hút công chúng. Liệu có phải lúc nào ca sĩ cũng đạt được ý nguyện hay không? Thực tế hiện nay không ít liveshow rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khách. Nguyên nhân thì có nhiều: Sự bão hòa các chương trình giải trí trên truyền hình khiến công chúng dần kém hào hứng với các liveshow, giá vé của một số liveshow khá đắt (giá vé cao nhất tính đến thời điểm hiện nay lên tới 25 triệu đồng/vé, mức trung bình khoảng 1 đến 2 triệu đồng!); chất lượng các chương trình chưa thật tương xứng với số tiền mà người xem bỏ ra mua vé... Như đạo diễn Trần Vi Mỹ, người đã tham gia dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật chia sẻ: “Hiện nay có quá nhiều sô ca nhạc được truyền hình trực tiếp, phần nào ảnh hưởng đến các chương trình nghệ thuật, liveshow hoành tráng. Thị phần lúc này đã bị chia cắt rõ rệt. Thử hỏi nếu phải bỏ tiền xem liveshow thật hay, đầu tư hoành tráng và một sô trực tiếp không mất tiền thì số đông khán giả chọn phần nào? Phần lớn họ chọn miễn phí. Những sô ca nhạc nghiêm túc giờ có phần ít đi. Một số nơi buộc phải làm là vì muốn giữ thương hiệu, hoặc ca sĩ (có thực lực) thực hiện vì kế hoạch quảng bá tên tuổi và vì khán giả riêng của họ”. Sự kém mặn mà của công chúng đối với liveshow khiến một số chương trình trở thành cuộc chơi tốn kém của nghệ sĩ. Chưa kể một số chương trình dù được đầu tư công phu, hoành tráng nhưng bản thân nghệ sĩ lại chưa chú trọng nhiều đến chất lượng giọng hát của mình, cũng như chưa quyết liệt trong việc đổi mới phong cách để đem sự mới mẻ, hấp dẫn đến với công chúng. Vì vậy, đôi khi sự xuất hiện, cố gắng biểu diễn của họ như chỉ là ăn theo “hào quang cũ”, khiến người xem thấy nhàm chán và thất vọng. Chưa kể thay vì chăm chút nâng cao chất lượng nghệ thuật, trong một số chương trình, để thu hút người xem, hoặc “chơi ngông”, có ca sĩ đã mang chiếc xe hơi mạ vàng trị giá lên tới 40 tỷ đồng lên sân khấu! Có chương trình đang tạo được ấn tượng tốt về chất lượng nghệ thuật cũng như việc sử dụng hiệu quả giàn nhạc giao hưởng, nhưng đến cuối chương trình lại muốn chọc cười khán giả bằng một bài hát thị trường hoàn toàn không ăn nhập, khiến đêm diễn có phần khập khiễng.
Theo dõi một số liveshow cá nhân tổ chức thời gian qua, không thể không đặt câu hỏi: Dường như xu hướng thỏa mãn phần nhìn của công chúng được chú trọng hơn phần nghe? Một số ca sĩ dù không thật nổi trội về tài năng nhưng vẫn làm liveshow cho “bằng chị bằng em”. Và để khỏa lấp chất giọng còn khá yếu của mình, họ buộc phải chuyển hướng đầu tư cho vũ đạo, trang phục, cũng như thực hiện một số chiêu trò “bất bình thường” khác trên sân khấu. Sau đêm diễn, ấn tượng đọng lại trong người xem đôi khi chỉ còn là bộ trang phục cầu kỳ hay những màn nhảy múa bốc lửa! Có chương trình dù được đầu tư đến sáu tỷ đồng nhưng lại khiến người xem thất vọng, thậm chí nghi ngờ số tiền ca sĩ bỏ ra bởi chất lượng đêm diễn hoàn toàn không tương xứng, như: Sân khấu quá sơ sài, chất lượng âm thanh, ánh sáng không bảo đảm, tiết mục múa minh họa thiếu thuyết phục,… khiến người xem phải đặt câu hỏi về tính chuyên nghiệp của liveshow. Rõ ràng là kể cả khi ca sĩ sẵn sàng chi nhiều tiền cho đêm diễn của mình, nhưng nếu chất lượng không đáp ứng được kỳ vọng của công chúng thì sự đầu tư bị xem như là “thua trắng”. Cá biệt, có chương trình dù sát ngày diễn buộc phải hủy số vé đã bán vì không đạt tới mức như kỳ vọng của ban tổ chức. Bên cạnh đó, có chương trình dù chất lượng tốt nhưng do diễn ở nơi quá xa khu dân cư, vào thời điểm ngày nghỉ lễ,… khiến cho việc lấp đầy 50% số ghế cũng khó khả thi.
Tốn kém, hiệu quả không như mong muốn, vậy tại sao không ít ca sĩ vẫn muốn làm liveshow? Tâm sự sau của một ca sĩ hẳn sẽ phần nào giải thích điều này: “Ngày nay, làm liveshow khá tốn kém nhưng ca sĩ vẫn phải làm, một phần để giữ gìn thương hiệu, tạo độ “hot” cho bản thân. Có như vậy nhiều bầu sô mới tin tưởng mời hát. Dù biết lỗ cũng làm liveshow để tồn tại trong nghề”! Hẳn là vì thế mà thậm chí có ca sĩ sẵn sàng làm liveshow không bán vé, nghĩa là số tiền đầu tư cho chương trình sẽ không thu lại được. Chương trình được coi như sự tri ân của nghệ sĩ với công chúng. Cũng phải nhìn nhận rằng, vẫn có các liveshow dù không đổ tiền tỷ vẫn thu hút đông đảo khán giả đến thưởng thức. Vì ở đó chỉ có tiếng hát của nghệ sĩ mới bảo đảm cho chất lượng đêm diễn và cho thấy giá trị nghệ thuật đích thực luôn được công chúng đón nhận. Ý thức được điều này, một ca sĩ trẻ tâm sự: “Xin khẳng định rằng, không phải khán giả quay lưng với sân khấu mà vì khán giả không tin tưởng vào chất lượng nghệ thuật. Phải biết kéo khán giả đến với sân khấu bằng sự đầu tư nghiêm túc cho một sô diễn". Hoặc một “bầu sô” khẳng định: “Không ít chương trình có nhiều "sao” tham gia nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Mỗi đơn vị tổ chức tốt nhất là cứ làm thật, làm tốt tự khắc khán giả sẽ đến”. Thiết nghĩ đó là quan niệm đúng đắn. Công chúng không quay lưng với nghệ thuật đích thực, nếu nghệ sĩ lao động nghệ thuật nghiêm túc để đáp ứng nhu cầu đó, nghệ sĩ vẫn sẽ được ghi nhận, mến mộ.
|
THÀNH NAM/ND |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét